Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

Phòng rôm sảy bằng hoa thiên lý

Hoa thiên lý còn gọi là dạ lý hương, dạ lài hương. Người ta đã phân tích thành phần dinh dưỡng có trong hoa thiên lý như chất xơ là 3%, chất đạm2,8%, và gồm chất bột đường, các vitamin như C, B1, B2, PP và tiền vitamin A (caroten), cùng các khoáng chất cần cho cơ thể như calcium, phospho, sắt, đặc biệt là kẽm (Zn) có hàm lượng khá cao.
Vì vậy cây thiên lý cả lá non, ngọn và hoa đều là thực phẩm quý có tác dụng bổ dưỡng giúp trẻ chóng lớn, lại giúp người già giảm được chứng phì đại tuyến tiền liệt, làm tăng cường sức đề kháng cho người sử dụng. Ngoài ra sự có mặt của chất kẽm còn có thể đẩy chì ra khỏi tinh dịch, chữa chứng vô sinh ở nam giới do nhiễm chì bởi thường xuyên tiếp xúc với vật liệu chứa chì như ắc quy, mực in, xăng pha chì, các động cơ có chì...
Phòng rôm sảy bằng hoa thiên lý
Đông y cho rằng hoa thiên lý có vị ngọt tính bình, giải nhiệt, chống rôm sảy, là một vị thuốc an thần, làm ngủ ngon giấc, tư bổ tâm, thận, bớt đi đái đêm, đỡ mệt mỏi đau lưng, có tính chống viêm và làm tan màng mộng, thúc đẩy chóng lên da non, được sử dụng trị liệu trong các chứng như viêm kết mạc cấp và mạn, viêm giác mạc và mờ đục màng mắt, viêm kết mạc do sởi, trị giun kim.
Sau đây xin giới thiệu cụ thể các phương thuốc từ cây hoa lý để có thể tự chọn lựa sử dụng sao cho phù hợp và hiệu quả.
Phòng rôm sảy ngày hè: Hằng ngày nấu canh hoa thiên lý ăn. Với trẻ có thể nghiền lá và hoa thiên lý ra nấu lẫn với bột khi cho trẻ ăn dặm.
Trị giun kim: Lấy lá thiên lý non nấu canh cho trẻ ăn liền từ 7-10 ngày sẽ hiệu quả.
Chữa lòi dom, sa dạ con: Lấy 1 nắm lá thiên lý rửa sạch, giã nát cho vào 5% muối ăn, vắt lấy nước cốt tẩm vào bông rịt vào hậu môn, hay âm hộ ngày thay 1-2 lần, sử dụng liền 5-7 ngày sẽ có tác dụng co dần phần dom hay dạ con lòi ra.
- Làm giảm đau mình mẩy, nhức xương cốt: Hằng ngày lấy hoa thiên lý xào với thịt bò hoặc chấm với muối vừng ăn sẽ tác dụng.
- Làm thư giãn sau các buổi làm việc căng thẳng, người khoan khoái, ngủ dễ ngon giấc, đỡ mệt mỏi, giảm tiểu đêm: Hằng ngày lấy hoa thiên lý nấu canh ăn.
Chữa đinh nhọt: Lấy lá cây thiên lý 30-50g giã nhỏ đắp vào chỗ mụn nhọt, ngày thay 1 lần, vài ba ngày sẽ khỏi.
Chữa đái buốt, đái ra máu, đái dắt, cặn trắng: Lấy rễ cây thiên lý từ 10-20g, sắc lấy nước uống 2-3 lần trong ngày.

Chú ý: Không ăn chung hoặc xào nấu cùng thiên lý với các thức ăn giàu chất sắt như gan, tiết, thịt nạc lợn, rau muống... vì chất sắt (Fe) có trong các loại thực phẩm này sẽ đẩy kẽm (Zn) ra khỏi cơ thể.

Kéo dài tuổi xuân bằng hà thủ ô

Ngày xưa, một anh chàng họ Hà có gia thất đã ngót chục năm, nhưng vẫn chưa có được mụn con nào. Anh ta người gầy khô, tóc bạc trắng, hay cáu gắt, đêm đêm thường mất ngủ và mộng mị. Một hôm, anh vào rừng thấy những dây leo rất lạ, lá hình trái tim, màu nâu nhạt hay tím nhạt, ôm lấy thân; cành lá quấn với nhau rồi lại tách xa nhưng lại tìm đến nhau quấn lại như trước. Anh lấy cành lá này nấu nước uống. Sau một thời gian thấy giảm tính cáu gắt, ngủ được và chứng mộng mị mất đi. Anh ta đào cây về trồng, nhưng rễ của chúng là những củ màu nâu tím, anh lại lấy cả củ để uống. Sau một thời gian, tóc đương trắng hóa đen, da dẻ đã mịn màng, người như trẻ lại, anh ta được lên chức bố. Người họ Hà rất thọ, có con đàn cháu đống, có cháu, chắt, chút mới quy tiên. Người đời sau gọi cây thuốc này là Hà thủ ô(Người họ Hà có mái tóc đen như con quạ).
Kéo dài tuổi xuân bằng hà thủ ô
Chuyện kể về ông Điền Thi, một người sinh ra vốn yết ớt, đến 56 tuổi vẫn không vợ con. Ông ham theo các thầy học đạo ở trên núi. Một lần say rượu, ông nằm lại trên sườn núi, nhìn thấy hai dây leo cách nhau đến 3 thước (3 thước cổ tương đương 1 m) tìm đến nhau quấn chặt lại, lại rời nhau ra rồi lại quấn lấy nhau như trước. Ông lấy làm lạ, đào cả cây đem về hỏi mọi người, nhưng chẳng ai biết. Ông hỏi một ông già từ phương xa đến. Ông ta bảo: “Anh đã không có con, thứ cây này lại có sự lại kỳ lạ như vậy, có lẽ là vị thuốc thần tiên gửi tặng nên đem mà sắc uống”. Điền Thi nghe lời, đem củ tán bột, ngày uống 1 đồng cân, uống 1 tuần đã cảm thấy ham muốn tình dục. Uống vài tháng thấy người khỏe mạnh như thường. Uống suốt 1 năm với liều gấp đôi, các bệnh tật đều khỏi, tóc đương trắng hóa đen, trong khoảng 10 năm sinh hạ vài con trai. Ông sống thọ đến 160 tuổi. Con trai là Điền Tú cũng uống thuốc này sống thọ 130 tuổi mà tóc vẫn còn đen. Con trai Điền Tú là Thủ Ô kể đơn thuốc gia truyền này với bạn thân là Lý An Kỳ, người này dùng thuốc cũng sống rất thọ và thuật lại chuyện trên.
Rất dễ nhầm lẫn giữa hà thủ ô trắng với dây càng cua (ảnh).
Rất dễ nhầm lẫn giữa hà thủ ô trắng với dây càng cua (ảnh).
Truyện kể rằng: người đời sau biết chuyện, tìm cho mình cây thuốc quý và uống với liều cao hơn để mau tìm bản lĩnh đàn ông cho mình; nhưng bản lĩnh chưa thấy đâu mà mỗi ngày anh đi đại tiện 3 dến 4 lần, phân rơi ra khỏi hậu môn tròn như phân dê, nhưng rơi xuống lại nát bét, người cảm thấy nóng nực mà tóc thì xơ rụng. Trong lúc đi đại tiện, anh chợt nhìn thấy các hạt đỗ đen tròn cứng dưới các luống đỗ bèn thu hạt nấu lấy nước uống thấy người mát mẻ, đại tiện bình thường mà bản lĩnh đàn ông thấy rõ; nên sau này mới có cách chế biến Hà thủ ô bằng nước đỗ đen mà chỉ y học cổ truyền phương đông mới có.
Chuyện kể lại như vậy, nhưng chẳng có ai xác nhận tính thực hư, chỉ biết rằng cây này có hai tên phổ biến là “Dạ giao đằng” do các dây cứ quấn lấy nhau, “Hà thủ ô” do người họ Hà dùng thuốc mà có tóc trắng trở lại đen như con quạ và xác định hà thủ ô có tác dụng làm thuốc bổ, chữa các bệnh về thần kinh, ích huyết, mạnh gân cốt, sống lâu, làm đen râu tóc.
Cây mác chim (ảnh) dễ bị nhầm là hà thủ ô trắng.
Cây mác chim (ảnh) dễ bị nhầm là hà thủ ô trắng.
Y học cổ truyền phương đông xác định: Củ hà thủ ô có vị đắng ngọt chát, tính hơi ôn. Đắng liên quan đến lạnh, vị chát liên quan đến táo sáp mới dẫn đến đại tiện đi nhiều lần, phân vừa táo vừa nát như vậy. Đó là tác dụng không mong muốn; do đó, y học cổ truyền thường dùng hà thủ ô chế.
Củ hà thủ ô được rửa sạch, cạo bớt phần vỏ đen bên ngoài; ngâm với nước gạo 24 giờ. Sau đó thái miếng, loại bỏ lõi, chưng cách thủy với nước đậu đen (Cứ 1kg hà thủ ô cần 100g đến 300g đậu đen). Đêm chưng nấu, ngày đem ra phơi và tẩm lại nước đỗ đen còn trong nồi nấu (sái). Nếu chưng và sái được 9 lần thì tuyệt nhất. Cách làm trên làm giảm bớt độc tính, tăng sức bổ và đưa thuốc vào thận. Vị thuốc như miếng gan khô, vị ngọt hơi đắng chát.
Khoa học hiện đại xác định: Hà thủ ô sống chứa khoảng 7,68% tanin; 0,259% dẫn chất antraqinon tự do; 0,805% các antraglycozid. Sau khi chế biến như trên, dược liệu còn chứa 3,8% tanin; 0,113% các chất antraquinon tự do; 0,25% các antraglycozid và nhiều chất khác.
Tanin là chất có tác dụng săn se, chất cố sáp, có tác dụng cầm ỉa chảy; các antraglycozid là những chất có tác dụng nhuận tràng, thông tiện, thường dùng với những người bị táo bón kinh niên. Không phải có tanin là có tác dụng săn se; có antraglycozid là có tác dụng nhuận tràng thông tiện. Chúng cũng có liều tác dụng như các chất thuốc khác nên người dùng liều cao hà thủ ô chưa chế để tìm bản lĩnh của mình, vô hình chung đã dùng với liều có tác dụng của 2 chất trên (tác dụng không mong muốn). Chế biến theo y học cổ truyền phương đông làm giảm đến một nửa các chất trên nên ở liều cao cũng khá an toàn.
Thân leo và lá của cây hà thủ ô được gọi là ‘Dạ giao đằng” (Herba Fallopiae multiflorae). Dạ giao đằng có vị ngọt, tính bình. Có tác dụng dưỡng tâm, an thần, dưỡng huyết, hoạt lạc. Dùng trị chứng thần kinh suy nhược, thiếu máu, đau mỏi toàn thân. . Liều dùng Dạ giao đằng: 12g đến 30g.
Rễ củ gọi là Hà thủ ô (Radix Fallopiae multiflorae). Vị đắng ngọt chát, tính hơi ôn. Vào các kinh can và thận. Tác dụng bổ can thận, dưỡng huyết bổ âm giải độc, nhuận tràng thông tiện. Dùng cho các trường hợp can thận âm hư, huyết hư, đau đầu hoa mắt chóng mặt, đau lưng mỏi gối ù tai điếc tai, râu tóc bạc sớm, di tinh, huyết trắng, táo bón, hội chứng lỵ mạn tính, trĩ xuất huyết, sốt rét, lao hạch, bệnh mạch vành, tăng huyết áp, tăng mỡ máu, xơ vữa động mạch.
Liều dùng: 12g đến 60g. Bổ huyết thì dùng hà thủ ô (chế); nhuận tràng thông tiện thì dùng hà thủ ô sống.
Kéo dài tuổi xuân bằng hà thủ ô
Những bài thuốc có dùng hà thủ ô:
Bài 1: dạ giao đằng (dây leo và lá hà thủ ô) 12g, đan sâm 12g, trân châu mẫu 60g. Sắc uống. Ngày uống 1 thang. Trị chứng buồn bực, mất ngủ, mộng mị.
Bài 2: Hà thủ ô (chế) 12g, bắc sa sâm 12g, quy bản 12g, long cốt 12g, bạch thược 12g. Sắc uống. Bổ huyết, an thần: dùng trong trường hợp huyết hư, lo lắng, mất ngủ, âm hư, huyết khô, râu tóc bạc sớm.
Bài 3: Thất bảo mỹ nhiệm đơn: hà thủ ô (chế) 20g, bạch linh 12g, ngưu tất 12g, đương quy 12g, Thỏ ty tử 12g, Phá cố chỉ 12g, câu kỷ tử 12g. Tán thành bột mịn, luyện với mật làm hoàn. Ngày 2 lần, mỗi lần uống 12g, chiêu bằng nước muối loãng. Thuốc ích thận, cố tinh: dùng khi gan thận đều yếu, lưng và đầu gối đau nhức buốt, phụ nữ khí hư, di tinh.
Bài 4: Thủ ô hợp tễ: hà thủ ô (chế) 12g, sinh địa 12g, huyền sâm 12g, bạch thược 12g, hạn liên thảo 12g, sa uyển tật lê 12 g, hy thiêm thảo 12g, tang ký sinh 12g, ngưu tất 12g. Sắc uống. Công dụng: thuốc dưỡng can, định nuy. Dùng khi thiếu máu, tăng huyết áp, đầu váng, mắt hoa, chân tay tê cứng.
Bài 5: Trường hợp sốt rét lâu ngày hại đến chân âm, sốt li bì triền miên dùng hai bài thuốc sau:
- Hà thủ ô (tươi) 60g, sài hồ 12g, đậu đen 20g. Sắc với nước, đem phơi sương 1 đêm, sáng hôm sau hâm lại mà uống.
- Hoặc Hà nhân ẩm: hà thủ ô (chế) 16g, đảng sâm 12g, đương quy 12g, trần bì 12g, gừng lùi 12g. Sắc uống.
Bài 6: Hà thủ ô (tươi) 30g – 60g. Sắc uống. Công dụng: nhuận trường, thông tiện. Trị các chứng huyết hư, tân dịch khô nên đại tiện bí.
Ngoài ra, hà thủ ô uống hàng ngày có thể chữa chứng tinh trùng yếu, tinh loãng.
Phối hợp với tang ký sinh, nữ trinh tử để chữa tăng huyết áp do huyết quản xơ cứng ở người già.
Ở Việt Nam, ngoài hà thủ ô đỏ, còn dùng rễ của cây hà thủ ô trắng (dây sữa bò, hà thủ ô nam) (Streptocaulon juventas (Lour.) Merr.), thuộc họ thiên lý (Asplepiadaceae), dùng thay hà thủ ô đỏ làm thuốc bổ máu, nhưng chưa có tài liệu nghiên cứu chi tiết. Theo kinh nghiệm dân gian, vị thuốc này có tác dụng chữa cảm sốt, cảm nắng, sốt rét, phụ nữ sau đẻ không có sữa thì uống để ra sữa.
Lưu ý: Khi thu hái hà thủ ô trắng cần hết sức tránh nhầm với dây càng cua (Cryptolepis buchanani Roem. Et Schult.), thuộc họ Thiên lý (Asclepiadaceae); cây mác chim (Amalocalyx microlobus Pierre ex Spire.), thuộc họ trúc đào (Apocynaceae); các cây này đều là cây có độc.

Kiêng kỵ: Người đàm thấp, tỳ hư, đại tiện lỏng không được dùng


Thông tia sữa bằng gai bồ kết

Nuôi con bằng sữa mẹ là thiên chức cũng là niềm hạnh phúc của những phụ nữ làm mẹ. Khoa học hiện đại đã chứng minh, sữa mẹ là thức ăn lý tưởng nhất cho trẻ em. Đối với trẻ con, sữa mẹ cung cấp đầy đủ các dưỡng chất, kháng thể và các hoóc-môn tăng trưởng khác, giúp cho trẻ mau lớn và đề kháng tốt với các tác nhân bất lợi cho sức khỏe. Đối với người mẹ, cho con bú là quá trình để người mẹ thể hiện tình yêu thương với đứa con, cũng như giúp thiết lập một sợi dây tình cảm bền chặt về sau. Cho con bú còn giúp cho cơ thể người mẹ mau chóng phục hồi sau quá trình mang thai và sinh nở, như: giúp cho thời gian co hồi tử cung được rút ngắn, sản dịch mau hết, đốt cháy lượng mỡ dự trữ để biến thành sữa nuôi con, qua đó lấy lại được phần nào vóc dáng ban đầu.
Thông tia sữa bằng gai bồ kết
Cho con bú là quá trình để người mẹ thể hiện tình yêu thương với đứa con
Tuy nhiên, sau khi sinh nở, vì nhiều lý do khác nhau, nhiều chị em gặp phải rắc rối, khi không thể cho con mình bú như ý muốn. Có chị em tuy quá trình sản xuất sữa vẫn diễn ra bình thường, nhưng tia sữa bị tắc, khiến sữa không tiết ra bình thường, điều này khiến cho đứa bé bị đói sữa, còn người mẹ thì phải chịu đau đớn về thể xác lẫn tinh thần. Hoặc có chị em vì cơ địa hay do quá trình sinh nở cần sự can thiệp của ngoại khoa, khiến việc sinh nở không diễn ra theo quy luật tự nhiên, não không phát tín hiệu kích thích sản xuất và tiết sữa nuôi con, nên sau sinh 3 - 4 ngày, một tuần, thậm chí cả tháng vẫn chưa có sữa cho con bú. Tình trạng thiếu sữa sau sinh có thể xảy ra ở mọi bà mẹ, có thể gặp ở người gầy, cũng có thể gặp ở người béo; có thể gặp ở phụ nữ sinh lần đầu nhưng cũng có thể gặp ở những người đã sinh lần hai hoặc hơn; có người mất sữa ngay từ đầu, nhưng cũng có người đang có sữa bình thường thì đột nhiên mất sữa.
Thông tia sữa bằng gai bồ kết
Như đã nói ở trên, nếu người mẹ không thể nuôi dưỡng con mình bằng dòng sữa tự nhiên thì đó rõ ràng là một thiệt thòi lớn cho cả mẹ và bé. Nhiều bà mẹ khi đối mặt với tình trạng này đều cảm thấy rất căng thẳng, lo lắng, thậm chí có người trầm cảm vì họ nghĩ mình “vô dụng” khi không làm tròn thiên chức của người mẹ.
May thay, tạo hóa đã ban cho chúng ta rất nhiều những loài thảo dược quý để giải quyết chứng thiếu sữa này. Trong số đó, qua kinh nghiệm nhiều năm ứng dụng, chúng tôi thấy có một vị thuốc rất hiệu nghiệm, vừa gần gũi, dễ tìm lại rất rẻ, an toàn khi sử dụng cho cả mẹ và bé. Vị thuốc đó chính là gai của cây bồ kết, còn gọi là tạo giác thích (tên gọi khoa học là Spina Gleditsiae). Ở nước ta, người ta trồng cây bồ kết ở khắp các miền, vừa làm hàng rào, vừa dùng quả để tắm gội, xông nhà và nhiều mục đích khác. Cây bồ kết có gai rất đáng sợ, nên người ta thường trồng cạnh hàng rào để bảo vệ vườn tược. Trong Đông y, gai của cây bồ kết được cho là có công dụng tiêu độc, hoạt huyết tiêu thũng, bài nùng, trừ đàm thấp. Người ta đã xác định được trong gai bồ kết có gleditsia saponin B-G, axít palmitic, axít béo và nonacosane. Vị thuốc này chống chỉ định cho phụ nữ đang mang thai, nhưng dùng trị tắc tia sữa hoặc không có sữa sau khi sinh thì rất tốt.
Gai bồ kết được lấy về khi còn tươi, tức là lấy gai đang sống trên thân cây, băm nhỏ phơi khô là có thể dùng được. Có thể dùng độc vị hoặc kết hợp với các vị thuốc khác để tăng tác dụng, tuy nhiên theo chúng tôi thì nên kết hợp thêm các vị khác, vì cơ thể phụ nữ sau sinh thường khí huyết đều sẽ kém. Nếu dùng độc vị thì dùng gai bồ kết 12g sắc nước uống trong ngày. Kết quả theo dõi qua nhiều năm cho thấy, hiệu quả của bài thuốc sẽ thể hiện rõ sau từ 1 - 3 ngày dùng. Nhưng cũng có trường hợp, bệnh nhân vừa thấy có sữa thì tự ý ngưng dùng thuốc, vì sợ ảnh hưởng đến em bé, nên sau một thời gian ngắn lại tái phát. Vậy ở đây chúng tôi cho rằng nên duy trì dùng từ 10 - 15 ngày. Bài thuốc này không chỉ giúp thông tia sữa, kích thích tạo sữa, giúp bà mẹ có đủ sữa cho con bú, mà còn giúp trục nhanh sản dịch sau sinh. Nhờ đó, bụng sản phụ được nhu nhuận mềm mại, tử cung co hồi nhanh, sắc da tươi nhuận.
Ngoài ra, bài thuốc này còn giúp phụ nữ sau sinh khắc phục được tình trạng táo bón hay tiểu tiện khó. Khi kê toa, chúng tôi thường kết hợp thêm tô mộc (10g), hỗ trượng căn (10g) và vũ dư lương (10g), thì thấy hiệu quả của bài thuốc tăng thêm rõ rệt. Đây đều là những vị thuốc có tác dụng hoạt huyết chỉ thống, thông kinh giảm đau, thanh nhiệt, sát trùng, cầm máu. Giúp cho khí huyết lưu thông tốt, giảm căng thẳng, cũng như nâng cao thể trạng, tránh các bệnh viêm nhiễm cơ hội tấn công.

Có thể trên thực tế còn rất nhiều bài thuốc khác hiệu nghiệm không thua kém, nhưng với đặc điểm dễ tìm, dễ sử dụng, giá rẻ, lại an toàn, chúng tôi mong rằng bài thuốc này sẽ giúp được cho nhiều bà mẹ cũng như thân nhân của các bạn hữu gần xa.


Sắn dây chữa cảm sốt

Sắn dây là loại thức uống dân dã và quen thuộc có tác dụng giải nhiệt rất tốt trong mùa hè. Ngoài làm thuốc chữa cảm nắng, sốt cao rất công hiệu, sắn dây còn có tác dụng trị nhiều bệnh.
Theo Đông y, sắn dây vị ngọt, cay, tính bình; vào các kinh tỳ và vị. Có tác dụng giải biểu thanh nhiệt, giải cơ thấu chẩn chỉ khát, sinh tân chỉ tả. Dùng cho các trường hợp cảm sốt đau đầu, đau cứng vùng đầu cổ vai, sốt nóng khát nước, lỵ, tiêu chảy, ban sởi mọc chậm không đều. Xin giới thiệu một số món ăn uống chữa bệnh từ sắn dây.
Sắn dây chữa cảm sốt
Củ sắn dây làm nước uống giải nhiệt, trị cảm nắng, tiêu chảy mạn tính...
Song cát thang: khổ qua (mướp đắng) tươi 150-200g, cát căn tươi 150-200g. Rửa sạch thái lát sắc hãm cho uống. Ngày 1 lần, đợt 2-3 ngày. Dùng cho người bị cảm mạo phong nhiệt đau đầu, sốt, vã mồ hôi, tắc ngạt mũi, đau sưng họng, viêm khí phế quản, ho có đờm vàng, các trường hợp sốt xuất huyết.
Cháo sắn dây gạo tẻ: bột sắn dây 30g, gạo tẻ 50g. Gạo ngâm nước 1 đêm, đem nấu cháo cùng với bột sắn, thêm chút muối hay đường để ăn. Món này rất tốt cho người tăng huyết áp, bệnh mạch vành, đái tháo đường týp II, tiêu chảy mạn tính do tỳ hư, còn làm thức ăn giải nhiệt giải khát khi nắng nóng mùa hè.
Nước ép sắn dây ngó sen: sắn dây tươi, ngó sen liều lượng như nhau, ép lấy nước cho uống. Dùng cho các trường hợp xuất huyết dưới da, rong kinh, rong huyết, chảy máu chân răng, niệu huyết, đại tiện xuất huyết.
Nước rau má sắn dây: rau má tươi 20-30g, bột sắn 10g. Rau má rửa sạch, giã nát, thêm 150-200ml nước sôi, để nguội gạn lấy nước; hòa bột sắn, thêm đường vừa uống. Làm nước giải khát, trị sốt, nhức đầu, mẩn ngứa, mụn nhọt, rôm sẩy, kiết lỵ ra máu.

Hoa sắn dây gọi là cát hoa có vị ngọt, tính bình. Có tác dụng giải ngộ độc rượu, chữa phiền khát, tràng phong hạ huyết (đại tiện ra máu).


Giảm đau bằng hoa tử hương

Tử hương thuộc họ Sim, còn có tên khác là đinh hương. Nụ hoa tử hương (bộ phận dùng chủ yếu của cây) được thu hái vào lúc nụ bắt đầu chuyển từ màu xanh sang màu hồng đỏ, để cả cuống hoặc ngắt bỏ, phơi âm can hoặc sấy nhẹ đến khô.
Nụ hoa tử hương phơi khô cho vị thuốc tử hương.
Nụ hoa tử hương phơi khô cho vị thuốc tử hương.
Theo Đông y, tử hương có vị cay, tê, mùi thơm mạnh, tính ấm, có tác dụng kích thích, làm thơm, ấm bụng, chống nôn, giảm đau, sát khuẩn, tiêu sưng... Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác trong những trường hợp sau:
Chữa phong thấp, đau xương, nhức mỏi, chân tay lạnh: tử hương 20g, long não 12g, cồn 90 độ 250ml. Ngâm 7 ngày đêm. Lọc bỏ bã. Khi dùng, lấy bông thấm thuốc bôi, rồi nắn bóp nơi đau nhức. Ngày làm 1-2 lần.
Chữa viêm mũi, khai thông đường thở: tinh dầu tử hương, tinh dầu bạch đàn, trần bì, hạt mùi, menthol, natri bicarbonate, acid citric, trộn đều, làm viên. Mỗi lần dùng 2-3g cho vào nước sôi rồi xông họng. Có thể ngậm.
Chữa sai khớp, bong gân: tử hương phối hợp với quế, gừng sống, dây đau xương, vỏ núc nác, hồi hương, vỏ sòi, lá canh châu, mủ xương rồng bà, lá náng, lá thầu dầu tía, lá kim cang, lá mua, huyết giác, hạt trấp, hạt máu chó, lá bưởi bung, lá tầm gửi cây khế (lượng các vị bằng nhau), giã nhỏ, sao nóng và chườm.
Chữa bệnh nội thương lâu ngày, sinh nấc nghẹn, nôn mửa, tức ngực, mạch chậm: tử hương 2-4g, tai hồng 10g, gừng 5 lát (đôi khi còn thêm trần bì, thanh bì và bán hạ, mỗi thứ 6g) sắc với 200ml nước còn 50ml uống trong ngày. Trong trường hợp nếu nóng nhiều thì giảm đinh hương, tăng tai hồng; ngược lại, nếu lạnh nhiều thì tăng đinh hương, giảm tai hồng.
Chữa đau bụng, rối loạn tiêu hóa, thổ tả: tử hương 2g, sa nhân 6g, bạch truật 12g, tán bột, uống mỗi lần 2-4g. Ngày 2-3 lần.

Chữa răng bị sưng, đau, sâu răng: tử hương giã nhỏ, ngâm với cồn, càng lâu càng tốt, rồi tẩm vào bông, đắp vào chỗ răng đau. Có thể phối hợp với xuyên tiêu (lượng bằng nhau) tán thành bột mịn cùng với ít băng phiến, rồi trộn với mật ong, bôi hàng ngày.


Bài thuốc hay chữa giun chui ống mật

Giun chui ống mật thuộc chứng “hồi quyết” của YHCT. Người bệnh có biểu hiện đột nhiên đau dữ dội vùng bụng trên, đau quặn nhói từng cơn, sau đó đau lan sang vùng vai và thắt lưng, không nằm yên, thường có động tác chổng mông lên trời, toàn thân lạnh, toát mồ hôi, chân tay lạnh, lợm giọng, buồn nôn, có khi nôn ra giun. Nếu bị bội nhiễm có thể sốt cao, miệng đắng, vàng da, rêu lưỡi mỏng hơi vàng, mạch huyền sác.
Bài thuốc hay chữa giun chui ống mật
Binh lang (hạt cau khô) và sử quân tử là hai vị trong bài thuốc sắc uống trị giun chui ống mật.
Binh lang (hạt cau khô) và sử quân tử là hai vị trong bài thuốc sắc uống trị giun chui ống mật.
Cách chữa theo Đông y là an hồi chỉ thống. Dùng một trong các bài thuốc:
Bài 1: xuyên tiêu phơi khô, tán bột. Không dùng cho trẻ dưới 10 tuổi. Mỗi lần uống 5g, ngày uống không quá 20g.
Bài 2: ô mai 5 quả, hoàng liên 8g, hoàng bá 12g, đảng sâm 12g, đương quy 12g, phụ tử chế 6 - 8g, quế chi 8g, xuyên tiêu 8g, can khương 8g, tế tân 1g. Nếu có nôn mửa, thêm trần bì 8g, bán hạ 8g; đau nhiều, thêm mộc hương 8g; táo bón thêm mang tiêu; vàng da thêm nhân trần 30g. Sắc uống hoặc tán bột làm viên.
Bài 3: ô mai 16g, sử quân tử 12g, binh lang 8g, mộc hương 8g, chỉ thực 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 4: Sử quân tử 15g, binh lang 15g, khổ luyện bì 10g, ô mai 20g, xuyên tiêu 10g, đại hoàng 15g, hạc sắt 10g, bạch thược 30g, nhân trần 10g, bồ công anh 10g, long đởm thảo 10g, dấm vừa đủ. Sắc thuốc xong, cho dấm vào khuấy đều cho uống, uống nóng.
Sau khi uống thuốc, hết các triệu chứng, uống 1 liều thuốc tẩy giun albendazolhoặc mebendazol...

Người mắc chứng giun chui ống mật, cứ 6 tháng đến 1 năm phải uống thuốc tẩy giun 1 lần.