Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Mẫu đơn bì lương huyết, giảm đau

Mẫu đơn có nguồn gốc từ Trung Quốc và Tây Tạng, được di thực vào nước ta trồng tại Sa Pa. Không chỉ là cây cảnh đẹp, mẫu đơn còn là dược liệu quý trong y học cổ truyền. Bộ phận dùng làm thuốc là vỏ rễ của cây mẫu đơn được trồng từ 3 - 5 năm (còn gọi mẫu đơn bì).
Theo Đông y, mẫu đơn có tính mát, vị cay ngọt đắng, chủ trị thanh nhiệt, mát huyết, tiêu ứ, hòa huyết, trị nhiệt vào phần huyết, phát ban, kinh giản, nôn, chảy máu cam, đại tiện ra máu, nóng trong xương, kinh bế, trưng hà, ung nhọt, lở loét, bị giập gãy xương, trúng phong co quắp, động kinh, đẹp nhan sắc, thông huyết mạch, tiêu máu ứ, trừ phong tý. Cách dùng: sắc uống 1 lần 10-12g hoặc làm hoàn, tán.
Mẫu đơn bì lương huyết, giảm đau 1
Cây mẫu đơn bì.
Cách dùng mẫu đơn bì làm thuốc
Trị thương hàn nhiệt độc phát lở loét như hạt đậu: mẫu đơn bì 10g, sơn chi tử 3g, hoàng cầm (bỏ lõi đen) 6g, đại hoàng sao 6g, ma hoàng (bỏ rễ và đốt) 6g. Tất cả tán nhỏ, mỗi lần dùng 5g sắc với 200ml nước, còn lại 100ml, bỏ bã, uống ấm.
Trị thương hàn và ôn bệnh, chảy máu cam, nôn ra máu không ngừng, mặt vàng, đại tiện phân đen: tê giác 40g, sinh địa 320g, bạch thược 120g, mẫu đơn bì 80g. Các vị cắt nhỏ, đổ 900ml nước sắc còn 300ml, chia uống 3 lần trong ngày.
Trị tăng huyết áp: mẫu đơn bì 60g, nước 400ml sắc còn 150ml, chia uống 3 lần trong ngày.
Trị viêm mũi dị ứng: mẫu đơn bì 100g, nước 300ml sắc còn 100ml, mỗi tối uống 50ml. Uống 10 ngày là một liệu trình.
Trị phụ nữ nóng trong xương, kinh mạch không thông, gầy yếu: mẫu đơn bì 60g, nhục quế 40g, mộc thông (cắt, sao) 40g, bạch thược 60g, miết giáp (nướng giấm) 80g, rễ khổ qua 60g, đào nhân 40g (bỏ vỏ, đầu nhọn, sao). Tất cả tán nhỏ. Mỗi lần lấy 5g nấu với 300ml nước còn 150ml, bỏ bã, chia 2 lần  uống ấm.
Trị trường ung, bụng dưới sưng bĩ, đau phát sốt, ra mồ hôi trộm, sợ lạnh, mạch trì khẩn: đại hoàng 160g, mẫu đơn bì 40g, đào nhân 50 hạt, mang tiêu 30g. Đổ 600ml nước sắc còn 150ml, bỏ bã, cho mang tiêu vào, đun sôi lại, uống nóng.
Trị vùng hạ bộ lở loét như hang, rãnh; vết đâm lở loét bên trong, không ra máu: mẫu đơn bì tán nhỏ, ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê.
Chữa bìu sa sệ, bên to bên nhỏ: mẫu đơn bì, phòng phong lượng bằng nhau, nghiền nhỏ. Mỗi lần uống 8g với rượu.
Kiêng kỵ: người huyết hư có lạnh, phụ nữ có thai, kinh nguyệt quá nhiều cẩn thận khi dùng. Người ra mồ hôi trộm nhiều hoặc vị khí hư lạnh, tướng hỏa suy không dùng.    
Lương y: Nguyễn Minh

Bài thuốc của Hải Thượng Lãn ông chữa đục thủy tinh thể

Ðục thủy tinh thể là bệnh về mắt phổ biến ở người cao tuổi. Nguyên nhân chính liên quan đến tuổi già, bệnh lý đái tháo đường, tăng huyết áp... Biểu hiện là người bệnh nhìn mờ, thị lực suy giảm. Theo y học cổ truyền, nguyên nhân do thận thủy không nuôi dưỡng được can mộc, can khai khiếu ở mắt. Hai tạng can thận hư suy nên mắt bị đục thủy tinh thể. Sau đây là một số bài thuốc của Hải Thượng Lãn Ông trị bệnh để bạn đọc tham khảo.
Bài thuốc của Hải Thượng Lãn ông chữa đục thủy tinh thể 1
 Hạt cối xay tán nhỏ, dồn vào gan lợn nướng khô tán bột uống thanh can, giúp sáng mắt.
Thuốc uống
Bài 1: hạt cây cối xay vừa đủ, tán nhỏ, gan lợn 1 cỗ khía ra dồn bột thuốc vào, nướng khô, tán bột, viên bằng hạt ngô, uống với nước cháo hoặc nước nóng ấm, mỗi lần 15 viên.
Bài 2: hoàng liên tán bột 40g, gan dê sấy khô 1 cỗ đem giã nhỏ luyện mật ong làm viên bằng hạt ngô. Mỗi lần uống 15 viên, ngày uống 2 lần với nước nóng ấm. Uống 1 liệu trình là 5 tễ thì có hiệu quả.
Bài 3: thương truật 320g ngâm nước vo gạo 7 ngày, sấy khô, cỏ tháp bút 80g, hai vị cùng tán nhỏ. Mỗi lần uống 4g với nước nóng ấm, ngày uống 2 lần sáng và tối.
Bài 4: đương quy 240g, phụ tử nướng trên lửa than 100g cùng tán nhỏ, luyện với mật ong, viên bằng hạt ngô. Mỗi lần uống 30 viên với nước nóng ấm.      
Cháo thuốc
Bài 1. Cháo củ từ dạ minh sa: dạ minh sa 9g, củ từ 30g, dây tơ hồng 9g, gạo tẻ 60g, đường đỏ 1 ít. Cho 3 vị thuốc vào túi vải bỏ vào nồi, đổ 1 lít nước, đun còn 600ml, cho gạo đã vo sạch và đường đỏ vào, đun to lửa cho sôi sau đun nhỏ lửa ninh thành cháo. Ăn trong ngày, liên tục 15 - 30 ngày.
Bài 2. Cháo thạch, thảo quyết minh: thạch quyết minh 25g, thảo quyết minh 10g, hoa cúc trắng 10g, đường phèn 6g, gạo 100g. Cho 3 vị thuốc vào nồi, đổ nước vừa đủ, đun sôi một lúc, bỏ bã, lọc lấy nước rồi cho gạo đã vo vào nấu thành cháo, cho đường vào khuấy đều là được. Ngày dùng 1 liều chia 2 lần sáng và tối. 3 - 5 ngày là 1 liệu trình.
Bài 3. Cháo gan dê, rau chân vịt: rau chân vịt 100g, gan dê 50g, hành, gừng, muối bột ngọt vừa đủ, mỡ lợn 25g, gạo nếp 100g. Rau chân vịt rửa sạch thái nhỏ; cho dầu vào nồi xào lẫn gan dê với rau chân vịt, cho bột gia vị vào xào chín. Gạo nếp đãi sạch, cho 1 lít nước nấu thành cháo rồi đổ gan dê, rau chân vịt gừng hành vào, khuấy lên là được. Chia ăn ngày 2 lần.
Bài 4. Canh gan dê nấu hoa cúc: hoa cúc trắng 10g, gan dê 60g, câu kỷ 10g, cốc tinh thảo 10g. Gan rửa sạch thái mỏng; cốc tinh thảo, hoa cúc, câu kỷ rửa sạch cho vào túi vải. Tất cả cho vào nồi, đổ nước nấu kỹ rồi bỏ túi thuốc là được. Ăn gan và câu kỷ tử, uống canh.
Bài 5. Canh gan lợn nấu độc cước kim: gan lợn 100g, độc cước kim 15g, bột gia vị vừa đủ. Gan lợn rửa sạch thái lát, cho vào nồi đất cùng độc cước kim, nước 800ml đun còn 400ml, vớt bỏ độc cước kim, cho bột gia vị. Ăn kèm trong bữa cơm. 
Bài thuốc của Hải Thượng Lãn ông chữa đục thủy tinh thể 2
Day huyệt phong trì.
 
Bài thuốc của Hải Thượng Lãn ông chữa đục thủy tinh thể 3
 Day bấm huyệt tình minh.
Ngoài ra, hằng ngày nên kết hợp day bấm các huyệt: thái dương, thừa khấp, tình minh, phong trì, can du, thận du để tăng hiệu quả điều trị.
Huyệt thái dương: chỗ lõm với đuôi mắt ngoài, cách đuôi mắt ngoài 1 tấc.
Huyệt thừa khấp: chính giữa bờ xương ổ mắt dưới.
Huyệt tình minh: cách khóe mắt trong 0,5 tấc.   
Huyệt phong trì: dưới xương chẩm ở chỗ trũng phía ngoài cơ thang, phía trong cơ ức đòn chũm, hoặc từ huyệt phong phủ ra 1 tấc.              
Huyệt can du: mỏm gai đốt sống lưng 9 (D9) sang ngang 1,5 tấc.
Huyệt thận du: dưới mỏm gai đốt thắt lưng thứ 2 (L2) sang ngang 1,5 tấc.

Lương y Nguyễn Minh

Một số bài thuốc trị ho có đờm hiệu quả

Sang xuân, khí hậu vẫn còn se lạnh, mưa phùn, độ ẩm cao tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn, nấm, mốc sinh sôi phát triển là những tác nhân kích thích niêm mạc mũi họng, gây viêm nhiễm và phát sinh ra các chứng bệnh ho, đờm đặc biệt ở người già, trẻ em, người mắc bệnh mạn tính đường hô hấp. Dưới đây xin giới thiệu một số bài thuốc chữa ho có đờm hiệu quả.
Một số bài thuốc trị ho có đờm hiệu quả 1
Trẻ em dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp do sức đề kháng kém.
Biểu hiện người bệnh có thể bị sốt, ho, đờm nhiều, đôi khi khó thở, hay tái phát trở thành mạn tính, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Xin giới thiệu một số bài thuốc trị các chứng này.
Sốt kèm theo ho đờm: ma hoàng 6g, hạnh nhân 8g, quế chi, cam thảo mỗi vị 4g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 lần uống trước bữa ăn 1- 2 giờ. Sau khi uống, nếu mồ hôi toát ra, cần lau khô ngay, tránh gió, lạnh và tránh tiếp xúc với nước lạnh. Uống liền 3-5 thang. Chú ý: vị ma hoàng cần bỏ đốt, bỏ rễ.
Nếu ho đờm nhiều kèm sốt cao: ma hoàng 8g, hạnh nhân 12g, thạch cao 24g, cam thảo 6g. Đem thạch cao sống tán thành bột mịn, chia làm 2 phần rồi hòa đều mỗi phần vào một lần nước sắc của 3 vị thuốc trên uống. Uống trước bữa ăn, như trên. Uống liền 3 - 5 thang.
Trường hợp ho nhiều, đờm nhiều do cảm lạnh: mật rắn 1g, trần bì 6g. Trần bì thái nhỏ, sao khô, tán bột thật mịn. Lấy mật rắn trộn đều, chia 3 lần uống trong ngày, trước bữa ăn 1-2 giờ. Có thể dùng mật của các loại rắn như rắn hổ mang, rắn cạp nong, cạp nia, dọc dưa, rắn ráo…
Nếu ho nhiều, đờm nhiều do phế nhiệt (viêm phế quản, viêm phổi): mật rắn 1g, xuyên bối mẫu 6g. Xuyên bối mẫu thái nhỏ, sao khô, tán bột thật mịn. Lấy mật rắn trộn đều, chia 2 lần uống trong ngày, trước bữa ăn 1 - 2 giờ. Có thể dùng mật của các loại rắn nói trên. Chế biến với lượng mật rắn nhiều hơn để uống trong nhiều ngày.
Nếu ho nhiều, đờm nhiều, khí quản bị co thắt, khó thở, thở có tiếng rên rít: bạch giới tử (hạt cải bẹ), lai phục tử (hạt cải củ), tô tử (hạt tía tô), đồng lượng 3g. Các loại hạt giã dập, gói vào miếng vải sạch. Sắc uống 2 lần trong ngày, trước bữa ăn 1-2 giờ. Uống liền 5-7 ngày. Bài này thích hợp với người cao tuổi bị ho lâu ngày, nhiều đờm, thường xuyên bị khó thở, kém ăn.
Một số bài thuốc trị ho có đờm hiệu quả 2
Đương quy là vị thuốc tốt cho người bị ho lâu ngày, phế khí kém...
Nếu ho lâu ngày, đờm nhiều, lồng ngực bứt rứt, khó chịu, miệng khô: trần bì, xuyên bối mẫu, bán hạ (chế), cát cánh (chích gừng), viễn chí (chích gừng), tô tử, tử uyển, khoản đông hoa mỗi vị 12 - 16g. Các vị thuốc tán bột mịn, thêm mật ong làm hoàn, mỗi lần uống 9g, ngày 2 lần, trước bữa ăn 1-2 giờ. Uống 2-3 tuần.
Nếu ho đã bớt song đờm còn nhiều: trần bì, bán hạ (chế), mỗi vị 25g, phục linh 15g, cam thảo 8g. Các vị tán bột mịn, mỗi lần uồng uống 9g, ngày 2 lần, trước bữa ăn 1-2 giờ. Có thể thêm mật ong làm hoàn, liều uống tương tự; hoặc sắc thuốc uống ngày 1 thang với liều lượng giảm một nửa, uống liền  5-7 ngày.
Trường hợp ho lâu ngày, phế khí kém, huyết hư, da xanh tái, cơ thể yếu mệt: bách hợp 10g, thục địa 12g, mạch môn, sinh địa mỗi vị 8g; đương quy, bạch thược, huyền sâm, cát cánh; mỗi vị 6g; cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần, sau bữa ăn khoảng 2 giờ. Uống 3 - 4 tuần.
Trường hợp ho đờm, khó thở lâu ngày, người suy nhược: tắc kè khô bỏ phần đầu từ mắt đến miệng và 4 bàn chân, chặt thành những miếng nhỏ, sao khô, tán bột mịn, cho vào lọ thủy tinh khô, sạch, nút kín, để nơi cao thoáng. Ngày uống 1-2 lần, mỗi lần 5-7g, sau bữa ăn 1-2 giờ. Uống liền 3-4 tuần, có thể lặp lại liệu trình mới.
GS.TS. Phạm Xuân Sinh

Phòng phong trừ thấp, chỉ thống

Phòng phong tên khoa học (Ledeburiella seseloides Wolff.). Bộ phận dùng là rễ đã cắt bỏ phần trên mặt đất, phơi hay sấy khô. Phòng phong có coumarin, tinh dầu và một số chất khác. Theo Đông y, phòng phong vị cay ngọt, tính ôn. Vào kinh bàng quang và can. Có tác dụng khu phong giải biểu, trừ thấp chỉ thống. Dùng cho các trường hợp cảm mạo phong hàn, phong hàn thấp tý, kinh giật, co quắp, bại liệt tay chân, nổi ban dị ứng. Liều dùng 6 - 12g dưới dạng nấu, sắc, pha, hãm.
Một số bài thuốc có phòng phong
Tán hàn, giải biểu: phòng phong 12g, hạnh nhân 12g, thông bạch 12g, gừng sống 3 lát. Sắc uống ngày 1 thang. Trị cảm mạo phong hàn, đầu nhức, mình đau và ho.
Hoặc phòng phong 12g, sài hồ 16g, kinh giới 12g, liên kiều 16g, hoàng cầm 8g, cam thảo 4g. Sắc uống. Trị cảm mạo có sốt nóng giai đoạn đầu và giữa; thích hợp với người có biểu hiện ngoài thì hàn mà trong thì nhiệt.
Trừ thấp, dịu đau: phòng phong 12g, tần giao 12g, quế chi 12g, hải phong đằng 12g, kê huyết đằng12g. Sắc uống ngày 1 thang. Trị các chứng phong thấp hoặc hàn thấp sinh ra đau nhức khớp xương.
Trừ phong, chống giật: phòng phong, nam tinh, bạch chỉ, thiên ma, khương hoạt, bạch phụ tử mỗi vị liều lượng bằng nhau, tán bột. Mỗi lần uống 12g, ngày 3 lần; uống với một ly rượu nóng; ngoài ra, hòa rượu với bột đắp phía ngoài. Chữa các chứng phong ở ngoài sinh ra co quắp. Trị uốn ván răng cắn chặt, lưng sườn co cứng.
Phòng phong trừ thấp, chỉ thống 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Cháo hành phòng phong: phòng phong 12 - 16g, gạo tẻ 60g, hành sống 2 củ. Phòng phong sắc lấy nước nấu với gạo thành cháo, khi cháo chín, cho hành sống đã đập dập, khuấy đảo đều. Dùng cho các bệnh nhân đau sưng khớp (phong thấp).
Phòng phong tán: phòng phong sao, tán mịn, mỗi lần uống 6g, uống với nước hồ thêm chút rượu. Dùng cho các trường hợp xuất huyết tử cung.
Cháo quy kỷ phòng phong: đương quy 30g, câu kỷ tử 30g, phòng phong 12g, gạo nếp 100g. 3 dược liệu cùng sắc lấy nước; gạo nấu cháo, khi cháo chín cho nước thuốc vào khuấy đều, cho thêm đường và gia vị vừa ăn, đun sôi. Chia làm hai lần ăn (sáng và chiều). Dùng cho các trường hợp ban chẩn dị ứng, sẩn ngứa tấy đỏ ngoài da.
Cháo ý dĩ nhân phòng phong quế chi: ý dĩ nhân 30g, phòng phong 12g, quế chi 12g, gừng tươi 12g, gạo tẻ 100g. Đem phòng phong, quế chi, gừng tươi nấu lấy nước. Đem gạo tẻ, ý dĩ nấu cháo, khi được cháo cho nước thuốc vào khuấy đều đun sôi. Chia làm hai lần ăn (sáng và chiều). Dùng cho các bệnh nhân đau sưng khớp (viêm đa khớp dạng thấp).
Kiêng kỵ: đau đầu do huyết hư kinh giật (huyết hư cấp đầu thống) không dùng.
TS. Nguyễn Đức Quang

Bài thuốc bổ thận từ Sâm nhung

Con người ta cũng như cỗ máy vận hành lâu ngày thường bị hư hao nơi này nơi khác. Tuy có khả năng tự điều tiết rất tinh vi, những nơi tổn thương trong quá trình lao động, sinh hoạt được bổ sung củng cố lại kịp thời nhưng trong thực tế cho thấy rằng phần lớn con người ta hễ cứ bước đến tuổi cao là thường thấy mắc những chứng do thận hư bất túc gây nên như : đau mỏi lưng, gối, tiểu nhiều, tiểu đêm, tiểu đục, không tự chủ được; tinh ít, liệt dương, di tinh...vv.
Nam giới khi bước vào ngưỡng tuổi 55 trở lên, khi sức hoạt động trai trẻ đã qua, tuổi về hưu cũng vừa đến, kéo theo hàng loạt sự thay đổi của cơ thể, đáng kể nhất là ám ảnh của từ “Thận Suy”. Đa số các bệnh nhân lớn tuổi đến khám tại các phòng khám bệnh đều khai có những triệu chứng như lưng đau, chân lạnh, tiểu đêm, tai ù, gối mỏi, huyết áp cao... là những chứng trạng rất gần với chứng “Thận Hư”, “Thận Suy” của Đông Y. Hiện nay, không chỉ các cụ già mà nhiều vị trung niên cũng có những biểu hiện như trên mà từ chuyên môn gọi là ‘‘già trước tuổi’’. Những chứng bệnh này, đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến đại đa số những người lớn tuổi, làm giảm sức hoạt động, giảm tuổi thọ của họ một cách từ từ nhưng rất bài bản.
Bài thuốc bổ thận từ Sâm nhung 1
Nhung hươu làm thuốc bổ quý
Đông Y cho rằng Thận là tinh hoa của ngũ tạng, những chứng trạng trên đa số có liên hệ đến sự rối loạn của Thận Khí, vì vậy điều chỉnh các rối loạn này đến nơi đến chốn sẽ vừa khỏi bệnh, vừa tăng cường sức khỏe cho những người lớn tuổi. Từ xa xưa, nhân sâm, nhung hươu đã được xem là những vị thuốc đại bổ nguyên khí hàng đầu trong y học phương Đông, là thần dược quý giá dành riêng cho các bậc vua chúa, nhằm tăng cường sinh lực, bồi bổ cơ thể, kéo dài tuổi thọ. Nhung hươu và nhân sâm được y học cổ truyền xếp vào danh sách của 4 thứ "thượng dược", đó là sâm, nhung, quế, phụ. Nhung là sản phẩm có được từ sừng non (lộc) của những con hươu đực. Hàng năm vào đầu mùa xuân, khi sừng của những con hươu đực nhú lên và bắt đầu mọc dài ra, người ta sẽ thu hoạch và chế biến để lấy các loại nhung khác nhau. Ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại với y học cổ truyền, công ty Cổ phần Dược phẩm TW3 đã cho ra đời sản phẩm Sâm Nhung Bổ Thận TW3. Sự kết hợp nhân sâm, nhung hươu, cao ban long với 20 loại dược liệu làm tăng tác dụng bổ thận, tráng dương, tăng cường sinh lực. Sản phẩm không những có tác dụng bồi bổ sinh lực cho nam giới mà còn giúp nữ giới điều trị các chứng kinh nguyệt không đều, khí hư, bạch đới. Được sản xuất dưới dạng viên nang, dễ sử dụng, Sâm nhung bổ thận TW3 sẽ mang đến hạnh phúc viên mãn, tràn đầy sức sống cho gia đình bạn.

Dược thiện chữa viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng là chứng bệnh phổ biến, rất hay tái phát, đặc biệt khi thời tiết thay đổi. Viêm mũi dị ứng khiến người bệnh luôn nhức đầu, buồn ngủ, khó chịu, uể oải, ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt. Nếu để lâu không điều trị, người bệnh có thể bị viêm đường hô hấp trên, viêm tai giữa, viêm xoang…
Theo Đông y, nguyên nhân là do phế khí và vệ khí hư không khống chế được phong hàn xâm nhập vào gây bệnh. Phương pháp chữa là bổ khí cố biểu, khu phong tán hàn... Xin giới thiệu một số bài thuốc Đông y giúp làm giảm triệu chứng bệnh:
 Thuốc nhỏ mũi: dùng cho bệnh nhẹ, lá cây hoa cứt lợn tươi 4g, tỏi  2 nhánh, 2 thứ giã nhỏ vắt lấy nước nhỏ vào mũi ngày 3-4 lần. Trong đó,  cây hoa cứt lợn có vị cay, đắng, tính mát; vào 2 kinh thủ thái âm phế và thủ quyết âm tâm bào. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát khuẩn, tiêu thũng, trục ứ chủ trị viêm mũi xoang; Tỏi  có allicin là một chất kháng sinh tự nhiên rất mạnh, mạnh hơn cả penicillin. Nước ép tỏi ức chế nhiều loại vi khuẩn gram âm và gram dương. Theo Đông y, tỏi vị cay, tính ấm, có tác dụng thông khiếu, giải phong, sát khuẩn, giải độc. 
Dược thiện chữa viêm mũi dị ứng 1
Nước ép hoa cứt lợn dùng nhỏ mũi chữa viêm mũi dị ứng.
Thuốc uống:
Bài 1: hoài sơn 16g, rễ vú bò (sao vàng) 20g, cam thảo 6g, nhục quế 8g, bạch chỉ 12g, tân di 12g, ké đầu ngựa 16g, tang bạch bì 10g, gừng 3 lát. Tất cả các vị trên cho vào sắc cùng 3 bát nước đến khi còn 1 bát. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 bát. Trong đó, bạch chỉ có vị cay hơi đắng, tính tân ôn, vào các kinh phế. Thường được dùng chữa cảm mạo, nhức đầu, ra mồ hôi, đau xương lông mày, ngạt mũi, chảy nước mũi do viêm xoang...; tân di  có vị cay, tính ấm, quy vào kinh phế và vị. Có công năng tán phong nhiệt ở thượng tiêu, làm thông khiếu. Chủ trị các chứng như nhức đầu do phong, trị nghẹt mũi; ké đầu ngựa có tính ôn, vị ngọt, vào kinh phế có tính năng khu phong, trừ thấp, tiêu viêm, giảm đau, chủ trị bệnh mũi xoang,… Ngoài ra, sử dụng cam thảo để bổ trung ích khí, hóa đàm chỉ khái (tan đờm chống ho), hoãn cấp chỉ thống (giảm đau, giảm co thắt), thanh nhiệt giải độc, điều hòa các vị thuốc; nhục quế  bổ hỏa, hồi dương, ấm thận, tỳ, tán hàn hoạt huyết, hóa khí,…
Bài 2: hoàng kỳ 16g, phòng phong 6g, bạch truật 8g, bạch thược 12g, gừng 2g, nhục quế 8g, đại táo 6g. Sắc uống ngày một thang chia 3 lần. Nếu bệnh mới chớm, chảy nước mũi nhiều thì gia thêm các vị tế tân 8g, ma hoàng 8g. Nếu bệnh nhân ăn kém, ngắn hơi gia thêm vị đẳng sâm 12g, hoài sơn 12g.
Lương y Trần Huy Thuấn

Các bài thuốc trị tâm phế mạn

Tâm phế mạn (TPM) là một thuật ngữ ít bệnh nhân (BN) biết đến và cũng ít người hiểu rõ về chứng bệnh này. Người ta xếp nó vào nhóm bệnh lý tim mạch nhưng đôi khi cũng xem nó là bệnh lý của hô hấp. Về chuyên môn thì TPM là một tình trạng gây ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của tim phải, mà hậu quả là do biến đổi cấu trúc và chức năng của phổi. Tâm là tim và phế là phổi, tức bệnh tim nhưng nguyên nhân là do phổi.
Bệnh TPM đã được y học cổ truyền biết đến từ lâu dưới bệnh danh là “đàm ẩm”, “thủy thũng”.
Theo y học cổ truyền, TPM có nhiều thể bệnh khác nhau. Tùy thể mà dùng bài thuốc thích hợp.
Thể đàm trọc
Triệu chứng: ho đàm nhiều, sắc trắng dính nhớt lẫn bọt, suyễn thở đoản hơi, đoản khí, sợ gió, mệt mỏi vô lực, ăn ít, chất lưỡi hơi nhạt. Rêu trắng nhớt.
Bài thuốc: tô tử 9g, bán hạ 9g, đương quy 9g, cam thảo 6g, tiền hồ 6g, hậu phác 6g, nhục quế 3g, trần bì 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
Thể đàm nhiều ngăn phế
Triệu chứng: ho suyễn tức thở, thở hổn hển, bứt rứt, ngực đầy, đàm vàng, dính đặc; người nóng sợ rét, có mồ hôi không nhiều, tiểu vàng, phân khô, miệng khát, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng hoặc nhớt, rìa lưỡi đỏ.
Bài thuốc: khoản đông hoa 10g, hạnh nhân 10g, bách bộ 10g, cam thảo 10g, hoàng cầm 15g, bồ công anh 15g, tri mẫu 15g, qua lâu 20g, địa long 12g, cát cánh 10g, mạch môn đông 10g, đan sâm 12g, tử uyển 10g, xích thược 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Thể hàn ngăn phế
Triệu chứng: Đàm phần nhiều trắng, loãng có trạng thái bọt, hụt hơi suyễn, ớn lạnh, hơi sốt, miệng khô khát, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng trơn thuận.
Bài thuốc: ma hoàng 9g, bạch thược 9g, tế tân 3g, can khương 3g, cam thảo 6g, quế chi 6g, bán hạ 9g, ngũ vị tử 3g. Sắc uống ngày 1 thang.
Thể đàm che tâm khiếu
Triệu chứng: tinh thần hoảng hốt, nói sảng, bứt rứt không yên chân tay, lúc tỉnh lúc mê, co giật, suyễn gấp, ho đàm khó khạc, rêu lưỡi trắng nhớt hoặc vàng nhớt, chất lưỡi đỏ tối hoặc tím nhạt.
Bài thuốc: bán hạ 8g, cát hồng 6g, chỉ thực 6g, phục linh 6g, xương bồ 3g, trúc nhự 2g, cam thảo 2g. Sắc uống ngày 1 thang.
Thể phế thận khí hư
Triệu chứng: thở nông, khó thở liên tục, bệnh nặng bệnh nhân phải há miệng, so vai thở, không thể nằm thở, ho đàm trắng như bọt, khạc nhổ khó, ngực bí, tinh thần hoảng hốt, mồ hôi nhớt, lưỡi nhạt hoặc tím tối.
Bài thuốc: hoàng kỳ 15g, xuyên khung 15g, đan sâm 15g, phục linh 12g, hoàng cầm 12g, trúc nhự 12g, bạch truật 9g, phòng phong 12g, bán hạ 9g, đào nhân 9g, cam thảo 3g. Sắc uống ngày 1 thang.
Thể dương hư thủy tràn
Triệu chứng: mặt phù, chân thũng, nặng thì toàn thân thũng, bụng trướng đầy nước, tim hồi hộp, suyễn ho, đàm trong loãng, ăn kém, tiểu ít, sợ lạnh, mặt môi xanh tím, rêu lưỡi trắng trơn, chất lưỡi tối.
Bài thuốc: kê huyết đằng 30g, uất kim 18g, hồng hoa 9g, xích thược 15g, đan sâm 15g, phụ phiến 24g, bạch truật 12g, phục linh 30g, quế tâm 9g, trạch tả 30g, xa tiền thảo 30g, mộc thông 30g, trư linh 30g.
Các bài thuốc trên sắc uống ngày 1 thang. Chia uống 3 lần trong ngày, uống vào lúc no (sau khi ăn 30 phút), uống thuốc khi còn ấm. Nếu nguội hâm lại cho nóng hoặc thêm chút nước sôi.
Lương y Vũ Quốc Trung

Bài thuốc trị đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường, Ðông y gọi là chứng “tiêu khát”. Có nhiều nguyên nhân và đều gây uất nhiệt hóa hỏa, làm phần âm của các tạng phủ (phế, vị, thận…) bị hao tổn. Hỏa làm phế âm hư gây nên khát; gây vị âm hư làm đói nhiều mà người gầy; làm thận âm hư không tàng trữ được tinh hoa của ngũ cốc, không chủ được thủy, làm thủy dịch bị bài tiết ra ngoài nhiều, gây đái nhiều và nước tiểu có đường.
Cách điều trị chủ yếu là phối hợp giữa chế độ ăn, vận động và thuốc. Trong Đông y, tùy bệnh ở tam tiêu hay thượng tiêu, trung tiêu mà dùng bài thuốc thích hợp.
Bài thuốc trị đái tháo đường 1
Mạch môn là vị thuốc trị đái tháo đường do nguyên nhân ở trung tiêu và hạ tiêu.
Chứng đái tháo đường do thượng tiêu: Người bệnh khát nhiều, thích uống nước, họng ráo, miệng khô, đi tiểu nhiều lần, lượng nước tiểu nhiều; rêu lưỡi vàng mỏng; mạch hồng sác. Dùng một trong các bài:
Bài 1. Thiên hoa phấn thang: thiên hoa phấn 36g, sinh địa 24g, mạch môn bỏ lõi 24g, đạo mễ 16g, cam thảo 8g, ngũ vị tử 8g. Sắc các vị thuốc lấy 600ml, bỏ bã, cho đạo mễ vào nấu chín, lọc bỏ bã. Chia làm 4 lần: ngày uống 3 lần, tối uống 1 lần.
Bài 2. Nhị đông thang: thiên môn (bỏ lõi) 16g, mạch đông (bỏ lõi) 24g, tri mẫu 8g, nhân sâm 4g, thiên hoa phấn 8g, hoàng cầm 8g, cam thảo 4g, lá sen 8g. Sắc uống trong ngày.
Chứng đái đường do trung tiêu: Người bệnh ăn nhiều, chóng đói, cồn ruột, người gầy sút nhanh; rêu lưỡi vàng khô; mạch hoạt có lực. Dùng một trong các bài:
Bài 1. Tang dịch thang: huyền sâm 32g, sinh địa 32g, mạch môn (bỏ lõi) 32g, thiên hoa phấn 32g, hoàng liên 10g. Sắc lấy 300ml nước thuốc, chia 4 lần (ngày uống 3 lần, tối uống 1 lần).
Bài 2. Điều vị thừa khí thang: đại hoàng (bỏ vỏ tẩm rượu sao) 16g, chích thảo 8g, mang tiêu 12g. Sắc kỹ đại hoàng với cam thảo lấy 300ml, bỏ bã, cho mang tiêu vào, đun sôi nhẹ, uống lúc thuốc còn ấm, ngày 3 lần.
Bài 3. Sinh địa bát vật thang: sinh địa 15g, tri mẫu 8g, hoàng cầm 6g, hoàng bá 6g, lá sen 8g, sơn dược 8g, mạch đông (bỏ lõi) 15g, hoàng liên 6g, đơn bì 8g. Sắc uống khi thuốc còn ấm.
Bài thuốc trị đái tháo đường 2
 Trạch tả là vị thuốc trong bài “lục vị địa hoàng hoàn” trị đái tháo đường do nguyên nhân ở hạ tiêu.
Chứng đái tháo đường do hạ tiêu: Người bệnh đái nhiều, lượng nước nhiều và có đường, mỏi mệt, đau lưng, mỏi khớp, miệng khô, lưỡi ráo, lòng bàn tay bàn chân nóng, lưỡi ít rêu; mạch tế sác, vô lực. Dùng một trong các bài:
Bài 1. Lục vị địa hoàng hoàn: hoài sơn 16g, trạch tả 12g, đan bì 12g, sơn thù 16g, bạch linh 12g, thục địa 32g. Xay khô, tán bột, luyện mật làm hoàn, viên bằng hạt ngô. Ngày 2 lần, mỗi lần 15 viên, uống với rượu loãng.
Bài 2. Lục vị địa hoàng gia thạch hộc thiên hoa phấn: hoài sơn 16g, trạch tả 12g, đan bì 12g, sơn thù 16g, bạch linh 12g, thục địa 32g, thiên hoa phấn 12g, thạch hộc 12g. Sắc lấy 400 ml; uống 4 lần (ngày 3 lần, tối 1 lần).
Chứng đái tháo đường lâu ngày: Bệnh lâu ngày với đủ các triệu chứng của tiêu khát kèm theo đau lưng, chân tay lạnh, đại tiện lỏng hoặc ngũ canh tiết tả, sôi bụng, da sạm đen, mắt thâm quầng, mạch hư nhược. Dùng bài Tam nhân lộc nhung thang: sơn thù du 16g, ngưu tất 12g, huyền sâm 12g, địa cốt bì 12g, lộc nhung 12g, mạch môn (bỏ lõi) 16g, thục địa 16g, hoàng kỳ 12g, nhục thung dung 12g, kê nội kim 8g, phá cố chỉ (tẩm muối sao) 8g, nhân sâm 8g, ngũ vị tử  6g. Để riêng lộc nhung; các vị sắc lấy 400ml nước, cho lộc nhung vào đun tan. Uống nóng 4 lần (ngày 3 lần, tối 1 lần). Có thể làm viên hoàn dùng dần.

BS. Tiểu Lan

Trà thuốc cho người tăng huyết áp

Hiện nay, thời tiết miền Bắc rét đậm kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình sức khỏe của người dân, đặc biệt là người bệnh tăng huyết áp dễ bị biến chứng nặng như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim thậm chí dẫn đến tử vong.  Xin giới thiệu một số bài trà thuốc tốt cho người tăng huyết áp để phòng tai biến xảy ra trong những ngày trời lạnh.
Trà thuốc cho người tăng huyết áp 1
Cục máu đông gây nghẽn mạch.
Bài 1: chè búp non 30g, chi tử 30g. Hai vị trên cho vào nồi, đổ 800 – 1.000ml nước đun còn 400 - 500ml. Ngày uống 1 thang, chia 2 lần sáng chiều, uống nóng. Công dụng: tả hỏa thanh can, hạ huyết áp. Chữa tăng huyết áp, đau đầu chóng mặt.
Bài 2: hoa cúc, hoa hòe, chè xanh mỗi thứ 3g. Cho cả 3 vị vào cốc, đổ nước sôi đậy nắp ngâm 5 phút. Ngày uống 1 thang, uống dần. Công dụng: bình can trừ phong, thanh hỏa hạ huyết áp. Chữa tăng huyết áp, đau đầu chóng mặt.
Trà thuốc cho người tăng huyết áp 2
Trà hoa cúc giúp bình can, thanh hỏa hạ huyết áp.
Bài 3: hạ khô thảo 18g, ích mẫu tử 18g, thảo quyết minh 30g, thạch cao sống 60g; hoàng tinh, chè, hòe giác, câu đằng mỗi thứ 15g. Các vị trên cho vào nồi, đổ nước vừa đủ đun sôi 20 phút, lọc lấy nước. Đổ nước đun thêm một lần nữa, hòa hai nước lại với nhau để uống. Hoặc các vị thuốc tán thành bột, pha nước sôi, ngâm 15 phút là được. Ngày 1 thang, chia 3 lần uống sáng, trưa, tối. Công dụng: thanh can tả hỏa, hạ huyết áp. Chữa tăng huyết áp, đau đầu chóng mặt, hoa mắt.
Bài 4: thiên ma 6g, chè xanh 3g, mật ong vừa đủ. Cho thiên ma vào nồi, đổ một bát to nước đun sôi 20 phút sau đó cho chè vào, đun thêm mấy phút nữa là được, lọc lấy nước cho mật ong vào uống. Ngày uống 1 thang, chia 2 lần, uống nóng, có thể ăn thiên ma. Công dụng: bình can tiềm dương, thư phong trừ thống. Chữa tăng huyết áp, đau đầu.
Bài 5: lá đỗ trọng, chè búp xanh loại tốt mỗi lượng bằng nhau. Hai thứ tán bột, trộn đều, đóng thành từng túi nhỏ bằng giấy lọc, mỗi túi 6g, cất giữ nơi khô ráo. Ngày 1 - 2 lần, mỗi lần 1 túi pha nước sôi 10 phút uống nóng. Hoặc lấy 10g lá đỗ trọng, 3g chè pha nước sôi 10 phút hoặc đổ nước đun sôi kỹ, ngày uống một thang, uống nóng. Công dụng: bổ gan thận, cường gân cốt. Chữa tăng huyết áp kèm bệnh tim và đau lưng sườn.
Bài 6: sơn tra 15g, lá sen 12g. Hai thứ thái nhỏ, đổ nước vừa đủ đun sôi hoặc pha nước sôi uống. Ngày uống 1 thang. Công dụng: tiêu mỡ hóa trễ, hạ áp giảm mỡ. Chữa tăng huyết áp, mỡ trong máu cao, giảm béo.
Bài 7: lá hồng 10g, sơn tra 12g, chè 3g. Cho 3 thứ vào ấm, đổ nước sôi hãm 15 phút. Ngày uống 1 thang, uống dần trong ngày. Công dụng: hoạt huyết hóa ứ, hạ áp giảm mỡ. Chữa tăng huyết áp, mỡ trong máu cao.
Bài 8: tâm sen 3g cho vào cốc, đổ nước sôi ngâm 5 - 10 phút. Ngày uống 1 - 2 lần. Công dụng: thanh tâm, hạ huyết áp, tỉnh táo, cầm máu. Chữa tăng huyết áp, đau đầu, tim đập mạnh, mất ngủ.
Bài 9: hoa đại khô 30g, hoa hòe 50g, hạt thảo quyết minh sao đen 50g. Tất cả sao giòn tán bột. Mỗi lần dùng 1-2 thìa cà phê hãm nước sôi, uống ngày 1-2 lần. Công dụng: thanh tâm tả hỏa, trị tăng huyết áp, đau đầu chóng mặt.
Lương y Thái Hòe

Hải sâm, món ăn bài thuốc bồi bổ cơ thể

Hải sâm có giá trị cao trong trị bệnh, vì vậy nó còn được gọi là “nhân sâm của biển cả”. Về mặt thực phẩm, thịt hải sâm là một trong 8 món ăn “cao lương mỹ vị” nổi tiếng (bát trân) của phương Đông cùng với yến sào, bào ngư, vây cá...
Hải sâm còn gọi là đỉa biển vì nó có hình dáng như con đỉa.
Bờ biển Việt Nam có tới hơn 50 loài hải sâm sinh sống, trong đó có khoảng 40 loài được dùng làm trị bệnh và làm thực phẩm phục vụ cho nhu cầu của con người.
Phần dùng làm thuốc là nguyên cả con hải sâm.
Theo Đông y, hải sâm có vị mặn, tính ấm, vào hai kinh tâm và thận; tác dụng bổ thận, tráng dương, ích tinh, dưỡng huyết, nhuận táo, chống lão hóa, giảm ho, tiêu độc, cầm máu... Hải sâm thường được dùng trong các trường hợp tâm khí hư, thận khí suy, khí huyết kém, suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, di tinh, liệt dương, tiểu tiện khó, tiểu buốt, táo bón, phụ nữ sau sinh...
Hải sâm, món ăn bài thuốc bồi bổ cơ thể 1
Hải sâm
Công dụng của hải sâm và các bài thuốc
Bổ ích cường tráng: về mặt dinh dưỡng, hải sâm là loại thực phẩm chứa nhiều chất đạm (đến 55%), ít chất béo. Thành phần chất đạm gồm nhiều acid amin cần thiết cho cơ thể như glycine, arginine, leucine, alanine, glutamine, tauri. Hải sâm còn chứa nhiều chất khoáng vi lượng có ích như kẽm, sắt, đồng, iod, crôm... hơn các loài thủy, hải sản khác.Gần đây, các nhà khoa học đã nghiên cứu và phát hiện ra trong hải sâm của Việt Nam có hoạt chất Holothurin B có nhiều tác dụng sinh học quý.
Bổ thận điền tinh, thích hợp với các trường hợp di tinh, liệt dương, tiểu tiện nhiều lần về đêm: các nhà khoa học đã chứng minh lượng testosteron trong hải sâm khô cao gấp 400 lần so với lượng có trong thịt gà trống. Chất testosteron, theo y học, giữ vai trò quyết định khiến đấng mày râu có thực sự “nam tính” hay không và “nam tính” đến mức nào.
Người lớn tuổi ban đêm thường đi tiểu, thanh niên thân thể suy nhược bị di tinh, lấy hải sâm làm chủ, rồi phối hợp thêm với thịt hoặc các vị thuốc như hoài sơn, kỷ tử... hầm hoặc chung để làm thức ăn, sẽ có hiệu quả tốt.
Bổ huyết, thường dùng cho các trường hợp thiếu máu:theo kết quả nghiên cứu của dinh dưỡng học hiện đại, hải sâm là một trong những loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng hết sức phong phú. Các nhà khoa học Trung Quốc ước tính cứ 100g hải sâm khô có chứa 76g protein, cao gấp 5 lần so với thịt lợn nạc và 3,5 lần so với thịt bò. Hải sâm còn có hàm lượng cao các acid amin quý như lysine, proline... và nhiều nguyên tố vi lượng như P, Cu, Fe...
Hỗ trợ điều trị bệnh tim mạch: do chứa rất ít lipid và hầu như không có cholesterol nên hải sâm là loại thực phẩm bồi bổ lý tưởng cho những người bị rối loạn lipid máu và bị các bệnh lý động mạch vành. Hải sâm bổ sung các acid amin thiết yếu, các nguyên tố vi lượng giúp cơ thể chống lại mệt mỏi, tăng cường miễn dịch, tăng sức đề kháng cho cơ thể, cải thiện khả năng hấp thụ oxy, chống mỏi cơ tim.
Trị cao huyết áp ở người lớn tuổi: đa số trường hợp cao huyết áp nơi người lớn tuổi do thận tinh bất túc, dùng hải sâm 20g, gạo 100g hoặc hải sâm 20g, đỗ trọng 12g, gạo 100g, nấu cháo ăn vào buổi sáng.
Hỗ trợ điều trị bệnh tiêu khát (đái tháo đường): hải sâm bổ dưỡng, nhiều protein, không cholesterol, vì vậy rất thuận lợi cho thực đơn người bệnh đái tháo đường.
Người bị đái tháo đường, có thể dùng hải sâm xào đậu ván (đậu trắng). Hải sâm bổ dưỡng, đậu ván có “đường chậm” giúp glucoz-huyết ít dao động sau bữa ăn. Vỏ đậu ván cho chất khoáng crom cần thiết cho việc điều hòa glucoz-huyết.
Hải sâm có tác dụng chống mệt mỏi cơ bắp, duy trì trạng thái hoạt động cao; chống lão hóa; tăng cường hoạt động của thần kinh và tăng phản xạ, ổn định tâm lý. Nó có những tính chất trị bệnh độc đáo như nhân sâm.
Hỗ trợ điều trị ung thư: trong hải sâm có nhiều loại vitamin, hoóc-môn, các chất có hoạt tính sinh học trong đó có 2 loại saponin là Rg (gây hưng phấn thần kinh, chống mỏi mệt và tăng cường thể lực) và Rh (có tác dụng ức chế tế bào ung thư).
Giải độc cơ thể: trong hải sâm có chứa Se - một chất giải độc kỳ diệu, làm vô hiệu hóa các kim loại nặng đi vào cơ thể qua đường ăn uống (như chì, thủy ngân) để thải ra nước tiểu.
Trị suy nhược thần kinh: hải sâm 100g, hạt sen 200g, mật ong 50ml. Hải sâm, hạt sen sấy khô tán bột, dùng mật ong luyện viên bằng hạt ngô phơi khô, mỗi lần uống 6 viên với nước sôi để nguội.
Trị thận dương hư, người cao tuổi suy nhược, tay chân lạnh: hải sâm 20g, thịt dê120g, gừng 10g. Thêm gia vị, nấu chín nhừ, ăn nóng trong bữa cơm.
Trị lở ngứa: hải sâm 100g, dầu vừng 150ml. Hải sâm sấy khô tán bột, cho vào dầu vừng, trộn đều, bôi hàng ngày.
Trị các loại lở loét: hải sâm, sấy khô, tán bột, bôi.
Món ăn dùng hải sâm
Hải sâm xào nấm đông cô: hải sâm bổ dưỡng, bổ tinh tủy. Nấm đông cô giúp trí óc minh mẫn, nhuận trường, chống ung thư. Giúp bệnh nhân xạ trị ít rụng tóc và ăn được.
Hải sâm xào mướp đắng: hải sâm bổ âm, nhiều protein, không cholesterol. Mướp đắng mát gan, thanh nhiệt, trị đái tháo đường. Người bị cao huyết áp và bệnh đái tháo đường nên dùng món này.
Hải sâm xào ớt ngọt: hải sâm bổ dưỡng, chống lão hóa; ớt ngọt chống oxy hóa, chống lão hóa. Món này chống lão hóa, ngừa ung thư.
Hải sâm 20g, khổ qua 200g: thêm gia vị, nấu canh ăn trong bữa cơm, trị đái tháo đường.
 Lương y HOÀNG DUY TÂN