Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

Bài thuốc chữa bong gân

Khớp cổ chân, khớp gối và khớp cổ tay là nơi dễ bị bong gân nhất. Người bệnh thường thấy cổ tay, cổ chân không có lực, đau nhức ở điểm bám của dây chằng vào xương hoặc đau dọc theo dây chằng, khớp có thể sưng nề, nóng, làm trở ngại hoạt động.
Trường hợp nặng, dây chằng khớp bị đứt, hoặc bị bong điểm bám làm cho khớp lỏng lẻo, có thể có cử động bất thường sang hai bên, thường gặp ở khớp gối. Lúc này người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế để xử trí.
Trường hợp nhẹ, dây chằng chỉ bị giãn, chấn thương chỉ gây các rối loạn sinh lý, khớp không có cử động bất thường, thường gặp ở khớp cổ chân. Cần dùng nẹp bất động hoặc dùng băng cố định rồi dùng các bài thuốc sau đây:
Thuốc đắp ngoài: lá chìa vôi, lá bạc thau, lá đau xương, lá cúc tần, lá thầu dầu tía, lá ngải cứu, lá náng hoa trắng. Dùng 2 - 3 thứ lá trên, mỗi thứ 1 nắm tay, rửa sạch, giã nát trộn với giấm hoặc rượu, sao nóng, đắp vào chỗ chấn thương. Khi nào khô lại thay miếng khác. Nên dùng 3 vị phối hợp với nhau sẽ tốt hơn chỉ dùng độc vị.
Cây lá náng dùng để đắp ngoài, có tác dụng chữa bong gân rất hiệu quả.
Cây lá náng dùng để đắp ngoài, có tác dụng chữa bong gân rất hiệu quả.
Thuốc uống trong: dùng một trong các bài:
Bài 1: nghệ vàng 2 củ, thái mỏng sao rượu, cỏ xước 12g thái mỏng sao rượu, vỏ cây gạo 16g bỏ vỏ ngoài, thái mỏng sao rượu, cây lá lốt 16g sao vàng. Tất cả cho vào nồi, đổ nước 3 bát sắc còn 1 bát chia 2 lần uống trong ngày.
Bài 2: tua rễ si 50g (không có tua thì dùng cành si 60g, chặt từng khúc 3cm, sao vàng), sắc đặc lấy 1 bát, pha thêm tí rượu trắng, cho bệnh nhân uống trong ngày.
Trật khớp: dùng tam thất thảo, giã nát thêm một lượng vừa phải bột mỳ khuấy thành hồ, đắp vào chỗ bị trẹo trật khớp. Mỗi ngày thay 1 lần, làm trong 3 ngày liền.
Trong thời gian điều trị, cần kết hợp xoa bóp và ăn các món cháo, canh thuốc sau:
Xoa bópchủ yếu xoa bóp huyệt giải khê, khâu khư, chiếu hải và thái khê nơi cổ chân đau. Huyệt giải khê nằm giữa đường lằn ngang phía trước khớp cổ chân, giữa hai khối gân cơ của ngón chân. Huyệt khâu khư ở chỗ lõm tự nhiên trước mắt cá ngoài. Huyệt chiếu hải nằm ở dưới mắt cá trong 1 tấc. Huyệt thái khê nằm ở lõm giữa mắt cá trong và gân gót chân, vị trí đầu mắt cá trong.
Cây thầu dầu tía.
Cây thầu dầu tía.
Phương pháp xoa bóp: ngồi bệt xuống sàn, chân không bị bệnh co gối lại để ngang dưới đùi chân kia. Cẳng chân bị bệnh chống lên, ngón cái của tay cùng phía ấn miết lên huyệt rồi thả tay ra, làm liên tục mỗi huyệt 14 lần. Cuối cùng nắm xoay khớp cổ chân theo chiều kim đồng hồ 36 lần rồi xoay ngược chiều kim đồng hồ 36 lần. Hai tay xoa vào nhau cho nóng ấm rồi xoa bóp lên khớp cổ chân bị bệnh. Làm liên tục trong 3 phút.
Chú ý: khi sai khớp không được dùng nước ấm ngâm chân mà phải sau 24 giờ mới có thể ngâm nước ấm kết hợp với xoa bóp để kích thích tuần hoàn máu.
Món ăn hỗ trợ khi bị bong gân:
Bài 1: Cháo thịt cua: cua 2 con, gạo 50g. Trước hết lấy thịt cua và gạch cua để sẵn. Gạo vo sạch đổ vào nồi, thêm nước nấu cháo, cháo chín cho thịt cua, gạch cua cùng với gừng sống, dấm, xì dầu đun sôi lên là được. Ăn trong bữa cơm. Công hiệu: nuôi dưỡng khí huyết, liền xương tiếp gân, chữa trật khớp sưng đau.
Bài 2: Canh xương sống lợn, đan sâm: xương sống lợn 500g, đậu tương 250g, đan sâm tím 50g. Đan sâm rửa sạch bỏ tạp chất cho vào nồi, đổ nước vừa đủ luộc đan sâm trong 1 giờ, dùng nước này để nấu xương lợn, đậu tương tới chín nhừ, cho một ít quế bì, gia vị, thấy nước sôi là được. Chia 2 - 3 lần trong ngày. Công hiệu: bổ xương sinh tủy hoạt huyết giảm đau, chữa cổ chân trẹo trật khớp sưng đau.
Bài 3: Gà ác nấu tam thất: gà trống xương đen 1 con 500g, tam thất 5g, hoàng tinh, muối vừa đủ. Giết gà mổ bỏ lòng ruột, rửa sạch; tam thất cho vào nồi, cho rượu muối rồi ninh nhừ. Ăn kèm trong bữa cơm. Công hiệu: bổ hư cứng gân nối xương, chưa gãy xương, cổ chân trật khớp sưng đau nhức.

Lương y Nguyễn Minh

Cải xanh trị ho, tiêu đờm

Cải xanh còn gọi là cải bẹ xanh, cải canh. Cải canh là loại rau rất quen thuộc trong bữa cơm hằng ngày, cách chế biến đa dạng như ăn sống, muối dưa hay nấu canh với cá, thịt, tôm...
Cải xanh trị ho, tiêu đờm 1
Cải canh vị cay, ôn có tác dụng tiêu đờm do lạnh rất tốt.
Trong y học cổ truyền, hạt cải canh dùng làm thuốc với tên “giới tử”, có cùng công dụng như hắc giới tử, bạch giới tử. Hạt cải canh chứa dầu béo, tinh dầu và chất nhầy, chất sinigrosid. Lá có protid, lipid, glucid, celulose, caroten, vitamin C, acid amin, các nguyên tố Ca, P, Fe. Cải xanh muối dưa có nước, protid, acid lactic, chất xơ, vitamin B, C... Theo Đông y, cải canh vị cay, ôn; vào kinh phế. Có tác dụng ôn hóa hàn đàm (làm ấm, tiêu đờm do lạnh, lợi khí, tán kết, chỉ thống. Chữa các chứng hàn đàm ủng phế, đàm ẩm khí nghịch, đàm thấp kinh lạc, loa lịch đàm hạch... Liều dùng: 4 - 8g. Dùng ngoài không kể liều lượng.
Trừ đờm, chữa ho: hạt cải canh 4g, hạt tía tô 12g, hạt rau cải củ 12g. Sắc uống. Dùng cho các chứng bệnh do đờm lạnh kéo vướng phổi, ho, hen suyễn, đờm nhiều và loãng, tức ngực.
Chữa đờm vướng tắc, đau nhức khớp: hạt cải canh 4g, hạt gấc 12g, một dược 12g, quế tâm 12g, mộc hương 12g. Chế thành thuốc bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 4g, với rượu trắng hâm nóng.
Trừ độc, tiêu nhọt: hạt cải canh, hành ta, liều lượng như nhau. Nghiền hạt cải thành bột, cho hành củ vào trộn cho nhuyễn, đắp vào chỗ bị nhọt hay hạch. Mỗi ngày làm một lần cho đến khi khỏi. Chữa áp-xe lạnh (âm thư), nổi hạch, nhọt lâu ngày mà không có đầu. Hoặc hạt cải canh nghiền thành bột, thêm ít giấm hòa đều, đắp chỗ nhọt mới phát.
Dưa cải muối chua và nước dưa cải: dùng khi dạ dày thiếu acid, sôi bụng, phân sống hoặc khi dùng nhiều kháng sinh đường uống để tái tạo vi khuẩn có ích trong ruột. Do dưa chua sinh nhiệt thấp nên dùng làm món ăn cho người béo phì và đái tháo đường.
Kiêng kỵ: Người sức yếu, sốt nóng (khí hư hữu nhiệt), yếu phổi ho khan cấm uống.
TS. Nguyễn Đức Quang

Thuốc Nam chữa bệnh đái tháo đường (kỳ 2)

Câu kỷ tử (quả cây khởi tử)
Câu kỷ tử (Fructus Lycii) là quả phơi khô từ cây có tên khoa học Lycium barbarum L. Một số địa phương cũng lấy quả phơi khô từ cây L. chinense Mill. Thuộc họ Cà (Solanaceae).
Bài thuốc ứng dụng:
Bài 1: câu kỷ tử 12g, thục địa 12g, thiên môn đông 12g, đảng sâm 6g, ngũ vị tử 6g, sắc uống. Ngày 1 thang.
Công dụng: ích khí dưỡng âm, bổ thận giảm đường.
Bài 2: hoàng kỳ (sống) 15g, câu kỷ tử 15g, sơn dược 30g, sinh địa 30g, sắn dây 6g, thiên hoa phấn 20g, ngũ vị tử 10g, sắc uống. Ngày 1 thang.
Công dụng: ích khí dưỡng âm, sinh tân giải khát.
Bài 3: bách hợp 15g, xích thược 15g, thiên hoa phấn 20g, câu kỷ tử 20g, đương quy 10g, bồ công anh 10g, quán chúng 10g, cam thảo 10g, sắc uống. Hai ngày dùng 1 thang, 20 ngày là 1 liệu trình.
Công dụng: thanh nhiệt giải độc, tư âm nhuận phế.
Mạch đông (mạch môn đông)
Mạch đông (Radix Ophiopogonis) là rễ phơi khô từ cây có tên khoa học Ophiopogon japonicus (L.f.) Ker-Gawl. Thuộc họ Thiên môn (Asparagaceae).
Bài thuốc ứng dụng:
Bài 1: sinh địa 240g, sơn thù 120g, hoài sơn 120g, bạch phục linh 90g, mẫu đơn bì 90g, trạch tả 90g, mạch đông 90g, ngũ vị tử 60g, tất cả tán bột mịn, làm viên, mỗi lần uống 9g, ngày 2 - 3 lần.
Công dụng: tư thận dưỡng âm, liễm thận giảm đường.
Bài 2: thiên hoa phấn 30g, sinh địa 30g, sơn dược (sống) 30g, đảng sâm 10g, mạch đông 10g, tri mẫu 20g, đơn bì 20g, trạch tả 20g, đơn sâm 30g, phục linh 10g, sắc uống. Ngày 1 thang.
Công dụng: dưỡng âm nhuận táo, ích khí hoạt huyết.
Bài 3: mạch đông; sơn dược; ngọc trúc; sa uyển tử; địa cốt bì; hoa phấn; lô căn mỗi thứ 30g, hoàng kỳ sống 30 - 60g, tây dương sâm 10g, sơn thù 15g, sắc uống. Ngày 1 thang.
Công dụng: Ích khí dưỡng âm, tư thận sinh tân.
Tang thầm - tang bạch bì (trái dâu - vỏ trắng rễ dâu)
Tang thầm (Fructus Mori); Tang bạch bì (Cortex Mori) là quả chín và vỏ rễ phơi khô từ cây dâu, có tên khoa học Morus acidosa Griff. Thuộc họ Dâu tằm (Moraceae).
Bài thuốc ứng dụng:
Bài 1: bạch truật sống, tang thầm, sắn dây, trạch tả mỗi thứ 30g, xuyên khung 10g, hồng hoa 10g, đương quy 15g, sắc uống. Ngày 1 thang.
Công dụng: kiện tỳ khu thấp, hoạt huyết hóa ứ.
Bài 2: câu kỷ 15g, tang thầm15g, sinh địa 30g, sơn thù 15g, thiên hoa phấn 15g, hoài sơn 30g, đơn bì 10g, phục linh 10g, ngọc trúc 10g, hoàng liên 6g. Thạch cao, sa sâm, mạch đông, đơn sâm, táo nhân, dạ giao đằng mỗi thứ 30g, sắc uống. Ngày 1 thang.
Công dụng: tư bổ thận âm, sinh tân giải khát.
Bài 3: tang bạch bì 60g. Ngọc trúc, đơn bì, hoài sơn, nữ trinh tử, trạch tả, phục linh mỗi thứ 30g. Sắc uống. Ngày 1 thang.
Công dụng: tư thận âm, thanh phế nhiệt.
Giảo cổ lam
Giảo cổ lam (Herba Gynostemmae Pentaphylli) là toàn cây phơi khô từ dây có tên khoa học Gynostemma pentaphyllum (Thunb.) Mak. Thuộc họ Bầu bí (Cucurbitaceae).
Giảo cổ lam
Giảo cổ lam
Bài thuốc ứng dụng:
Giảo cổ lam, thiên hoa phấn, sắn dây, sơn tra (sao khét), huyền sâm mỗi thứ 15g, đơn sâm 20g, hoàng kỳ 30g, rễ cỏ tranh 30g, thương truật 10g, sắc uống. Ngày 1 thang. 1 tháng là 1 liệu trình.
Công dụng: ích khí sinh tân, hoạt huyết giảm đường.
Thỏ ty tử (hạt dây tơ hồng vàng)
Thỏ ty tử Semen Cuscutae) là hạt giống phơi khô từ cây có tên khoa học Cuscuta hygrophilae H.W.Pears. Thuộc họ Tơ hồng (Cuscutaceae).
Bài thuốc ứng dụng:
Bài 1: phụ tử 10g, quế chi 15g, sa nhân 10g, bán hạ 15g, thỏ ty tử 20g, đại hoàng sống 10g, trúc nhự 10g, trần bì 15g, hà thủ ô 30g, đơn sâm 30g, sắc uống. Ngày 1 thang.
Công dụng: ôn dương bổ thận, hòa vị giáng trọc.
Theo báo cáo, bài thuốc này kết hợp với bài “Đại hoàng phụ ông thang” gồm đại hoàng sống 30g, phụ tử 20g, bạch đầu ông 15g, mang tiêu 30g, long cốt sống 100g, mẫu lệ sống 100g, nấu nước uống để tẩy xổ, hiệu quả càng tốt.
Bài 2: hoàng kỳ 15g, thương truật 15g, hoài sơn 30g, huyền sâm 30g, nữ trinh tử 30g, hạn liên thảo 15g, thỏ ty tử 30g, đơn sâm 15g, trạch lan 30g, hồng hoa 6g, uất kim 10g, sắc uống. Ngày 1 thang.
Công dụng: ích khí dưỡng âm, hoạt huyết hóa ứ.
Thương nhĩ tử (trái ké đầu ngựa)
Thương nhĩ tử (Fructus Xanthii) là quả phơi hay sấy khô từ cây có tên khoa học Xanthium sibiricum Patr. Thuộc họ Cúc (Asteraceae).
Trái ké đầu ngựa
Trái ké đầu ngựa
Bài thuốc ứng dụng:
Thương nhĩ tử (ké đầu ngựa) 10g, gạo tẻ 50g. Thương nhĩ tử sắc trước, lấy nước thuốc vừa đủ, thêm gạo ninh thành cháo, dùng sáng và chiều. Ngày 1 lần.
Công dụng: tán phong trừ thấp.
Khổ qua (mướp đắng)
Khổ qua (Fructus Momordicae Charantise) là quả của cây có tên khoa học Momordica charantia L. Thuộc họ Bầu bí (Cucurbitaceae).
Bài thuốc ứng dụng:
Bài 1: khổ qua phơi khô lượng tùy dùng. Tán bột làm thuốc, mỗi lần uống 15g, ngày 3 lần, uống trước bữa ăn 1 giờ. 2 tháng là 1 liệu trình.
Công dụng: thanh nhiệt giải độc, giảm đường huyết.
Bài 2: khổ qua, hoàng kỳ, hoài sơn, đơn sâm mỗi thứ 30g. Thiên hoa phấn 15g, tri mẫu 15g. Hồng hoa, xuyên khung, dâm dương hoắc, bột tam thất mỗi thứ 10g, nhân sâm 6g, toàn yết 6g, sắc uống, ngày 1 thang. 1 tháng là 1 liệu trình.
Công dụng: ích khí dưỡng âm, hoạt huyết giảm đường.
Bài thuốc này điều trị 46 ca, hiệu quả thấy rõ 18 ca, có hiệu quả 24 ca, không hiệu quả 4 ca, tổng hiệu quả đạt tỉ lệ 91,3%.
Bài 3: khổ qua, hoài sơn, sinh địa, đảng sâm, hoàng kỳ, thiên hoa phấn mỗi thứ 15g. Phục linh, huyền sâm, sắn dây, mạch đông mỗi thứ 10g, sắc uống, ngày 1 thang.
Công dụng: ích khí dưỡng âm, sinh tân giải khát.
Bài này dùng điều trị 114 ca, lành bệnh 12 ca, chuyển biến tốt 97 ca, không hiệu quả 5 ca, tổng hiệu quả đạt tỉ lệ 95,6%
Sơn dược (khoai mài)
Sơn dược, hoài sơn (Rhizoma Dioscoreae) là rễ củ phơi khô của cây có tên khoa học Dioscorea oppositifolia Lour. Thuộc họ Củ nâu (Dioscoreaceae).
Bài thuốc ứng dụng:
Bài 1: sơn dược 30g, hoàng kỳ sống 15g, tri mẫu 15g, kê nội kim 6g, sắn dây 5g, thiên hoa phấn 10g, sơn thù 15g, sắc uống, chia 2 lần sáng và chiều. Ngày 1 thang.
Công dụng: ích khí dưỡng âm, sinh tân giải khát.
Bài 2: sơn dược 10g, sắn dây 30g, thiên hoa phấn 30g, đơn bì 10g, trạch tả 10g, phục linh 15g, thục địa 10g, sắc uống. Ngày 1 thang.
Công dụng: tư bổ thận âm.
Ứng dụng: bệnh đái tháo đường. Bài thuốc này dùng chữa trị 11 ca, 9 ca đường huyết giảm và giảm gần đến mức bình thường, cũng như đường niệu chuyển sang âm tính, 2 ca tác dụng giảm đường huyết khó khẳng định.
Râu ngô (râu bắp) 
Râu ngô, râu bắp (Stigmata Maydis) là vòi và núm phơi khô của hoa cây ngô (bắp) có tên khoa học Zea mays L.
Bài thuốc ứng dụng:
Bài 1: râu ngô 250g, thục địa 125g. Nấu cô thành dịch màu nâu, mỗi lần dùng 10ml, ngày 2 lần.
Công dụng: tư âm thanh nhiệt, khu thấp giảm đường.
Bài 2: râu ngô 300g, sơn dược sống 120g, thiên hoa phấn 190g, thạch cao sống 120g. thêm 2 lít nước, nấu còn 1 lít, uống cả ngày. Dùng liền 7 ngày.
Công dụng: thanh nhiệt nhuận táo, sinh tân giải khát.
Ngẫu tiết (mấu rễ củ sen)
Ngẫu tiết tức mấu sen (Nodus Nelumbinis Rhizomatis) là rễ củ từ cây có tên khoa học Nelumbo nucifera Gaerth.
Bài thuốc ứng dụng:
Bài 1:  hoàng liên 3g, thiên hoa phấn 15g, sinh địa 24g, nước cốt sen 90g, sữa bò 120g, sắc uống. Ngày 1 thang.
Công dụng: thanh nhiệt tư âm, sinh tân giải khát.
Ứng dụng: bệnh đái tháo đường.
Bài 2: tây dương sâm 3g, mạch đông 15g, thiên hoa phấn tươi 100g, sắn dây tươi 60g, củ sen tươi 60g, lê tươi 1 quả, quất tươi 1 quả, sinh địa 30g, hoài sơn 30g, ô mai 15g, kê nội kim (màng mề gà) 10g, tri mẫu 10g. sắc uống. Ngày 1 thang.
Công dụng: ích khí dưỡng âm, sinh tân giải khát.
Ứng dụng: bệnh đái tháo đường.

LY.DS. DŨNG LỰC

Vỏ rễ dâu trị hen suyễn

Vỏ rễ dâu còn có tên là tang bạch bì, vị ngọt, tính hàn. Vào kinh phế nên tang bạch bì có tác dụng tả phế bình suyễn, lợi tiểu, tiêu phù. Trị ho suyễn do phế nhiệt; ngoài ra còn có tác dụng lợi niệu, tiêu thũng. Hằng ngày có thể dùng 4 - 25g.
Tang bạch bì được dùng làm thuốc trong các trường hợp:
Tiêu thoát nóng ở phổi (tả phế), cắt cơn hen suyễn: Dùng cho các chứng bệnh đờm có sốt nóng (đàm nhiệt) làm vướng phổi, ho hen suyễn, đờm cò cử, miệng khát...
Bài 1: Bột tả bạch: tang bạch bì 12g, địa cốt bì 12g, sinh cam thảo 8g, ngạnh mễ 20g. Sắc uống. Trị viêm phế quản, viêm phổi, sốt nhẹ, ho hen.
Bài 2: tang bạch bì 12g, lá tỳ bà 12g. Sắc uống. Chữa viêm phế quản mạn tính, ho hen suyễn.
Bài 3: tang bạch bì 20g, hạt tía tô 12g, cam thảo sống 8g. Sắc uống. Chữa viêm khí quản, ho hen suyễn.
Vỏ rễ dâu trị hen suyễn
Lợi niệu tiêu thũng:
Bài 1: tang bạch bì 20g, xích tiểu đậu 63g. Sắc uống. Chữa viêm thận, phù thũng, đái ít.
Bài 2: Chè thuốc ngũ bì: tang bạch bì 12g, vỏ quả cau 12g, vỏ gừng 12g, trần bì 8g, phục linh bì 8g. Sắc uống. Chữa phù thũng, bụng trướng, tiểu tiện không lợi.
Tiêu viêm:
Bài 1: Bạch hổ thang gia giảm: ngân hoa 16g, hoàng liên 6g, liên kiều 6g, tang bạch bì 8g, hoàng cầm 6g, thạch cao 20g, tri mẫu 6g, cam thảo 4g. Trị viêm phổi trẻ em thể nhiệt độc.
Bài 2: kim ngân hoa 16g, hoàng liên 8g, sài đất 20g, thạch cao 20g, lá tre 12g, tử tô 8g, tang bạch bì 8g. Trị viêm phổi thể phong nhiệt.
Kiêng kỵ: Người bị ho, hen suyễn do lạnh phổi (phế hàn) không uống.

BS. Tiểu Lan

Món ăn, bài thuốc phòng bệnh mày đay

Mày đay là một bệnh ngoài da phổ biến, trong Đông y, ngoài các biện pháp dùng thuốc, châm cứu, bấm huyệt…, người bệnh còn được hướng dẫn sử dụng các món ăn - bài thuốc có công dụng phòng chống mày đay. Dưới đây, xin được giới thiệu với bạn đọc một số món ăn - bài thuốc thông dụng, dễ thực hiện:
Bài 1: Phòng phong 10g, mạch nha 15g, hai vị tán nhỏ hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Dùng tốt cho trường hợp mày đay do gió lạnh.
Bài 2: Bạch tiên bì 15g, thổ phục linh 15g, hai thứ đem sắc lấy nước uống thay trà. Dùng tốt cho trường hợp mày đay mẩn cục kéo dài.
Bài 3: Khoai môn lượng vừa đủ, cạo sạch, thái miếng rồi đem hầm nhừ, cho thêm muối hoặc đường, chia ăn nhiều lần. Dùng cho trẻ em bị mày đay do dị ứng thức ăn.
Món ăn, bài thuốc phòng bệnh mày đay
Khoai môn...
Bài 4: Đậu xanh 30g, bách hợp 30g, thảo quyết minh 10g. Đem thảo quyết minh sắc kỹ lấy nước bỏ bã rồi cho đậu xanh và bách hợp vào ninh nhừ thành cháo, chế thêm đường, chia ăn vài lần trong ngày.
Món ăn, bài thuốc phòng bệnh mày đay
... đậu xanh
Bài 5: Tỳ bà diệp 250g rửa sạch, thái vụn, giã nát vắt lấy nước, đem hấp cách thủy cùng một lượng đường phèn vừa đủ trong 20 phút, chia uống vài lần trong ngày. Dùng cho những trường hợp mày đay nổi cục đỏ ngứa.
Bài 6: Sơn tra 10g, trúc diệp 10g, mạch nha 15g, cam thảo 5g. Tất cả đem sắc kỹ lấy nước bỏ bã rồi ninh cùng 50g gạo tẻ thành cháo, chế thêm đường trắng, chia ăn vài lần trong ngày.
Món ăn, bài thuốc phòng bệnh mày đay
...bách hợp, những vị thuốc chữa bệnh mày đay.
Bài 7: Xương sườn lợn 100g, rửa sạch, chặt nhỏ, đổ nước vừa đủ, đun sôi, vớt sạch bọt nổi rồi cho thêm 50g hải đới và 30g thổ phục linh ninh thật nhừ, chế thêm gia vị, dùng làm thức ăn hàng ngày, 10 ngày là 1 liệu trình. Dùng cho những trường hợp mày đay mạn tính.
Bài 8: Xác ve sầu 10 con, sắc trong 10 phút, bỏ bã lấy nước ninh với đậu xanh 30g và gạo tẻ 50g thành cháo loãng rồi cho thêm đường, chia ăn vài lần trong ngày.
Các món dược thiện nêu trên thường được dùng để dự phòng và hỗ trợ điều trị bệnh mày đay cấp và mạn tính. Khi dùng, cần chú ý kiêng các thức ăn cay nóng như ớt, hành, hẹ, tỏi, quế, hồi, thịt dê, thịt chó... Nên ăn những đồ ăn thức uống giàu vitamin như rau xanh, hoa quả tươi.

Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn

Hỗ trợ điều trị đau mắt đỏ, làm sáng mắt với hạ khô thảo

Theo Đông y, hạ khô thảo vị đắng, cay, tính hàn, không độc, có tác dụng thanh can hỏa, tán uất kết, tiêu ứ, sáng mắt.  Thường dùng chữa tăng huyết áp, ngoài ra còn chữa đau mắt hay chảy nước mắt, mụn nhọt, hắc lào, vẩy nến, tiểu tiện ít không thông... Ngày dùng 6 - 12g, dạng thuốc sắc; dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.
Cây có tên gọi là hạ khô thảo vì vào mùa hạ cây khô lại, chỉ tươi tốt vào mùa xuân, là loại cây thân thảo, sống nhiều năm, cao 20 - 40 cm, có thể tới 70 cm, thân vuông màu hơi tím đỏ, lá mọc đối, hình trứng hay hình mác dài. Cụm hoa bông gồm nhiều xim co ở đầu cành màu lam đậm hay tím nhạt. Quả bế nhỏ, cứng, có 4 ô. Cây mọc hoang ở vùng rừng núi Sa Pa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Mẫu Sơn (Lạng Sơn) và một số tỉnh khác như Hà Giang, Lai Châu, Kon Tum... Bộ phận dùng làm thuốc là bông hoa, thu hái khi nào hoa ngả sang màu nâu, mang về phơi hoặc sấy nhẹ đến khô.
Hỗ trợ điều trị đau mắt đỏ, làm sáng mắt với hạ khô thảo
Một số bài thuốc theo kinh nghiệm
Bài 1: Trị đau đầu do tăng huyết áp: Hạ khô thảo tươi 40g, hy thiêm thảo 30g, dã cúc hoa 30g. Tất cả cho vào ấm, đổ nước 550ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày. Dùng liền 10 ngày.
Bài 2: Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp: Hạ khô thảo 40g rửa sạch, phơi khô, sắc chia làm 2 lần uống trong ngày, sau hai bữa cơm. Uống liên tục 10 ngày, nghỉ 7 ngày, rồi uống tiếp tục như thế từ 2 - 4 đợt tùy bệnh nặng nhẹ.
Hoặc hạ khô thảo, bồ công anh, hạt muồng ngủ sao, mỗi vị 20g; hoa cúc, lá mã đề, mỗi vị 12g, sắc uống. Hoặc đậu đen 50g, hạ khô thảo 30g, đường trắng 20g. Hạ khô thảo đem sắc lấy nước ninh với đậu đen cho nhừ, chia ăn vài lần trong ngày, có tác dụng hạ huyết áp.
Bài 3: Thông tiểu tiện của bệnh nhân tăng huyết áp: Hạ khô thảo 8g, hương phụ 2g, cam thảo 1g, nước 300ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày. Uống  5 - 7 ngày.
Hỗ trợ điều trị đau mắt đỏ, làm sáng mắt với hạ khô thảo
Hạ khô thảo có tác dụng hỗ trợ điều trị tăng huyết áp.
Bài 4: Hỗ trợ điều trị đau mắt đỏ, làm sáng mắt: Hạ khô thảo 10g, hoa cúc trắng 12g, lá dâu 10g, gạo tẻ 50g, đường phèn (hoặc đường kính trắng) vừa đủ. Cúc trắng, lá dâu, hạ khô thảo rửa sạch, đun lấy nước, bỏ bã. Cho gạo tẻ, đường phèn vào, nấu thành cháo loãng. Mỗi ngày ăn hai lần cháo nóng. Bài thuốc có công dụng khu phong, thanh nhiệt, sáng mắt, giải độc, chữa đau mắt đỏ, Những người vị hư hàn, tiêu chảy mạn tính không được dùng.
Bài 5: Dưỡng da: Hạ khô thảo 10g, lá dâu 30g, 10ml nước ép quả dưa chuột.  Cho hạ khô thảo và lá dâu vào ấm sắc với 3 bát nước còn 1 bát. Lọc lấy nước để nguội, đổ nước ép dưa chuột vào. Dùng nước đó bôi đắp lên mặt, 15 phút sau bỏ ra rửa sạch mặt.
Chú ý: Không dùng cho phụ nữ có thai.

Bác sĩ Nguyễn Thị Nga

Bài thuốc trị rối loạn tiêu hóa do lạnh

Theo Đông y, nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa là từ chế độ ăn uốngquá nhiều chất béo, đạm, đường, do ăn uống không hợp vệ sinh (thực tích); do lạnh (hàn thấp); do nhiễm khuẩn (thấp nhiệt). Trên số báo chủ nhật 142 (ra ngày 4/9/2014), chúng tôi đã giới thiệu một số bài thuốc trị rối loạn tiêu hóa do ăn uống, trong số này xin giới thiệu tiếp đến bạn đọc một số bài thuốc trị rối loạn tiêu hóa do lạnh để bạn đọc tham khảo áp dụng.
Người bệnh có biểu hiện đau bụng liên miên, sôi bụng, sợ lạnh, sợ gió, đau đầu, mình lạnh, không khát, đại tiện lỏng, rêu lưỡi trắng dày, mạch phù hoãn hay nhu hoãn. Cách điều trị: giải biểu, tán hàn (ôn hàn táo thấp hay ôn trung táo thấp). Dùng một trong các bài thuốc:
Bài 1: nụ sim hay búp ổi sao 100g, vỏ rụt thái mỏng sao 50g, củ riềng 50g. Các vị sao giòn, tán nhỏ, rây, cho vào lọ đậy kín. Người lớn 6 - 8g/lần; trẻ em tùy theo tuổi: 2 - 5g. Hòa trong nước sôi để nguội.
Nụ sim
Nụ sim
Bài 2: Hoắc hương chính khí tán: hoắc hương 15g, tô diệp 10g, thương truật 8g, cam thảo 3g, trần bì 5g, đại táo 4 quả, hậu phác 3g, phục linh 6g. Sấy, sao giòn, tán nhỏ, đóng gói 8 - 10g/gói. Người lớn uống 2 - 5 gói/ngày. Trẻ em: 2 - 3 tuổi uống 1/4 gói/ lần; 4 - 7 tuổi uống 1/3 gói/lần; 8 - 10 tuổi uống 1/2 gói/lần. Trẻ em dưới 1 tuổi không nên dùng.
Bài 3: Viên hương phác: hoắc hương khô 200g, vỏ rụt 400g, thảo quả 160g, hậu phác 400g, hạt cau rừng 160g, trần bì 160g. Ngâm vỏ rụt với nước gạo, cạo bỏ vỏ ngoài; hậu phác tẩm nước gừng sao; thảo quả bỏ vỏ. Tất cả phơi khô hay sấy khô, tán bột mịn, luyện với hồ thành viên to bằng hạt đậu đen, sấy khô, đóng lọ. Trẻ 2 - 5 tuổi uống 3 - 5 viên/lần; 6 - 10 tuổi uống 6 - 10 viên/lần; 10 - 15 tuổi uống 15 viên. Người lớn uống 20 - 30 viên. Ngày uống 3 lần, uống với nước sôi để nguội. Kiêng thức ăn có mỡ, tanh, khó tiêu; khi điều trị nên ăn cháo loãng.
Tô diệp
Tô diệp
Bài 4: Viên hoắc hương: hoắc hương khô 200g, cam thảo 100g, vỏ vối 160g, đại hồi 200g, trần bì lâu năm 80g, vỏ rụt khô 160g, sa nhân 200g, riềng già khô 160g. Các dược liệu dùng dạng khô, sao lại cho khô; tán nhỏ, rây lấy bột mịn. Luyện với hồ làm thành viên bằng hạt đậu đen. Phơi hay sấy khô. Đóng lọ kín. Chữa nhiễm khí lạnh hoặc khi ăn các thứ nguội lạnh, đầy bụng, tiêu lỏng, nhiều lần, đầy hơi, nôn mửa. Liều dùng: 5 - 10 tuổi dùng 10 viên/lần; 10 - 15 tuổi dùng 20 viên/lần; người lớn dùng 30 viên/lần. Ngày dùng 2 lần, uống với nước nóng hay nước chè nóng. Nên ăn cháo loãng. Kiêng ăn thức ăn sống lạnh.
Bài 5: củ sả 30g, vỏ quýt 20g, hương phụ 10g, búp ổi 40g. Sao giòn, tán bột mịn, đóng lọ kín. Chữa đau bụng, tiêu chảy thể hàn. Người lớn 1 - 2 thìa cà phê/lần; Trẻ em 1/2 thìa cà phê/lần. Uống với nước nóng.
Bài 6: gừng già nướng cháy 40g, quế chi 8g, hoắc hương 20g, đại hồi 12g. Sắc các vị thuốc, uống khi thuốc còn ấm. Phụ nữ có thai không dùng.
Huyệt trung quản
Huyệt trung quản
Kết hợp châm cứu hoặc xoa bóp các huyệt: thiên khu, trung quản, khí hải, túc tam lý, hợp cốc, đại trường du.

Lương y Thảo Nguyên

Trị nám, tàn nhang hiệu quả với lá trầu không

Lá trầu không có chứa nhiều nước, muối khoáng, protein, chất xơ, carbohydrate cùng nhiều loại khoáng chất khác như kẽm ,canxi rất cótác dụng kìm chế và đẩy lùi các melamin. Bên cạnh đó, 1 số thành phần trong lá trầu không còn có công dụng trị nám tàn nhang và khử trùng khá tốt.
Cách dùng lá trầu không trị nám
  • Lá trầu làm đẹp
    Lá trầu không có chứa nhiều nước, muối khoáng, protein, chất xơ, carbohydrate cùng nhiều loại khoáng chất.

Rửa sạch lá trầu không, có thể ngâm sơ qua nước muối để làm sạch.
Cho nắm lá trầu không vào nồi sạch. Đổ nước lã vào ngập hơn mặt lá từ 1 -1,5 đốt ngón tay rồi cho lên bếp đun sôi khoảng 30 phút.
Lá trầu không cho vào máy xay nhuyễn với một chút nước luộc. Bỏ lá trầu không đã được xay thật nhuyễn và nồi nước lá trầu không rồi tiếp tục đun nhỏ lửa cho đến khi lá trầu được cô đặc như keo sền sệt.
Bỏ keo vào 1 hũ sạch để trong tủ lạnh, đậy kín. Mỗi lần dùng, lấy muỗng múc ra 1 ít.
Rửa mặt sạch rồi lấy trầu không keo bôi lên mặt như làm mặt nạ khoảng 15-30 phút. Sau đó rửa sạch lại bằng nước.
Làm liên tục mỗi ngày 1 lần trong 10 ngày liên tiếp. Sau đó 1 tuần làm 1 lần (đối với những vết nám nhẹ, còn những vết đậm thì có thể sử dụng thời gian lâu hơn).
Lưu ý khi dùng lá trầu không đắp mặt
  • Trị tàn nhang
    Chỉ xoa trầu không vào vùng da bị tàn nhang.

Chỉ sử dụng trên vùng da có nám, không thoa rộng hết mặt
Chỉ đắp hỗn hợp trong khoảng 10 phút, không lên quá lâu.
Đắp 10 ngày liên tục sau đó chuyển sang 1 tuần 1 lần.
Trong thời gian trị nám tàn nhang bằng lá trầu không bạn nên bảo vệ da, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

Ai không nên sử dụng nhung hươu?

Tôi nghe nói nhung hươu rất bổ, nhất là giúp nam giới tăng cường sinh lực, không biết có đúng không. Xin bác sĩ  tư vấn giúp.
Trần Văn Hải (Gia Lai )
Nhung hươu là sừng non (lộc) của hươu đực. Từ xa xưa, nhung hươu đã được xem là phương thuốc giúp bồi bổ sức khỏe và tăng cường sinh lực. Tuy được coi là một dược liệu quý nhưng không phải ai cũng dùng được nhung hươu.
Theo Đông y, nhung hươu vị ngọt, tính ôn, có tác dụng sinh tinh, bổ tủy, ích huyết, dùng trong các trường hợp hư tổn trong cơ thể, nam giới hư lao, hoa mắt, tinh kém, hoạt tinh, nữ giới khí hư, rong huyết, rong kinh... Nếu biết dùng, nhung hươu sẽ tốt cho sức khỏe, giúp da đẹp vì bổ khí huyết, điều hòa cơ thể chứ không hoàn toàn tốt cho sinh lý.
Các nhà chuyên môn khẳng định rằng, sử dụng nhung hươu với mục đích tăng cường sức mạnh cho quý ông, tác dụng hiện vẫn chưa được kiểm chứng. Do nghe theo những lời đồn thổi mà nhiều người mang vạ vào thân.
Những người không nên dùng nhung hươu: người thể trạng gầy, trong người nóng; thiếu máu hay mất máu nhưng nhiệt độ cơ thể cao hơn bình thường; viêm phế quản, khạc đờm vàng; sốt, mắc bệnh truyền nhiễm; tăng huyết áp; đau thắt mạch vành có kèm huyết áp thấp, người có độ đông máu cao, người viêm thận nặng hoặc đang ốm, rối loạn tiêu hóa... không dùng. Vì vậy, tốt nhất, trước khi sử dụng nhung hươu cần được sự tư vấn của bác sĩ để phù hợp với từng người bệnh, hoàn cảnh.
BS. Nguyễn TRường Sơn