Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

Cách chữa phù sau sinh em bé

Phụ nữ sau khi sinh, huyết xấu không ra hết, đọng lại trong cơ thể kèm theo có thấp tà ứ đọng. Biểu hiện phù thũng toàn thân, bụng căng đầy, khó thở nặng, tiểu tiện rất ít, không ăn uống được, cơ thể nặng nề, khó di chuyển. Phép trị: hoạt huyết, hóa ứ, thông tiểu. Dùng bài thuốc: tô mộc 30g; ích mẫu 20g; đan sâm, hồng hoa, hắc sửu (hạt bìm bìm), trần bì mỗi vị 12g; mộc thông 16g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Dùng phương này, bệnh nhân đi tiểu liên tục nhiều lần, tình trạng phù xẹp đi rất nhanh. Tiếp theo dùng thang củng cố gồm: tô mộc, thổ phục linh mỗi vị 20g; ích mẫu, đan sâm, mộc thông mỗi vị 16g; xuyên khung, bạch truật mỗi vị 12g; đại táo, trần bì, hậu phác, cam thảo mỗi vị 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.



Giải độc bằng cây sơn từ cô

Cây sơn từ cô còn gọi là mao từ cô.
Tên khoa học Pleione bulbocodioides (Franch.) Rolfe (Coelogyne bulhocodioidcs Franch.).
Thuộc họ Lan Orchidaceae.
Mô tả cây
Theo những tài liệu ghi chép cũ thì sơn từ cô có tên khoa học là Pleione bulhocodioides, nhưng cho tới nay vị thuốc này chỉ thấy nhập của Trung Quốc, mà theo sự điều tra của một số tác giả Trung Quốc đến tại vùng Tây Nam Trung Quốc là nơi cây này được khai thác thì thấy nó thuộc nhiều loài có hình dáng bên ngoài giống nhau, lại vì chưa thu được mẫu vật có hoa quả nên chỉ tạm xác định là Pleione sp. Đó là một cây sống lâu năm với thân rễ hình trứng dài 1,5cm, rộng 1,3cm mang nhiều rễ nhỏ, những lá hình mác dài 2 - 3,5cm, màu xanh lục với gân chạy song song. Hoa quả chưa rõ.
Phân bố thu hái và chế biến
Như trên đã nói, đây là một vị thuốc hoàn toàn còn phải nhập của Trung Quốc. Ngay tại đây cũng thu mua tại Quý Châu và Tứ Xuyên, nhưng tại nơi thu mua ít dùng, mà chỉ đưa bán đi nơi khác dùng nhiều hơn.
Thu hái vào tháng 4, trừ bỏ thân và vẩy lá, rễ con, rửa sạch đất cát, đồ cho chín tới giữa củ rồi phơi hay sấy khô. Vị thuốc hình cầu hay hình thay đổi, dài 1,5 -2,5cm, đường kính 1,5 - 2cm, mặt ngoài vàng trắng hay nâu nhạt, trên mặt còn lá vẩy hay đã tróc hết, cứng, khó bẻ, vết cắt màu vàng trắng, hơi trong trong, không mùi vị nhạt.
Công dụng và liều dùng
Theo tài liệu cổ, sơn từ cô có vị ngọt, hơi cay, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt giải độctiêu thũng, thường dùng chữa ung thũng, đinh độc, loa lịch, rắn và sâu bọ cắn.
Chỉ thấy dùng theo kinh nghiệm cổ với liều 3 - 6g uống, dùng ngoài không kể liều lượng.
Giải độc bằng cây sơn từ cô
Đơn thuốc có sơn tụ cô:
Tử kim đỉnh chữa ngộ độc thức ăn: Sơn từ cô 80g, đại kích 60g, ngũ bội tử 40g, thiên kim tử sương 40g, chu sa 16g, xạ hương 16g, minh hùng hoàng 8g. Chế thành thuốc đỉnh hay thuốc viên, mỗi đỉnh hay viên 2 hoặc 4g. Mỗi lần dùng 1- 2g, ngày uống 1 - 2 lần dùng nước nóng chiêu thuốc. Đơn thuốc này nếu chế thành đỉnh mang tên tử kim đĩnh hay thái ất tử kim đĩnh dùng chữa ngộ độc thức ăn, nôn hay ỉa là khỏi.
Chú thích:
- Đây là vị thuốc sơn từ cô chính thức. Còn một vị nữa cũng mang tên sơn từ cô nhưng công dụng không giống (xem vị san sư cô).
- Một số tài liệu khác của Trung Quốc xác định sơn từ cô là dò của cây Tulipa edulis Baker họ Hành tỏi (Liliaceae) có hoạt chất từ tulipin và inulin. Cần kiểm tra đối chiếu lại.


Chữa phù do viêm thận bằng 2 bài thuốc đơn giản

Người bệnh có biểu hiện phù ở mặt và mi mắt mức độ nhẹ, người bệnh đau mỏi ngang lưng, lúc đầu có thể sốt sau giảm dần, nước tiểu ít, người bệnh vẫn đi lại được. Nếu ăn mặn thì phù tăng lên. Phép chữa là ôn thận bổ thận, chống viêm, lợi tiểu. Dùng một trong các bài:
Bài 1: mã đề thảo, hương nhu, râu bắp, đinh lăng, ngũ gia bì mỗi vị 16g; thục địa (sao khô), khởi tử, khiếm thực mỗi vị 12g; quế chi 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Bài 2: hương nhu trắng 16g; cẩu tích, ngũ gia bì, xa tiền, lá tre, thiên niên kiện mỗi vị 12g; đỗ trọng, quế chi mỗi vị 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.


3 bài thuốc quý chữa phù do tỳ hư

Do tỳ suy yếu không khắc chế được thủy, thủy ứ đọng tràn lan gây phù. Người bệnh biểu hiện mặt và chân tay phù thũng, sắc mặt vàng úa, mệt mỏi, sức kém, mạch hư hoạt, ngực tức không muốn ăn, miệng nhạt, đại tiện lỏng,... Phép điều trị là bổ tỳ làm chức năng điều tiết thủy thấp trở lại bình thường, kết hợp lợi tiểu, thông tiểu. Dùng một trong các bài:
Bài 1: trư linh, trạch tả, hậu phác, cao lương khương, quế chi, chích thảo, trần bì mỗi vị 10g; bạch truật, ngũ gia bì, hoài sơn mỗi vị 16g; khương bì 8g; cẩu tích 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Bài 2: bạch truật (sao hoàng thổ), đinh lăng, ngũ gia bì mỗi vị 16g; hậu phác, quế chi, thiên niên kiện mỗi vị 10g; xa tiền, râu bắp mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Bài 3: hoài sơn, đinh lăng, liên nhục, ngải diệp, tang diệp, hương nhu, lá tre mỗi vị 16g; thương truật, hậu phác, chích thảo mỗi vị 12g; sơn tra, quế chi mỗi vị 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Uống 10 ngày là một liệu trình


Giải độc, làm đẹp từ đậu xanh

Đậu xanh thuộc loại cây thảo mọc đứng. Lá mọc kép 3 chia, cả hai mặt lá đều có lông, gân lá nổi rõ lên ở phía dưới mặt lá. Hoa lưỡng tính, màu vàng lục, mọc thành chùm to, xếp xen kẽ nhau trên cuống... hạt nhỏ màu xanh lục, chín vàng lục (đường kính khoảng 2 - 2,5mm). Ở Việt Nam, đậu xanh là loại đậu thường được sử dụng để làm xôi, làm các loại bánh khọt, bánh đậu xanh, bánh ngọt, hoặc ủ cho lên mầm thành giá đỗ để làm thức ăn. Hạt chứa nhiều lipid, glucid, protid. Ngoài ra, ở phần nhân hạt màu vàng chiết xuất được chất pycnogenol có giá trị chống oxy hóa mạnh gấp 50 lần vitamin E và 20 lần vitamin C, giúp bảo vệ da luôn hồng tươi và săn chắc. Đặc biệt là hàm lượng lysine và phenylalanine cũng cao.
Đậu xanh còn được sử dụng làm thuốc cả cây, lá, rễ và hạt.
Sau đây là những đơn thuốc từ đậu xanh:
Trị trúng nắng: sắc vỏ đậu xanh thật đặc uống trị trúng nắng rất công hiệu.
Người đi đường cảm nắng, gió, ngất xỉu đột ngột; đi đường bụng đói ăn thực phẩm không rõ nguồn gốc, sản phẩm quá hạn: 20g đậu xanh sống cho vào 30ml nước sôi, 5 phút sau vớt đậu ra, giã nát, vắt lấy nước cốt cho uống. Xác đậu xanh ngâm tiếp vào 20ml nước sôi khuấy đều, vắt lấy nước cốt. Sau khi người ngộ độc nôn xong, cho uống và nôn tiếp (lần 2) sẽ giải độc hẳn rồi đưa đi bệnh viện.
Người cao tuổi (45 - 70 tuổi) béo phì ăn khó tiêu, huyết áp thường tăng đột biến, khí huyết uất tồn gây suy nhược cơ thể, thiếu probiotics tăng cường sinh lực, sử dụng đơn thuốc sau: mua 2kg giá (làm từ đậu xanh nguyên vỏ). Trong giá có nhiều nước, giàu sinh tố A, E, C, B1, B6, B12, khoáng chất sắt, đồng, glucid, phốt-pho, đặc biệt nhiều enzym khác nhau). Giá đậu chế thành các món ăn như sau: 300g giá, 5ml nước cốt chanh tươi, đường, tiêu hạt đen, 3 tép tỏi giã nát, 3g gừng thái lát mỏng, bột nêm, 5g cà chua vừa chín đỏ, 5g lạc (đậu phộng) rang giã vừa nát. Tất cả trộn chung thành món cocktail nộm giá. Để 10 phút sau thì ăn. Trưa và tối, 2 ngày.
Phụ nữ từ tuổi 40 trở lên, da dễ mất chất elastine và collagen, bị biến sắc tố, nám sẫm, kém mịn, hồng tươi: mỗi ngày ăn 250g giá đậu xanh trộn với 10ml dấm nuôi (giá có lượng vitamin C lớn), 1/3 muỗng càphê bột nêm, nước tương chay, 5g đường trắng, 10g đậu phộng rang. Nếu không quen ăn giá sống thì trụng qua nước nóng 500C, để 10 phút. Thêm 3g rau cần tây, 3g củ hành tím thái mỏng và 5g đậu rán không quá cháy vàng. Ăn sáng và tối (cách giờ ngủ 60 phút). Liên tục 2 ngày.
Các thiếu nữ dậy thì (13 - 21 tuổi) da mặt khô, nổi nhiều mụn cám do thiếu nước, ăn nhiều chất béo, đầy bụng đi ngoài khó, dễ táo bón: nên sử dụng mỗi ngày 250g giá đậu (cọng ngắn, thân mập, còn mới), rửa sạch, giã nhuyễn, cho vào 15ml nước cốt mướp đắng tươi bỏ hạt (tức khổ qua tươi đã qua giã nhuyễn, vắt lấy nước cốt). Trộn đều 2 thứ để có được dược chất mang hoạt tính omega 3 và 6 (trong ngành mỹ phẩm thường sử dụng). Chia làm 2 phần ăn trưa (không cơm, cá, thịt). Phần còn lại giữ trong tủ lạnh, cách giờ ngủ 60 phút, làm mặt nạ, để khoảng 20 - 25 phút (lột bỏ mặt nạ không rửa lại nước), mỗi tối một lần, liên tục 2 tuần da bớt khô, nẻ, hết mụn và các vết sần sùi, xóa nếp nhăn.
Chữa tiêu chảy nôn mửa: đậu xanh rang vàng 100g, muối rang 10g, hạt tiêu 50g. Tán bột trộn chung cho đều cất kín vào trong lọ. Người lớn mỗi lần uống 7g, cách nhau 3giờ.
Giải say rượu: nấu cháo đậu xanh để nguội, cho ăn liền vài bát hoặc nhai một nắm lá sống đã rửa sạch thật kỹ rồi nuốt.
Chè đậu xanh giải nhiệt ngày hè
Chè đậu xanh giải nhiệt ngày hè

Lưu ý cần kiêng kỵ: ăn thịt chó với đậu xanh bụng sẽ trướng to, gặp trường hợp này mau dùng 2 lạng cam thảo nấu uống thì khới.


Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2015

Râu ngô: Thông mật, lợi tiểu

Ngô là món ăn dân dã rất quen thuộc của nhiều gia đình, là thực phẩm giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh, tốt cho người đái tháo đường, tăng huyết áp,... Vòi nhụy (còn gọi râu ngô hay ngọc mễ tu) là vị thuốc Đông y được dùng trị nhiều bệnh.
Râu ngô: Thông mật, lợi tiểu
Râu ngô tác dụng thông mật lợi tiểu, trị viêm gan, viêm túi mật, sỏi thận, tăng huyết áp…
Râu ngô chứa dầu béo, tinh dầu, các hợp chất dạng resin, glucoside đắng, saponin, alkaloid, zeaxanthin, xitosterol, myo-inositol và các phức hợp steroid, các sinh tố C, K, kali và một số chất khác. Vị ngọt, tính bình; vào can thận, râu ngô có tác dụng lợi thủy tiết nhiệt, bình can lợi đởm. Làm thuốc thông mật trong điều trị vàng da phù nề; viêm gan, viêm túi mật, sỏi túi mật; làm thuốc lợi tiểu trong trị các bệnh về tim, đau thận, tê thấp, sỏi thận, tăng huyết áp. Râu ngô là vị thuốc thông mật lợi tiểu an toàn nhất nên dùng trong rất nhiều bệnh. Liều dùng: 30-60g dạng khô hoặc 100-200g dạng tươi.
Râu ngô được dùng làm thuốc trong các trường hợp
Viêm thận, viêm bàng quang: râu ngô 100g, rau má 50g, ý dĩ 50g, mã đề 50g, sài đất 40g. Sắc uống.
Viêm gan, tắc mật, đái vàng, vàng da, viêm thận cấp đái đỏ: râu ngô 50-100g hay bấc (phần lõi cây ngô) 150g. Sắc uống.
Đái tháo đường: hạt ngô ngâm ủ cho mọc mầm, dùng mầm ngô sấy khô, ngày uống 20-30g, uống với nước ngọn khoai lang đỏ.
Râu ngô hầm, tiểu kế, tinh hoàn gà: râu ngô 50g, tiểu kế 20g, tinh hoàn gà 2 đôi. Tất cả hầm nhừ, thêm gia vị ăn. Dùng cho các trường hợp lao phổi khái huyết.
Râu ngô hầm ong non: râu ngô 100g, ong non 20-30g. Thêm nước nấu chín nhừ, thêm gia vị, cách ngày làm 1 lần. Dùng cho các bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm thận, viêm gan, viêm túi mật.
Thịt lợn hầm râu ngô: thịt lợn nạc 100g, râu ngô non 100-200g. Hầm nhừ, thêm gia vị ăn. Dùng cho bệnh nhân đái tháo đường.
Trà râu ngô: có nhiều hình thức như nước râu ngô hãm đặc uống khi nóng, nước râu ngô pha đường để lạnh chia uống nhiều lần trong ngày. Thường dùng cho bệnh nhân viêm thận, viêm đường tiết niệu, viêm gan vàng da uống hàng ngày thay nước trà.
Rùa hầm râu ngô: thịt rùa 250g, râu ngô non 100-200g. Thêm nước, nấu chín nhừ thêm chút gia vị cho ăn. Ngày làm 1 lần. Dùng cho bệnh nhân xơ gan cổ trướng.

Cháo đậu đen, đại táo, cà rốt, râu ngô: râu ngô 60g, đậu đen 30g, đại táo 30g, cà rốt 90g. Râu ngô sắc lấy nước; đem nước râu ngô nấu với các vị thuốc. Nấu chín nhừ, thêm chút gia vị cho ăn. Dùng cho bệnh nhân viêm gan vàng da.


5 Bài thuốc trị mất ngủ

Các cụ ta có câu: “Ăn được ngủ được là tiên. Không ăn không ngủ mất tiền thêm lo”. Giấc ngủ có vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của mỗi người nhưng cũng là căn bệnh thường gặp, nữ giới mắc nhiều hơn, nhất là tuổi tiền mãn kinh. Mất ngủ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Mất ngủ do rất nhiều nguyên nhân gây ra, có thể do áp lực công việc, do thay đổi đột ngột môi trường sống; thói quen uống chè, cà phê, hút thuốc lá trước khi đi ngủ; do mắc các bệnh mạn tính hoặc các biểu hiện của rối loạn tâm thần, trầm cảm... Người bệnh khó vào giấc, ngủ không sâu, thời gian ngủ ít, dậy sớm và khó ngủ lại, ngủ hay mơ hoặc bóng đè, giật mình sợ hãi. Mất ngủ làm người bệnh mệt mỏi, bất an, không có tinh lực làm việc, phản ứng chậm chạp, đau đầu, trí nhớ giảm, không tập trung, lâu ngày dễ dẫn đến suy nhược thần kinh, trầm cảm, lại làm tình trạng mất ngủ càng nặng lên.
5 Bài thuốc trị mất ngủ
Long nhãn là một trong những vị thuốc trong bài Quy tỳ thang gia giảm trị chứng mất ngủ do tâm tỳ lưỡng hư.
Theo y học cổ truyền, mất ngủ thuộc phạm vi các chứng “bất đắc miên”, “bất đắc ngọa”, “bất mị”. Nguyên nhân do âm hư, huyết ứ, dinh vệ khí huyết bất hòa, âm dương thất điều, có liên quan đến các tạng tâm, tỳ, can, đởm, thận. Sau đây là một số bài thuốc trị theo từng thể.
Mất ngủ do can uất hóa hỏa: do phiền não, buồn bực quá độ. Người bệnh dễ cáu gắt, giận dỗi, mắt đỏ, miệng đắng, đại tiện táo, lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch huyền sác. Dùng bài Long đởm tả can thang: long đởm thảo, hoàng cầm, trạch tả, đương quy, sinh địa mỗi vị 12g; sài hồ 10g; sơn chi, xa tiền tử, mộc thông mỗi vị 8g; cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
Mất ngủ do đàm nhiệt nội nhiễu: thường do ăn uống không điều độ, ăn nhiều thức ăn sống lạnh, béo, ngọt hay nghiện rượu, bia dẫn đến tràng vị bị nhiệt, đàm nhiệt thượng nhiễu gây mất ngủ. Người bệnh thấy nặng đầu, ngực đầy trướng, tâm phiền, hay thở dài, ợ chua, không muốn ăn, rêu lưỡi vàng bẩn, mạch hoạt sác. Dùng bài Ôn đởm thang gia giảm: bán hạ, phục linh, trúc nhự, đại táo mỗi vị 12g; trần bì, chỉ thực mỗi vị 6g; cam thảo 4g; sinh khương 3 lát. Sắc uống ngày 1 thang.
Mất ngủ do âm hư hỏa vượng: do cơ thể suy nhược, dục vọng buông thả quá độ dẫn đến di tinh làm cho thận âm hao tổn, tâm hỏa vượng lên. Người bệnh có biểu hiện tâm phiền, mất ngủ, ù tai, hay quên, lưỡi đỏ, mạch tế sác. Dùng bài thuốc Chu sa an thần hoàn: chu sa (thủy phi) 4g; hoàng liên 6g; đương quy, sinh địa, cam thảo mỗi vị 2g. Các vị tán bột làm viên, mỗi ngày uống 6g trước khi đi ngủ.
Mất ngủ do tâm tỳ lưỡng hư: thường gặp ở người cơ thể suy nhược lâu ngày, người già, sau mắc bệnh nặng hoặc bệnh mạn tính kéo dài làm khí huyết bị hư tổn, biểu hiện ngủ hay mơ, dễ tỉnh, váng đầu, hoa mắt chóng mặt, tinh thần mệt mỏi, sắc mặt vàng, không nhuận, lưỡi đạm, ít rêu, mạch tế nhược. Dùng bài Quy tỳ thang gia giảm: đảng sâm, phục thần, toan táo nhân sao, hoàng kỳ, bạch truật, long nhãn, đương quy, mỗi vị 12g; viễn chí, mộc hương mỗi vị 6g; chích thảo 4g; sinh khương 3 lát; đại táo 3 quả. Sắc uống ngày 1 thang.
Mất ngủ do tâm đởm khí hư: do người bệnh đột ngột bị kinh sợ như đột ngột nghe thấy tin lạ, tiếng động to hoặc nhìn thấy vật lạ khủng khiếp, hay gặp phải tai nạn nguy hiểm gần kề với cái chết. Người bệnh ngủ dễ tỉnh, mơ thấy ác mộng, hồi hộp trống ngực khi đột nhiên gặp sự việc kinh sợ, lưỡi đạm, mạch huyền tế. Dùng bài An thần định chí gia giảm: nhân sâm, thạch xương bồ, long xỉ mỗi vị 12g; phục thần 20g; phục linh 15g; viễn chí 10g; cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

Điều trị chứng mất ngủ, cần phối hợp các phương pháp và có thói quen sinh hoạt, tập luyện, ăn uống hợp lý, trong đó yếu tố tinh thần rất quan trọng. Người bệnh nên thiết lập tính tự tin, không nên quá căng thẳng; thư giãn, vứt bỏ mọi ưu phiền, buồn bực trước khi lên giường ngủ; buổi tối trước khi đi ngủ nên ngâm chân vào nước ấm khoảng 30 phút, lau khô và massage lòng bàn chân, có tác dụng an thần, thư giãn toàn thân giúp ngủ ngon. Phòng ngủ thoáng mát, yên tĩnh, không nên gối đầu cao hoặc thấp quá, tư thế nằm thoải mái, không nằm sấp, những người có bệnh tim tốt nhất nên nằm nghiêng phải; khi ngủ đầu quay hướng Bắc, chân hướng Nam có thể tránh được ảnh hưởng của từ trường cũng khiến giấc ngủ được sâu hơn. Lưu ý ăn uống đủ chất dinh dưỡng, vitamin; thường xuyên tập thể dục, tập thái cực quyền, khí công... nâng cao chất lượng sống, điều tiết cuộc sống, sinh hoạt có quy luật đi ngủ, thức dậy đúng giờ, trước khi đi ngủ không ăn quá no, không uống rượu, trà, cà phê, hút thuốc lá.