Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

Nguyên lý trị liệu trong bài thuốc chữa viêm xoang của lương y Phạm Như Tá

Viêm xoang là chứng bệnh mãn tính phổ biến ở nước ta và rất dễ phát sinh, đặc biệt là trong điều kiện môi trường sinh hoạt hiện nay.


Bệnh gây mệt mỏi, làm giảm khả năng học tập và làm việc của người bệnh, thậm chí nếu để bệnh nặng, có thể dẫn đến một số biến chứng như: viêm phế quản mãn tính, lao phổi, viêm họng mạn hay viêm dây thần kinh thị giác.
Cùng với Tây y, Đông y cũng có nhiều phương pháp và bài thuốc để "đối phó" với chứng bệnh "khó trị" này. Trong số báo này, lương y Phạm Như Tá - vị lương y nổi tiếng Sài thành sẽ chia sẻ với độc giả một số bài thuốc trị viêm xoang hiệu quả do chính ông nghiên cứu và bào chế.
"Bổ âm tàng dương"
Lương y Phạm Như Tá quê gốc ở Phú Yên. Trước năm 1975, ông theo nghề dạy học ở Quảng Nam. Một thời gian sau, ông lập gia đình với một người phụ nữ xuất thân trong gia đình có truyền thống y học. Cũng kể từ đây, ông có những ảnh hưởng nhất định về nghề thuốc từ bên nhà vợ.
Cha vợ ông là Y sư Trần Khiết, nguyên giảng viên, chủ nhiệm Bộ môn Y học cổ truyền trường ĐH Y dược TPHCM. Năm 1988, lương y Tá chính thức theo học Trường Y học dân tộc thuộc Trung tâm đào tào Y dược ở TPHCM.
Năm 1991, ông tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi. Ra trường, theo ước nguyện của cha vợ và cũng là niềm đam mê của bản thân, ông theo cha vợ học nghề. Ông làm trợ lý giảng dạy và biên soạn tài liệu, ngày ngày cùng Y sư Trần Khiết lên giảng đường đại học.
Những năm tháng làm học trò của cha vợ, ông đã may mắn được thừa hưởng nhiều kiến thức y học quý giá. Sau 30 năm gắn bó với nghề y, hiện lương y Tá đang nắm giữ rất nhiều bài thuốc hay.
Với hơn 30 năm nghiên cứu những bài thuốc hay trong dân gian, lương y Phạm Như Tá (SN 1953, ngụ số 78, Phó Đức Chính, P.1, Q. Bình Thạnh, TPHCM) đã tìm ra nhiều phương thuốc đơn giản nhưng cực kỳ hiệu nghiệm trong điều trị bệnh.
Đặc biệt đối với bệnh viêm xoang luôn đòi hỏi thời gian điều trị lâu dài, ông cũng đã tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả. Nói về chứng bệnh này, lương y Phạm Như Tá cho biết, môi trường ô nhiễm chính là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng viêm xoang mũi, viêm mũi dị ứng.
"Viêm xoang mũi có rất nhiều thể khác nhau, bệnh xảy ra là do viêm các xoang cạnh mũi, đa số bởi nhiễm trùng. Phổ biến là 3 thể: viêm xoang cấp tính, mãn tính, viêm do dị ứng.
Hiện nay, ngoài phương pháp chữa trị bằng Tây y, Y học cổ truyền cũng đã có nhiều phương thuốc trị viêm mũi, viêm xoang. Tùy theo mỗi thể, tôi lại có những phác đồ điều trị khác nhau để điều trị bệnh hiệu quả nhất, giúp người bệnh vừa đỡ mất thời gian lại không phải tốn kém tiền bạc", lương y Tá cho hay.
Theo lương y Tá, thời gian điều trị bệnh viêm xoang lâu nhất là khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn mãn tính. Trong y học cổ truyền, viêm xoang mãn tính là một dạng "hư hỏa" (nóng trong người).
Do đó, thời gian điều trị có thể kéo dài từ 3-6 tháng, cũng có thể lâu hơn tùy theo cơ địa của mỗi người. Bởi vậy, khi đang điều trị, người bệnh không nên ngưng thuốc giữa chừng, khiến bệnh tái đi tái lại nhiều lần gây khó khăn cho việc điều trị.
Từ trước tới nay, Đông y đã có rất nhiều bài thuốc hay điều trị hiệu quả bệnh viêm xoang và nhìn chung luôn dựa trên nguyên tắc bổ âm để tàng dương.
"Việc điều trị viêm xoang mãn tính phải tập trung vào hai yếu tố là bổ thận âm và nạp khí về thận. Riêng với bệnh viêm xoang cấp tính hay dị ứng do phong nhiệt, cần gia giảm thêm các vị thuốc có tác dụng tiêu viêm, tiêu độc…
Nhưng chung quy lại điều trị gốc vẫn là thận vì khi âm dương được cân bằng, hỏa sẽ tự yên vị, sức đề kháng được nâng cao thì bệnh mới khỏi được", lương y Tá cho biết.
Đa số những người mắc bệnh viêm xoang thường không lường trước được hậu quả về sau do bệnh gây nên. Nếu bệnh nhân không dùng thuốc chữa viêm xoang điều trị có thể dẫn đến một số biến chứng như mắt bị mờ, thị lực giảm nhanh, viêm xương sọ, viêm màng não, viêm tắc tĩnh mạch như sốt cao, rét run, lồi mắt, giãn tĩnh mạch vùng trán… thậm chí dẫn đến áp xe não.
Một số bệnh nhân bị viêm phế quản mãn tính, nguyên nhân thường do mủ từ viêm xoang chảy xuống họng. Có trường hợp người bệnh vì muốn khỏi hẳn viêm xoang nên có ý định phẫu thuật.
Tuy nhiên theo lương y Tá, nếu viêm xoang do vách ngăn lệch và vẹo lớn hay niêm mạc xoang bị thoái hóa hoặc có lỗ rò dưới xoang, phù nề cuống mũi thì sau phẫu thuật vẫn phải tiếp tục kiên trì điều trị để tránh tái phát.
Kết hợp thảo dược và châm cứu
Sau nhiều năm nghiên cứu, lương y Phạm Như Tá đã sáng chế một phương pháp điều trị viêm xoang hiệu quả, kết hợp thảo dược và châm cứu. Thứ nhất, đối với trường hợp viêm mũi dị ứng kéo dài, người bệnh thường có các triệu chứng như xoang hàm trán ấn đau, chảy nước mũi có mủ, mùi hôi, khứu giác giảm, nhức đầu thường xuyên…
Bài thuốc điều trị chứng bệnh này gồm 4 vị: Thương nhĩ tử (12gr), Tân di hoa (12gr), Bạc hà (8gr) và Bạch chỉ (12gr). Lần một, đem sắc với 4 chén nước, còn lại 1 chén. Lần thứ hai, hai chén sắc còn nửa chén. Uống chia hai hoặc ba lần, dùng trong ngày sau bữa ăn. Đồng thời kết hợp châm cứu 7 huyệt đạo: Thiên ứng, Thái dương, Đầu duy, Ấn đường, Thừa khấp, Quyền liêu, Hợp cốc…
Trường hợp bệnh nhân mắc chứng bệnh viêm xoang cấp tính với các triệu chứng bệnh mới phát như ngạt mũi, chảy nước mũi vàng có mủ, xoang hàm xoang trán đau, viêm hố mũi kèm theo chứng toàn thân sợ lạnh, sốt, nhức đầu.
Lương y cho hay: "Đối với triệu chứng này thì bài thuốc tôi kê cho người bệnh có phép trị thanh phế, tiết nhiệt, giải độc là chính. Bài thuốc gồm 8 vị: Ngân hoa (16g), Ké (16g), Chi tử (8g), Mạch môn (12g), Hạ khô thảo (16g), Tân di (12g), Hoàng cầm (12g), Thạch cao (40g)".
Trường hợp bệnh nhân sợ lạnh, sốt, nhức đầu thì dung thêm hai vị Hoàng cầm, Mạch môn nhưng phải thêm vào Ngưu bàng tử, Bạc hà (12g). Vừa uống thuốc, bệnh nhân được điều trị kết hợp châm cứu các huyệt đạo: Hợp cốc, Khúc trì, Nội đình, Thiên ứng, Thái dương, Đầu duy, Ấn đường, Thừa khấp, Quyền liêu.
Đối với viêm mũi mãn tính, lương y Tá sử dụng bài thuốc gồm: Cam thảo, Cát cánh, Bạch chỉ (mỗi vị 6 gr), Bạc hà, Tân di hoa (mỗi vị 8 gr), Hoắc hương, Kinh giới, Phòng phong, Bản lam căn (mỗi vị 12 gr), Ké đầu ngựa (16 gr), Hạ khô thảo (10 gr).
Tất cả đem sắc với 3 chén nước, sắc còn lại 1,5 chén thuốc. Chia làm 3 lần dùng trong ngày, dùng lúc nước thuốc ấm. Lương y cho hay: "Tùy theo tình trạng bệnh của mỗi người mà tôi sẽ gia giảm các vị thuốc. Bên cạnh đó, còn có thể dùng phương pháp châm cứu các huyệt: Nghinh hương, Hợp cốc, Ấn đường, Liệt khuyết".
Những trường hợp bị viêm xoang do dị ứng, Đông y dùng phương thuốc và châm cứu cũng giống như viêm mũi dị ứng. Riêng với viêm xoang do nhiễm khuẩn cấp tính, lương y Tá có phương pháp trị "Thanh phế nhiệt, giải độc" bằng bài thuốc gồm các vị thuốc: Kim ngân hoa, Ké đầu ngựa, Rau dấp cá (mỗi loại 16 gr), Hoàng cầm, Hoắc hương và Bạc hà (mỗi loại 12 gr), Chi tử (8gr) và Bản lam căn(20gr). Đem sắc với 800 ml nước, sắc còn 300 ml thuốc. Chia làm 3 lần dùng trong ngày lúc bụng đói, lúc thuốc ấm.
Lương y Tá cho biết thêm, đối với viêm xoang nhiễm khuẩn mãn tính, Đông y có pháp trị "Dưỡng âm, nhuận táo, thanh nhiệt, giải độc".
Bài thuốc gồm có Sinh địa, Ké đầu ngựa, Kim ngân hoa (mỗi vị 16 gr), Huyền sâm, Đơn bì, Mạch môn, Hoắc hương (mỗi vị 12 gr), Hoàng cầm, Hoàng bá (10 gr mỗi loại) và 8 gr Tân di hoa. Tất cả đem sắc với 800 ml nước, sắc còn lại 300 ml thuốc. Chia làm 3 lần dùng trong ngày lúc bụng no.
Ngoài ra, có thể kết hợp châm cứu các huyệt: Thái dương, Ấn đường, Quyền liêu. Ngoài ra, luơng y Tá đặc biệt nhấn mạnh khi bệnh nhân dùng thuốc xoang cần phải tuân thủ một số nguyên tắc. Trong thời gian dùng thuốc cần kiêng kỵ các thức uống chứa chất kích thích, kiêng ăn tôm, cua, cá biển, thịt gia cầm (hạn chế nhất thịt gà). Tránh xa các môi trường bị ô nhiễm chứa nhiều khỏi bụi, không được để cơ thể bị nhiễm lạnh.
Khi xuất hiện các triệu chứng như hắt hơi, chảy nước mũi cần điều trị ngay để không biến chứng gây ra bệnh viêm xoang. Và cách phòng bệnh tốt nhất chính là chăm chỉ tập thể dục nhằm nâng cao sức đề kháng, rèn luyện sức khỏe thể thể chất.
Theo Khôi Nguyên - Gia đình và Xã hội

Bài thuốc dân gian chữa đau răng cực hiệu nghiệm

Khi bị đau răng bạn thường nghĩ ngay tới việc dùng thuốc tây, hãy thay đổi ngay với các bài thuốc dân gian để có được sức khỏe tốt nhất.


Đau răng làm cho bạn cảm thấy vô cùng đau đớn và khó chịu, ảnh hưởng rất nhiều trong cuộc sống sinh hoạt của bạn nhất là trong quá trình ăn uống. Trong nhiều trường hợp, các loại thuốc tây mà bạn đã mua để uống không làm cho các cơn đau nhức răng giảm đi, vậy để đơn giản nhất bạn nên áp dụng ngay các bài thuốc dân gian dưới đây để trị căn bệnh này.
sức khỏe, chăm sóc sức khỏe, đau răng, mẹo hay, có thể bạn chưa biết
Bài thuốc dân gian chữa đau răng ngay và cực hiệu nghiệm.
Bài 1: Lá trầu không, củ nghệ vàng, búp bàng, mỗi thứ 50g. Rửa sạch, giã nhỏ, ngâm với rượu. Khi dùng đem đun cách thuỷ (đậy kín nút chai để rượu không bay hơi) cho sôi 30 phút rồi lấy ra để nguội. Ngậm (súc miệng) trong 5 - 10 phút hay dùng bông thấm thuốc bôi vào chỗ đau, sau nhổ nước thuốc đi.
Hoặc lấy vài lá trầu không, rửa sạch, thêm ít muối, giã nhỏ, hoà vào một chén rượu. Gạn lấy nước trong để ngậm liên tục tới khi giảm đau nhức.
Bài 2: Lấy rễ lá lốt, rửa thật sạch, giã nát với mấy hạt muối, vắt lấy nước cốt, dùng bông sạch chấm vào răng đau, ngậm 2 - 3 phút rồi súc miệng bằng nước muối. Ngày chấm thuốc 3 - 5 lần.
Bài 3: Nhân hạt gấc nướng chín vàng, tán bột, trộn với một ít dấm thanh, chấm vào chỗ răng đau. Chỉ cần chấm vài lần vào buổi chiều là đêm hết đau và có thể ngủ được.
Bài 4: Dầu ôliu: Dầu ôliu trộn lẫn với dầu đinh hương lên phần răng và nướu bị đau. Trộn hai phần hỗn hợp tinh dầu đinh hương với một phần dầu ôliu. Làm điều này 3-4 lần mỗi ngày, cho đến khi cơn đau giảm đi. Thậm chí bạn cũng có thể nhai đinh hương, bởi đinh hương ngăn chặn sự nhiễm trùng và vi khuẩn lây lan và rất tốt trong giảm đau, kháng viêm.
Bài 5: Tiêu đen và húng quế: Sử dụng một ít tiêu đen và vài lá húng quế đã rửa sạch với liều lượng tương đương, nghiền thành chất bột sệt. Sau đó, đắp hỗn hợp này lên khu vực răng bị đau sẽ giúp giảm đau.
Theo Thanh Lê - Khỏe và Đẹp

4 bài thuốc dân gian chữa bệnh trĩ

Trong dân gian, có nhiều cách trị bệnh trĩ bằng thảo dược không qua phẫu thuật giúp điều trị tận gốc nguyên nhân của bệnh trĩ, nhờ đó, khi đã chữa khỏi thì bệnh sẽ không còn tái phát.

Bệnh trĩ là một bệnh phổ biến, đứng hàng đầu trong các bệnh lý vùng hậu môn. Bệnh nhân mắc bệnh trĩ thường đi khám và điều trị khi bệnh đã rất đau đớn và phức tạp. Người mắc bệnh trĩ thường có tâm lý e ngại khi đi khám và điều trị bệnh nên thường để bệnh diễn biến nặng mới đến cơ sở y tế.
Bệnh trĩ khi đã nặng khiến chất lượng cuộc sống của bạn bị ảnh hưởng. Nhiều người âm thầm chịu đựng. Nhưng khi đến bệnh viện, tổn thương thường quá lớn nên các phương pháp điều trị nhỏ ít xâm lấn không còn tác dụng mà phải áp dụng những phương pháp điều trị lớn, xâm lấn nhiều hơn và dĩ nhiên sẽ đau. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh là một cách giúp người mắc bệnh có nhiều cơ hội chữa khỏi bệnh.
Theo đông y, việc các búi trĩ hình thành là do khí huyết ứ trệ. Nghĩa là, máu từ tim theo động mạch đi đến nuôi các mô vùng hậu môn và tiếp tục theo tĩnh mạch lại trở về tim. Nhưng vì khí huyết ứ trệ máu ở vùng hậu môn theo tĩnh mạch về không hết sẽ dồn tích lại dần dần làm tĩnh mạch căng phồng lên và mỏng đi (khi đi đại tiện đôi khi phân cọ sát vào tĩnh mạch làm vỡ tĩnh mạch gây nên hiện tượng đi ngoài ra máu), và đến khi sa xuống tạo thành búi trĩ.
Nếu chỉ phẫu thuật cắt búi trĩ thì mới chỉ giải quyết được phần ngọn và không sớm thì muộn, một thời gian sau bệnh trĩ sẽ lại tái phát.
Trong dân gian, có nhiều cách điều trị bệnh trĩ bằng thảo dược dễ kiếm không qua phẫu thuật giúp điều trị tận gốc nguyên nhân của bệnh trĩ, nhờ đó, khi đã chữa khỏi thì bệnh sẽ không còn tái phát.
Bạn có thể tham khảo những cách điều trị bệnh trĩ dưới đây:
Chữa bệnh trĩ bằng lá thiên lý:
4 cách dân gian chữa khỏi bệnh trĩ không dùng thuốc1
Lấy 100 g lá và 5 g muối ăn. Lá rửa sạch, giã với muối, thêm khoảng 30 ml nước rồi lọc qua vải màn, tẩm vào bông, đắp lên chỗ trĩ (đã rửa sạch bằng thuốc tím). Đóng khố để giữ bông này. Mỗi ngày làm như vậy 1-2 lần. Bài thuốc này cũng được dùng để chữa bệnh sa dạ con.
Chữa bệnh trĩ bằng rau diếp cá:
4 cách dân gian chữa khỏi bệnh trĩ không dùng thuốc 2
Bài thuốc chữa bệnh trĩ từ rau diếp cá rất đơn giản. Tuy nhiên, với bài thuốc này, người bệnh cũng cần phải có lòng kiên trì.
Hàng ngày, ăn sống rau diếp cá thật nhiều. Sau khi rửa sạch, nên ngâm diếp cá vào nước muối loãng khoảng 5 phút, sau đó đưa ra rổ, vẩy khô nước và ăn. Có thể ăn rau diếp cá thay các loại rau khác. Ăn càng nhiều càng tốt. Ngoài ra, bạn có thể uống sinh tố diếp cá, nhưng nếu ăn sẽ tốt hơn vì nó còn có các chất xơ.
Cũng có thể nấu lá diếp cá với nước, dùng nước đó để xông, ngâm, rửa lúc nước còn hơi nóng. Bã diếp cá còn lại thì dịt vào hậu môn.
Với bài thuốc rất đơn giản này từ rau diếp cá, chỉ cần kiên trì, bệnh trĩ của bạn sẽ được chữa khỏi.
Chữa bệnh trĩ bằng cây lá bỏng
4 cách dân gian chữa khỏi bệnh trĩ không dùng thuốc 3
Trị chứng trĩ: Dùng 6g lá bỏng, 6g rau sam. Rửa sạch nhai sống hoặc sắc uống. Nếu bị lòi dom và lở hậu môn thì nấu nước bồ kết ngâm rửa hậu môn và giã lá sống đời đắp vào búi trĩ.
Trị chứngđại tiện ra máu: Lấy 30g lá bỏng, 10g cỏ nhọ nồi, 10g ngải cứu (sao cháy), 10g lá trắc bá (sao cháy) sắc lấy nước uống ngày 1 thang.
Chữa trĩ bằng đu đủ xanh
4 cách dân gian chữa khỏi bệnh trĩ không dùng thuốc 4
Cắt một trái đu đủ xanh điều quan trọng là đu đủ phải còn tươi và nhiều nhựa. Sau đó tối đến giờ đi ngủ thỉ bổ đôi quả đu đủ đó ra buộc úp 2 nửa quả đu đủ vào mỗi bên cẳng chân, cuống quay lên trên. Cứ để như vậy qua đêm. Mạch máu của búi trĩ sẽ co thắt lại như bôi thuốc co mạch trực tiếp. Làm như vậy cho đến khi thấy búi trĩ biến mất thì ngưng.
Theo Tri thức trẻ

Bốn loại nước ngâm chân thảo dược rất tốt cho mùa đông

Gan bàn chân có rất nhiều huyệt đạo, thường xuyên ngâm chân bằng thảo dược sẽ giúp ta cải thiện đáng kể một số bệnh thường gặp vào mùa đông.


Theo Tuyết Mai - Kiến thức

Bài thuốc chữa dứt mọi chứng cảm hiệu quả

Cảm thuộc chứng bệnh thường gặp trong cuộc sống. Để chủ động phòng tránh, lương y Trần Văn Cư (SN 1953, Phó chủ tịch hội đông y quận 9, TPHCM) giới thiệu bài thuốc loại bỏ mọi chứng cảm.

Vị lương y cho hay, có 3 loại cảm chính: Cảm thấp do hít phải hơi bốc lên từ đất sau cơn mưa đột ngột giữa tiết trời nắng nóng (thường gọi hơi đất) có triệu chứng nhức đầu, bụng đầy hơi hoặc thổ tả; Cảm hàn do dầm mưa với triệu chứng nóng ngoài lạnh trong và cảm nắng với biểu hiện như: Lạnh người, sổ mũi. Khi bị cảm, phổi tổn thương.
Do đó, nếu không chữa trị kịp thời dễ dẫn đến viêm phổi, viêm họng và nhiều chứng bệnh khác. Riêng cảm thấp gây thổ tả có thể gây nguy hiểm tính mạng.
 Lương y Trần Văn Cư 
Với chứng cảm, ông Cư cho biết rất tâm đắc với bài thuốc “nhân sâm bài độc” gồm 9 vị cơ bản: Đảng sâm (12g), khương hoạt (10g), tiền hồ (12g), cát cánh (12g), phục linh (12g), xuyên khung (6g), gừng sống (3 lát), đại táo (3 quả), bạc hà (6g).
Trong trường hợp cụ thể, nếu bị cảm kèm đau nhức mình mẩy cần bổ sung phụ tử (6g). Xuất hiện thêm triệu chứng ho cần bổ sung tô tử (16g). Nếu cảm kèm đau họng nên cho thêm huyền sâm, sơn đậu căn, mỗi thứ 10g. Còn xuất hiện thêm triệu chứng sốt thì bổ sung thạch cao (40g) và tri mẫu (8g).
Cách thức sử dụng bài thuốc rất đơn giản: Đem sắc lấy nước uống. Một thang thuốc sắc 3 lần, mỗi lần sắc 2 chén cô cạn còn 8/10 chén. Chú ý nấu thuốc gần đạt mới cho gừng vào. Vị lương y cho hay, trước đây các bậc tiền bối sử dụng thang thuốc có hàm lượng các loại dược liệu bằng nhau. Sau đó tán nhỏ thành bột, mỗi lần uống 8g. Về sau ông đã tìm tòi, gia giảm thành bài thuốc hoàn thiện như trên.
Giải thích tác dụng những vị thuốc trên lương y Cư dẫn chứng: “Khương hoạt có tác dụng giải biểu, tán phong hàn thấp và đẩy độc tố ra ngoài qua đường mồ hôi. Xuyên khung trị đau nhức. Còn Đảng sâm giúp khí lưu thông tốt”. Ông Hưng khẳng định, khi vừa “dính” chứng cảm, chỉ cần uống bài thuốc trên sẽ dứt hẳn.
Theo Mai Long - Bùi Yên - Songkhoe.net

Bài thuốc dân gian phương Tây chữa ho, viêm họng lâu nhất 3 ngày là khỏi

Vì chứa chất phytonxit - một loại kháng sinh mạnh, hành tây được dùng trong chữa nhiều bệnh như ho, trừ đờm, kích thích tiết mồ hôi, lợi tiểu, chống phù thũng, trị bệnh cổ chướng, tiểu đường.


Từ vai trò là nguyên liệu để chế biến món ăn ngon hàng ngày, hành tây ẩn chứa nhiều bất ngờ trong việc bảo vệ sức khoẻ cũng như chữa một số chứng bệnh nhẹ hay gặp phải.
Vì chứa chất phytonxit - một loại kháng sinh mạnh, hành tây được dùng trong chữa nhiều bệnh như ho, trừ đờm, kích thích tiết mồ hôi, lợi tiểu, chống phù thũng, trị bệnh cổ chướng, tiểu đường.
Khi dùng ngoài, hành tây có thể trị áp xe, chín mé, mụn nhọt, chân nứt nẻ, mụn cóc, đau nửa đầu, đau dây thần kinh ngoại biên.
Hành tây cũng được khẳng định là một loại viagra tự nhiên rất hiệu quả.
Ở các nước phương Tây, nhiệt độ rất thấp nên trẻ rất dễ vị viêm họng, sưng họng dẫn đến ho. Hành tây được coi là vị thuốc dân gian lâu đời dùng để trị ho rất hiệu nghiệm.
Xin giới thiệu với độc giả 2 bài thuốc  từ củ hành tây chữa ho cực hiệu nghiệm mà người phương Tây hay áp dụng. Với bài thuốc này, bé có thể dứt cơn ho ngay trong đêm đầu tiên, lâu nhất cũng chỉ 3 ngày là khỏi.
Cả củ và vỏ hành tây đều có thể dùng để trị bệnh. (Ảnh minh họa)
Bài 1:
Hành tây rửa sạch thái lát mỏng, ướp thêm 1 thìa cà phê đường trong vòng 40 – 60 phút.
Sau đó đem hỗn hợp hành tây và đường đem xay hoặc giã lấy nước cốt.
Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê.
Bài 2:
Vỏ nâu của 2 – 3 củ hành tây
3 – 5 nhánh tỏi để cả vỏ
Mật ong
Chanh tươi
Rửa sạch vỏ hành tây cho vào nồi cùng với tỏi khô đập dập cả vỏ. Đun sôi hỗn hợp trên cùng với 1 bát nước trong vòng 10 phút.
Chắt nước còn nóng ra bát nồi cho mật ong vào cho vừa miệng.
Để nguội rồi vắt chanh vào.
Bảo quản hỗn hợp trên trong tủ lạnh, uống nhiều lần trong ngày để chữa ho, viêm họng rất hiệu nghiệm.

Những ứng dụng dân gian khác sử dụng hành tây để trị bệnh:
- Trị phong thấp: 3 củ hành tây xắt lát, đổ 1 lít nước, đun khoảng 10-15 phút. Ngày uống 2 ly vào sáng và tối lúc đói bụng.
- Tiêu chảy: Vỏ lụa hành tây 1 nắm. Đun nước uống trong ngày.
- Tắc mũi, khó thở: Vào mùa lạnh, khi cảm cúm, bạn thường bị tắc mũi, khó thở, khi ấy, bạn cắt một lát hành tây rồi nhét vào mũi.
- Giải cảm: Hành tây cắt nhỏ cho vào nấu chín uống lúc còn nóng hoặc cho vào cháo ăn nóng sẽ có tác dụng giải cảm, ra mồ hôi và giải nhiệt rất nhanh.
- Đuổi muỗi: Đặt một vài lát hành thái nhỏ bên cạnh có thể đuổi muỗi và chữa bệnh khó ngủ.
- Vị thuốc tiêu hóa: Hành tây thái lát, phơi khô đem nấu với nước uống rất tốt cho tiêu hoá và làm ấm bụng.
- Phòng ngừa cảm cúm: Dùng một ít dầu ăn nóng rưới lên hành tây đã xắt mỏng rồi ăn sống, nếu thích có thể thêm vào một ít đậu phụ, có thể ngăn ngừa bệnh cảm cúm trong mùa đông.


Theo Phong - Đại lộ

Gừng tươi, ngải cứu chữa lạnh tay chân

Lạnh tay chân  là một chứng bệnh gặp ở nhiều người, chủ yếu là phụ nữ.

Và vào mùa lạnh, tình trạng lạnh tay chân có thể nặng hơn khiến chị em dễ có cảm giác mệt mỏi, khó chịu và tạo không ít bất tiện trong sinh hoạt.  Tuy nhiên, một số bài thuốc thảo mộc từ gừng tươi, ngải cứu, quế... dùng để ngâm chân sẽ giúp cải thiện, làm ấm lòng bàn chân, bàn tay và cơ thể.
Gừng tươi
Trong đông y, gừng là vị thuốc mang tính ấm, có tác dụng trừ hàn, giải cảm và rất hiếm tác dụng phụ. Theo y học hiện đại gừng có tác dụng kích thích mao mạch, cải thiện lưu thông máu và trao đổi chất. Người sợ lạnh hoặc hay bị lạnh chân tay có thể ngâm chân với gừng tươi.
Cách làm
Dùng khoảng 20-30gam gừng tươi, đập dập, cho vào khoảng nửa nồi nước, đậy kín vung để tránh làm bay hơi một số chất trong gừng, đun sôi trong khoảng 10 phút. Đổ toàn bộ nước và gừng đã đun vào chậu pha thêm nước lạnh khoảng 400C là ngâm được.
Không nên ngâm ngập mắt cá chân sẽ không tốt, thậm chí có thể khiến cho bệnh còn nặng hơn. Nếu bạn đều đặn ngâm chân với gừng sẽ giúp cải thiện đáng kể chứng lạnh tay chân.

Ngải cứu

Ngải cứu là vị thuốc mang tính ấm, vị đắng không có độc tính. Nó có tác dụng hồi dương khí, giải hàn, giảm tình trạng tay chân lạnh. Dùng ngải cứu ngâm chân có tác dụng cải thiện chức năng phổi, rất tốt đối với các bệnh nhân viêm phế quản mãn tính và những người thường xuyên bị ho có đờm.
 Gừng tươi, ngải cứu chữa lạnh tay chân
Cách dùng
Dùng khoảng 30-50gam ngải cứu tươi, cho vào nửa nồi nước đậy vung kín đun sôi khoảng 10 phút, sau đó đổ cả lá và nước pha thêm nước lã cho nhiệt độ khoảng 40 độ thì ngâm hai chân. Chú ý cũng không được ngâm quá mắt cá chân.
Vỏ quế và hoa tiêu
Vỏ quế và hoa tiêu đều là loại hương liệu rất dễ mua, dùng quế và hoa tiêu ngâm chân có tác dụng rất tốt trị chứng phù thũng. Phù thũng có liên quan đến chức năng bài tiết của thận.
Ban đầu các triệu chứng thường xuất hiện ở một số bộ phận như mí mắt, khuôn mặt hay mắt cá chân. Biểu hiện rõ nhất là vào buổi sáng sau khi ngủ dạy, dùng ngón tay ấn vào những chỗ đó có thể để lại vết trũng.
Cách làm
Nếu thấy những triệu chứng trên bạn có thể dùng 15gam vỏ quế và hoa tiêu cho vào nồi đổ nước, đậy vung kín đun sôi khoảng 10 phút, sau đó đổ ra chậu pha thêm nước lã cho nhiệt độ khoảng 400C là được.
Chú ý cũng không được ngâm quá mắt cá chân. Nếu kiên trì ngâm hàng ngày bạn sẽ thấy hiệu quả rõ rệt. Ngoài ra trong trường hợp này bạn cũng có thể ngâm chân bằng nước gừng vì có thể giúp tuần hoàn máu tốt hơn.
Những chú ý an toàn khi ngâm chân bằng thảo dược
Thứ nhất, không ngâm chân quá 30 phút. Khi ngâm chân máu sẽ lưu thông tới chi, não sẽ không đủ máu. Những người bị bệnh tim người già nếu cảm thấy tức ngực, chóng mặt, nên tạm thời dừng ngâm và nghỉ ngơi. Bệnh nhân tiểu đường, khả năng cảm giác ngoại vi kém, nên nhờ người nhà kiểm tra độ nóng của nước ngâm tránh bị bỏng.
Thứ hai, sau khi ăn không được ngâm chân ngay. Sau khi ăn cơm lượng máu trong cơ thể sẽ tập trung cho việc tiêu hóa, nếu ngâm chân ngay vào nước nóng thì máu lại dồn xuống chi, về lâu dài sẽ sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, hấp thụ chất và dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng. Do vậy, sau khi ăn cơm 1h mới được ngâm chân.
Thứ ba, theo đông y nên dùng chậu gỗ để ngâm chân là tốt nhất. Chậu đồng hay một số chậu bằng kim loại khác có các thành phần hóa học, dễ phản ứng với các chất trong thuốc ngâm, sinh ra nhưng chất độc hại, do đó vừa không tốt cho cơ thể vừa giảm đáng kể tác dụng của thuốc.
Thứ tư, trẻ em không nên sử dụng nước quá nóng và ngâm trong thời gian dài, bởi vì chân của trẻ em mới hình thành còn non, cần phải chú ý bảo vệ, nếu thường xuyên dùng nước quá nóng sẽ làm dây chằng ở gan bàn chân bị nhão.


Theo Phi Uyển - Một thế giới

Mát gan, giải độc cực tốt bằng thứ cỏ "phế thải" của nhà nông

Cỏ tranh là loại cỏ dễ kiếm ở các vùng nông thôn.

Loại cỏ làm hại lúa thường bị nhà nông "hắt hủi", nhổ bỏ, nhưng ít ai biết rằng loại cỏ này là một loại thuốc quý chữa nhiều bệnh, trong đó nổi bật là công dụng giải độc, mát gan, bổ thận.
Trong Đông y thuốc từ rễ cỏ tranh có tên gọi là mao căn. Rễ cỏ tranh mặt ngoài màu trắng ngà hay vàng nhạt, có nhiều nếp nhăn dọc và nhiều đốt mang các lá vẩy và rễ con.
Rễ cỏ tranh có vị ngọt tính hàn, đi vào các kinh tâm, phế, tỳ, vị và bàng quang. Có công năng lương huyết, chỉ huyết, thanh nhiệt, tiêu ứ huyết, lợi tiểu tiện, thanh phế vị nhiệt. Chủ trị các chứng như chảy máu cam, tiểu ra máu, bí tiểu, hỗ trợ điều trị viêm thận cấp…
Khi làm thuốc, đào lấy thân rễ, cắt bỏ phần trên cổ rễ, rửa sạch đất cát, tuốt bỏ sạch bẹ, lá và rễ con, thái nhỏ.
Mát gan, giải độc cực tốt bằng thứ cỏ "phế thải" của nhà nông 2
Cây cỏ tranh (Ảnh minh họa)
Các nghiên cứu lâm sàng gần đây tại Trung Quốc cho biết: Rễ cỏ tranh có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ điều trị viêm thận cấp, rút ngắn thời gian điều trị. Với chứng viêm thận mãn tính, rễ cỏ tranh có tác dụng lợi niệu, tiêu thũng và hạ huyết áp.
Ngoài ra, rễ cỏ tranh còn giúp thông tiểu và tẩy độc cơ thể cực tốt, ít người biết.
Những người gan yếu do hút thuốc , uống rượu bia nhiều hoặc các rắc rối về chức năng gan, có thể dùng các bài thuốc từ rễ cỏ tranh để thanh lọc, giải độc, làm mát gan.
Rễ cỏ tranh có thể phối hợp cùng mía lau, rau bắp để thành món nước sâm giải khát hàng ngày có tác dụng thông tiểu, giải nhiệt, giải khát, giải độc rất tốt.
Ở miền Nam nước ta, bà con có thói quen giải khát bằng nước sâm này.
Sau đây là những bài thuốc có tính ứng dụng cao được sử dụng nguyên liệu là rễ cỏ tranh:
Mát gan, giải độc cực tốt bằng thứ cỏ "phế thải" của nhà nông
Rễ cỏ tranh (Ảnh minh họa)
Bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm thận cấp:
- Sắc 200g bạch mao căn với 500ml nước, đun nhỏ lửa, đến khi còn lại 100-150ml thì dùng được, chia thành 2-3 lần uống, dùng hết trong ngày. Uống liên tục trong 1 tháng sẽ thấy hiệu quả khá rõ rệt.
- Dùng sinh mao căn kết hợp với mã đề, kim ngân hoa, cam thảo nam, kim anh tử, đậu đen, hoàng đằng, kinh giới, cỏ mần trầu để cho hiệu quả tốt hơn.
Các loại trên mỗi vị 10g, đổ vào 3 bát nước, sắc còn khoảng 1 bát, uống sau bữa ăn, dùng hết trong ngày.
Uống liên tục trong 15 ngày.
Bài thuốc giải độc cơ thể, mát gan:
- Dùng rễ cỏ tranh để nấu nước uống theo cách sau:
Lấy 200g sinh mao căn sắc với 700ml nước, đun to lửa, khi nước sôi thì giảm nhỏ lửa đun tiếp 7-10 phút, lọc lấy nước, uống thay chè, dùng trong ngày.
Uống liên tiếp 10-15 ngày. Bạn có thể nghỉ một thời gian rồi uống lặp lại 10-15 ngày nữa.
- Dùng 150g sinh mao căn, 50g bạch anh tươi, 150g thịt lợn nạc thái lát mỏng. Cho vào nồi đun nhừ, nêm gia vị vừa đủ, ăn 1 lần/ngày, liêu tục trong 10-15 ngày.
Theo Phong - Trí thức trẻ

15 bài thuốc Đông y giúp da trắng hồng

Một số công thức bôi da, đắp mặt hay bài thuốc uống của Đông y sẽ giúp bạn có làn da trắng hồng, mịn màng lại rất an toàn.

Ai cũng biết, thuốc Đông y là một loại “mỹ phẩm” tự nhiên. Chúng tác động vào da và ngấm dần vào máu trong quá trình đắp mặt hoặc uống. Thế nên, chúng có công dụng lâu dài và an toàn, chứ không thể có tác dụng nhanh chóng như các loại hóa chất.

Hơn nữa, việc dùng thuốc Đông y để uống hay đắp mặt đều phải sử dụng theo đúng liều lượng và tùy từng loại da.

Các bài thuốc Đông y trắng da:

1. Bạch phục linh sấy khô, nghiền thành bột thật mịn. Mỗi tối, trước khi đi ngủ lấy một lượng bột thuốc vừa đủ hòa đều với lòng trắng trứng gà thành dạng hồ, thoa đều lên mặt thành một màng mỏng. Sáng hôm sau rửa sạch bằng nước ấm. Cũng có thể dùng mật ong để thay lòng trắng trứng. 

Bài thuốc có công dụng dưỡng da và làm trắng da, chủ trị chứng nám mặt và tàn nhang. Đây là một trong những phương thuốc làm đẹp da mặt rất đơn giản, dễ làm và hiệu nghiệm, lưu truyền rộng rãi trong dân gian và đã được ghi lại trong nhiều sách cổ.
 
 Thuốc Đông y có công dụng lâu dài và an toàn cho người sử dụng.
2. Hạnh nhân lượng vừa đủ, bỏ vỏ, giã hoặc xay thật nhuyễn trộn đều với lòng trắng trứng gà thành dạng cao lỏng. Mỗi tối, dùng cao thuốc này thoa đều lên mặt thành một màng mỏng, sau chừng 2 - 3h thì dùng nước ấm rửa sạch. 

Có công dụng hoạt huyết hóa ứ, nhuận da, làm da trắng mịn, phòng chống tàn nhang và trứng cá. Để nâng cao hiệu quả, có thể thêm hoạt thạch lượng bằng hạnh nhân, một chút long não và xạ hương.

3. Trứng gà 1 quả, mật ong 1 thìa, đập vỡ trứng vào bát, đánh cho sủi bọt rồi cho mật ong vào quấy đều. Dùng nước ấm rửa mặt rồi lấy dịch thuốc thoa đều thành một màng mỏng, chờ cho khô chừng 60 phút thì dùng nước rửa sạch, mỗi tuần làm 2 lần. 

Công dụng: Dưỡng da, nhuận da. Nếu da dầu có thể cho thêm 1 thìa nước chanh. Sách Bách bệnh tự liệu diệu phương dùng bài này cho thêm 3 thìa sữa chua. Cũng có người dùng trứng gà, mật ong, bột mì và dầu thực vật làm thành bột thuốc nhão để đắp mặt dưới dạng mặt nạ.

4. Bạch cúc hoa, bạch quả, mật ong mỗi thứ 30g, nước lê, sữa tươi và rượu nếp mỗi thứ nửa cốc. Cho cúc hoa vào nước lê và rượu nếp chưng lấy nước đặc. 

Tiếp đó, giã nát bạch quả rồi hòa với dịch thuốc, mật ong và sữa tươi thành dạng cao lỏng. Mỗi tối dùng cao thuốc xoa đều lên mặt, sau khoảng 60 phút thì dùng nước ấm rửa sạch. Giúp thanh nhiệt giải độc, làm sạch trắng da và dưỡng da.

5. Bạch đinh hương, bạch cương tàm, bạch khiên ngưu, bạch tật lê, bạch cập mỗi loại 110g; bạch chỉ 75g, bạch phụ tử 18g, bạch linh 18g, tạo giác 50g, một ít bột đậu xanh. Tạo giác bỏ vỏ, tước xơ rồi đem sấy khô cùng các vị thuốc khác, tất cả tán thành bột mịn, đựng trong lọ kín dùng dần. 

Mỗi tối, lấy một lượng thuốc vừa đủ hòa với nước ấm rồi thoa đều lên mặt thành một màng mỏng, sau chừng 30 phút thì rửa sạch. Giúp da sáng mịn và mềm mại, phòng chống vết nhăn, tàn nhang và trứng cá.

6. Lá dâu phơi qua sương 600g, lá ngải cứu 16g, sắc lấy nước tắm hằng ngày, nếu kiên trì làm thật lâu có thể chữa  khỏi các chứng bệnh ngoài da và đau thần kinh, lại làm trắng sạch da.

7. Nếu bị tàn nhang, dùng dấm 500g, bạch truật 50g, ngâm 7 ngày rồi lấy dung dịch thoa lên mặt mỗi ngày vài lần.

8. Mỗi ngày lấy 10g rau sam khô sắc uống ba lần trước bữa ăn 30 phút. Dùng làm rau ăn cũng được, nhưng không nên ăn quá nhiều. Món này giúp làm trắng da.

9. Hạt sen, khiếm thực mỗi vị 30g, ý dĩ nhân 50g, long nhãn nhục 8g, thêm nước 500ml, sắc lửa nhỏ một tiếng đồng hồ, cho thêm lượng mật ong là ăn được. Công hiệu ích khí bổ huyết, nhuận da, tăng trắng.
 

 Không dùng thuốc Đông Y kết hợp với hóa chất.
 10. Cúc hoa tươi 30g, cho nước vào đun sôi, sắc đặc, thêm một chút mật ong chế thành cao. Mỗi lần lấy 15g, dùng nước sôi pha quấy đều để uống. Công hiệu làm nhuận sáng da dẻ, chống suy lão.

11. Nếu da sần sùi, lấy nhân hạt ý dĩ sao khô, nghiền thành bột, ngày dùng ba lần, mỗi lần hai thìa cà phê, kiên trì hai tuần có thể làm cho da dẻ mịn màng. 

12. Mùa đông da khô, nhão, sần sùi, bạn có thể lấy 15 quả hồng táo và một ít nhân sâm, cho vào siêu đất ngâm nước nửa giờ, dùng lửa nhỏ sắc 30 phút là uống được. Loại trà dược này giúp ích khí dưỡng huyết, làm đẹp da. Lúc uống nhân sâm không nên uống trà và ăn củ cải.

13. Làm mờ tàn nhang trên da mặt bằng cách dùng lá ké non, rửa sạch, hong cho ráo hết nước, thêm chút muối ăn, giã thật nhuyễn. Hàng ngày xát nhẹ lên da mặt 2 - 3 lần; sau khi xát khoảng 10 phút thì rửa sạch. Kiên trì làm như vậy, các nốt tàn nhang sẽ mờ dần.

14. Làm mờ những vết xạm đen trên da dùng lá ké, phơi hoặc sấy khô, tán thành bột thật mịn; sau mỗi bữa cơm hòa 3g với nước cơm hoặc nước cháo uống.

15. Dùng hoàng kỳ 500g, đương quy 500g, tất cả tán thô, trộn đều. Mỗi ngày dùng 10 - 15g bột thuốc, hãm nước sôi như pha trà, uống dần trong ngày. Với những trường hợp da xạm đen do âm huyết hư tổn, để khắc phục cần sử dụng các loại thuốc có tác dụng bồi bổ khí huyết, giúp da tươi nhuận và mịn màng.

Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả như mong muốn phải dùng đúng cách và hết sức kiên trì, không nên kết hợp với các mỹ phẩm hiện đại. 

Theo Phạm Thùy - Kiến thức

Tuyệt chiêu trị sỏi thận với rau ngổ

Rau ngổ thuộc họ hoa mõm sói, là loài cây thảo mập, giòn, rỗng ruột, có nhiều lông. Lá đơn không cuống, mọc đối hay mọc vòng 3, có khi 5 lá, mép lá hơi có răng cưa thưa. Hoa mọc đơn độc ở nách lá.
Rau ngổ thường mọc hoang ở ruộng nước, vũng lầy và rất dễ trồng; vị chua cay, hơi se, tính mát, thơm. Nó có tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu, chống độc, làm giãn cơ ruột, giãn mạch, tăng lọc ở cầu thận nên thường được sử dụng để trị sỏi thận, đái ra máu, chữa băng huyết. Rau có tính giải độc, tiêu viêm nên được dùng để chữa trị rắn cắn, trị bệnh ngoài da.
rau ngổ trị sỏi thận
Rau ngổthuộc họ hoa mõm sói, là loài cây thảo mập, giòn, rỗng ruột, có nhiều lông.
Cách dùng rau ngổ chữa bệnh sỏi thận
Cách 1: Hái rau ngổ tươi, rửa sạch, giã nát lấy nước cốt, sau đó cho thêm một chút muối trắng vào khuấy đều và uống ngày 2 lần. Bạn cần kiên trì sử dụng trong khoảng 1 tuần sẽ thấy hiệu quả.
Cách 2: Bạn có thể uống nước sinh tố rau ngổ mỗi ngày hoặc dùng đun sôi với nước để uống.
Cách 3: Các bạn lấy rau ngổ tươi kết hợp với râu ngô, bông mã đề để nấu nước uống chữa sỏi thận.
Các cách này có tác dụng lợi tiểu, giảm co thắt cơ trơn, giãn mạch máu, tăng lọc ở cầu thận; do đó làm tăng lượng nước tiểu, tạo điều kiện cho sỏi thận bị tống ra ngoài.
Lưu ý khi dùng rau ngổ
Phụ nữ có thai không nên ăn nhiều rau ngổ vì tác dụng giãn cơ phủ tạng có thể gây sẩy thai. Thân rau ngổ có nhiều lông và hay mọc ở nơi ẩm ướt đầm lầy dễ bị nhiễm khuẩn nên cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc nếu rửa không kỹ.
Theo Thu Thu - Khỏe và Đẹp

Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Bài thuốc hay trị viêm xoang

Bệnh viêm xoang là một trong những căn bệnh mạn tính phổ biến và rất dễ phát sinh bệnh, đặc biệt là vào mùa thu đông, thời tiết lạnh và khô hanh, môi trường ô nhiễm… Theo y học cổ truyền, nguyên nhân là do cơ địa dị ứng nhiễm khuẩn (huyết nhiệt), dị ứng do lạnh (phế khí hư, vệ khí hư) gặp phải các tác nhân phong hàn, phong nhiệt, nhiệt độc mà gây bệnh.
Bài thuốc hay trị viêm xoang
​Ma hoàng là vị thuốc trong bài Tiểu thanh long thang gia giảm trị viêm xoang dị ứng.
Viêm xoang được chia làm hai loại: viêm xoang dị ứng và viêm xoang nhiễm khuẩn. Sau đây là một số bài thuốc tùy thể bệnh chữa trị.
Viêm xoang dị ứng: Nguyên nhân thường do phong hàn kết hợp với phế khí hư và vệ khí hư. Phép chữa là bổ khí cố biểu, khu phong tán hàn. Dùng một trong các bài thuốc sau:
Bài 1: Bạch truật 12g, quế chi 8g, tang bạch bì 10g, bạch chỉ 12g, cam thảo 4g, gừng 4g, hoài sơn 16g, ké đầu ngựa 16g, xuyên khung 16g, tế tân 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2: Tiểu thanh long thang gia giảm: ma hoàng 6g, quế 6g, bạch thược 12g, gừng khô 4g, cam thảo 4g, tế tân 4g, bán hạ chế 8g, ngũ vị tử 4g, đẳng sâm 16g, hoàng kỳ 12g, khương hoạt 8g, ké đầu ngựa 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 3: Ngọc bình phong tán và quế chi thang gia giảm: hoàng kỳ 16g, phòng phong 6g, bạch truật 8g, quế chi 8g, bạch thược 12g, gừng 2g, đại táo 6g. Nếu bệnh mới mắc chảy nước mũi nhiều, thêm ma hoàng 4g, tế tân 6g. Nếu mệt mỏi, đoản hơi, thêm đẳng sâm 16g, kha tử 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
Viêm xoang do nhiễm khuẩn: Nguyên nhân thường do nhiệt độc. Có hai thể cấp và mạn tính:
Thể cấp tính: Bệnh mới phát, người bệnh ngạt mũi, chảy nước mũi vàng có mủ, xoang hàm và xoang trán đau, viêm mũi, người sợ lạnh, sốt, nhức đầu. Phép chữa là thanh phế nhiệt giải độc.
Bài 1: Kim ngân hoa 16g, hy thiêm thảo 16g, ké đầu ngựa 16g, mạch môn 12g, chi tử 8g, dấp cá 16g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2: Tân di thanh phế ẩm gia giảm: tân di 12g, hoàng cầm 12g, sơn chi 12g, thạch cao 40g, tri mẫu 12g, kim ngân hoa 16g, mạch môn 12g, dấp cá 20g. Nếu sợ lạnh, sốt, nhức đầu bỏ hoàng cầm, mạch môn; thêm ngưu bàng 12g, bạc hà 12g.
Thể mạn tính: Bệnh kéo dài, xoang hàm và trán ấn đau, thường chảy nước mũi có mủ, mùi hôi, mất khứu giác, thường xuyên nhức đầu. Phép chữa là dưỡng âm nhuận táo, thanh nhiệt giải độc. Bài thuốc: sinh địa 16g, huyền sâm 12g, đan bì 12g, mạch môn 12g, kim ngân 16g, ké đầu ngựa 16g, tân di 8g, hoàng cầm 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Lương y ĐÌNH THUẤN

Bạch đậu khấu tiêu thực, chống nôn

Bạch đậu khấu là loại lcây mọc tự nhiên và được trồng ở vùng núi cao, có khí hậu mát lạnh như Lào Cai, Cao Bằng. Ở một số nơi, người ta lấy hạtbạch đậu khấu làm gia vị.
Bộ phận dùng làm thuốc duy nhất của bạch đậu khấu là quả, trong y học cổ truyền, bạch đậu khấu có vị cay, tính ấm, vào các kinh tỳ, vị, phế, có tác dụng hành khí, ấm dạ dày, trừ hàn, tiêu thực, chống nôn, giã rượu, chữa đau bụng, trướng đầy, đau dạ dày, khó tiêu, nôn mửa, tiêu chảy, sốt rét. Ngày dùng 2 - 6g dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột. Chú ý, khi sắc thuốc gần xong, nước còn đang sôi mới cho bạch đậu khấu vào vì sắc lâu dược liệu sẽ giảm tác dụng. Nhân dân ở nhiều nơi có tập quán nhai và ngậm bạch đậu khấu để làm thơm hơi thở chữa chứng hôi miệng. Khi thấy lợm giọng, buồn nôn, nhấm ngay ít hạt bạch đậu khấu, nuốt nước cũng rất tốt. Dùng riêng hoặc phối hợp với nhiều vị thuốc khác theo công thức sau:
Chữa sôi bụng, ngực đau, nôn mửa: bạch đậu khấu 5g, trầm hương 5g, tán nhỏ, rây bột mịn, chia làm 10 gói. Mỗi ngày, trẻ lớn uống 2 gói, trẻ nhỏ 1 gói. Cho thuốc vào nước sôi, khuấy đều, để lắng 5-10 phút, chắt nước uống. Hoặc bạch đậu khấu 3g, trúc nhự 9g, đại táo 3 quả, gừng tươi 3g. Giã nát gừng, ép lấy nước. Các dược liệu khác sắc với 200ml nước còn 50ml, uống với nước gừng.
Chữa tiêu chảy: bạch đậu khấu, kha tử, trần bì, cam thảo, mỗi vị 20g; thanh bì 15g; đinh hương 5g. Tất cả giã nhỏ, tán thành bột mịn, đóng mỗi gói 2g. Liều dùng: từ 1 - 2 tuổi: uống 1 gói; 3 - 4 tuổi (2 gói); trên 4 tuổi (3-6 gói). Chia làm 2 lần. Hoặc bạch đậu khấu 12g; thanh mộc hương, tiểu hồi hương, trần bì, can khương, ô mai, mỗi vị 6g. Sắc uống.
Chữa say rượu: bạch đậu khấu 5g, cam thảo 5g. Sắc nước uống.
DS. Huyền Hoa

Chữa cảm mạo phong nhiệt với chàm lá to

Cây chàm lá to còn có tên khác là chàm mèo. Là loại cây nhỏ cao 40 - 80cm (có khi đến 2m). Thân nhẵn, phân nhánh nhiều, phình lên ở các mấu. Lá mọc đối, hình trái xoan hay bầu dục thon, mép có răng hay khía tai bèo, các lá cùng một đôi thường không bằng nhau. Hoa mọc so le hay mọc đối, xếp thành bông ít hoa; các bông này lại xếp thành chuỳ; đài cao 1cm, các lá đài nhọn; tràng hoa màu lam đến tím. Quả nang dài, không lông. Mùa hoa quả vào tháng 11 - 2. Bộ phận dùng làm thuốc là lá và rễ, lá thu hái lúc giai đoạn bánh tẻ (không non quá hoặc già quá), đem về phơi khô.
Cây mọc hoang ở các thung lũng ẩm ướt, các núi đá và được trồng ở các tỉnh vùng cao ở miền Bắc như: Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn... để lấy cành lá nhuộm màu vải có màu xanh chàm.
Chữa cảm mạo phong nhiệt với chàm lá to
Chàm lá to.
Một số bài thuốc thường dùng theo kinh nghiệm
Bài 1: Chữa cảm mạo phong nhiệt: Rễ chàm lá to 15g, bạc hà 9g, sinh cam thảo 3g, đại thanh diệp 10g, cát cánh 10g. Tất cả đổ vào ấm cho nước ngập sắc lấy 200ml uống ngày một thang, uống 2 - 3  lần. Dùng liền 5 ngày.
Bài 2: Chữa cảm cúm, sợ lạnh, đầu mình đau nhức khát nước, kém ăn: Rễ chàm lá to 30g, hoàng cầm 15g, huyền sâm, cát cánh, liên kiều, sài hồ, ngưu bàng mỗi vị 10g, mã bột, cam thảo, trần bì, cương tàm, bạc hà mỗi vị 5g, thăng ma 3g. Tất cả đổ vào ấm cho nước ngập sắc lấy 200ml uống ngày một thang, uống 2 - 3 lần. Dùng liền 5 ngày
Bài 3:  Hỗ trợ chữa viêm gan cấp tính: Rễ chàm lá to 50g, kim tiền thảo 50g, nhân trần 50g, hoàng cầm 25g, sa tiền 20g, chỉ xác 20g,  mộc hương 15g, mang tiêu (hòa sống) 15g. Tất cả đổ vào ấm cho nước ngập sắc lấy 300ml uống ngày một thang, uống 2 - 3 lần. Dùng liền 10 ngày
Bài 4:  Chữa ho, viêm amidan: chàm lá to khô 15g, bồ công anh 15g; huyền sâm 12g. Tất cả đổ vào ấm cho nước ngập sắc lấy 300ml uống ngày một thang, uống 2 lần. Dùng liền 10 ngày.
Bài 5: Cầm máu vết thương nhỏ hẹp: Lấy lá chàm lá to và thân rễ gừng gió giã nát, đắp vào vết thương băng giữ 2 giờ thay băng.
Bài 6: Hạ sốt, khát nước: Lá chàm lá to khô 15g (tươi 30g), kim ngân hoa 30g, thạch cao sống 20g. Tất cả rửa sạch, cho vào ấm đổ 500ml nước, sắc uống ngày một thang, chia 2 - 3 lần.
Bài 7: Chữa viêm họng: Rễ chàm lá to 12g, hoàng bá 8g, kim ngân hoa 10g, đại hoàng 9g, cam thảo 5g. Tất cả đổ vào ấm cho nước ngập sắc lấy 300ml uống ngày một thang, uống 2 lần. Dùng liền 5 ngày

Bác sĩ Thu Vân

Bài thuốc chữa phong thấp

Khi thời tiết thay đổi, nhất là vào mùa mưa bão, những ai mắc bệnh phong thấp sẽ rất khó chịu vì đau nhức gân, xương; mình mẩy, chân tay rời rã, tê bại, dẫn đến ăn ngủ kém sinh suy nhược.
Y học hiện đại cho rằng nguyên nhân sinh bệnh là do các ổ vi khuẩn loại liên cầu hoại huyết nhóm A cư trú ở tai, mũi, họng gây nên dị ứng nội sinh. Còn y học cổ truyền cho đây là chứng phong thấp nên nguyên tắc chữa trị cần phải khu phong hòa huyết, thông huyết - tán hàn, trừ thấp, giảm đau, thanh nhiệt, tiêu viêm, an thần; đồng thời bổ can, thận, bồi dưỡng khí lực để tăng cường sức chống đỡ bệnh tật cho cơ thể.
Dựa vào cơ sở lý luận trên, bài thuốc sau đây đã đạt được yêu cầu ấy bao gồm các vị: sinh địa 20g, hà thủ ô 20g, cỏ xước 12g, cốt toái bổ 12g, vòi voi 10g, cốt khí 10g, phòng đẳng sâm 20g, huyết đằng 12g, hy thiêm 12g, bồ công anh 12g, thiên niên kiện 10g, dây đau xương 10g.
Công năng của từng vị có trong phương thuốc:
Vị sinh địa (Rhizoma Rehmanniae): thân rễ phơi khô của cây địa hoàng (Rehmannia glutinosa Libosch “gaertn”), họ Hoa mõm chó (Scrophulariaceae), có tác dụng bổ huyết, hòa huyết và thông huyết - dùng chống thiếu máu, suy nhược, ngoài ra còn giúp lợi tiểu, mạnh tim.
Cây cỏ xước
Cây cỏ xước
Cây cỏ xước (Achyranthes bidentata Blume: họ Dền (Amaranthaceae). Ðược dùng làm thuốc trị viêm khớp, lưng, gối, xương đau nhức, làm tan tụ máu; bổ can, thận.
Huyết đằng (Caulis sargentodoxae): bộ phận dùng là thân cây huyết đằng phơi khô. Vị đắng, tính bình. Có tác dụng trừ phong, thống kinh lạc, lợi niệu, sát khuẩn; bổ huyết, hành huyết, khỏe gân cốt - chủ trị tê thấp, đau lưng, mình mẩy nhức mỏi.
Vị vòi voi: họ Tử thảo (Bonaginaceae), dùng chữa tê thấp, thông kinh lạc, hạ nhiệt, chữa mụn nhọt, viêm tấy và làm tan tụ huyết.
Hà thủ ô (Radix Polygoni multiflori): bộ phận dùng làm thuốc gồm rễ, củ phơi khô của cây hà thủ ô (Polygonum multiflorum Thumb). Tác dụng bổ huyết, trị thần kinh suy nhược, làm khỏe gân cốt.
Bồ công anh (Lactuca Indica Lin): họ Cúc (Compositae). Có tính chất sát khuẩn, tiêu viêm, hạ sốt, an thần và bồi bổ.
Hy thiêm (Sieges beckia orientalis L.): họ Cúc (Compositae). Thường dùng làm thuốc chữa trị đau nhức xương, trừ phong thấp, gân cốt nhức lạnh, bán thân bất toại, lưng gối tê dại.
Cốt toái bổ (Rhizoma Drynariae fortunei): bộ phận dùng làm thuốc gồm thân rễ cây cốt toái bổ (Drynaria fortuei J-sm), tính khô, ôn bình, tác dụng chữa đau xương, tán tụ máu, sát khuẩn, giảm đau. Là vị thuốc hòa hoãn và bổ thận, bồi dưỡng sinh khí.
Cốt khí (Radix Polygoni Cuspidati): bộ phận dùng là rễ phơi khô của cây cốt khí (Polygonumreynontria Makino); thuộc họ Rau răm (Polygonaceae). Tác dụng chữa tê thấp, giảm đau do té ngã, bị thương và lợi tiểu.
Dây đau xương (Tinospora Sinensis Men): có tác dụng chữa bệnh tê thấp, đau xương, đau người.
Thiên niên kiện (Rhizoma Homalomenae): bộ phận dùng làm thuốc gồm thân, rễ phơi khô của cây thiên niên kiện (Homalomenae aff sagittaefolia Jungh), họ Ráy (Araceae). Dùng chữa tê thấp, bổ gân cốt, giảm đau nhức - Thường dùng cho người cao tuổi hay đau xương khớp, mình mẩy. Thiên niên kiện vừa là vị thuốc bổ lại còn giúp kích thích tiêu hóa.
Đảng sâm (Radix codonopsis): vị thuốc là rễ phơi khô của nhiều loại codonopsis. Họ Hoa chuông (Campanulaccae). Người ta coi đảng sâm có thể thay thế nhân sâm - thuốc bồi bổ cơ thể, tăng lực, chống thiếu máu, tiêu đàm; bổ tỳ, vị, lợi niệu.
Như vậy sự kết hợp của mười hai vị thuốc trên thật hoàn hảo, đạt được lý luận của nguyên tắc chữa trị bệnh phong thấp, luôn hỗ trợ và tăng cường tác dụng trị liệu với nhau.
Phương thuốc trên tùy theo hoàn cảnh, điều kiện và tình trạng bệnh chứng của từng người mà áp dụng. Thang này có thể dùng dưới hai hình thức như ngâm rượu hoặc sắc để uống.
Nếu ngâm rượu: cứ 1 thang thuốc trên cần ngâm với 1 lít nước, tức 1.000ml rượu trắng 400, để trong 3 ngày lại thêm 500g đường hòa tan vào 500ml nước đun sôi để nguội, đổ chung vào với rượu đã ngâm thang thuốc trên. Mỗi ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần từ 10 - 20ml trước lúc đi ngủ, uống liên tục trong 1 - 2 tháng.
Dùng thuốc sắc: mỗi thang trên cho vào 500ml nước đun nhỏ lửa, đậy kín ấm đến khi cạn còn khoảng 150 - 200ml thì ngừng sắc. Gạn nước thuốc ra chia đôi, uống mỗi lần 1/2 số nước đó, uống nóng. Dùng liên tục từ 20 - 25 ngày.
Bệnh phong thấp là một bệnh kinh niên, và hiện chưa có cách để trị cho dứt bệnh. Tỉ lệ mắc bệnh này có liên quan chặt chẽ với tuổi tác, đặc biệt nữ giới, nhất là những phụ nữ sau khi mãn kinh. Về tổng thể, tỉ lệ phụ nữ mắc bệnh này cao gấp 3 lần so với nam giới. Qua nghiên cứu cho thấy, béo phì có liên quan nhất định so với bệnh viêm khớp. Một số người làm những công việc đặc biệt cũng dễ bị bệnh viêm khớp xương như: công nhân mỏ, người lao động nặng, vận động viên, diễn viên múa... chủ yếu là do xương sụn trong khớp luôn bị đè nặng nên bị mài mòn và bị thương mà gây nên.

BS. HOÀNG TUẤN LONG

Bài thuốc trị tăng huyết áp

Bệnh tăng huyết áp do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các nguyên nhân bên trong dẫn đến tăng huyết áp phải kể đến các bệnh về thận, xơ vữa động mạch, cường năng tuyến giáp, nhiễm độc thai nghén; Các nguyên nhân bên ngoài: Do ăn nhiều các chất cay nóng, kích thích trong thời gian kéo dài như rượu, cà phê, thuốc lá hoặc chế độ ăn uống quá nhiều mỡ động vật, ăn mặn. Do căng thẳng thần kinh (do làm việc nghỉ ngơi không điều độ dẫn đến lo nghĩ, sợ hãi). Do các yếu tố môi trường như quá nhiều tiếng động mạnh, tiếng ồn ào...
Y học cổ truyền coi bệnh tăng huyết áp là thuộc chứng huyễn vựng, đầu thống, can dương thượng cang. Căn cứ vào chứng trạng bệnh, người ta chia làm 6 thể bệnh. Sau đây xin giới thiệu cách chữa tăng huyết áp theo YHCT tùy theo từng thể bệnh để bạn đọc tham khảo:
Thể can nhiệt (can dương thượng cang)
Triệu chứng: đau đầu, căng đầu, hoa mắt, mắt đỏ, ù tai, môi miệng khô, đắng, chân tay hay bị co rút, tê bì, đầu lưỡi đỏ, rêu trắng hoặc hơi vàng, mất ngủ, lòng bàn chân nóng, mạch huyền.
Bài thuốc trị tăng huyết áp
Cúc hoa.
Bài thuốc: long đởm thảo 9g, hoàng cầm 9g, từ thạch 30g, cúc hoa 9g, hạ khô thảo 15g, xuyên khung 10g, cao bản 9g, tang chi 30g.
Thể đàm hỏa nội thịnh (đàm thấp):
Triệu chứng: mắt mờ, đầu căng, đau đầu ngực sườn đầy tức, mắt đỏ, miệng khô đắng, đờm dính quánh, rêu lưỡi vàng dày, đầu lưỡi đỏ, hay lợm giọng, buồn nôn, kém ăn ít ngủ; mạch huyền hoạt. Thể đàm thấp thường gặp ở những người có thể trạng béo, có hàm lượng cholesterol cao (mỡ máu cao).
Bài thuốc: bán hạ 8g, trúc nhự 12g, ngưu tất 12g, ý dĩ 16g, trạch tả 8g, tang ký sinh 12g, uất kim 8g, trần bì 6g.
Thể âm hư dương thịnh:
Triệu chứng: hoa mắt, chóng mặt, đầu nặng, chân bước không thật, tai ù, phiền táo, dễ cáu gắt, chân tay tê bì, chất lưỡi đỏ, rêu trắng, mỏng, mạch huyền.
Bài thuốc: sinh địa 12g, long cốt 12g, mẫu lệ 30g, bá tử nhân 10g, bạch thược 10g, ngưu tất 10g, tiên linh kỳ 12g.
Thể can thận âm hư:
Triệu chứng: nhức đầu hoa mắt, ù tai, hay hoảng hốt dễ sợ hãi, mắt hay đỏ, miệng khô, chất lưỡi đỏ, ít rêu. Lưng đau, gối mỏi, di tinh; khi ngủ hay bị mê; mạch huyền, tế, sác. Thể này thường gặp ở những người già mà động mạch bị xơ cứng.
Bài thuốc: trân châu mẫu 30g, sinh địa 10g, câu kỷ căn 30g, câu đằng 10g, thạch hộc 10g, đương quy 10g, dạ giao đằng 12g, hoàng bá 10g.
Thể tâm tỳ hư:
Triệu chứng: thường xảy ra ở người cao tuổi, có kèm theo các triệu chứng viêm loét dạ dày tá tràng biểu hiện hoa mắt, đau đầu, da khô, kém ăn, kém ngủ, phân nát. Rêu lưỡi mỏng, trắng, mạch huyền tế.
Bài thuốc: đảng sâm 15g, hoàng kỳ 15g, phục thần 10g, táo nhân 10g, đương quy 10g, bạch truật 10g, mộc hương 5g, cam thảo 3g, đan sâm 20g.
Thể âm dương lưỡng hư:
Triệu chứng: chóng mặt đau đầu; sắc mặt trắng bệch, chân tay lạnh, mềm yếu, cơ teo nhẽo, tiểu đêm nhiều lần, liệt dương hoạt tinh. Người luôn có cảm giác sợ lạnh, gió lạnh, nước lạnh. Người luôn có tâm trạng phiền muộn, miệng khô, lưỡi bỏng hơi hồng, mạch trầm tế.
Bài thuốc: sinh địa 12g, mạch môn 12g, bạch thược 12g, nữ trinh tử 8g, ngưu tất 16g, thỏ ty tử 8g, ngũ vị tử 6g, cam thảo 4g, mẫu lệ 12g.
Các bài thuốc trên sắc uống ngày 1 thang. Cho 1 lít nước vào thang thuốc đun đến sôi, sau đó đun cho sôi lăn tăn trong 45 - 60 phút. Chắt lấy nước thuốc (300 - 400ml) chia uống 3 lần trong ngày, sau khi ăn 30 phút.

Lương y Vũ Quốc Trung