Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Đông y trị phong thấp ở người cao tuổi

Phong thấp là bệnh thường gặp ở người cao tuổi, bệnh diễn biến phức tạp và dai dẳng. Mỗi người bệnh có tiền sử bệnh tật, có điều kiện hoàn cảnh sinh hoạt khác nhau, sinh sống ở những vùng địa lý cũng như môi trường khác nhau, mức độ và thể bệnh cũng không giống nhau. Tất cả những yếu tố đó cần được quan tâm để việc chữa trị đạt kết quả cao.
Với nguồn dược liệu phong phú, với kinh nghiệm lâu đời, Đông y đã điều trị chứng bệnh phong thấp rất có hiệu quả. Sau đây xin giới thiệu một số bài thuốc chữa trị tùy thể bệnh...
Mỗi khi thời tiết thay đổi, các khớp đau nhức âm ỉ, người bệnh ít ngủ, trằn trọc, đi lại khó khăn, dùng một trong các bài thuốc sau:
Bài 1: xương bồ 12g, thổ phục linh 16g, nam tục đoạn 20g, tang chi 12g, rễ cỏ xước 12g, rễ bưởi bung 16g, quế 10g, cam thảo 12g. Đổ 1.000ml nước, sắc lọc bỏ bã lấy 350ml, chia 2 lần uống trong ngày.
 Cẩu tích
 
Xương bồ.
Bài 2: ngải diệp 16g, kinh giới 16g, ngũ gia bì 12g, cẩu tích 12g, trinh nữ 16g, thổ phục linh 20g, quế chi 10g, thiên niên kiện 10g, nước 1.000ml, sắc lọc bỏ bã lấy 350ml, chia 2 lần uống trong ngày.
Khớp gối đau mỏi, chân tay lạnh, có biểu hiện cứng khớp, cơ thể suy nhược, đi đứng chậm chạp (thể hàn thấp), dùng một trong các bài thuốc sau:
Bài 1: phòng phong 10g, kinh giới 16g, tế tân 12g, xuyên khung 12g, huyết đằng 16g, nam tục đoạn 16g, cà gai leo 12g, bưởi bung 16g, quế chi 10g, thiên niên kiện 10g, cẩu tích 12g, chích thảo 12g. Đổ 1.000ml nước, sắc lọc bỏ bã lấy 400ml, chia 2 - 3 lần uống trong ngày.
Bài 2: hà thủ ô (chế) 12g, rễ cúc tần 12g, tục đoạn 12g, thổ phục linh 16g, xấu hổ 20g, cỏ xước 20g, độc hoạt 16g, quế chi 10g, thiên niên kiện 10g, đơn hoa 16g. Đổ 1.000ml nước, sắc lọc bỏ bã lấy 400ml, chia 2 - 3 lần uống trong ngày.
Đau khớp nhưng lại chạy từ khớp này đến khớp kia, có thể có sốt, đau tức ngực, khó thở, toàn thân mệt mỏi (thể phong thấp). Dùng một trong các bài thuốc sau:
Bài 1: xuyên khung 12g, đan sâm 12g, phòng phong 12g, kinh giới 16g, ngải diệp 16g, ngưu tất 12g, thục địa 10g, bạch thược 12g, đương quy 12g, thổ phục linh 16g, độc hoạt 16g, huyết đằng 16g. Ngày uống 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.
Bài 2: hoài sơn 16g, liên nhục 12g, cẩu tích 12g, hà thủ ô (chế) 12g, ngũ gia bì 16g, nam tục đoạn 16g, đơn hoa 12g, độc hoạt 16g, hy thiêm 12g, phòng phong 10g, kinh giới 16g. Uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.
Đau vai cổ, đau lan xuống một bên cánh tay. Đầu khó cử động, có cảm giác tê bì. Dùng một trong các bài thuốc sau:
Bài 1: ngưu tất 16g, thiên niên kiện 12g, quế chi 10g, trần bì 10g, cố chỉ 10g, ngải diệp 16g, tế tân 10g, kinh giới 16g, đương quy 12g, xương bồ 12g. Sắc uống ngày 1 thang, uống nóng.
Bài 2: thổ phục linh 20g, ngải diệp 16g, hà thủ ô (chế) 12g, tục đoạn 12g, lá lốt 12g, rễ cỏ xước 16g, rễ bưởi bung 16g, rễ cúc tần 12g, cà gai leo 12g, quế chi 10g, thiên niên kiện 10g, chích thảo 12g. Sắc uống ngày 1 thang, uống nóng.
Lương y Trịnh Văn Sỹ

Đông y trị bệnh xơ gan cổ trướng

Bệnh "cổ trướng" được chia ra: Khí cổ, thuỷ cổ, huyết cổ, cổ trướng, nhiệt trướng, tỳ hư cổ trướng, tỳ thận hư cổ trướng và hàn chướng.
Sau đây chúng tôi xin giới thiệu một số bài thuốc điều trị bệnh cổ trướng tùy theo từng thể bệnh để bạn đọc tham khảo và áp dụng:
Khí cổ
Triệu chứng: Ngực bụng đầy trướng, bụng phệ da bụng dầy, ngực tức sườn đau, hay ợ hơi, hay trung tiện. Tinh thần ảm đạm, u uất, hay bực tức, không muốn ăn uống. Nặng thì bụng phình to, da bụng dầy, sắc xanh, ấn tay vào nổi lên ngay. Mạch trầm vô lực.
Phương pháp điều trị: Khoan trung hạ khí lợi niệu.
Bài thuốc Khoan trung thang: Binh lang 16g, hậu phác 16g, mộc hương quảng 6g, đậu khấu nhân 8g, thanh bì 10g, trần bì 12g, đại phúc bì 12g, uất kim 16 g, trạch tả 16g. Hậu phác cạo bỏ vỏ. Các vị trên sắc với 1.600ml nước,  lọc bỏ bã lấy 250ml. Mộc hương quảng + thuốc sắc 20ml mài tan hết, cho vào thuốc sắc quấy đều. Uống ấm chia đều 5 lần (ngày uống 4 lần, tối uống 1 lần).
 Hạt cau cho vị thuốc binh lang.
 
Tiểu hồi hương.
Thuỷ cổ
Triệu chứng: Bụng trướng to bè ra hai bên, da bụng mỏng, sáng, ấn lõm, ăn uống kém, chân tay gầy, sắc mặt vàng úa, chất lưỡi bệu, nhớt, rêu lưỡi trắng, đau bụng hoặc táo kết. Mạch trầm tế hoặc vi nhược.
Phương pháp điều trị: Công trục thuỷ khí.
Bài thuốc Vũ công tán: Hắc sửu 32g, tiểu hồi hương 8g, quảng mộc hương 6g. Hai vị hắc sửu và tiểu hồi hương sắc với 800ml nước, lọc bỏ bã lấy 150ml. Mộc hương quảng + thuốc sắc 40ml mài tan hết trộn lẫn quấy đều.Uống ấm chia đều 4 lần (ngày uống 3 lần, tối uống 1 lần).
Huyết cổ
Triệu chứng: Bụng trướng to, da bụng nổi gân hơi tía hoặc xanh, mệt mỏi, sắc mặt xanh xạm, chân, tay, mặt gầy, đại tiện phân đen, bóng, thối khẳm. Mạch trầm tế.
Phương pháp điều trị: Thông huyết trục ứ hành khí.
Bài thuốc Đương qui hoạt huyết: Đương qui 12g, xích thược dược 10g, sinh địa hoàng 16g, quế tâm 6g, đào nhân 12g, phục linh 12g, hồng hoa 4g, chỉ xác 8g, sài hồ 8g, cam thảo 4g, bào khương  2g. Xích thược tẩm rượu, sinh địa hoàng tẩm rượu, Đào nhân bỏ vỏ. Các vị trên sắc với 1.700ml nước, lọc bỏ bã lấy 200ml. Uống ấm chia đều 4 lần, ngày uống 3 lần, tối uống 1 lần.
Cổ trướng
Triệu chứng: Bụng to như cái trống, trướng đau, môi đỏ, mặt mày hốc hác, mắt lờ đờ nhợt nhạt, nôn nước trong, thích ăn đồ béo ngọt, lưỡi nhợt, bệu, rêu lưỡi có điểm xanh tím. Mạch tế sác.
Phương pháp điều trị: Hoạt huyết khứ ứ, hành khí trục thuỷ.
Bài thuốc Tiêu cổ thang: Bán hạ 12g, trần bì 6g, thanh bì 6g, chỉ xác 6g, la bạc tử 10g, cam thảo 4g, tử tô 6g,  sa nhân 6g, nhục đậu khấu 4g, tam lăng 12g, nga truật 12g, binh lang 12g, quan quế  4g, bạch đậu khấu 4g, tất trừng gìa 6g, mộc hương quảng 2g, sinh khương  6g, đại táo 12g. Đại táo xé ra. Các vị trên sắc với 1.700ml nước, lọc bỏ bã lấy 250ml. Mộc hương quảng + thuốc sắc 20ml mài tan hoà đều với thuốc sắc. Uống ấm chia đều 5 lần, ngày uống 4 lần, tối uống 1 lần.
Nhiệt chướng
Triệu chứng: Bụng trướng to, cứng, đau, cự án, phát sốt, miệng đắng, cổ khô, tiểu tiện vàng thẫm, sẻn, đại tiện bí, táo kết, lưỡi khô, chất lưỡi bệu, rêu lưỡi vàng nhợt. Mạch sác.
Phương pháp điều trị: Thanh nhiệt trừ thấp.
Bài thuốc Trung mãn phân tiêu thang: Hoàng liên 12g, hoàng cầm 16g, hậu phác 12g, chỉ xác 10g, bán hạ 12g, phục linh 12g, bạch truật 12g, nhân sâm 4g, trư linh 10g, trạch tả 12g, cam thảo 4g, can khương 2g. Hậu phác cạo bỏ vỏ, bán hạ chế, cam thảo chích. Các vị trên sắc với 1.700ml nước,  lọc bỏ bã lấy 250ml. Uống chia đều 5 lần (ngày uống 4 lần, tối uống 1 lần).
Tỳ hư cổ trướng
Triệu chứng: Bụng trướng, bụng đầy ấn có khi mềm khi căng, thiện án, sôi bụng, sắc mặt vàng héo, tiếng nói nhỏ yếu, hơi thở ngắn, người mệt mỏi, gầy, mắt trắng, môi nhợt, chất lưỡi bệu, nhợt, đại tiện lỏng. Mạch trầm tế.
Phương pháp điều trị: Trợ dương kiện tỳ, lợi thuỷ.
Bài thuốc Thực tỳ ẩm: Bạch truật 16g, phục linh 16g, hậu phác 16g, đại phúc bì 12g, thảo quả nhân 8g, mộc hương quảng 4g, mộc qua 16g, hắc phụ tử 8g, bào khương 4g, cam thảo 6g. Hậu phác cạo bỏ vỏ. Các vị trên sắc với 1.700ml nước, lọc bỏ bã lấy 250ml. Mộc hương quảng + thuốc sắc 30ml mài tan hoà lẫn với thuốc sắc. Uống ấm chia đều 5 lần, ngày uống 4 lần, tối uống 1 lần.
Tỳ thận hư cổ trướng
Triệu chứng: Bụng đầy trướng, ấm ách sôi bụng khó chịu, không muốn ăn, đầu choáng mắt hoa, ù tai, đau lưng, mỏi gối, di tinh, ra mồ hôi, ngũ canh tiết tả. Mạch trầm tế.
Phương pháp điều trị: Ôn bổ tỳ thận dương.
Bài thuốc Phụ tử lý trung thang: Nhân sâm 8g, can khương 12g, cam thảo 12g, bạch truật 12g, hắc phụ tử 10g. Các vị trên sắc với 1.500ml nước, sắc lọc bỏ bã lấy 200ml. Uống ấm chia đều 5 lần, ngày uống 4 lần, tối uống 1 lần.
Cổ trướng là một chứng bệnh phức tạp khó chữa, nằm trong tứ chứng nan y của Đông y. Nguyên nhân gây ra "cổ trướng" có rất nhiều nhưng không ngoài nội thương thất tình, ăn uống thực tích, lao lực quá sức và các chứng bệnh của hoàng đản, triệt ngược không được chữa khỏi nguyên căn mà gây ra.
Hàn chướng
Triệu chứng: Bụng đầy trướng, ấm ách trong bụng, đau vùng hạ vị, chườm nóng đỡ đau, chân tay lạnh, lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, tiểu tiện trong ít, đại tiện phân nát, lỏng. Mạch trầm trì vô lực.
Phương pháp điều trị: Ôn trung tán hàn.
Bài thuốc Lý trung gia ô dược chỉ thực thang: Nhân sâm 8g, cam thảo 12g, can khương 12g, bạch truật 32g, ô dược 12g, chỉ thực 12g. Chỉ thực nướng. Các vị trên sắc với 1500ml nước,  lọc bỏ bã lấy 200ml. Uống ấm chia đều 5 lần (ngày uống 4 lần, tối uống 1 lần).
TTND.BS. Trần Văn Bản
(Phó chủ tịch Trung ương Hội Đông y Việt Nam)
VOTE:

Quả vải - Thức ăn, vị thuốc ích tâm ôn tỳ


 Quả vải
Theo Đông y, quả vải đặc tính đại nhiệt (hạt vải còn nhiệt hơn cả cùi vải nên cần thận trọng khi làm thuốc). Cùi vải vị rất ngọt không độc (có tài liệu viết có độc có lẽ do tính quá ngọt nóng của vải). Vải có tác dụng ích tâm, ôn tỳ, tư thận, bổ huyết, dưỡng can, trừ phiền khát, làm tỉnh táo tinh thần, minh mẫn trí óc, tăng sức lực, tăng thân nhiệt, trừ hàn, tráng dương, tiêu thũng, làm đẹp nhan sắc.
Quả vải thường được dùng dưới hai dạng tươi và khô. Để ăn dùng cả hai dạng, để làm thuốc thường dùng dạng khô. Cả hai cách dùng để ăn và làm thuốc, tươi hay khô, đều phải có liều lượng. Dùng có chừng mực, thì mới đem lại lợi ích và tránh được điều không mong muốn. Nếu cho thuốc nhiệt (vải) vào bệnh nhiệt, là lửa đỏ đổ dầu thêm, nên có hại! Vải chỉ gây hại cho cơ thể thường là do người khỏe, ăn quá nhiều hoặc không biết tạng mình nhiệt không thể hợp tính nóng của vải và người bệnh không biết kiêng kỵ khi đang có bệnh thuộc dương, có hỏa nhiệt, âm hư hỏa vượng đường huyết cao (thì không nên ăn vải).
Như chúng ta đã biết "vải nóng" nếu ăn nhiều sẽ phát ra các bệnh viêm nhiệt như trẻ em ngứa, nhiều rôm sảy, mụn nhọt, trằn trọc khó ngủ, táo. Người dân Trung Quốc có câu ví "Một quả vải bằng 3 bó đuốc". Giới y dược Đông phương nói, vải gây "bốc hỏa", có thể dẫn đến "chứng bệnh lệ chi" (say vải) với các chứng hồi hộp, choáng váng, nhức đầu... thường xảy ra ở những người khỏe mạnh ăn quá nhiều vải một lúc. Có trường hợp co giật. Sách Bản thảo tụng tân đã viết: Ăn vải quá nhiều sẽ bị phát sốt, phiền khát... sưng chân răng, chảy máu mũi... Người tạng nhiệt có bệnh nhiệt không nên ăn vải.
Một số công dụng chữa bệnh từ vải:
1. Suy nhược thần kinh và thể lực kể cả liệt dương
- Vải tươi 500g-1.000g ngâm vào một lít rượu 7-10 ngày. Uống vào chiều tối, mỗi lần 25-30ml.
- Vải khô 10 quả: ăn vào chiều tối trong một thời gian 1-2 tháng. Tốt nhất vào các mùa mát lạnh thu đông.
2. Đau bụng, tiêu chảy cấp mạn, tỳ hư gây ngũ canh tiết tả (đi ngoài lỏng sáng sớm). Nấu cháo vải khô 5-10 quả. Có thể cho thêm các vị như hoài sơn, hạt sen 10g, bạch biển đậu 10g.
3. Sa dạ con. Dùng cùi vải tươi 500g sắc uống, hoặc ngâm rượu uống.
Dạ con sau đẻ lâu co: Cùi vải khô 10 quả sắc uống.
4. Đậu, sởi không mọc - cùi vải khô 16g sắc uống.
5. Hôi mồm: Cùi vải khô nhai ngậm.
6. Mụn nhọt sưng tấy: Cùi vải tươi hoặc khô giã nhuyễn với ô mai đắp.
7. Nấc lâu không khỏi: 7 quả vải đốt tồn tính nghiền nát uống với nước nóng (loại trừ nấc hàng tuần trong một số bệnh nan y...).
8. Khô cô khản họng ở ca sĩ, giáo viên: Hàng ngày nhai ngậm vài cùi vải khô để bảo dưỡng thanh đới. Không dùng khi có viêm nhiệt, kèm răng lợi chảy máu.
9. Tim đập nhanh mạnh (hồi hộp) thở nhanh khi gắng sức: ngâm cùi vải khô hoặc vải khô nấu nước để uống.
10. Đau mỏi vai, lưng, đau bụng do lạnh: Sắc vải tươi hoặc vải khô để uống.
Chữa các chứng bệnh do ăn vải gây ra: Lấy vỏ quả vải sắc uống hoặc uống cốc nước chanh nóng.
BS. Phó Thuần Hương

Ớt cảnh chữa tê thấp

Ớt cảnh là loại ớt quả tròn, màu đỏ tươi như quả anh đào, có tên khoa học: Capsicum anuun l. var cevasiforme Mih, thuộc họ cà Solannceac.
Người ta đã phân tích trong thịt ớt (loại ớt ta) cũng thấy chứa nhiều thành phần dinh dưỡng như vitamin C, chất dầu nhựa capsicin (là loại gây đỏ và nóng da) chiếm 25%. Còn vị cay của ớt do một loại alkaloid có tên là capsicin nằm trong thành giá noãn và biểu bì của hạt. Theo tính toán, cứ 1kg ớt chứa tới 1,2g alkaloid cay. Ngoài ra trong ớt còn chứa nhiều vitamin B1, vitamin B2. Ớt được dùng để chế cary, làm gia vị trong các bữa ăn. Trong Đông y còn dùng ớt để làm thuốc nhờ có tính ôn, vị cay nóng, do vậy đã chữa trị nhiều bệnh, cụ thể là những phương thuốc sau:
Chữa đau lưng, đau khớp: Ớt 15 quả, đu đủ 3 lá, rễ chỉ thiên 80g. Tất cả giã nhỏ, ngâm với cồn tỷ lệ 1/2. Dùng nước để xoa bóp lưng, khớp đau.
Chữa đau tê thấp, đau thần kinh, đau do trĩ: Lấy ớt giã nhỏ rồi xát nhẹ bên ngoài nơi đau.
Chữa mụn nhọt: Lá ớt tươi 50g, lá tứ vị 50g, lá táo 50g. Tất cả rửa sạch, để ráo nước, giã nát với chút muối ăn, sau đó đắp lên mụn nhọt sẽ tiêu tan.
Hoặc: lấy lá ớt tươi giã nát với cành xương rồng bà có gai, lá mồng tơi, rồi đắp lên đầu đinh nhọt bọc cũng nhanh khỏi.
Chữa rắn, rết cắn: Lấy 1 nắm lá ớt rửa sạch, giã nhỏ rồi đắp vào vết rắn cắn đến khi hết đau nhức thì bỏ ra. Ngày làm 1 lần như vậy đến khi hết đau thì thôi.
Chữa đau bụng kinh niên: Rễ ớt 10g, rễ chanh 10g, rễ hoàng lực 10g. Tất cả sao vàng rồi sắc cùng 200ml nước, còn lại 50ml chia 2 lần uống trong ngày.
Chữa tiêu chảy: Uống từ 1 - 3g hạt ớt mỗi ngày sẽ cầm nôn và ngưng tiêu chảy.
Ngoài ra người ta còn khuyên nên ăn chút ít ớt kèm theo các món ăn hàng ngày sẽ có tác dụng chữa trị đau lưng, đau khớp, phong thấp, sát khuẩn, chữa lị, kích dục, khu phong trừ thấp, kích thích tiêu hóa, trị tiêu chảy...
BS. Hoàng Xuân Đại

Cá mực dưỡng huyết bổ can thận


 Mực tươi.
Cá mực là món ăn thuốc rất tốt, chữa được nhiều bệnh của phụ nữ như các chứng bệnh xích bạch, lậu hạ, kinh tụ, huyết bế, ẩm thực thũng thống, hàn nhiệt chưng hà...
Theo Đông y, cá mực vị mặn, tính bình, bổ âm dưỡng huyết, thông kinh, khứ ứ, bổ can thận, chữa di tinh, xuất tinh sớm, phụ nữ kinh nguyệt không đều, ít sữa. Ngoài ra, cá mực còn có công hiệu giải độc gan phòng tiểu đường, chống mệt mỏi, chống suy lão.
Trong cá mực có nhiều protid, lipid, các axit amin, các vitamin A, B1, B2, B12, D, E và các chất vi lượng như đồng, kẽm...
Cá mực được dùng làm thuốc trong những trường hợp sau:
Dưỡng âm bổ huyết: Dùng cho người tỳ vị hư nhược, thiếu máu, giảm sức miễn dịch, phụ nữ huyết hư, bế kinh, khí hư băng huyết. Cá mực 300g, ớt xanh 100g, gừng, hành, tỏi, rượu vang, dấm, đường, xì dầu lượng vừa dùng (cá mực thái sợi) làm món xào.
Bổ huyết tăng sữa: Nấu canh mực khô với giò heo hoặc thịt heo cho sản phụ ăn cái uống nước.
Chống ợ chua: Nấu canh mực ăn cái uống nước.
Chữa mờ mắt, chảy nước mắt sống: Khi dùng canh mực chữa bệnh thì dùng nước canh là chính vì mực khô cứng khó tiêu có thể ảnh hưởng xấu đến bộ máy tiêu hoá.
Đại bổ tỳ thận chữa suy nhược thần kinh và thể lực: Mực 3 con (khoảng 600g), hạt sen 10g, khoai mài 300g, bạch quả nhân 10g, tôm to 100g, tương cà chua 30g, hành tây 2 củ (50g), bơ 15g. Tôm nõn hoặc tôm khô ngâm mềm, thái mỏng. Mực bỏ râu, phủ tạng. Khoai mài thái lát mỏng. Hạt sen tươi nếu khô ngâm mềm bỏ tâm sen. Tất cả trộn đều với ít muối rồi cho vào bụng mực, khâu lại, phết bơ mỏng ra ngoài, nướng chín, cắt khoanh dây 3cm xếp vào đĩa.
Kinh nguyệt lượng ít kéo dài: Mực 500g, gừng nướng 6g thái lát cho vào nồi nước nấu chín, thêm gia vị. Ngày ăn 1 lần, ăn liền trong 3 - 5 ngày.
Kinh nguyệt nhiều do khí hư: Cá mực 300g, hoa tề thái tươi 30g, hành tiêu dầu muối (cọng hành trắng giã nhuyễn), ướp mực với hành muối tiêu. Cho nước nấu canh.
Hoạt huyết hoá ứ, lý khí, giảm đau: Tài liệu nói thích hợp tiểu đường kèm viêm tiền liệt tuyến. Mực 1 con, đào nhân 6g. Nấu canh để ăn.
Tư âm, bổ hư: Phụ nữ sinh con huyết hư máu kinh nhiều, mất máu nhiều nên ăn mực thì cực tốt (theo sách). Cá mực khô 1 con, đương quy 25g. Cho nước ninh nhừ. Chữa kinh ít, bế kinh.
Kinh ra trước kỳ, băng lậu: Cá mực khô 1 con, sinh địa hoàng 30g. Cho nước vào ninh nhừ để ăn.
Thông sữa: Cá mực khô 1 con, chân giò lợn 1 cái. Ninh nhừ để ăn. Ăn liền 3 ngày.
Bổ thận tráng dương: 3 con cá mực tươi làm sạch (bỏ mai, bỏ ruột...). Hạt sen 30g (ngâm mỡ bỏ tâm) giã nát, hoài sơn 300g, nấu chín, giã nhuyễn, tôm nõn 100g, chân giò hun khói 200g thái nhỏ. Tất cả (trừ mực) trộn đều với muối gia vị (vừa ăn) rồi nhồi vào khoang mực buộc lại. Xào 200g hành thái lát cho thơm, nêm gia vị chờ dùng.
Mực đã nhồi được rán, một lúc cho rượu xì dầu và lượng nước vừa phải. Cuối cùng cho hành đã xào và gia vị đảo đều là được, chia ra mấy lần ăn trong ngày.
Bổ khí huyết: Mực tươi 600g, tỏi băm 100g, tiêu đen giã dập nát 1 thìa con, nước tương nhạt 1 thìa con, đường 1 thìa con. Rau mùi xào vàng tỏi rồi cho mực vào. Sau đó cho gia vị đun cho mực trắng ra. Rắc mùi, ăn nóng.
Chú ý:
- Nên ăn mực tươi không qua ướp đá.
- Do mực chứa nhiều cholesterol nên người có mỡ máu cao phải hạn chế.
- Khi chế biến thức ăn nên nướng, xào, không nên rán.
BS. Phó Thuần Hương

Hạt muồng chữa trị tăng huyết áp, táo bón


 Hạt muồng ngủ.
Hạt muồng hay còn gọi là hạt muồng ngủ, theo tên thuốc Đông y là thảo quyết minh, hay quyết minh tử. Thảo quyết minh được dùng để trị các chứng bệnh liên quan đến một số chức năng của tạng can (gan). Theo YHCT, can khai khiếu ra mắt, can chủ về sơ tiết (mật). Do vậy mà vị thuốc này được Đông y trị các chứng về mắt như đau mắt, mờ mắt... táo bón do thiếu dịch mật.
Cây Muồng ngủ (Cassia tora L.), họ Đậu (Fabaceae), mọc hoang ở  nhiều địa phương trong nước ta. Quả  muồng ngủ thường chín vào cuối mùa thu, người ta thu hái lấy quả, phơi khô giòn, đập lấy hạt, trước khi dùng phải qua sao chế, nếu đem hạt sắc ngay để uống thì sẽ cho mùi rất nồng và buồn nôn, không thể nào uống nổi.
Cách sao chế hạt muồng?
Với hạt muồng có thể tiến hành một số cách sao chế đơn giản, như sau:
Hạt muồng sao vàng: Dùng một dụng cụ để sao, như chảo gang, nồi nhôm... đun cho nóng già, cho hạt muồng vào, đảo đều cho đến khi toàn bộ phía ngoài của hạt có một lớp dầu bóng láng, tiếp tục sao,  một lát sau, lớp dầu đó khô đi và bắt đầu đến giai đoạn hạt nổ cho tiếng kêu lép bép. Khi hạt nổ hết là coi như đã kết thúc dạng sao vàng.
Hạt muồng sao cháy: Sao vàng hạt muồng, sau khi hạt đã nổ hết, tiếp tục sao thêm, chú ý cần đảo đều tay. Một lát sau, từ lớp hạt muồng đang sao bốc lên một lớp khói dầy đặc, mầu vàng da cam (thăng hoa của các thành phần anthranoid có trong hạt muồng), tiếp tục sao và đảo đều tay cho đến khi lớp khói tan dần, trong chảo xuất hiện một làn khói đen nhẹ mùi hơi cháy của hạt muồng.
Tác dụng chữa bệnh của hạt muồng
 Cây muồng ngủ.
Táo bón: Đại tiện khó, nhất là về mùa hè nóng nực, nhiệt độ ngoài trời thường xuyên cao, cơ thể mất nhiều mô hôi, tân dịch hao tổn... Ở những người trẻ tuổi, nên dùng hạt muồng sao vàng, liều 16 - 20g/ngày, dưới dạng hãm, uống nhiều lần trong ngày cho tới khi phân nhuận. Với người cao tuổi hoặc phụ nữ sau sinh, trẻ em nhỏ tuổi, bị táo, trĩ, hoặc chứng táo mạn tính, do công việc phải ngồi lâu gây táo bón: dùng hạt muồng sao cháy, liều 10 - 16g/ngày, dưới dạng hãm, uống nhiều lần trong ngày. Trẻ nhỏ tùy tuổi mà giảm liều, mới sinh mà táo bón, dùng 1 - 2g cho thêm nước sôi hoặc sữa mẹ, hấp trên mặt nồi cơm khi cạn, gạn lấy nước để nguội, có thể thêm chút mật ong hay đường phèn cho dễ uống. Uống nhiều ngày cho tới khi hết táo bón.
Tăng huyết áp: Hạt muồng sao cháy 12g, hòe hoa (sao vàng) 10g, cúc hoa 4g, cỏ ngọt 6g, dùng dưới dạng hãm, uống nhiều lần trong ngày. Một liệu trình 3 - 4 tuần, sau nhắc lại.
Mất ngủ, khó ngủ, tinh thần  bồn chồn, bất an: Hạt muồng sao cháy 12g, hãm uống hàng ngày, hoặc hạt muồng sao cháy 12g,  táo nhân sao đen (hắc táo nhân) 10g, dưới dạng hãm, uống hằng ngày vào buổi chiều và trước khi đi ngủ.
Đau mắt đỏ, mờ mắt: Hạt muồng sao cháy 12g, cúc hoa vàng 6g, hoàng liên 8g, cốc tinh thảo 8g, cam thảo 8g, sắc uống ngày một thang. Một liệu trình 2 - 3 tuần lễ, sau nhắc lại.
Ngoài ra cần chú ý tránh nhầm lẫn với một số loại hạt của một số cây cùng họ với muồng ngủ:
Hạt cây điền thanh có kích thước gần bằng hạt muồng ngủ, ngoài hạt cũng nhẵn bóng như hạt muồng, song mau của hạt lại hơi xám xanh và hai đầu hạt không bị vát.
Hạt cây lục lạc lá tròn (Crotalaria mucronata Desv.) cùng họ đậu (Fabaceae) với muồng ngủ, cây cũng mọc hoang ngay ở những nơi mà muồng ngủ mọc được, do đó có thể rất dễ gây nhầm lẫn. Tuy vậy hạt lục lạc nhỏ hơn, lại có hình thận và có mầu nâu nhạt hay vàng da cam.      
GS.TS. Phạm Xuân Sinh

Nhiệt miệng: Bệnh của mùa nắng nóng

Những ngày nắng nóng, thời tiết bên ngoài kèm một số thực phẩm mùa hè dễ gây nhiệt dẫn đến lở miệng là điều khó tránh khởi. Số trẻ bị lở miệng đến các phòng khám tăng cao. Một số thống kê cho thấy, có khoảng 20% dân số bị nhiệt miệng thường xuyên. Nhiệt miệng khôn gphải là một bệnh nặng nhưng gây khó chịu, đau đớn, bất tiện cho người bệnh khói, ăn uống và vệ sinh răng.
Đặc điểm của nhiệt miệng
Biểu hiện bệnh bắt đầu thường là bên trong miệng xuất hiện những mụn nước nhỏ hình tròn hoặc bầu dục, đường kính từ 2 - 10mm, bờ rõ rệt, đáy màu vàng nhạt, chung quanh sưng đỏ, có một đường viền màu đỏ tươi, trên có một lớp trắng. Những mụn này dễ vỡ, để lại một vết loét nông ở niêm mạc miệng, bờ rõ rệt, rất đau và xót khi nói và ăn các chất mặn, uống nước nóng… Nơi xuất hiện các vết loét thường là ở mặt trong của má, lợi hay đầu lưỡi...
Ðặc điểm căn bệnh là lành tính, không gây sốt, không gây sưng hạch vùng lân cận, chỉ kéo dài khoảng 2 tuần rồi tự khỏi, không để lại sẹo. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc đúng cách, vết loét có thể bị viêm cấp, tấy đỏ và rất đau, thậm chí gây sốt và nổi hạch tại góc hàm.
 Nên ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là các vitamin và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể
Theo quan điểm của y học hiện đại, chứng lở miệng do nhiều nguyên nhân gây nên: có thể là vi khuẩn, virus, hay do sự phản ứng của khoang miệng với thành phần hóa học nào đó trong kem đánh răng. Chế độ ăn thiếu acid folic ở phụ nữ mang thai cũng có thể gây lở miệng. Tình trạng thiếu dinh dưỡng hoặc dinh dưỡng không đúng cách, dẫn đến cơ thể thiếu các vi chất dinh dưỡng như: vitamin A, C, B2, PP, B6, B12, kẽm, protein... làm giảm sức đề kháng của cơ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển và gây bệnh.
Theo Đông y, nhiệt miệng phát sinh có thể do:
- Hỏa độc, nhiệt độc ở tỳ, vị. Do cảm phải nhiệt độc từ bên ngoài như nắng nóng… xâm nhập vào tỳ, vị. Hỏa độc, nhiệt độc bốc lên sinh lở loét, đau nóng rát, miệng hôi, khô miệng, lưỡi đỏ. Đông y gọi là khẩu sang.
- Thấp nhiệt ở tỳ, vị. Do ăn uống nhiều chất béo, cay, khó tiêu… nhiệt độc cộng với tân dịch (nước miếng) ở miệng, lâu ngày nung đốt niêm mạc miệng, lưỡi (gọi là thấp nhiệt) gây nên những vết loét, nứt nẻ, những đám nấm trắng ở miệng lưỡi, dân gian quen gọi là đẹn, tưa lưỡi… Đông y gọi là nga khẩu sang (lở loét, sần sùi giống miệng con vịt), tuyết khẩu (vì miệng có màu trắng (của nấm) giống như tuyết).
Thường điều trị với 2 dạng là thuốc uống trong và thuốc bôi ngoài.
Thuốc uống trong
- Ngậm chất chát trong miệng, chất chát có tính sát trùng và làm săn da. Tốt nhất là ngậm nước trà tươi, trà đen đặc, quả sung, rau dấp cá, húng chanh (tần dày lá), vỏ xoài… có tác dụng kháng khuẩn, kháng virus, làm săn da, trừ thấp nhiệt ở bộ tiêu hóa, khử mùi hôi.
- Khế tươi 2 - 3 quả, giã nát, đổ ngập nước sôi vào đun sôi một lúc, chờ khi thuốc nguội thì ngậm và nuốt dần, ngậm nhiều lần trong ngày. Lựa loại khế chua, giúp sinh tân dịch nhiều hơn, thanh nhiệt cũng tốt hơn khế ngọt.
Nhiều năm qua, chúng tôi thường dùng một số bài thuốc đơn giản nhưng có hiệu quả như sau:
Cỏ mực: rửa sạch, chỉ lấy lá, giã nát, ép lấy nước cốt, hòa với ít mật ong. Dùng bông thấm thuốc bôi vào chỗ sưng đau, lở loét. Ngày bôi 2 - 3 lần.
Cỏ mực tính mát, có tác dụng thanh nhiệt. Màu đen của vị thuốc thuộc thủy, dùng để thanh nhiệt tả hỏa (viêm nhiệt, sưng lở loét). Kết hợp với mật ong vừa có tính sát trùng, vừa có tính thẩm thấu, hút chất nước ở vết thương khiến cho vi khuẩn, nhất là nấm không có điều kiện phát triển. Vì vậy, dân gian có kinh nghiệm dùng bài thuốc này chữa đẹn, đẹn vôi, tưa lưỡi của trẻ nhỏ, có công hiệu tốt.
Lá bù ngót: rửa sạch, chỉ lấy lá, giã nát, ép lấy nước cốt, hòa với ít mật ong. Dùng bông thấm thuốc bôi vào chỗ sưng đau, lở loét. Ngày bôi 2 - 3 lần. Có tác dụng giống như cỏ nhọ nồi.
Lục nhất tán: hoạt thạch 6 phần, cam thảo 1 phần, trộn với mật ong cho sền sệt, dùng bông thấm thuốc bôi vào chỗ sưng đau, lở loét. Ngày bôi 2 - 3 lần.
Bài thuốc này dùng cho trẻ nhỏ rất thích hợp. Hoạt thạch thanh nhiệt, tả hỏa; cam thảo giải nhiệt độc; 2 vị này phối hợp, là bài thuốc Đông y thường dùng để trị các chứng thử nhiệt (nắng nóng vào mừa hè) gây miệng lưỡi viêm, loét, họng đau… Kết hợp với mật ong, càng tăng tác dụng sát trùng, giải độc, tiêu viêm.
Thuốc đắp ở chân: ngô thù du, tán bột nhuyễn. Mỗi lần dùng 8g (2 thìa cà phê thuốc bột), cho vào một cái chén, dùng dấm nấu cho sôi, đổ dần dần vào bột thuốc, quấy đều cho đến khi thành dung dịch sền sệt là được. Dùng dung dịch thuốc này, bôi vào giữa lòng bàn chân, rồi dùng băng băng lại, để khoảng 2 giờ thì gỡ ra. Ngày làm 1 lần vào buổi tối càng tốt.
Phương pháp đắp ngô thù du ở lòng bàn chân, Đông y gọi là cách “dẫn hỏa hạ hành”. Hỏa ở đây là nhiệt đang làm lở loét, viêm sưng ở miệng, lưỡi. Khi hỏa nhiệt ở miệng lưỡi bị thuốc ngô thù du dẫn xuống, sẽ làm cho miệng lưỡi hết sưng và khỏi. Có nhiều khi hiệu quả đến một cách nhanh chóng không ngờ.
Để ngăn ngừa chứng lở miệng, nên ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là các vitamin và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Những người bị lở miệng tái phát quá nhiều và khó lành cần đi khám để phát hiện và điều trị từ các bệnh nguyên nhân, chẳng hạn như luput ban đỏ hệ thống.
Lương y HOÀNG DUY TÂN

Trị đau răng bằng thuốc cổ truyền

Trong dân gian có câu "thứ nhất đau mắt, thứ nhì nhức răng". Trên thực tế, những chiếc răng đóng một vai trò không thể thiếu trong cuộc sống. Có rất nhiều nguyên nhân gây đau răng. Bài viết sau xin giới thiệu những vị thuốc cổ truyền chữa đau răng.
Đau răng và bệnh về răng rất hay gặp ở mọi lứa tuổi. Đối với trẻ nhỏ, khi bị sưng lợi răng, gây đỏ lợi, đau răng, thậm chí không thể ăn được: lấy xác rắn (xà thoái) đốt thành than, cho vào mỡ lợn, trộn đều rồi xát vào lợi. Trường hợp chân răng bị sưng, thối lở (cam tẩu mã) dùng bột thanh đại, hay còn gọi là bột chàm (bột chàm nhuộm vải), bôi xát vào chân răng, sau 10-20 phút, lại súc miệng sạch bằng nước muối loãng, ngày 5-10 lần. Đối với người lớn, các trường hợp đau răng ở người lớn rất phổ biến, đôi khi lại rất dữ dội, lợi sưng đau, hoặc có mủ (bọng răng), hoặc răng bị lung lay, có khi nhiều cái cùng một lúc, không thể ăn được và kèm theo là phát sốt và sưng đau cả ở phía ngoài mặt... ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc. Khi răng, lợi bị sưng, răng đau nhức nhiều, có thể dùng bột thanh đại cùng với một số vị thuốc khác: thanh đại 40g, phèn chua 20g, hùng hoàng, mai hoa, băng phiến, mỗi thứ 1g. Mỗi vị đều nghiền thành bột mịn, trộn đều, đóng vào lọ, nút kín, để nơi khô ráo. Dùng bột này chấm, xát vào nơi răng lợi bị sưng đau rồi ngậm 5-10 phút. Súc miệng sạch. Ngày làm 5-10 lần.
 Xác rắn cho vị thuốc xà thoái.
Đinh hương.
Một số vị thuốc nam để cắt các cơn đau răng: Dùng búp lá non của cây bàng, nhai ngậm, mỗi lần 5-10 phút, có thể thêm chút muốn ăn, cùng ngậm 5-10 phút. Sau mỗi lần ngậm, súc miệng sạch. Ngày làm 3-5 lần. Ngoài ra có thể dùng dưới dạng nước sắc của một số vị thuốc sau đây để ngậm khi răng đau, nhức.
- Lá trầu không: Khoảng 10 lá tươi, cắt nhỏ, thêm một bát nước sạch, sắc nhanh (20 phút) lấy nước ngậm mỗi khi đau răng, mỗi lần ngậm 5-10 phút. Ngày 5-10 lần. Với cách này có thể dùng để chữa bệnh nha chu viêm.
- Vỏ thân cây ruối: Lấy vỏ tươi cây ruối (một cây dùng làm cảnh hoặc làm bờ dậu) đem cắt thành miếng nhỏ, thêm nước, sắc đặc, lấy nước sắc để ngậm khi răng bị đau nhức. Ngày ngậm nhiều lần, mỗi lần ngậm 10-20 phút. Sau mỗi lần lại súc miệng sạch.
- Lá lốt: Dùng toàn bộ cây, sắc đặc, lấy nước, ngậm khi răng, lợi đau.
- Vỏ thân cây sao đen (Hopea odorata Roxb.), họ dầu (Dipterocarpaceae): lấy vỏ thân cây sao đen, cạo bỏ lớp bần thô bên ngoài, rửa sạch, thái mỏng, sắc đặc, ngậm khi răng đau. Có thể phối hợp hai vị lá lốt và sao đen, đồng lượng, rồi đem sắc đặc, ngậm khi răng đau nhức. Qua thực tế thấy rằng, khi phối hợp giữa hai vị thuốc này, tác dụng giảm đau nhanh hơn, tốt hơn.
Một số vị thuốc sau đây có thể ngâm với rượu để chữa đau răng: Rượu có nồng độ ethanol khoảng 30-35 độ. Ngâm 10-15 ngày là có thể dùng để ngậm, còn nếu dùng ethanol dược dụng có nồng độ ethanol cao hơn thì dùng chiết, chấm vào chỗ răng bị sưng đau.
- Cúc áo (Spilanthes acmella L.), họ cúc (Asteracea), một cây thuốc mọc hoang ở nhiều nơi trong nước ta. Lấy các hoa tươi của cây cúc áo, đem ngâm rượu với tỷ lệ 50g hoa ngâm với 300ml rượu trong 10-15 ngày, có thể lấy rượu này để ngậm, mỗi lần ngậm 10-15 phút. Ngày làm 5-10 lần. Sau đó súc miệng sạch.
- Tế tân, thạch cao đều 10g. Đem rễ tế tân rửa sạch, phơi khô, cắt nhỏ hoặc tán thành bột thô. Thạch cao tán thành bột thô. Lấy hai thứ bột này ngâm với 100ml rượu trong 10-15 ngày. Lấy dịch chiết ngậm khi đau răng. Cách làm tương tự như vị cúc áo.
- Xuyên tiêu: Có thể dùng quả gần chín hoặc chín khô, cũng có thể dùng rễ xuyên tiêu ngâm với ethanol dược dụng khoảng 60-70 độ với tỷ lệ, 1:5 (1 dược liệu, 5 ethanol). Nếu dùng dễ xuyên tiêu thì cần rửa sạch, phơi khô, tán bột thô. Sau khi ngâm 1-2 tháng, có thể chiết lấy dịch thuốc, dùng tăm bông tẩm thuốc rồi chấm vào chỗ răng, lợi bị sưng đau.
- Đinh hương: Dùng nụ hoa khô của cây đinh hương, đem tán dập rồi tiến hành ngâm rượu, chiết lấy dịch thuốc, làm tương tự như vị xuyên tiêu.
GS.TS. Phạm Xuân Sinh

Cạo gió như thế nào cho đúng?

Cùng với nồi xông, bát cháo giải cảm, đánh gió..., cạo gió là một trong những phương pháp chữa bệnh độc đáo được lưu truyền trong dân gian từ rất lâu đời. Cho đến nay, mặc dù vẫn chưa có công trình nghiên cứu khoa học đầy đủ nào đánh giá tác dụng của phương thức trị liệu này nhưng trên thực tế nó vẫn tồn tại và phát triển vì những hiệu quả đích thực đem lại niềm vui cho nhiều người bệnh. Vậy, cạo gió là gì, cách thức tiến hành ra sao, chỉ định và chống chỉ định như thế nào?
Cạo gió là gì?
Cạo gió là phương pháp sử dụng bờ của những vật có cạnh hình cung tròn và tương đối nhẵn nhụi như thìa nhôm, dìa đồng tiền kim loại, miệng chén, dìa bát, đĩa sứ, lược, nhẫn bạc, sừng trâu...tác động lên các vị trí thích hợp khác nhau trên cơ thể theo quan điểm của học thuyết âm dương, kinh lạc trong y học cổ truyền nhằm mục đích dự phòng và chữa trị bệnh tật. Đây là phương pháp chữa bệnh dân gian rất hiệu quả, rẻ tiền, an toàn, thao tác đơn giản. Phương pháp này đặc biệt có ý nghĩa ở các vùng sâu, vùng xa, trong hoàn cảnh "thuốc không có trong tay, thầy chưa có tại chỗ”.
Cạo gió được sử dụng trong những trường hợp nào?
Cạo gió không nên cạo quá lâu và không dùng lực quá mạnh .
Nói chung, phương pháp này được sử dụng thực sự thích hợp khi bị cảm mạo. Cảm mạo, bao gồm cả cảm mạo thông thường và cảm mạo dịch (còn gọi là cảm cúm, bệnh cúm) là một nhóm bệnh truyền nhiễm phát sinh ở cả bốn mùa trong năm nhưng thường gặp nhiều hơn vào hai mùa đông và xuân. Theo đông y, nguyên nhân gây nên cảm mạo thường do hai yếu tố: một là, chính khí (sức đề kháng) của cơ thể giảm sút; hai là, các tà khí (mầm bệnh) như phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa xâm nhập vào cơ thể, trong đó vai trò của chính khí là hết sức quan trọng. Ngoài ra, cạo gió còn được chỉ định trong các trường hợp nhức đầu, đau mình mẩy, hoa mắt, chóng mặt...Tuy nhiên, mặc dù đây là một phương pháp trị liệu đơn giản nhưng trong mọi trường hợp vẫn rất cần sự khám xét và chỉ định cụ thể của các thầy thuốc có chuyên khoa.
Cạo gió không được dùng cho những người bị mắc các bệnh tim mạch, cao huyết áp, dễ xuất huyết, bị các bệnh da liễu ở những vị trí cần cạo gió, phụ nữ có thai và trẻ em tuổi còn quá nhỏ.
Cách cạo gió ra sao?
       Khi cạo gió cần chú ý Không nên cạo quá lâu và không dùng lực quá mạnh khiến cho da bị xước hoặc xuất huyết làm bệnh nhân đau đớn và rát bỏng nhiều ngày. Dụng cụ cạo gió cần cầm thẳng không nên cầm nghiêng vì dễ gây xuất huyết. Không cho bệnh nhân đi ra ngoài ngay sau khi cạo gió để tránh bị cảm lại.
+ Vị trí cạo: Thông thường là dọc hai bên cổ gáy, từ cổ dọc xuống đến vai, kín hết diện vai, dọc hai bên cột sống rồi tỏa ra hai bên mạng sườn, kín hết diện lưng. Nếu người bệnh ho, ngứa cổ họng thì cạo thêm dọc xương mỏ ác ở ngực. Nếu bụng lạnh đau cạo thêm vùng bụng, nếu nhức dọc chi trên thì cạo thêm cánh tay và cẳng tay.
+ Kỹ thuật cạo: Chọn nơi kín gió, bảo người bệnh nằm ngay ngắn, tĩnh tâm, toàn thân thư giãn. Sát trùng dụng cụ cạo gió, thoa dầu gió lên vùng cần cạo rồi dùng lực vừa phải miết đều theo hướng một chiều từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài sao cho người bệnh cảm thấy nóng ấm, dễ chịu là được. Ở vùng lưng có thể dùng lực mạnh hơn một chút. Lần lượt cạo từ vùng này sang vùng khác. Thông thường, mỗi vùng cạo từ 3 đến 5 phút là da ửng đỏ. Sau khi cạo, cho người bệnh uống một cốc sữa hoặc một cốc trà gừng nóng hoặc ăn một bát cháo giải cảm có hành tươi và tía tô rồi đắp chăn nằm nghỉ.
ThS. Hoàng Khánh Toàn

Những bài thuốc cải thiện chứng sạm, nám da

Da mặt bị sạm, nám là nỗi lo của nhiều người, nhất là chị em phụ nữ vừa mới sinh, hoặc những người phải làm việc ngoài trời nắng nóng, môi trường ô nhiễm, đi lại nhiều. Ngoài ra, chứng nám da là chỉ ở bì phu, nhất là vùng mặt xuất hiện từng nốt hoặc từng mảng có màu nâu sẫm, không nổi cao hơn da, sờ vào không vướng. Sạm da hay nám da là tình trạng rất thường gặp.
Trên lâm sàng thường gặp các dạng sau:
Âm hư
Nguyên nhân do âm hư, hỏa bốc lên vùng mặt gây huyết táo.
Phép trị: tư âm giáng hỏa hoạt huyết: đan bì 10g, bạch linh 10g, trạch tả 10g, thục địa 20g, sơn thù 10g, hoài sơn 15g, quy đầu 12g, bạch thược 12g, kỉ tử 12g, cúc hoa 12g, thiên hoa 12g, táo 9g, hạ khô thảo 8g, sinh khương 8g, ngũ vị 4g, mạch môn 10g, ngưu tất 10g.
Huyết hư ứ nhiệt
Triệu chứng: mặt phụ nữ nổi ban vàng sẫm, nhạt hoặc đậm, nổi từng nốt hoặc từng mảng to nhỏ không đều, kèm chứng kinh sớm.
Lý: huyết hư ứ nhiệt.
Phép trị: dưỡng huyết hoạt huyết lương huyết.
Bài: tiêu ban mỹ dung thang: Đương quy 10g, xích thược 10g, thục địa 15g, trinh nữ tử 15g, xuyên khung 10g, sinh địa 15g, bạch chỉ 10g, tử thảo 10g.
Chú ý: nên ăn nhiều rau quả, tránh nắng, khống chế chất tanh.
Khí trệ huyết ứ
Triệu chứng: sắc ban sẫm, lâu ngày không tiêu trừ, chất lưỡi tía tối là do khí trệ huyết ứ.
Lý: khí trệ huyết ứ.
Phép trị: lý khí hoạt huyết tiêu ban.
Bài: lưu thị khứ ban phương:
Sài hồ 6g, xích thược 9g, sinh địa 15g, chỉ xác 9g, xuyên khung 6g, trạch lan 9g, chích thảo 6g, qui đầu 9g, bạch thược 9g, mộc hương 6g, đảng sâm 9g, ích mẫu 15g, ngưu tất 15g.
Gia giảm: nếu kiêm thấp tà nung nấu gia: cù mạch, trạch tả, mộc thông.
Nếu thể lực yếu, khí trệ huyết ứ kiêm nhiệt tà nung nấu gia: hoàng bá.
Huyết ứ nặng dùng ngoài
Sắc ban đen sẫm thuộc loại huyết ứ nặng.
Phép trị: hành khí hoạt huyết hóa ứ tiêu ban.
Phương: tử thảo tẩy phương:
Tử thảo 30g, bạch chỉ 15g, tô mộc 15g, hậu phác 15g, mộc thông 15g, thiến thảo 15g, xích thược 15g, hồng hoa 15g, ty qua lạc 15g.
Âm hư huyết ứ
Ban sẫm, kiêm phiền nhiệt hồi hộp, lưỡi bóng không có rêu là âm hư huyết trệ.
Phương: khư ám mĩ dung thang:
Qui đầu 10g, thục địa 10g, xích thược 10g, tật lê 10g, đông qua tử 15g, sinh địa 10g, xuyên khung 10g, bạch thược 10g, cương tằm 10g.
Cách sắc (nấu) những bài thuốc trên: nước thứ nhất cho các vị thuốc vào cùng 4 chén nước, nấu còn lại 1 chén.
Nước hai cho vào 3 chén nước, nấu còn nửa chén. Hòa hai nước lại chia làm 3 lần dùng trong ngày.
Ngoài dùng: nghiền bột thiên hoa trộn lòng trắng trứng gà thành cao, trước khi dùng lấy nước nóng rửa sạch chỗ da nám, lấy khăn bông tẩm nước nóng lau sạch vào da, sau đó bôi cao lên chỗ da nám mỗi ngày trước khi ngủ trưa hoặc ngủ tối, bôi từ 1 - 3 tháng.
Hạn chế thức ăn cay nóng, bia, rượu, cà phê, thuốc la…
Lương y PHẠM NHƯ TÁ

Cá trắm đen ích khí dưỡng hư

Cá trắm đen thuộc loại bình bổ, mùi vị thơm ngon, giàu dinh dưỡng, được dùng làm thức ăn và bồi bổ cơ thể nhờ có công năng ích khí dưỡng vị, đặc biệt thích hợp để bồi bổ cho những người khí hư, mệt mỏi, ăn không ngon miệng.
 Cá trắm đen.
Để bồi bổ những trường hợp khí hư, mệt mỏi, ăn không ngon miệng... có thể chọn dùng một trong các món ăn thuốc sau.
* Cá trắm đen 100 - 150g rửa sạch, thêm đảng sâm 10g, cho ít muối, rượu, gừng, hành... nấu chín ăn ngày 1 lần, cần ăn liền 10 ngày.
* Cá trắm đen 100 - 150g rửa sạch, rán qua mỡ trước, rồi cho vào nồi nước lạnh nấu sôi thật nhanh thành canh, ăn cá uống nước. Cần ăn 10 ngày liền.
* Cá trắm đen 150g, lọc da, bỏ xương, băm nhỏ, đập một quả trứng gà vào, trộn đều, nêm gia vị, cho vào hầm cách thủy, chín mang ra ăn ngày 1 thang, ăn trong 10 ngày liền.    
BS. Hoàng Linh

Chữa nôn do thai nghén với quả sấu

Quả sấu là loại quả của cây sấu (cây sấu là cây sống lâu năm, cây có thể cao tới 30m, ra hoa vào mùa xuân và có quả vào mùa hè). Quả sấu còn tên gọi là sấu trắng, long cóc...và mùa hè được bán rất nhiều tại các chợ ở miền Bắc Việt Nam. Quả sấu hình tròn, khi còn non có màu xanh, vị chua hơi chát, khi chín thì chuyển sang vàng, có vị ngọt. Quả sấu xanh được dùng để nấu canh chua, ngâm nước uống, làm ô mai. Quả chín được dùng làm sấu dầm, tương giấm... Ngoài được dùng làm thức ăn, quả sấu còn là vị thuốc tốt chữa các bệnh thông thường. Có thể dùng tươi, phơi hay sấy khô cùi của quả sấu để làm thuốc.
Theo nghiên cứu hiện đại, trong quả sấu có tới 80% là nước, 1% axit hữu cơ, 1,3% proteine, 8,2% gluxit... và chứa nhiều vitamin C. Còn theo Đông y quả sấu lúc xanh có vị chua hơi chát, khi quả chín có vị chua, ngọt, tính mát, có công năng tiêu thực chỉ khát, chỉ ho, tiêu đờm, sử dụng trị nhiều bệnh như nhiệt miệng khô khát, ngứa cổ, đau họng, nôn do thai nghén, say rượu, tăng cường tiêu hóa...
Đơn thuốc chữa bệnh có sử dụng quả sấu:
Trị các chứng nhiệt miệng khô khát, ngứa cổ, đau họng: 4-6g cùi quả sấu khô đem sắc với 2 bát nước còn nửa bát, uống sau bữa ăn sáng. Hoặc 8g cùi quả sấu hãm với nước sôi uống trong ngày. Dùng trong một tuần liền. Hoặc có thể lấy cùi quả sấu chín đem dầm với muối hay đường ăn trong ngày.
Chữa nôn do thai nghén: Quả sấu xanh nấu với cá diếc hoặc thịt vịt. Cách chế biến: Cá diếc 2 con, moi ruột, rửa sạch để ráo nước, ướp gia vị, đem nấu với 2 bát nước, khi nước sôi cho khoảng 1-3 quả sấu đã nạo vỏ, đun trong 7-10 phút bắc ra rồi dầm sấu, nêm gia vị cho vừa ăn. Ăn lúc nóng hoặc có thể thay canh ăn với cơm. Mỗi tuần nên ăn khoảng 3-5 lần.
Chữa ho: Cùi quả sấu tươi 15g, ngâm với ít muối, ngày ngậm 3-5 lần, tốt nhất nên ngậm vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ. Hoặc cùi sấu 25g sắc với 250ml nước còn 100ml, chia làm 2 lần uống, khi uống cho thêm đường. Uống trong 3 ngày.
Giải rượu: 10g cùi sấu đem hãm với nước sôi để uống, cách 30 phút lại uống một lần.
Tăng cường tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng: 200g quả sấu tươi đã cạo vỏ đem hấp với đường, khi dùng pha với nước uống trong ngày. Ngày uống 2-3 lần. Hoặc có thể dùng quả sấu để nấu canh chua với thịt nạc băm hoặc thái miếng nhỏ mỏng, món này vừa dễ làm, bổ dưỡng có tác dụng thanh nhiệt và kích thích tăng cường tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng.
Bác sĩ Nguyễn Huyền