Thứ Bảy, 23 tháng 8, 2014

Món ăn, bài thuốc trị loãng xương

Ngoài việc dùng thuốc, châm cứu, tập khí công, dưỡng sinh, người xưa cũng sử dụng nhiều món ăn - bài thuốc độc đáo để điều trị chứng loãng xương.
Món ăn - bài thuốc trị bệnh loãng xương
Món ăn - bài thuốc trị bệnh loãng xương
Trong Đông y, loãng xương thuộc chứng “cốt nuy” có liên quan tới 3 tạng là thận, tỳ và can; trong đó, tạng thận có vai trò đặc biệt quan trọng. Và cho rằng thận chủ cốt, tỳ vị là nguồn cung cấp tinh chất khí huyết cho cơ thể. Bởi vậy, khi ăn uống không hợp lý khiến dinh dưỡng thiếu, song chân tay cùng toàn thân lại ít vận động đã làm tổn hại đến tỳ vị làm cho nhiệm vụ tiêu hóa không đạt yêu cầu. Từ đó làm cho tinh huyết bị thiếu hụt nên xương khô, tủy kém mà sinh bệnh.
Chứng loãng xương theo Đông y có nhiều thể khác nhau như thận dương hư, thận âm suy tổn hay thể tỳ hư, huyết hư. Cần xác định đúng từng thể, mới có phép trị liệu đạt hiệu quả.
Dưới đây xin giới thiệu cách trị chứng loãng xương theo từng thể để cùng tham khảo và có thể áp dụng.
Thể tỳ thận dương hư: toàn trạng mệt mỏi, sợ lạnh, chân tay lạnh, lưng đau gối mỏi, ăn kém, chậm tiêu bụng trướng, đại tiện lỏng hoặc nát, có thể có phù nhẹ hai chân, nam giới liệt dương, di tinh, nữ giới kinh nguyệt không đều, miệng nhạt, chất lưỡi nhợt. Phép trị cần ôn bổ thận dương, cường kiện gân cốt.
Cháo chim sẻ kỷ tử
Cháo chim sẻ kỷ tử
Cháo chim sẻ kỷ tử (công dụng bổ thận, ôn dương, ích tinh, làm mạnh gân xương): chim sẻ 5 con, kỷ tử 20g, đại táo 15g, gạo tẻ 60g. Chim sẻ làm thịt, bỏ lông, chân và phủ tạng rồi đem hầm với kỷ tử và gạo tẻ thành cháo, chế thêm gia vị, chia ăn làm vài lần trong ngày.
Canh xương sống chó thuốc (công dụng bổ thận ôn dương, ích khí dưỡng huyết, cường gân tráng cốt): xương sống chó 200g, đẳng sâm, thỏ ty tử, thục địa mỗi thứ 10g, gia vị vừa đủ. Xương chó rửa sạch, chặt nhỏ; các vị thuốc cho vào túi vải buộc kín miệng; tất cả cho vào nồi hầm nhừ, chế đủ gia vị, dùng làm canh ăn hàng ngày.
Thể bệnh thận âm hư: lưng đau gối mỏi, hay buồn nhức các đầu ngón tay và chân, lòng bàn tay và bàn chân nóng, vận động chậm chạp, ù tai, mắt kém trong ngực chộn rộn không yên, răng đau, tóc rụng, lợi sưng, tinh thần mệt mỏi, môi khô miệng khát, thích ăn đồ mát, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, chất lưỡi đỏ. Phép trị cần tư bổ thận âm, dưỡng tinh tủy.
Dùng phương bổ thận dưỡng can, cường gân tráng cốt: đậu đen 500g, sơn thù, bạch linh, quy đầu, tang thầm, thục địa, phá cố chỉ, thỏ ty tử, hạn liên thảo, ngũ vị, kỷ tử, địa cốt bì, vừng đen, muối ăn mỗi thứ 10g. Đậu đen rửa sạch, ngâm nước ấm trong 30 phút; các vị thuốc khác đem sắc kỹ 4 lần, mỗi lần chừng 30 phút. Trộn 4 loại nước lại với nhau, cho đậu đen và muối vào sắc kỹ bằng lửa nhỏ cho đến khi cạn kiệt. Lấy đậu đen ra phơi hoặc sấy thật khô, đựng vào lọ kín dùng dần; mỗi ngày ăn 20 - 30g.
Hạn liên thảo (nhọ nồi)
Hạn liên thảo (nhọ nồi)
Hay dùng phương: gồm các vị hoài sơn 10g, sơn thù 12g, đan bì 10g, trạch tả 12g, bạch linh 10g, thục địa 12g, quy bản (sao) 12g, đương quy 12g, đỗ trọng 10g, khởi tử 12g, đại táo 10g, hắc táo nhân 16g, viễn chí 10g, cam thảo 12g. Ngày sắc 1 thang, chia ra làm 3 lần uống.
Thể bệnh can thận âm hư: thể trạng gầy yếu, hay hoa mắt chóng mặt, thị lực giảm sút, tai ù điếc, lưng đau gối mỏi, móng tay và móng chân khô, dễ bị chuột rút, tâm trạng phiền muộn, trong lòng hay bức bối không yên, lòng bàn tay và bàn chân nóng, có thể có gãy xương, miệng khô họng khát, lưỡi đỏ, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ. Phép trị bồi bổ can thận.
Kỷ tử
Kỷ tử
Phương tư âm, bổ can thận: tang thầm 30g, kỷ tử 30g, gạo tẻ 80g. Các vị thuốc rửa sạch đem nấu với gạo thành cháo, chế thêm đường phèn, chia ra ăn vài lần trong ngày.
Phương bổ tỳ thận, làm mạnh gân cốt: bột bạch linh, bột mỳ, bột xương dê, bột mẫu lệ và đường trắng lượng bằng nhau trộn đều, cho lượng nước vừa đủ, nhào thật kỹ, chế thêm mỡ và muối rồi nặn thành những chiếc bánh nhỏ, nướng chín, dùng làm đồ ăn điểm tâm hằng ngày.
Loãng xương thể tỳ hư: biểu hiện cơ thể gầy xanh, chân tay yếu mềm, ăn ngủ kém, hay bị lạnh bụng, phân lỏng, mình mẩy nặng nề, ngại vận động, chất lưỡi nhợt, mạch trầm tế. Phép trị bổ tỳ vị.
Dùng phương gồm các vị: bạch truật 12g, sơn tra 10g, thần khúc 12g, bán hạ 10g, hậu phác 12g, cao lương khương 10g, sa nhân 10g, lá lốt 12g, phòng sâm 12g, bạch linh 10g, chích thảo 10g. Sắc ngày 1 thang, chia 3 lần.
Sa nhân
Sa nhân
Gia giảm: nếu đau đầu mất ngủ, gia hắc táo nhân 12g, viễn chí 12g. Hay sôi bụng, phân lỏng, gia: quế 8g, sinh khương 6g. Đau nhức các khớp, gia: đỗ trọng 12g, tục đoạn 12g; Ho hen mắc đờm, gia: cát cánh 12g, tía tô 16g, sinh khương 6g.
Thể huyết ứ: biểu hiện đau nhức các khớp, cơ thể mỏi mệt, da sạm, chất lưỡi tía, có thể có những điểm xuất huyết, đau mình mẩy... Phép trị cần hoạt huyết, hóa ứ, tán kết, giảm đau.
Dùng phương: gồm xuyên khung 12g, hoàng kỳ 16g, hồng hoa 10g, tô mộc 20g, ngải diệp 10g, huyết đằng 12g, tục đoạn 12g, phòng sâm 12g, bạch truật 12g, xa tiền 12g, uất kim 10g, hương phụ tử chế 12g, trần bì 10g, cam thảo 12g. Ngày 1 thang, uống 3 lần.

BS. HOÀNG XUÂN ĐẠI

Bài thuốc hay chữa viêm nha chu

Nha chu viêm là tình trạng viêm nhiễm mạn tính ở mô lợi, xương ổ răng và mô nha chu nâng đỡ của răng. Phần lớn các trường hợp mất răng ở người trưởng thành là do bệnh nha chu gây nên. Người bệnh có triệu chứng sưng đau răng lợi, chân răng bị sưng làm mủ, miệng hôi, bản thân răng cũng bị hủy hoại hoặc bị ăn mòn, đen xám, dễ mẻ vỡ tự nhiên làm cho lợi và răng không bám vào nhau làm lung lay nghiêng ngả. Kèm theo người bệnh có thể đau lưng, mỏi gối, di, mộng tinh...
Bài thuốc hay chữa viêm nha chu
Nguyên nhân theo Y học cổ truyền lúc đầu do vị hỏa tích kết hợp với phong nhiệt gây nên bệnh cấp tính (thực chứng). Bệnh lâu ngày làm vị âm hư và thận âm hư, tân dịch suy giảm gây hư hỏa bốc lên thành bệnh mạn tính (hư chứng). Sau đây là một số bài thuốc trị theo từng thể.
Thể cấp tính: Chân răng đỏ sưng đau, ấn mạnh có thể ra mủ; nếu đau nặng có thể gây sốt, ăn kém, táo bón, có hạch ở dưới hàm. Phương pháp chữa là sơ phong thanh nhiệt, tiêu thũng. Dùng một trong các bài:
Bài 1. Ngưu bàng giải cơ thang gia giảm: ngưu bàng 12g, bạc hà 6g, hạ khô thảo 12g, xích thược 8g, sơn chi 12g, kim ngân 20g, liên kiều 20g, tạo giác thích 20g, xuyên sơn giáp 6g. Sắc uống.
Ngưu bàng
Ngưu bàng
Bài 2: ngưu bàng tử 12g, bạc hà 8g, hạ khô thảo 16g, kim ngân hoa 16g, bồ công anh 20g, tạo giác thích 8g. Sắc uống.
Bài 3. Thanh vị thang gia giảm: thăng ma 4g, hoàng liên 8g, sinh địa 20g, đan bì 8g, thạch cao (sắc trước) 40g, kim ngân hoa 16g, liên kiều 16g, ngưu bàng tử 12g, bạc hà (cho sau) 8g. Sắc uống.
Bài 4: kinh giới 12g, phòng phong 12g, bạch chỉ 12g, thạch cao sống 20g. Sắc uống. Trị đau do sưng lợi răng.
Bài 5. Thuốc cam xanh (thanh đại 0,39g, ngũ bội tử 0,1g, bạch phàn 0,1g, mai hoa băng phiến vừa đủ 0,6g). Mỗi lần dùng 0,05g - 0,1g. Súc miệng sạch, dùng tăm bông chấm thuốc, bôi đều lên chỗ đau; giữ thuốc tại chỗ đau càng lâu càng tốt (bôi thuốc sau bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ). Thuốc có bán tại các nhà thuốc.
Kết hợp day bấm các huyệt: giáp xa, hạ quan, hợp cốc, nội đình.
Thể mạn tính: Chân răng đỏ, viêm ít, có mủ ở chân răng, đau ít, răng lung lay, miệng hôi, họng khô, đầu lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít, mạch tế sác. Phép chữa là dưỡng âm thanh nhiệt. Dùng một trong các bài:
Bài 1. Lục vị hoàn gia giảm: sơn thù, trạch tả, đan bì, phục linh, tri mẫu, hoàng bá mỗi vị 8g; thục địa, hoài sơn, ngọc trúc, thăng ma, bạch thược, kỷ tử mỗi vị 12g. Sắc uống.
Thục địa
Thục địa
Bài 2: bạch thược 8g; sinh địa, huyền sâm, sa sâm, quy bản, kỷ tử, ngọc trúc mỗi vị 12g, kim ngân hoa 16g. Sắc uống.
Bài 3. Trị nha tiên đơn: sinh địa 32g, hoàng liên 3g, chi tử 8g, thạch cao 20g, tri mẫu 6g, hoàng cầm 6g, thục địa 32g, huyền sâm 32g. Sắc uống.
Bài 4: Thuốc cam xanh. Thời gian điều trị lâu hơn thể cấp tính.
Kết hợp day bấm các huyệt giáp xa, hạ quan, hợp cốc, túc tam lý, thận du, thái khê, nội đình.
Vị trí huyệt:
Giáp xa: Ở dưới tai 0,8 tấc, đầu của xương quai hàm, nơi cơ cắn nhô lên cao nhất khi bệnh nhân cắn chặt răng.
Huyệt giáp xa
Huyệt giáp xa
Hạ quan: Chỗ lõm dưới cung tiếp xương má, trước lồi cầu của xương hàm dưới - ngang nắp tai.
Hợp cốc: Kẽ xương đốt bàn tay, huyệt ở trên cơ liên cốt mu tay 1, phía dưới trong xương đốt bàn tay 2.
Túc tam lý: Từ độc tỵ đo xuống 3 tấc, huyệt cách mào chày 1 tấc.
Thận du: Từ mỏm gai đốt sống lưng L2 - L3 đo ra 1,5 tấc.
Huyệt thái khê
Huyệt thái khê
Thái khê: Từ gồ cao của mắt cá trong xương chày đo ngang ra phía sau 0,5 tấc.
Nội đình: Kẽ ngón chân 2 - 3 đo lên về phía mu chân 0,5 tấc. 

BS. Tiểu Lan

Cây ổi chữa bệnh đường tiêu hóa

Ổi là loại cây mọc hoang và được trồng rất nhiều ở trong vườn, quanh nhà để lấy quả ăn. Theo Đông y, lá ổi vị đắng sáp, tính ấm, có công dụng tiêu thũng giải độc, thu sáp chỉ huyết; quả ổi vị ngọt hơi chua sáp, tính ấm, công dụng thu liễm, kiện vị cố tràng. Các bộ phận củacây ổi thường được dùng để chữa đại tiện lỏng, lỵ mạn tính, viêm dạ dày ruột cấp và mạn tính, sang thương xuất huyết, đái tháo đường...
Cây ổi chữa bệnh đường tiêu hóa
Chữa tiêu chảy cấp: búp ổi hoặc vỏ rộp ổi 20g, búp vối 12g, búp hoặc nụ sim 12g, búp chè 12g, gừng tươi 12g, rốn chuối tiêu 20g, hạt cau già 12g, sắc đặc uống. Hoặc búp ổi 12g, vỏ rộp ổi 8g, gừng tươi 2g, tô mộc 8g, sắc với 200ml nước, cô còn 100ml. Trẻ 2 - 5 tuổi mỗi lần uống 5 - 10ml, cách 2 giờ uống 1 lần. Người lớn mỗi lần uống 20 - 30ml, mỗi ngày 2 - 3 lần.
Tiêu chảy do hàn: búp ổi sao 12g, gừng tươi 8g nướng cháy vỏ, hai thứ sắc cùng 500ml nước, cô còn 200ml, chia uống 2 lần trong ngày. Hoặc búp ổi 15g, trần bì 15g và hoắc hương 18g, sắc uống.
Tiêu chảy do nhiệt: vỏ rộp ổi 20g sao vàng, lá chè tươi 15g sao vàng, nụ sim 10g, trần bì 10g, củ sắn dây 10g sao vàng, tất cả tán bột, người lớn mỗi lần uống 10g, trẻ em uống bằng nửa liều người lớn. Hoặc vỏ rộp ổi sao vàng 20g, vỏ duối sao vàng 20g, vỏ quýt sao vàng 20g, bông mã đề sao vàng 20g, sắc đặc uống nóng.
Tiêu chảy do công năng tỳ vị hư yếu: dùng lá hoặc búp ổi non 20g, gừng tươi nướng cháy 10g, ngải cứu khô 40g, sắc cùng 3 bát nước, cô còn 1 bát, chia uống vài lần trong ngày.
Viêm dạ dày, ruột cấp và mạn tính: lá ổi non sấy khô, tán bột, uống mỗi lần 6g, mỗi ngày 2 lần. Hoặc lá ổi 1 nắm, gừng tươi 6 - 9g, muối ăn một ít, tất cả vò nát, sao chín rồi sắc uống. Hoặc quả ổi, xích địa lợi và quỷ châm thảo, mỗi thứ từ 9 - 15g, sắc uống.
Lỵ mạn tính: quả ổi khô 2 - 3 quả, thái phiến, sắc uống. Hoặc lá ổi tươi 30 - 60g sắc uống.
Lỵ trực khuẩn cấp và mạn tính: lá ổi 30g, phượng vĩ thảo 30g, cam thảo 3g, sắc với 1.000ml nước còn 500ml, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 50ml.
Đái tháo đường: quả ổi 250g, rửa sạch, thái miếng, dùng máy ép lấy nước, chia uống 2 lần trong ngày. Hoặc lá ổi khô 15 - 30g sắc uống hàng ngày.
Ðau răng: vỏ rễ cây ổi sắc với dấm chua, ngậm nhiều lần trong ngày.
Mụn nhọt mới lên: lá ổi non và lá đào lượng vừa đủ, rửa sạch, giã nát rồi đắp lên vùng tổn thương.
Chấn thương: lá ổi tươi rửa sạch, giã nát đắp vào nơi bị thương.
Kiêng kỵ: Những người bị táo bón hoặc tả, lỵ có trướng bụng không tiêu không nên dùng. 

Lương y Đình Thuấn

Y học cổ truyền trị viêm mũi mạn tính

Theo y học cổ truyền, nguyên nhân gây viêm mũi mạn tính chủ yếu do chức năng hô hấp và khả năng phòng vệ của cơ thể suy yếu, khiến tà khí (tác nhân gây bệnh) dễ xâm nhập cơ thể theo đường hô hấp, khiến làm cho khí huyết bị ứ trệ, ứ đọng ở vùng mũi gây nghẹt mũi, tắc mũi,thậm chí khó thở; niêm mạc mũi bị sưng. Tùy từng biểu hiện cụ thể mà có cách điều trị phù hợp.
Trường hợp viêm mũi mạn tính có biểu hiện: Nghẹt mũi, nặng lên khi trời nóng nực. Niêm mạc mũi sung huyết rõ rệt. Nước mũi không nhiều, nhưng màu vàng và đặc. Hốc mũi bị khô, thở nóng rát, đầu căng và nhức, miệng khô, khát nước, táo bón, tiểu màu vàng và ít. Dùng một bài thuốc sau: Hoa cúc, chi tử, mỗi thứ 10g; bạc hà 3g; hành trắng 3g. Các vị trên rửa sạch, đổ vừa đủ nước sôi để hãm một lúc cho ngấm rồi rót ra chén cho chút mật ong, khuấy đều uống thay trà. Nên uống thường xuyên.
Y học cổ truyền trị viêm mũi mạn tính
Hạt sen.
Trường hợp viêm mũi mạn tính có biểu hiện: Mũi thường chảy nước trong, mũi hay tắc, có thể gây đau đầu, bệnh nặng lên lúc gặp mưa hoặc lạnh. Dùng bài thuốc sau: Hoàng kỳ, hạt sen, mỗi thứ 50g, phổi lợn 250g. Hoàng kỳ, hạt sen rửa sạch; phổi lợn rửa nhiều lần, vắt hết nước bẩn ra. Tất cả cho vào nồi, nước vừa đủ, hầm 2 - 3 giờ cho nhừ, muối và gia vị vừa ăn. Ăn ngày 1 lần, liên tục trong 1 tuần.
Trường hợp viêm mũi mạn tính có biểu hiện: Mũi tắc liên tục, chảy nước mũi đặc, đầu trướng đau, tai ù,… Dùng bài thuốc sau: Lá dâu 9g, hoa cúc 6g, hạnh nhân 9g, gạo tẻ 60g. Trước hết đem lá dâu và hoa cúc sắc kỹ, chắt lấy nước rồi cho hạnh nhân và gạo vào nấu cháo ăn. Mỗi ngày 1 lần, liên tục trong 1 tuần.
Y học cổ truyền trị viêm mũi mạn tính
Chi tử.
Bấm huyệt điều trị viêm mũi mạn tính:
Xát sống mũi: Dùng hai ngón tay cái và trỏ xát dọc sống mũi từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên khoảng 30 lần, kết hợp với lực ấn vừa phải sao cho đạt cảm giác hơi tê tức là được.
Bấm huyệt nghinh hương: Huyệt nghinh hương nằm bên cạnh cánh mũi, trên rãnh mũi má, cách cánh mũi khoảng nửa thốn (tương đương 0,8 - 0,9cm) - ở điểm gặp nhau của đường ngang qua chân cánh mũi và rãnh mũi. Đây là huyệt có tác dụng đặc hiệu với các bệnh về mũi, có tác dụng thông tỷ khiếu, tán phong nhiệt, thanh hỏa khí, có tác dụng chữa viêm mũi, ngạt mũi, chảy nước mũi... Dùng hai ngón tay trỏ day bấm huyệt nghinh hương trong 2 -3 phút sao cho đạt cảm giác tê tức là được, một ngày làm vài lần.

Lương y Nguyễn Nam

9 bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm đường tiết niệu

Theo quan niệm của y học cổ truyền, viêm đường tiết niệu nguyên nhân chủ yếu do thận hư và bàng quang thấp nhiệt. Người bệnh có biểu hiện đi tiểu nhiều lần, tiểu dắt buốt, bí tiểu, nước tiểu đục, sậm màu,… Xin giới thiệu một số bài thuốc Đông y có tác dụng hỗ trợ điều trị hiệu quả bệnh này.
Bài 1: Rau dền cơm 50g, lá mã đề 30g, cam thảo đất 10g. Tất cả rửa sạch, giã nhỏ, lọc bằng nước đun sôi để nguội, lấy nước cốt đặc chia 2 lần uống trong ngày. Uống liền 3 ngày.
Bài 2: Kim tiền thảo 40g, râu ngô 40g, chè 5g. Cho cả 3 vị vào nồi, đổ nước ngập thuốc đun sôi 10 - 15 phút, chắt lấy nước, rồi lại đổ nước vào đun tiếp như vậy. Hợp hai nước lại chia uống dần trong ngày. Dùng 3 - 5 ngày.
9 bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm đường tiết niệu
Kim tiền thảo.
Bài 3: Dứa (chọn quả gần chín) 1 quả, đường phèn 10g. Dứa đem nướng đều trên lửa khoảng 1 - 2 phút, lau sạch, ép lấy nước, cho đường phèn vào quấy đều, chia 3 lần uống trong ngày. Cần uống liền 3 ngày.
Bài 4: Râu ngô 50g, lá mã đề 30g, đường trắng 20g. Râu ngô, lá mã đề rửa sạch, cho vào nồi thêm nước đun sôi kỹ, cho đường vào quấy đều, chia 3 lần uống trong ngày lúc đói. Uống liền 3 ngày.
9 bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm đường tiết niệu
Râu ngô.
Bài 5: Ngải cứu (cả rễ) 45g, cỏ seo gà 15g, bạch mao căn 15g, mật ong 10g. Ngải cứu, bạch mao căn, cỏ seo gà cho vào nồi đổ nước vừa đủ đun sôi trong 15 - 20 phút, lấy nước thuốc hòa mật ong uống nóng. Ngày uống 1 thang, chia 2 lần uống trước bữa ăn. Dùng 3 - 5 ngày.
Bài 6: Vỏ quả dưa hấu 50g, rễ cỏ tranh 20g, mía đỏ 50g. Vỏ dưa hấu rửa sạch thái nhỏ, rễ cỏ tranh nhặt kỹ rửa sạch cắt nhỏ, mía đỏ để cả vỏ chẻ nhỏ. Tất cả cho vào nồi thêm 250ml nước đun sôi kỹ, chắt lấy 150ml nước đặc, chia 3 lần uống trong ngày. Uống liền 3 ngày.
Bài 7: Búp măng tre 5 - 7 búp; cam thảo đất, râu ngô, lá mã đề, rễ cỏ tranh mỗi thứ một nắm. Tất cả rửa sạch, sắc lấy nước uống trong ngày. Uống liên tục 5 - 7 ngày.
Bài 8: Chi tử 12g, bạch mao căn 12g, cam thảo 4g, sắc uống ngày 1 thang. Dùng 5 - 7 ngày.
Bài 9: Đậu xanh cả vỏ 100g, đường phèn 20g. Đậu xanh vo sạch, cho vào nồi thêm 300ml nước đun thật kỹ, chắt lấy 150ml nước đặc, cho đường phèn vào quấy đều, chia 3 lần uống trong ngày. Uống liền 3 ngày.

Bác sĩ Thúy An

Linh chi chống suy nhược

Linh chi tư bổ cường thân, chữa trị suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể, mất sức. Dưới đây là những món ăn chế biến từ linh chi.
Linh chi chống suy nhược
Chè linh chi bồi bổ cơ thể:
Vật liệu: linh chi 10g, nếp 50g, lúa mì 60g, đường trắng 30g.
Cách làm - cách dùng: linh chi rửa sạch, thái lát, bọc trong vải mùng. Nếp, lúa mì vo sạch. Tất cả cho vào nồi đất, đổ 3 chén nước, ninh với lửa nhỏ, sau đó bỏ ra bọc thuốc, nêm đường thì dùng. Ngày 1 lần, dùng sau bữa cơm chiều.
Chè linh chi
Chè linh chi
Công hiệu: dưỡng tâm, ích thận, bổ hư, hỗ trợ điều trị chứng tâm thần bất an, mất ngủ, mất sức, ra mồ hôi, mồ hôi trộm, ớn lạnh…
Rượu linh chi - hoài sơn tư âm, sinh tân:
Vật liệu: linh chi, hoài sơn, ngô thù du, ngũ vị tử với mỗi thứ 15g, rượu trắng 1,5 lít.
Linh chi chống suy nhược
Cách làm - cách dùng: tất cả vật liệu thái nhuyễn, bọc trong túi vải, đặt trong keo, đổ vào rượu trắng, đậy kín, để nơi thoáng mát, mỗi ngày lắc 1 lần, ngâm 1 tháng thì dùng. Ngày 2 lần, mỗi lần 10ml. Uống lâu dài.
Công hiệu: tư âm sinh tân. Thích hợp dùng điều trị các chứng phế thận âm hư, ho do hư lao, miệng khô ít dịch, ra mồ hôi trộm, di tinh…
Rượu linh chi chữa suy nhược thần kinh, nâng sức chống lạnh:
Vật liệu: linh chi 30g, rượu trắng 0,5 lít.
Cách làm - cách dùng: linh chi thái lát, bỏ trong keo, đổ rượu trắng, đậy kín, ngâm 1 tuần thì dùng. Ngày 2 lần, mỗi lần 10 - 20ml. Uống lâu dài.
Công hiệu: dưỡng huyết an thần, ích tinh dưỡng nhan, nâng khả năng chống lạnh, kháng bệnh… Dùng chữa các chứng suy nhược thần kinh, mất ngủ, mộng nhiều, ngủ không sâu, tinh thần không phấn chấn, rối loạn tiêu hóa, ho suyễn hay viêm phế quản mạn ở người cao tuổi…
Rượu linh chi - hoài sơn ích can thận - bổ tâm tỳ:
Vật liệu: linh chi, hoài sơn, ngũ vị tử, sơn thù với mỗi thứ 25g, rượu gạo 1 lít.
Cách làm - cách dùng: các vật liệu thái nhuyễn, ngâm trong rượu, đậy kín, để nơi thoáng mát, mỗi ngày lắc 1 lần, sau 1 tuần thì dùng. Ngày 2 lần, mỗi lần 10 - 15ml. Uống lâu dài.
Công hiệu: ích can thận, bổ tâm tỳ. Thích hợp dùng chữa các chứng suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, mất ngủ, tỳ-can-thận hư, di tinh, tiểu nhiều, huyết trắng ra nhiều…
Rượu linh chi - đan sâm tư bổ cường thân:
Vật liệu: linh chi 30g, đan sâm 5g, tam thất 5g, rượu trắng 0,5 lít.
Cách làm - cách dùng: các vật liệu thái lát, bỏ trong keo, đổ vào rượu trắng, đậy kín, để nơi thoáng mát. Mỗi ngày lắc vài lần, sau 2 tuần thì dùng. Ngày 2 lần, mỗi lần 20 - 30ml. Uống lâu dài.
Công hiệu: hoạt huyết hóa ứ, bổ ích tinh thần, trị hư nhược. Thích hợp dùng chữa các chứng suy nhược thần kinh, mất ngủ, ứ huyết, choáng váng do thiếu oxy não, mất sức, bệnh mạch vành…
Linh chi - thục địa ẩm chữa hồi hộp mất ngủ:
Vật liệu: linh chi 10g, thục địa 25g.
Cách làm - cách dùng: linh chi và thục địa rửa sạch, cho vào nồi đất thêm nước để sắc, sau khi dùng lửa nhỏ nấu duy trì 1 giờ kể từ lúc sôi, đổ ra nước thứ nhất, lại thêm nước để sắc nước thứ hai. Hai nước hòa lại, chia uống 2 lần vào sáng và chiều cho hết. Nên uống liên tục trên 1 tháng.
Công hiệu: chữa huyết hư, mất ngủ, hồi hộp…
Linh chi - thủ ô ẩm tư bổ cường thân:
Vật liệu: linh chi 10g, hà thủ ô (chế) 20g.
Cách làm - cách dùng: linh chi và hà thủ ô rửa sạch, cho vào nồi đất thêm nước để sắc, sau khi dùng lửa nhỏ nấu duy trì 1 giờ kể từ lúc sôi, đổ ra nước thứ nhất, lại thêm nước để sắc nước thứ hai. Hai nước hòa lại, chia uống 2 lần vào sáng và chiều cho hết. Nên uống liên tục trên 1 tháng.
Công hiệu: bổ khí, tư âm, sinh tân. Dùng chữa chứng suy nhược cơ thể, mất sức, lưng gối mỏi đau, sắc mặt không sáng…
Linh chi - bạch thược ẩm chữa suy nhược thần kinh:
Vật liệu: linh chi 10g, bạch thược 10g, đường trắng vừa đủ.
Cách làm - cách dùng: linh chi và bạch thược rửa sạch, cho vào nồi đất thêm nước để sắc, sau khi dùng lửa nhỏ nấu duy trì 1 giờ kể từ lúc sôi, đổ ra nước đầu, lại thêm nước để sắc nước thứ hai. Hai nước hòa lại, chia uống 2 lần vào sáng và chiều cho hết, khi uống có thể thêm đường trắng vừa đủ. Nên uống liên tục trên 1 tháng.
Công hiệu: bình can, dưỡng huyết, an thần. Chữa chứng suy nhược thần kinh, tự ra mồ hôi, mồ hôi trộm…
Linh chi - long nhãn bổ hư cường thân:
Vật liệu: linh chi (tím) 15g, long nhãn 10g.
Long nhãn
Long nhãn
Cách làm - cách dùng: linh chi thái lát, cùng long nhãn cho vào nồi đất, thêm nước sắc, sau khi dùng lửa nhỏ nấu duy trì 1 giờ kể từ lúc sôi, đổ ra nước đầu, lại thêm nước để sắc nước thứ hai. Hai nước hòa lại, chia uống 2 lần vào sáng và chiều cho hết, dùng liên tục trong 2 tuần.
Công hiệu: dùng chữa các chứng mất ngủ, ớn lạnh, ăn kém… do tâm tỳ hư nhược gây ra.
Linh chi ẩm:
Vật liệu: linh chi 10g.
Cách làm - cách dùng: linh chi thái lát mỏng hay thái nhuyễn, sau khi dùng lửa nhỏ nấu duy trì 1 giờ kể từ lúc sôi, đổ ra nước đầu, lại thêm nước để sắc nước thứ hai (cũng có thể dùng nhiều lần nước sôi hãm để uống). Hai nước hòa lại, chia uống 2 lần vào sáng và chiều cho hết, dùng lâu dài.
Công hiệu: cải thiện tuần hoàn máu, nâng cao chức năng sinh lý cơ thể… Dùng chữa các chứng như mất ngủ, hay quên, họ khạc nhiều đàm, hồi hộp, tức ngực thở ngắn, cảm mạo nhiều lần, bệnh đái tháo đường, hen suyễn, bệnh mạch vành, khối u…
Canh linh chi bổ não:
Vật liệu: linh chi 20g, lòng đỏ trứng gà 2 quả, tủy heo 25g, óc heo 1 bộ, bột ngọt 1g, muối 3g, rượu đế 15ml, hành 2 cọng, gừng lát 10g, nước dùng 0,5 lít.
Canh linh chi
Canh linh chi
Cách làm - cách dùng: linh chi rửa sạch thái lát mỏng, cho vào nồi, đổ nước, dùng lửa nhỏ sắc hai lần, lấy hai nước khoảng 200ml. Lòng đỏ trứng khuấy tan, óc heo cắt khoảng 10 lát cùng tủy heo cho vào chén, đổ rượu đế, nêm bột ngọt trộn đều, đổ dầu vào chảo, đổ óc heo, tủy heo và lòng đỏ trứng vào chiên, thêm nước sắc Linh chi, đồng thời kèm vật liệu nêm nếm như muối, gừng lát, hành, dùng lửa mạnh nấu sôi, duy trì sôi 5 phút thì hoàn tất. Món canh chia 2 lần dùng hết trong ngày. Dùng liên tục trên 1 tháng.
Công hiệu: bổ can thận, ích huyết kiện não, có tác dụng tăng trí lực đối với trẻ em, trì hoãn suy giảm trí lực đối với người lớn tuổi, cũng có thể chữa các chứng như suy nhược thần kinh, hồi hộp váng đầu, vai lưng ê đau…
Canh linh chi - gừng tươi dưỡng tâm an thần:
Vật liệu: linh chi 15g, hoàng kỳ 15g, thịt nạc heo 200g, rượu đế, muối, hành, gừng, bột tiêu với mỗi thứ vừa đủ.
Cách làm - cách dùng: linh chi, gừng tươi ngâm thấm rửa sạch, thái lát mỏng, gừng hành đập dập; thịt nạc rửa sạch trụng qua nước sôi, vớt ra rửa sạch, thái lát vuông. Hoàng kỳ, thịt heo, hành gừng, rượu đế cùng cho vào trong nồi, đổ nước vừa đủ, nấu sôi bằng lửa mạnh, vớt váng, chuyển lửa nhỏ ninh đến khi thịt nhừ, nếm muối, bột tiêu thì hoàn tất. Ngày 1 lần, dùng liền 1 tháng.
Công hiệu: bổ khí dưỡng huyết, bổ ích phế thận, dưỡng tâm an thần. Dùng chữa các chứng ớn lạnh, mất sức, hấp thu kém…
Linh chi cường thân phiến:
Vật liệu: linh chi 10g, nhân sâm 10g.
Cách làm - cách dùng: linh chi và nhân sâm cùng thái lát, thêm nước sắc với lửa nhỏ, sau khi vớt bỏ linh chi, uống nước và ăn nhân sâm. Ngày 1 lần, dùng liền 1 tháng.
Công hiệu: bổ ích cường tráng, dùng chữa suy nhược thần kinh và các bệnh mạn tính dương hư khác mà gây ra váng đầu ù tai, hồi hộp mất ngủ, chán ăn, thiếu máu, vàng bủn, thở ngắn, mất sức… Nhất là thích hợp ứng dụng sau cơn bệnh nặng hoặc sau phẫu thuật.
Trà Linh chi bổ khí dưỡng nhan:
Vật liệu: linh chi thái lát mỏng hay tán thành bột.
Cách làm - cách dùng: dùng nước sôi để hãm nửa giờ, mỗi liều có thể hãm vài lần, cho đến khi màu nước lợt thì thôi. Uống lâu dài.
Linh chi chống suy nhược
Công hiệu: bổ trung ích khí, dưỡng nhan thính tai, sống lâu… Thích hợp dùng chữa các chứng thận hư khí suy, thính giác kém và sắc mặt không sáng, mặt sạm màu, cao mỡ máu, cao huyết áp…
Bột linh chi chữa suy nhược thần kinh:
Vật liệu: linh chi sấy khô, tán bột mịn.
Cách làm - cách dùng: dùng uống với mật ong, ngày 2 lần, lần 3 - 5g. Uống lâu dài.
Công hiệu: dùng chữa các chứng suy nhược thần kinh, mất ngủ, thở ngắn hồi hộp, mệt mỏi mất sức, cao mỡ máu, cao huyết áp. Uống lâu dài, tăng sức đề kháng thấy rõ.
Linh chi - bạc hà ẩm chữa hay quên, mất ngủ:
Vật liệu: linh chi 5g, bạc hà 5g, cốc nha 5g, đường trắng 25g, nước 250ml.
Cách làm - cách dùng: linh chi và bạc hà thái nhuyễn, cốc nha sao thơm. Linh chi và cốc nha cùng cho vào nồi đất, thêm nước và đường trắng nấu cô đến sệt, vớt bỏ bã linh chi, rồi thêm bạc hà, nấu tiếp 5 phút thì hoàn tất. Ngày 1 thang, chia 2 lần uống hết. Uống lâu dài.
Công hiệu: tác dụng bổ não ích trí, thích hợp dùng chữa các chứng hay quên, mất ngủ, phiền táo mùa hè, thở ngắn, yếu sức…
Canh linh chi - hoàng kỳ an thần:
Vật liệu: linh chi 10g, hoàng kỳ 15g, thịt nạc heo 100g.
Cách làm - cách dùng: linh chi và hoàng kỳ thái lát mỏng, thịt nạc heo thái lát vuông, cho vào nồi thêm nước, ninh cho đến khi thịt nhừ, khi ăn nếm ít muối. Ngày 1 thang. Dùng canh, ăn thịt. Dùng liền nửa tháng.
Công hiệu: an thần, nâng sức đề kháng, chống cảm. Dùng chữa các chứng suy nhược thần kinh, giảm tiểu cầu, giảm huyết sắc tố…
Linh chi - Hoa Kỳ sâm - tam thất tán:
Vật liệu: linh chi 90g, Hoa Kỳ sâm 30g, tam thất 30g, đan sâm 50g.
Cách làm - cách dùng: tất cả dược liệu rửa sạch, sấy khô, tán mịn, chứa trong keo. Ngày 2 lần, mỗi lần uống 3g, uống với nước ấm.

Công hiệu: linh chi và Hoa kỳ sâm dưỡng tâm ích khí huyết, giảm cholesterol; tam thất và đan sâm hòa huyết thông lạc, giảm đau. Bốn vị thuốc dùng chung, có tác dụng ích khí dưỡng âm, thông lạc giảm đau… dùng chữa các chứng khí ấm hư kèm ứ huyết gây ra hồi hộp, tức ngực, thở ngắn, miệng khô…, cũng dùng chữa bệnh mạch vành và chứng huyết ứ.

Dược thiện trị đau mắt đỏ

Theo Đông y, đau mắt đỏ chủ yếu do cảm nhiễm độc khí lưu hành trên một diện rộng, hiệp với thấp nhiệt phối hợp với nhau mà gây bệnh. Biểu hiện của bệnh là lúc đầu thấy ngứa, cộm, chảy nước mắt, đây là lúc độc phong tà xâm nhập tại chỗ mà gây ra, sau đó nhanh chóng sưng là quá trình chính khí và tà khí giao tranh nên mắt đau, nhiều dử. Sau đây là một số bài thuốc đơn giản trị bệnh này, bạn đọc có thể tham khảo áp dụng.
Bài 1: hòa tan 1 thìa canh muối bột (muối tinh không có iốt) vào 1 lít nước đun sôi để nguội, đựng vào chai sạch để dùng dần. Hàng ngày, nhất là lúc mới ngủ dậy dùng bông sạch thấm nước muối trên lau mắt 4 - 5 lần cho sạch. Nhấp nháy mắt cho nước muối lọt vào trong làm tan những hạt li ti cộm trong mắt.
Bài 2: lấy cây sống đời (cây bỏng) rửa sạch giã nhỏ (dụng cụ cần được tẩy trùng sạch) lấy một miếng gạc đã tiệt trùng (hoặc vải xô màn sạch) đặt lên mắt, đặt lá sống đời vừa bào chế lên trên miếng gạc băng giữ, nhất là về đêm để khi ngủ không rơi. Mỗi tối làm 1 lần cho đến khi khỏi.
Bài 3: hạt thảo quyết minh (hạt muồng) sao vàng; hoa cúc vàng (cam cúc) mỗi thứ 1 nắm; quả bạch tật lê 10g. Cho tất cả vào nồi đun uống như nước chè.
Bài 4: bạch tật lê 2g đun sôi sau đó đổ ra cốc hứng mắt vào dùng hơi nước ấm (tránh quá nóng) xông hàng ngày cho đến khi khỏi.           
  BS. Đỗ Minh Hiền