Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Chữa viêm họng mất tiếng với qua lâu thực

Theo quan niệm của y học cổ truyền cho rằng qua lâu thực có vị ngọt, đắng, tính lạnh, quy vào các kinh phế, vị và đại trường.Có công năng tả hỏa, nhuận phế, hạ khí, hạ đờm (thanh nhiệt trừ đờm), nhuận táo (nhuận tràng), điều hòa khí trong ngực và tán kết.Chủ trị ho đờm, táo bón, vú bị ung nhọt, ngực tê tức.
Qua lâu thực còn có tên là qua lâu, dược qua dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Danh y biệt lục, là quả chín phơi hay sấy khô của cây qua lâu thực. Nhân của quả chín gọi là qua lâu nhân, vỏ quả gọi là qua lâu bì, dùng cả nhân và bì gọi là toàn qua lâu. Là cây thảo leo sống nhiều năm, thân có rãnh, tua cuốn có 2 - 3 nhánh. Lá mọc so le, phiến lá dài 5 - 14cm, dày, dai, mặt trên nhám nhám. Cây có hoa khác gỗ, chùm hoa đực dài 15cm, lá bắc to có răng, hoa rộng 7cm, màu trắng, Quả mọng tròn, to 9-10cm, màu vàng cam, hạt tròn dẹp, dài 11 - 16mm, rộng 7 - 12mm trong có lớp vo lụa màu xanh. Cây ra hoa tháng 6 - 8, có quả 9 - 10.
Chữa viêm họng mất tiếng với qua lâu thực
Qua lâu thực được thu hoạch vào mùa thu và phơi trong bóng râm.  Bộ phận dùng làm thuốc là vỏ quả qua lâu thực, nhân hột, rễ cũng đều làm thuốc, nhưng tác dụng khác nhau.Dùng hột khô mẩy chắc, vỏ cứng dày, nhân trắng không lép, có nhiều dầu, nguyên hạt, không vụn nát, không ẩm mốc, đen là loại dược liệu tốt.
Một số bài thuốc thường dùng
Bài 1: Chữa viêm họng mất tiếng: Qua lâu bì, bạch cương tằm, cam thảo mỗi vị 10g, gừng tươi 4g. Các vị rửa sạch cho nước 500ml sắc còn 150ml chia 2 lần uống trong ngày. Một liệu trình 15 ngày.
Bài 2:  Chữa ho do đờm nhiệt: Với bệnh chứng có biểu hiện cảm giác tức nặng ở ngực, táo bón. Toàn qua lâu  thực  16g, đởm nam tinh  5g, hoàng cầm  16g. Tán bột trộn mật, viên hoàn, ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 - 12g.Mỗi liệu trình dùng 5 ngày.
Bài 3: Chữa táo bón:  Toàn qua lâu thực 16g, hỏa ma nhân 10g với úc lý nhân 5g, chỉ thực 4 g, sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Các vị rửa sạch cho nước 500ml sắc còn 150ml chia 2 lần uống trong ngày. Một liệu trình  5 ngày.
Chữa viêm họng mất tiếng với qua lâu thực
Hoa và quả qua lâu.
Bài 4: Chữa đờm thấp và huyết ứ trệ: Với biểu hiện cảm giác khó thở, đau ngực, đau ngực xuyên ra sau lưng: Toàn qua lâu  16g, thông bạch 20g, bán hạ 16g. Tất cả cho vào ấm đổ 750ml nước sắc còn 250ml nước, ngày uống 1 thang, chia 2 - 3 lần. Một liệu trình 5 ngày.
- Chữa đờm và nhiệt tích tụ trong ngực và vùng thượng vị: Với biểu hiện cảm giác đầy chướng ngực và thượng vị. Toàn qua lâu 12g, hoàng liên 4g, bán hạ 12g. Các vị rửa sạch cho nước 500ml sắc còn 150ml chia 2 lần uống trong ngày. Một liệu trình 5 ngày.
Lưu ý: Người tỳ hư thường hay tiêu chảy không dùng qua lâu nhân vì có tác dụng nhuận tràng mạnh.

Bác sĩ Nguyễn Thúy An

Dược thiện tốt cho người đái tháo đường

Y học cổ truyền gọi bệnh đái tháo đường là bệnh tiêu khát và chia làm nhiều thể do tỳ, do can, do phế, do thận bị rối loạn chức năng hoạt động mà sinh ra. Nguyên nhân của bệnh là do thói quen ăn uống thiếu lành mạnh, mất cân bằng dinh dưỡng sinh uất nhiệt, tâm thần bị tổn thương lâu dài làm suy giảm khí huyết vinh vệ, gây nhiều rối loạn, mất cân bằng âm dương, khí huyết trong cơ thể mà chủ yếu là ở các tạng phế, tỳ, thận. Do đó, chữa bệnh đái tháo đường cần ích phế kiện tỳ, bổ thận, thanh can, giáng hỏa, sinh tân.
Dược thiện tốt cho người đái tháo đường
Cát căn (bột sắn dây).
Theo Tuệ Tĩnh, bệnh đái tháo đường được phân ra tam tiêu khác nhau:
Bệnh ở thượng tiêu là phổi. Người bệnh uống nhiều, ăn ít, đại tiểu tiện bình thường. Đó là do tâm hỏa nung nấu phế kim mà sinh ra khát.
Bệnh ở trung tiêu là dạ dày. Người bệnh ăn nhiều, uống nhiều, tiểu tiện vàng đỏ. Đấy là vì dạ dày huyết nhiệt, mau tiêu thức ăn, chóng đói. Trong huyết có hỏa nung đốt thì chất nước khô ráo sinh ra khát.
Bệnh ở hạ tiêu là thận. Người bệnh tiểu tiện đục đặc như cao, phiền khát, uống nước nhiều, dần dần vành tai đen sạm, tiểu tiện nhiều lần.
Một số bài thuốc trị bệnh:
Bài 1 - Mạch môn đông thang: mạch môn, hoàng liên, đông qua (bí đao), mỗi vị đều 80g. Tất cả phơi khô, tán bột. Mỗi lần dùng 20g. Cho thuốc vào nồi, đổ nước 100ml sắc còn 70ml, bỏ bã, uống ấm. Công dụng: Trị bệnh tiêu khát biểu hiện ngày đêm uống nước không ngừng, uống xong lại đi tiểu luôn.
Bài 2 - Qua lâu cát căn phấn tán: qua lâu căn, cát căn phấn (bột sắn dây) lượng 2 vị bằng nhau. Tất cả tán bột. Mỗi lần dùng 12g, uống với nước đun sôi để mát, ngày uống 3 lần. Công dụng: Trị tiêu khát.
Bài 3 - Ô mai tán: ô mai nhục 120g sao qua. Ngày dùng 10g, cho thuốc vào nồi, đổ 200ml nước, sắc còn 100ml, lọc bỏ bã rồi cho vào 200 hạt đậu xị, sắc lại lần nữa còn 50ml, bỏ bã, uống ấm khi đi ngủ. Công dụng: trị tiêu khát, người buồn phiền khó chịu.
Theo Hải Thượng Lãn Ông, phàm thủy hỏa trong con người phải được thăng bằng, khí huyết phải được tư dưỡng vận hành thu nạp khắp nơi thì làm gì có bệnh tiêu khát... Phép chữa tất phải chia ra thượng, trung, hạ. Trước hết phải cấp cứu thận: thủy suy thì uống bài Lục vị, hỏa hư thì uống bài Bát vị.
Bài Lục vị: thục địa 8g, sơn thù 4g, sơn dược 4g, mẫu đơn 3g, phục linh 3g trạch tả 3g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài Bát vị: bài Lục vị thêm nhục quế 1g, phụ tử 1g.
Ngoài uống thuốc, người bệnh nên kết hợp ăn uống để tăng hiệu quả điều trị:
Cháo củ mài: củ mài tươi 120g (khô thì 60g) thái lát mỏng, gạo tẻ vừa đủ nấu cháo ăn lúc nóng.
Cháo đậu xanh: đậu xanh xay 100g, gạo tẻ 200g, gạo nếp 100g. Gạo tẻ, gạo nếp đãi sạch, trộn chung để ráo nước. Đậu xanh ngâm đãi vỏ sạch. Tất cả cho vào nồi, đổ nước vừa đủ, đun sôi rồi nhỏ lửa độ 2 giờ. Khi gạo nở nhừ lấy đũa khuấy đều, ăn buổi sáng.
Cháo củ cải: củ cải 250g băm nhỏ, gạo 200g. Gạo vo sạch nấu với củ cải thanh cháo. Ăn nóng trong ngày.
Cháo rau cần: rau cần tươi 60g, gạo tẻ 100g. Làm sạch rau, gạo vo sạch cho cả vào nồi, đổ 1 lít nước, nấu cháo, nêm muối và gia vị vừa ăn. Ăn nóng vào sáng và tối. Trị đái tháo đường và tăng huyết áp.
Cháo cá trê: cá trê 250g làm sạch, thả vào nước sôi luộc, vớt ra lọc xương rồi cho thịt cá vào nước luộc cùng gạo đã vo sạch nấu cháo, cho muối, gia vị bột ngọt vừa ăn. Mỗi ngày 1 bát chia ăn theo bữa cơm. Tác dụng bổ âm khai vị, trị đái tháo đường.
Canh cá chép: cá chép lượng vừa đủ làm sạch nấu với đậu đỏ, thảo quả, trần bì, tiêu bột. Ăn cùng bữa cơm.
Cá chạch kho tiêu: cá chạch 8 - 10 con, cắt đầu đuôi rửa sạch để ráo. Cho cá vào nồi, cho nước hàng, nước mắm, tiêu bột, hành, ướp 20 phút. Bắc lên bếp lửa riu riu, cho mỡ vào. Khi cá sôi đều là ăn được.
Quả dứa 1 quả khoét bỏ cùi, nhét vào 1 cục phèn chua, nướng trên lửa thang cho chín, ăn.
Khoai lang khô tán bột hãm nước sôi uống thay trà hằng ngày.
Vỏ và hạt sầu riêng sấy khô, ngày dùng 16 - 20g sắc nước uống thay nước trà.
Lưu ý:
Khẩu phần ăn nên nhiều chất đạm, chất xơ, ít chất béo, thường xuyên thay đổi các món như bí đỏ (bí ngô), đậu phụ, cà rốt, ngó sen, nấm hương, mộc nhĩ, đậu đỏ, đậu đen và uống nước dừa cạn, nước chè xanh, nước lá lốt, lá vú sữa, cỏ nhọ nồi.
Thường xuyên tập đi bộ, chạy bộ, vẫy tay (dịch cân kinh), thở dưỡng sinh, yoga, ngồi thiền tùy sức khỏe, thích môn nào thì tập môn ấy vừa sức, tập xong thấy thoải mái, khỏe người là tốt. Nếu thấy mệt thì giảm bớt cường độ và thời gian tập.

Lương y Nguyễn Minh

Thuốc an thần từ cây chùm bao

Cây chùm bao còn có các tên gọi khác như lạc tiên, hồng tiên, dây nhãn lòng, dây lưới, mắm nêm, dây bầu đường, mỏ pỉ, quánh mon (Tày), co hồng tiên (Thái), tây phiên liên. Cây mọc tự nhiên ở ven rừng, đồi núi. Thân mềm dạng dây leo, có lông mềm dài 1,5 mm, lá hình tim, mọc so le, có 3 thùy, hoa đơn độc 5 cánh màu trắng, già chuyển màu tím nhạt. Quả hình trứng, bọc bởi lớp vỏ lưới (áo ngoài), chín rất thơm, ăn được.
Theo y học cổ truyền, để làm thuốc, người ta thu hái các bộ phận trên mặt đất của cây chùm bao, rửa sạch, phơi khô, cắt đoạn 3 - 5cm. Trước khi dùng sao hơi vàng, dùng dần. Chùm bao đặc trị chứng mất ngủ, ngủ hay mơ, phụ nữ hành kinh sớm. Được chiết xuất hoạt chất chế tác dược phẩm an thần giúp chống stress dành cho người lao động trí óc luôn căng thẳng thần kinh, dẫn đến hậu quả suy nhược tim mạch, cơ thể.
Thuốc an thần từ cây chùm bao
Chùm bao, vị thuốc an thần đặc trị chứng mất ngủ.
Một số bài thuốc từ chùm bao:
Bài 1: Chùm bao nấu thành cao lỏng với tỷ lệ 1 phần chùm bao 1 phần nước, pha thêm chút đường cho dễ uống, ngày 2 - 3 lần, mỗi lần 50 - 100ml, sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ. Cũng có thể phối hợp với một số dược liệu an thần khác như lá vông, lá dâu, lá sen, mỗi loại 20g, tâm sen 4g. Sắc uống ngày một thang. Uống 2 - 3 tuần, tới khi các triệu chứng thuyên giảm.
Bài 2: Thu hái quả, rửa sạch, bổ đôi, nạo hết ruột, ép và lọc lấy dịch quả, thêm ít nước đun sôi để nguội và chút mật ong hoặc đường đủ ngọt để uống. Dịch quả chùm bao thơm, ngon, bổ, mát; thích hợp cho giải nhiệt mùa hè. Hoặc hái phần ngọn và lá non của lạc tiên mỗi lần khoảng 100 - 200g nấu canh ăn giúp ngủ ngon.
Cũng có thể thu hoạch chùm bao mọc hoang ở hàng rào, lùm bụi cây khắp đồng ruộng, vườn cây. Đem về phơi khô (cả rễ, dây, lá, quả), thái dài 3cm, sao khử thổ, tán nhuyễn thành dạng bột, pha thêm vào một chén nước cốt trà đen đậm (khoảng 5 kg/chùm bao), vo viên tròn cỡ ngón tay út. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 5 viên, liên tục trong 60 - 90 ngày trị mất ngủ.
Bài 3: Chùm bao tươi (cả lá, dây, quả) 300g, phơi 2 nắng (hoặc sao khử thổ vừa vàng), 200g râu ngô vừa ngậm sữa rửa sạch, 100g rau má (sao khử thổ vừa héo), sắc chung với 500ml nước có pha 1/4 muỗng muối hạt, còn lại 200ml nước, uống 2 lần/ngày trưa, tối. Liên tục 7 ngày có tác dụng an thần, chống mệt mỏi.
Bài 4: 500g chùm bao (cả rễ, dây lá, quả non), 300g hoa thiên lý, 100g lá mướp đắng non. Tất cả sao khử thổ, tán nhuyễn dạng bột, cho thêm 50g đậu xanh (để cả vỏ), rang chín, tán nhuyễn. Mỗi ngày pha 3 muỗng canh vào 100ml nước sôi để nguội, uống mỗi khi khát. Công dụng: Trị khó ngủ, đau nhức ở người cao tuổi, phụ nữ hành kinh sớm hoặc phụ nữ sau mãn kinh. 10 ngày là một liệu trình.
Bài 5: Hạt sen 12g, lá tre 10g, cỏ mọc 15g, lá dâu 10g, chùm bao 20g, vông nem 12g, cam thảo 6g, xương bồ 6g, táo nhân sao 10g. Ðổ 600ml nước, sắc còn 200ml nước, uống ngày 1 thang.

Bác sĩ Thu Vân

Hoa hướng dương chữa tăng huyết áp

Hoa hướng dương (Helianthus annuus L.), thuộc họ cúc, tên khác là cây quỳ, hoa mặt trời. Mùa hoa: tháng 5-7; mùa quả: tháng 8-10.
Từ xa xưa, hoa hướng dương đã được trồng làm cảnh và qua quá trình chọn giống, lai tạo để lấy hạt, quần thể hoa hướng dương đã gồm hàng chục giống, thích nghi với nhiều vùng trồng khác nhau. Ở Việt Nam, cây được trồng rải rác trong nhân dân, nhất là những tỉnh miền núi phía Bắc.
Hoa hướng dương chứa b-caroten, cryptoxanthin, taraxanthin, lutein, quercimeritrin. Lá chứa 92,2-156,3mg% acid ascorbic, 0,11% caroten, acid citric, melic, succinic. Hạt hướng dương có 13,81% protein, 22,2-36,5% dầu béo, 0,31% monosaccharid, 3,91% saccharose, 0,23% lecithin, 0,15% cholesterol. Dầu ép từ hạt có màu vàng nhạt, vị ngọt dịu, mùi dễ chịu, chứa các acid béo (acid myristic, palmitic, linoleic), các vitamin A, D, E.
Về mặt dược lý, dịch chiết nước từ cụm hoa hướng dương gồm đế hoa, đài hoa và cánh hoa có tác dụng hạ huyết áp. Tác dụng này do thuốc làm giãn mạch ngoại vi từ từ và kéo dài, làm giảm sức cản thành mạch và giảm nhịp tim.
Hoa hướng dương có vị hơi ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng tùy theo bộ phận dùng: cụm hoa hạ huyết áp, giảm đau; rễ và lõi thân lợi tiểu, chống ho; lá tiêu viêm, giảm đau; hạt làm se, bổ cho dịch thể.
Cụm hoa hướng dương chữa tăng huyết áp, đau đầu, choáng váng, ù tai, đau bụng, đau gan, đau khớp, viêm vú, thở khò khè. Ngày dùng 30-90g, sắc uống.
Bài thuốc đặc trị tăng huyết áp gồm hoa hướng dương 60g phối hợp với râu ngô 30g, sắc với 400ml nước còn 100ml, thêm đường, uống làm hai lần trong ngày.
Rễ và lõi thân hướng dương chữa đau đường tiết niệu, sỏi bàng quang, đái ra dưỡng chấp, ho, ho gà, viêm phế quản. Ngày: 15-30g sắc uống.
Lá hướng dương chữa sốt, sốt rét. Ngày dùng 20-40g sắc uống.
Hạt hướng dương chữa mệt mỏi, chán ăn, kiết lỵ ra máu, sởi phát ban. Ngày dùng 20-30g rang chín rồi ăn nhân.
DS. Đức Huy

Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp với cây câu đằng

Theo y học cổ truyền câu đằng có vị ngọt, tính hàn, đi vào các kinh Can và Tâm bào. Có công năng thanh nhiệt, bình can, trấn kinh, trừ nội phong, chống co thắt. Chủ trị trẻ em bị hàn nhiệt, kinh giãn, trị nhức đầu hoa mắt ở người lớn.
Cây câu đằng hay còn gọi là dây móc câu, dây dang quéo, móc ớ, vuốt, co nam kho (Thái), pước cậu, nam lập câu (Tày), ghím tỉu (Dao). Là loại dây leo, thường mọc ở nơi mát. Lá mọc đối có cuống, hình trứng đầu nhọn, mặt dưới lá như có phấn, ở mặt lá có gai mọc cong xuống trông giống như lưỡi câu nên gọi là móc câu. Hoa nhỏ hình cầu nở vào mùa hạ, có màu vàng trắng.
Cây mọc hoang nhiều ở các tỉnh miền núi nước ta. Bộ phận được sử dụng làm thuốc là phần đốt thân có móc câu (loại đốt có 1 móc câu hay loại có 2 móc câu tốt hơn) cắt nhỏ phơi hay sấy khô. Cây thường được thu hoạch vào mùa xuân hoặc mùa thu. Ở nhiều nơi nhân dân còn dùng móc câu để ăn trầu.
Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp với cây câu đằng
Một số bài thuốc thường dùng:
- Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp:
Bài 1: Câu đằng 10g, xuyên khung 5g, cam thảo 2g, quế chi 3g. Đổ 3 bát nước sắc còn lại 1 bát chia 3 lần uống trong ngày. 10 ngày một liệu trình.
Bài 2: Câu đằng 10g, lá dâu, cúc hoa vàng, hạ khô thảo, thảo quyết minh mỗi vị  8g, sao vàng. Đổ 500ml nước sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày.  Dùng liền 10 ngày.
Bài 3: Câu đằng, ích mẫu, dạ đằng giao, bạch linh mỗi vị 12g, thạch quyết minh, tang ký sinh mỗi vị 20g, thiên ma, chi tử, hoàng cầm, ngưu tất mỗi vị 8g, Tất cả rửa sạch đổ 800ml nước sắc còn 300ml, chia 3 lần uống trong ngày.  Dùng liền 10 ngày.
- Hỗ trợ chữa trúng phong, liệt thần kinh mặt: Câu đằng 12g, dây hà thủ ô tươi 24g. Sắc uống trong ngày. Khi sắc hà thủ ô gần được mới cho câu đằng vào để cho sôi 1 - 2 phút, trào lên là được.
-  Chữa nghiến răng:  Câu đằng 10g, kim ngân hoa 9g, cúc hoa vàng, địa long mỗi vị 6g, bạc hà 3. Tất cả sắc với 200ml nước còn 50 ml, uống làm 1 lần trong ngày.
Để bài thuốc hiệu quả còn tùy thuộc vào thể trạng của từng người các vị thuốc có thể gia giảm nên người bệnh cần được bắt mạch cụ thể.

Bác sĩ Trần Thị Hải

Đông y trị chứng cước chân

Thời tiết rét đậm kéo dài của mùa đông kéo theo những khí độc xâm nhập vào cơ thể là nguyên nhân chính khiến chân, tay bạn bị ngứa, sưng tấy dẫn đến cước. Theo Đông y, nguyên nhân gây bệnh cước là do khí độc ở ngoài xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh. Các loại khí độc này là hàn (lạnh) và thấp (ẩm ướt) khí.
Dưới đây xin giới thiệu một số biện pháp phòng chữa cước chân:
Rửa mặt: Dùng hai lòng bàn tay áp lên hai má, sau đó xoa mật ong một cách nhẹ nhàng. Nếu vết cước ở đầu mũi, có thể dùng hai ngón tay cái kẹp đầu mũi, sau đó vuốt lên vuốt xuống nhiều lần.
Vuốt tai: Dùng mặt trong của ngón tay cái và đốt cuối ngón trỏ của hai bàn tay kẹp lấy phía trên của tai sau đó vuốt chậm và nhẹ nhàng xuống phía dưới dái tai nhiều lần sao cho tai nóng ấm lên là được.
Xoa chân: Để các ngón tay trỏ, giữa và ngón út vào chỗ bị cước rồi xoa đều theo hình tròn nhiều lần. Nếu chỗ bị cước ở gót chân thì làm động tác xoa từ phía gót trở ra lòng bàn chân.
Đông y trị chứng cước chân
Đông y trị chứng cước chân
Quế chi, gừng những vị thuốc trị bệnh cước khi trời lạnh.
Đem ngâm ớt và gừng tươi, mỗi loại 60g trong 300 ml rượu 95 %, sau nửa tháng là có thể dùng được. Khi dùng, lấy bông tẩm dịch thuốc bôi vào chỗ bị cước mỗi ngày 2 lần. Bài thuốc này có hiệu quả đặc biệt với người bệnh còn nhẹ.
Hoặc có thể áp dụng một số bài thuốc đơn giản sau.
Bài 1: Quế chi 60g, nước 1 lít, cho 2 thứ vào nồi đất, đun nhỏ lửa, sau khi sôi được 10 phút thì lấy ra, cho vào chậu. Ngâm chỗ bị phát cước vào nước này, kết hợp xoa bóp nhẹ. Làm mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 5 - 15 phút vào buổi sáng và tối.
Bài 2: Trường hợp chỗ phát cước bị loét, lấy 12g nhục quế, 6g đinh huơng, 6g ngũ linh chi, tất cả nghiền thành bột, trộn với dầu vừng, đắp vào chỗ phát cước, ngày 1 - 2 lần.
Bài 3: Hằng ngày trước khi đi ngủ, ngâm chân vào nước nóng ấm với muối khoảng 15 - 30 phút (có thể hòa nước với gừng giã nhỏ rồi ngâm) để giúp máu lưu thông.
Bài 4: Lấy một ít cây lá lốt, một chút muối nấu lên và ngâm chân trong nhiều ngày hiện tượng cước cũng sẽ giảm dần và khỏi hẳn.

Bác sĩ Hữu Nam

Ngũ vận lục khí & dưỡng sinh, phòng bệnh năm Ất Mùi

Ngũ vận lục khí, gọi tắt là “vận khí”, là khoa dự báo học cổ đại, chuyên nghiên cứu các quy luật tổng quát của thời tiết, khí hậu hàng năm cùng tác động của chúng đối với sức khỏe và tật bệnh. Trong các khoa dự báo cổ đại, vận khí học được giới khoa học thừa nhận là khoa dự báo có tính khoa học, giá trị thực tiễn cao nhất và cho đến nay vẫn có giá trị.
Thí dụ như đối với việc phòng ngừa và chữa trị các bệnh truyền nhiễm; Phát hiện nhanh chóng các vi sinh vật gây bệnh và tìm ra thuốc đặc trị để tiêu diệt chúng là một trong những thế mạnh của y học hiện đại. Thế nhưng, để ứng phó với sự biến dị nhanh chóng của chúng thì y học đang gặp rất nhiều khó khăn.
Đối với các chứng bệnh nhiễm khuẩn, Đông y có một cách tiếp cận  khác. Đông y cho rằng môi trường mới là nhân tố quyết định sự tồn tại của các loại vi khuẩn, virut gây bệnh. Do coi trọng tác động của môi trường sinh thái, trong đó khí hậu đóng vai trò quyết định, nên trong dưỡng sinh cũng như trong phòng trị bệnh tật, Đông y luôn tuân theo nguyên tắc cơ bản là “Nhân thời - Nhân địa - Nhân nhân”. Nghĩa là cần tính đến những đặc điểm về thời tiết khí hậu (nhân thời), hoàn cảnh địa lý (nhân địa) và đặc điểm của từng bệnh nhân (nhân nhân). “Nhân thời” được đặt lên hàng đầu, có vị trí quan trọng bậc nhất. Không thông hiểu vận khí sẽ không thể vận dụng được đúng chữ “thời”, do đó Lãn Ông mới nói, không thông vận khí  sẽ chẳng thể làm nổi việc gì.
Ngũ vận lục khí năm Ất Mùi
Ngũ vận lục khí: “Ngũ vận” là sự vận hành của 5 loại khí: mộc, hỏa, thổ, kim, thủy; đó là những nhân tố chủ yếu, ảnh hưởng tới sự biến động của khí hậu trên mặt đất. “Lục khí” là sự biến hóa của 6 loại khí: phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa. Đó là những nhân tố chủ yếu, ảnh hưởng tới sự biến động của khí hậu trong không trung.
Khi các loại khí nói trên vận động và biến hóa một cách bình thường, gọi là “chính hóa” thì nói chung sẽ không gây nên bệnh, vì cơ thể con người đã quen thích nghi. Nhưng khi các loại khí nói trên biến động một cách dị thường, gọi là “tà hóa”, vượt quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể con người và biến thành tác nhân  gây bệnh gọi là “tà khí”. Chức năng chủ yếu của Ngũ vận lục khí là tính toán, dự báo những biến động dị thường của thời tiết khí hậu, để có thể tiến hành dưỡng sinh, chuẩn bị trước các biện pháp phòng trị thích hợp.
Tuế vận và tuế khí: Ngũ vận và lục khí luôn biến đổi, luân chuyển hàng năm. Mỗi năm có một vận và một khí chủ sự, gọi là “tuế vận” và “tuế khí”. Năm Ất Mùi có “thiên can” là Ất và “địa chi” là Mùi. Theo nguyên tắc “Thiên can thống vận”: Ất là can âm, thuộc hành kim, nên năm Ất Mùi có tuế vận là “Kim vận bất cập”.  Theo nguyên tắc “Địa chi thống khí”: Nửa đầu năm Ất Mùi khí tư thiên chủ sự là thái âm thấp thổ, nửa năm cuối có khí tại tuyền chủ sự là thái dương hàn thủy.
Vận khí tương lâm: Khí hậu hàng năm biến đổi một cách bình hòa hay đột ngột tùy thuộc vào quan hệ sinh khắc theo ngũ hành giữa vận và khí: vận sinh khí gọi là tiểu nghịch; vận khắc khí gọi là bất hòa; khí sinh vận gọi là thuận hóa; khí khắc vận gọi là thiên hình. Năm Ất Mùi có tuế vận là kim vận. Khí tư thiên là thái âm thấp thổ. Thổ sinh kim - khí sinh vận, do đó Ất Mùi là năm thuận hóa: khí hậu tương đối thuận hòa và tần suất phát sinh tật bệnh cũng tương đối thấp.
Tình hình bệnh tật: Xét theo ngũ vận, năm “kim vận bất cập” như sách Vận khí bí điển của Lãn Ông viết: “Kim vận bất cập, hỏa khí thừa thế vượng lên, hỏa nhiệt lan tràn”. Hỏa nhiệt thông ứng với tạng tâm nên tạng tâm dễ bị mắc bệnh; mặt khác, hỏa khắc kim phế thuộc hành kim, nên tạng phế (chức năng hô hấp) cũng dễ bị mắc bệnh.
Xét theo lục khí, nửa năm đầu thái âm thấp thổ tư thiên, khí hậu ẩm thấp. Thấp khí thông ứng với tạng tỳ nên thấp tà dễ gây tổn thương cho tạng tỳ (chức năng tiêu hóa); mặt khác, thổ khắc thủy, tạng thận thuộc hành thủy nên tạng thận cũng dễ thụ bệnh. Nửa năm cuối thái dương hàn thủy tại tuyền, khí hậu giá lạnh. Hàn thủy thông ứng với tạng thận nên tạng thận dễ bị tổn thương; mặt khác, thủy khắc hỏa, tâm thuộc hành hỏa nên tạng tâm cũng dễ thụ bệnh.
Năm Ất Mùi cần chú ý phòng ngừa hỏa tà, thấp tà và hàn tà; mặt khác, cần chú ý dự phòng bệnh tật phát sinh ở các tạng tâm, tỳ, phế và thận.
Biện pháp dự phòng
Phòng ngừa hỏa tà: Hỏa tà là một loại dương tà, dễ gây tổn thương cho âm dịch. Người thể chất “âm hư” hữu nhiệt thường dễ bị hỏa tà khí xâm phạm và phát sinh loại bệnh ôn nhiệt. Biểu hiện chủ yếu bởi các chứng trạng: phát sốt, gai rét hoặc không sợ rét, đau đầu, vã mồ hôi, môi lưỡi khô háo, miệng khát uống nhiều, tâm phiền, ngực sườn đầy tức, tiểu tiện đỏ, đại tiện bí, đầu choáng mắt hoa, ban chẩn, thổ huyết, nục huyết, tiện huyết, niệu huyết...
Để dự phòng, nói chung nên ăn uống thanh đạm, không uống rượu, không lạm dụng thức ăn cay nóng kích thích. Riêng  đối với người âm hư đa hỏa, có thể dùng một số vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt tả hỏa, tư âm lương huyết như sinh địa hoàng, huyền sâm, mạch đông, liên tâm, trúc diệp, khổ sâm, hoàng liên, chi tử, đan sâm, thủy ngưu giác (sừng trâu), kim ngân hoa, xa tiền tử, hoàng bá, đại hoàng, đan bì, bạch mao căn...
Phòng ngừa hàn tà: Hàn tà thuộc loại “âm tà” dễ làm tổn thương “dương khí” nên những người có cơ địa “dương hư” cần đặc biệt chú ý phòng các bệnh như cảm lạnh, bụng đau nôn mửa do trúng hàn, tiêu chảy do hàn tà xâm phạm vào tràng vị, tinh thần trầm uất do dương khí bị hàn tà lấn át... Hàn tà còn có tính “ngưng kết”, dễ làm cho sự vận hành của khí huyết bị ngưng trệ, dẫn tới các chứng đau nhức như đau đầu, cơ bắp và xương khớp đau nhức kịch liệt (hàn tý), tứ chi co rút...
Để dự phòng, cần tăng cường vận động thân thể; đồng thời nên sử dụng thêm các loại thuốc, thức ăn có tác dụng trợ dương tán hàn như can khương (gừng khô), nhục quế, đinh hương, cao lương khương (củ riềng), lá lốt, hồ tiêu, thịt bò, thịt dê, thịt chó...
Người tố chất tâm thận dương hư, dễ cảm mạo phong hàn với những chứng trạng như phát sốt, sợ lạnh, không mồ hôi, chân tay lạnh, phiền táo, tiêu chảy, tức ngực, thở gấp, tâm loạn nhịp đập dồn từng hồi (tâm quý), môi lưỡi tím tái... Để dự phòng, có thể dùng sinh khương, thông bạch và đại táo, sắc nước uống thay trà trong ngày.
Phòng ngừa thấp tà: Thấp là loại tà khí có tính chất trọng trọc (nặng đục), dễ dẫn tới các chứng bệnh như đầu nặng đau như bị bó chặt, mình mẩy nặng nề  đau nhức (thấp tý), bụng đầy trướng, ăn không tiêu, kiết lỵ, đại tiện không thành khuôn, tiểu tiện đục, phù thũng, khí hư bạch đới...
Để dự phòng, cần sử dụng thêm những vị thuốc có tác dụng kiện tỳ táo thấp. Ví dụ như, có thể dùng: bán hạ chế (tẩm gừng sao) 3g, trần bì (vỏ quýt để lâu ngày) 10g, thổ phục linh 10g, cam thảo 5g; sắc nước uống thay trà trong ngày.
Ất Mùi là một năm “thuận hóa”. Thời xưa là một năm khí hậu biến đổi tương đối bình hòa, ít phát sinh các bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, trong điều kiện môi trường sinh thái bị ô nhiễm nặng, tầng ôzôn bị thủng, trái đất đang bị nóng lên như hiện nay, trong dưỡng sinh và phòng trị bệnh tật cần tăng cường phòng ngừa hỏa tà, thấp tà và hàn tà; trong đó cần chú ý nhất là hỏa tà.  
Lương y Thái Hư

Tập thở để có lợi cho sức khỏe

Cách thở đúng
Khi cơ thể vận động nhiều thì nhịp thở tăng để đáp ứng nhu cầu dưỡng khí và thải thán khí của cơ thể. Không như nhịp tim mà ta không kiểm soát được, con người có thể điều chỉnh nhịp hít thở nhanh chậm tùy theo nhu cầu. Ở người khỏe mạnh, khi ngủ hoặc lao động nhẹ đều thở ra hít vào bằng mũi. Khi vận động mạnh hơn thì có thể hít vào bằng mũi và thở ra hoặc bằng mũi hoặc miệng để lấy thêm dưỡng khí.
Tập thở để có lợi cho sức khỏe
Tư thế thở toàn thân thư giãn, xương sống ngay thẳng.
Bước 1:  Tư thế có thể là nằm, ngồi hoặc đứng. Toàn thân thư giãn, xương sống ngay thẳng.
Bước 2: đặt một bàn tay lên bụng để có thể cảm nhận sự phình ra thót vào của bụng.
Bước 3: Chậm rãi hít vào bằng mũi. Tập trung vào đường đi của hơi thở từ mũi xuống ống dẫn khí, vào phổi đồng thời hạ thấp cơ hoành để bụng phình hút vào nhiều không khí. Sự tập trung này cũng để tránh nhiễu ý ngoại cảnh.
Bước 4: Nhịn hơi thở trong vài giây.
Bước 5: Từ từ thở ra bằng mũi. Khi không khí đã ra gần hết thì thư giãn một vài giây rồi hít thở lại.
Hít vào thở ra bằng mũi: Mũi có nhiều vai trò khá quan trọng, cho nên cũng cần được chăm sóc như: dùng ngón tay bịt một bên lỗ mũi, hít vào thở ra mạnh vài lần, rồi làm tương tự với mũi bên kia để lỗ mũi thông, loại trừ vật lạ. Việc chăm sóc, rửa mũi này đặc biệt có lợi cho những ai sống ở nơi ô nhiễm không khí, bụi bặm, hoặc vào mùa dị ứng phấn hoa đồng thời cũng giảm khô mũi vì thời tiết thay đổi, ngồi lâu trong máy điều hòa không khí, trên máy bay.
Thở bằng mũi tạo ra chất nitric oxid ở các xoang mặt, là chất làm dãn huyết quản, máu tràn đầy, đưa tới tăng sự trao đổi không khí. Chất này cũng hiện diện trong dược phẩm nhóm nitroglycerin điều trị chứng đau thắt ngực (angina) và trong Viagra để tạo sự cương cứng của cơ quan sinh dục nam, nhờ tác dụng giãn mạch máu.

Bác sĩ  Nguyễn Đức

Thuốc dân gian trị chứng đầy bụng ngày Tết

Có thể sử dụng một số bài thuốc dân gian trị chứng đầy bụng đơn giản sau:
Bài 1: Quả quất tươi chín 1kg, rửa sạch, để ráo nước. Dùng kim châm sâu vào quả nhiều lỗ. Cho quất vào lọ cùng với 2kg đường kính, cứ một lớp quất lại một lớp đường, đậy kín để trong vòng 7 ngày, thu được si rô quất màu vàng, mùi thơm. Khi dùng, lấy 1 thìa si rô quất pha với 100ml nước đun sôi để nguội uống. Ngày uống 2 - 3 lần. Uống 3 ngày.
Đông y chữa đầy bụng, khó tiêu 1
Si rô quất.
Bài 2: Quất tươi chín 100g, 500ml rượu trắng, ngâm khoảng 2 tuần là dùng được. Hàng ngày, trước mỗi bữa ăn uống 15 - 20ml rượu quất có tác dụng chữa bụng trướng đầy, khó tiêu, giúp ăn ngon miệng, kích thích tiêu hóa.
Bài 3: Chỉ xác 10g, đu đủ xanh khô (mộc qua) 30g, gừng khô 6g. Sắc uống mỗi ngày 1-2 lần. Uống 3 ngày.
Bài 4: Mộc hương, bạch truật, chỉ thực, mỗi vị 18g. Tất cả các vị thuốc tán bột, ngày uống 2 lần với nước gừng, mỗi lần uống 5g.
Bài 5: Lấy 20g tỏi ta bóc vỏ, giã nát, trộn với 5g đường phèn hoặc đường kính. Hòa với 60ml nước sôi còn ấm, chia làm 2 lần uống trong ngày. 
Bài 6: Lá mơ lông tươi 100g, rửa sạch, ăn kèm với cơm như rau hoặc giã nát vắt lấy nước cốt uống vài lần trong ngày.
Bài 7: Rau cải thìa (cả cây), rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt, hâm cho âm ấm, ngày uống 2 lần trước bữa ăn, mỗi lần uống 30ml. Uống 3 - 5 ngày.
Bài 8: Trần bì, mộc hương, nga truật, thanh bì, mỗi vị 3g; đinh hương, tiểu hồi, thần khúc, mỗi vị 4g. Tất cả các vị thuốc sấy khô tán bột mịn, ngày uống 3 lần, mỗi lần 3g với nước sôi để nguội.
Bài 9: Sơn tra 60g, lục khúc 20g, bán hạ 30g, phục linh 30g, trần bì 10g, liên kiều 10g, la bạc tử 10g.  Các vị thuốc sao vàng, tán bột, ngày uống 3 lần, mỗi lần 15g.
Bài 10: Mạch nha 10g, đảng sâm 10g, thảo quả 5g, trần bì 5g, phục linh 10g, can khương 3g, bạch truật 10g, hậu phác 5g, cam thảo 3g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống 3 ngày.
Lưu ý: Khi sử dụng các bài thuốc kết hợp nhiều vị, người bệnh cần được thầy thuốc Đông y hoặc lương y có uy tín kê đơn và hướng dẫn cụ thể. 
Bác sĩ Thúy An

Kỳ diệu ngâm ấm bàn chân

Ngâm mình trong nước ấm một phần hoặc toàn bộ cơ thể là một trong những hình thức cổ xưa nhất của y học, và có lý do chính đáng tại sao hình thức điều trị này đã tồn tại lâu dài trước thử thách của thời gian.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, điều trị bằng phương pháp ngâm nước ấm mang lại nhiều tác dụng tốt cho cơ xương khớp, bao gồm cả xơ cơ, viêm khớp, có thể làm giảm sưng, viêm và tăng cường lưu thông máu.
Bàn chân cần ấm
Hai bàn chân là nơi tập trung các huyệt đạo tác động đến hầu hết các bộ phận trên cơ thể từ não bộ đến mắt, tai, mũi, các tuyến yên, giáp, tuỵ; từ các hệ thần kinh cho đến các cơ quan ngũ tạng như: tim, gan, mật, phổi, thận; cho đến các cơ quan tiêu hóa: dạ dày, ruột, kết tràng, lá lách, bàng quang. Tác động lên các huyệt đạo sẽ kích thích hoạt động các cơ quan trên.
Hiện nay, phương pháp xoa bóp bấm huyệt bàn chân thường kết hợp liệu pháp ngâm chân bằng nước thuốc để tăng thêm hiệu quả trong điều trị. Tuy nhiên, người ta cũng có thể dùng riêng lẻ nước ấm đơn thuần hoặc nước ấm pha thuốc ngâm chân để nhiệt độ và chất thuốc hòa tan trong nước tác động thấm vào da nhằm điều hòa kinh khí, hoạt huyết, khu tà. Từ đó phương pháp này có tác dụng cải thiện, phòng và điều trị một số bệnh thúc đẩy tuần hoàn máu, giải trừ mỏi mệt, giúp dễ ngủ, giảm sự căng thẳng, giảm đau, cải thiện teo cơ, cứng khớp chi dưới.
Kỳ diệu ngâm ấm bàn chân
Khi ngâm bàn chân đồng thời thực hiện xoa bóp ở các ngón chân, lòng bàn chân thì có thể phòng và chữa được nhiều chứng bệnh. Chẳng hạnngón chân cái là đường đi ngang qua của hai kinh Can - Tỳ, giúp sơ can - kiện tỳ làm giảm tức hông sườn, tăng sự thèm ăn, tránh tiêu chảy. Ngón chân thứ hai thuộc kinh Vị, giúp phòng và điều trị chứng rối loạn tiêu hóa. Ngón chân thứ tư thuộc kinh Đởm, giúp phòng trị táo bón và đau hông sườn và ngón chân út thuộc kinh bàng quang, chữa chứng đái dầm ở trẻ, điều chỉnh tử cung của phụ nữ. Lòng bàn chân có huyệt Dũng tuyền thuộc kinh Thận, giúp điều trị thận hư, suy nhược… Dùng nước nóng ngâm bàn chân là tạo sự kích thích lành tính, làm hưng phấn các rễ thần kinh, giúp tăng cường trí nhớ, đem lại cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng cho chân và não.
Các bài thuốc ngâm chân
Có thể dùng độc vị như: quế chi, gừng, lá lốt, kinh giới, hương nhu, ngải cứu… Nói chung, những dược liệu có tinh dầu đều dùng để ngâm chân.
Đối với người đau nhức xương khớp có thể dùng độc vị hoặc sử dụng các loại thảo dược hay sử dụng để xông như: ngải cứu, lá gừng, lá hương nhu, muối hột rất tốt cho các bệnh khớp, lạnh tay chân. Khi nước ngâm chân còn nóng, đặt 2 bàn chân cách mặt nước một khoảng để xông hơi, không vội ngâm chân ngay vào nước nóng, để tránh cho bàn chân bị phỏng nếu nước quá nóng và để chân làm quen dần với nhiệt độ cao. Khi nước giảm nhiệt thì đặt dần bàn chân xuống thấp, đặt bàn chân sát trên mặt nước, sau đó ngâm cả bàn chân.
Mất ngủ: dùng nước nóng ngâm rửa chân 1 lần mỗi tối trước khi đi ngủ. Ngoài ra cần đảm bảo chỗ ngủ yên tĩnh, thoáng mát. Khi ngủ cần giữ tâm lý thư thái, không nghĩ ngợi lung tung.
Di tinh, xuất tinh sớm: dùng nước nóng ngâm rửa chân 1 lần mỗi tối trước khi ngủ. Giữ tinh thần thư thái. Không xem phim, sách báo khêu gợi tình dục.
Đau gót và viêm khớp cổ chân: dùng nước thuốc gồm: thấu cốt thảo 30g, tầm cốt phong 30g, độc hoạt 15g, nhũ hương 10g, một dược 10g, huyết kiệt 10g, lão hạc thảo 30g. Ngâm rửa chân lúc còn nóng, mỗi ngày 2 lần.
Viêm tắc tĩnh mạch chân: dùng thủy điệt 30g, thổ nguyên 10g, đào nhân 10g, tô mộc 10g, hồng hoa 10g, huyết kiệt 10g, xuyên ngưu tất 15g, phụ tử 10g, quế chi 20g, địa long 30g, cam thảo 15g, nhũ hương 10g, một dược 10g. Nấu lấy nước thuốc, đổ vào chậu gỗ. Ngâm rửa từ đầu gối trở xuống. Dùng khi nước thuốc còn nóng.
Cách nấu: đun các vị thuốc trên với 2 lít nước cho sôi với trong 10 - 20 phút rồi pha lại với nước lạnh sao cho nước thuốc 40 - 600C là vừa.
Chuẩn bị ngâm ấm chân phải chu đáo: bài thuốc hoặc vị thuốc có sẵn để hòa với nước sôi, như: thuốc ngâm châm kết hợp tác động lên các vùng ở bàn chân, thuốc thang sắc sau khi xông hơi nước thuốc rồi ngâm.
Kiểm tra nhiệt độ của nước ngâm xem nóng quá hoặc chưa đủ nóng để điều chỉnh. Chúng ta chỉ cần ngâm trong vòng 20 - 30 phút, sau đó lau khô chân là được.

BS.CKII. Huỳnh Tấn Vũ

Dưỡng thần bằng phương pháp “sơ tiết”

Dân gian có câu: “Bất như ý sự thường bát cửu, như nhân chi ý nhất nhị phân”, ý nói ở đời mười điều thì có tới tám, chín điều không thuận theo ý ta, có chăng chỉ được một hai điều. Và những việc trái với ý muốn, những khó khăn, lo toan, phiền muộn, uất ức luôn khiến cho người ta rơi vào tâm trạng bị ức chế, mệt mỏi chán nản, thậm chí lâu ngày có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, là nguy cơ để phát sinh các căn bệnh như suy nhược thần kinh, mất ngủ, trầm cảm, viêm loét đường tiêu hóa, tăng huyết áp, thiểu năng tuần hoàn não...
Dưỡng thần bằng phương pháp “sơ tiết”
Có thể sơ tiết bằng ngòi bút.
Ở Hàn Quốc có một câu chuyện dân gian rất thú vị có tên gọi là Hoàng đế tai lừa. Một vị hoàng đế có đôi tai giống như tai con lừa, nhưng ông ta chỉ tiết lộ cho người thợ cắt tóc biết và cấm anh ta không được hé răng tiết lộ với ai, nếu không sẽ bị chém đầu. Ngày tháng dần trôi, người thợ cắt tóc cảm thấy rất khó chịu khi giữ bí mật này trong lòng, anh ta căng thẳng đến nỗi muốn phát điên, tuy nhiên vẫn không dám nói cho những người xung quanh biết vì sợ sẽ bị giết chết. Cuối cùng, anh ta nghĩ ra một cách vẹn toàn cả đôi đường là đào một cái hố thật to, hàng ngày cúi đầu xuống hố và hét lên: “Hoàng thượng có đôi tai lừa”. Thế là người thợ cắt tóc đó đã thoát khỏi sự ức chế tinh thần, trạng thái tâm lý của anh ta trở lại bình thường. Đó là một trong những ví dụ điển hình của phương pháp “sơ tiết” tinh thần của y học cổ truyền phương Đông.
“Sơ” có nghĩa là làm thưa ra, mở ra, thư giãn, thư thái, khai thông...; “tiết” có nghĩa là tiết ra, lọt ra, tiết lộ, trút bỏ...; “sơ tiết” nôm na là tìm cách cởi bỏ những sự ức chế, bế tắc để nhằm đạt được sự thư thái, bình thản về thể xác và tinh thần. Trong y học cổ truyền, những phương pháp như “sơ biểu giải tà” “sơ tán phong tà”, “sơ phong tiết nhiệt” “sơ phong hóa thấp”, “sơ can lý khí”, “sơ can giải uất” cũng nằm trong ý nghĩa trừ bỏ tà khí ra bên ngoài, làm lưu thông khí huyết và lập lại cân bằng âm dương trong hoạt động của các tạng phủ. Trong cuộc sống thường nhật, chúng ta luôn gặp phải những sự việc không vui, không hài lòng, điều này khiến cho chúng ta phải chịu áp lực rất lớn về tâm lý và từ đó dễ gây nên bệnh tật. Bởi vậy, chúng ta cần thường xuyên giải phóng áp lực tâm lý, vận dụng phương pháp “sơ tiết” về tinh thần của y học cổ truyền. Phương pháp này có thể thực hiện bằng miệng hoặc bằng đầu óc chân tay.
“Sơ tiết” đường miệng có hai cách: Cách thứ nhất là độc thoại một mình. Ví dụ một người nào đó không hài lòng đối với cấp trên của mình, tuy nhiên anh ta lại không dám biểu lộ sự bực tức đó một cách công khai và trực diện, vậy thì cách giải quyết có thể là hãy mạnh dạn mua một chai rượu, rồi vừa uống một mình vừa thoải mái mắng nhiếc bề trên. Đừng nghĩ là người đó có vấn đề về tâm thần mà thực ra anh ta đang thực hiện một phương pháp rất hay để giải toả sự ức chế. Uống rượu, mắng nhiếc, uống chán mắng chán rồi ngủ thiếp đi, khi tỉnh dậy sẽ chẳng còn chuyện gì nữa. Tuy nhiên, không nên uống quá nhiều vì như vậy rất có hại cho sức khỏe. Cách thứ hai là thổ lộ với người khác, khi có điều gì bực bội không vui, nên tìm một người nào đó gần gũi và hiểu mình để trút bầu tâm sự, như vậy có thể giải thoát khỏi sự ức chế về tâm lý. Tuy nhiên, cần chú ý chọn đúng đối tượng có thể lắng nghe và thấu hiểu mình, bởi vì lắng nghe người khác trút giận chẳng có gì là thích thú cả, nếu không phải là một người hiểu bạn, thông cảm với bạn thì chẳng ai muốn nghe bạn nói và nếu như có nhẫn nại lắng nghe bạn nói xong thì họ cũng không thể đưa ra những lời khuyên chân tình và hiệu quả.
“Sơ tiết” bằng đầu óc chân tay cũng có hai cách: Cách thứ nhất là “sơ tiết” bằng ngòi bút. Khi bạn giận ai đó, hãy dùng bút viết thật nhiều, viết ra tất cả những gì khiến bạn giận giữ và kìm nén ức chế trong lòng mà không thể giãi bày trực tiếp với ai trên cõi đời này. Có thể viết thành một bức thư mà đối tượng nhận chính là người mà bạn đang giận. Tuy nhiên, nên nhớ một điều rằng bức thư ấy chỉ có thể viết và để đấy chứ không thể gửi cho ai cả. Cách thứ hai để “sơ tiết” là sáng tác theo khả năng của mình, có thể viết văn, làm thơ, viết kịch, sáng tác nhạc, vẽ tranh, nặn tượng... Không ít nhà văn nổi tiếng đã cho ra đời các tác phẩm kinh điển trong hoàn cảnh khó khăn cùng cực, ví như Tư Mã Thiên sáng tác Sử ký sau khi ông bị kết tội tử hình; Tào Tuyết Cần sáng tác Hồng Lâu Mộng trong những năm tháng ông gặp phải muôn vàn khó khăn cực nhọc.
Theo y học cổ truyền, đối với tâm lý tinh thần, vấn đề mà Đông y gọi là “thất tình” (bảy thứ tình chí là hỉ, nộ, ưu, tư, bi, khủng, kinh), “sơ tiết” là một biện pháp rất hữu hiệu để trút bỏ sự uất ức, bực tức, buồn chán trong lòng, lập lại sự cân bằng âm dương trong đời sống tinh thần. “Sơ tiết” có thể làm giảm bớt sự mệt mỏi ức chế về tâm lý, khiến cho con người cảm thấy nhẹ nhõm và thoải mái trong lao động và cuộc sống. Tuy nhiên, cần nhớ một điều là “sơ tiết” cũng cần phải tuân theo nguyên tắc “tam nhân chế nghi” của y học cổ truyền phương Đông, đó là “nhân nhân chế nghi” (tùy đối tượng mà dùng), “nhân địa chế nghi” (tùy chỗ mà dùng) và “nhân thời chế nghi” (tùy lúc mà dùng).

ThS. Hoàng Khánh Toàn

Ðan sâm giúp an thần, giảm đau

Đan sâm còn có tên khác là huyết căn, xích sâm, huyết sâm, tử đan sâm. Vị thuốc đan sâm là rễ khô của cây đan sâm. Đan sâm có tác dụng cải thiện vi tuần hoàn, xúc tiến tái sinh tái tạo tổ chức, chống thiếu máu cơ tim, làm giảm huyết áp, đường huyết; phục hồi chức năng gan và dự phòng xơ hóa gan, giảm mỡ máu.
Theo Đông y, đan sâm vị đắng, tính hơi hàn; vào kinh tâm, can. Có tác dụng hoạt huyết hóa ứ, lương huyết, tiêu ung, dưỡng huyết an thần, thanh nhiệt trừ phiền. Dùng cho các trường hợp đau tức ngực, có các khối tích kết, kinh nguyệt không đều, thống kinh, bế kinh. Hằng ngày dùng 10 - 30g; có thể lên đến 60g dưới dạng nấu, sắc, ngâm ướp.
Đan sâm được dùng làm thuốc trong các trường hợp:
Dưỡng tâm an thần:
Chữa suy tim thể tâm dương hư: đan sâm 16g, ngưu tất 16g, ý dĩ 16g, phụ tử chế 12g, bạch truật 12g, trạch tả 12g, can khương 6g, nhục quế 4g. Sắc uống.
Trị suy tim thể âm dương khí huyết đều hư: đan sâm 16g, long cốt 16g, hoàng kỳ 12g, phụ tử chế 12g, ngũ vị tử 12g, mạch môn 12g, đương quy 12g, trạch tả 12g, xa tiền 12g, nhân sâm 8g, hồng hoa 8g, đào nhân 6g. Sắc uống.
Chữa tim hồi hộp, chóng mặt, nhức đầu, hoa mắt, ù tai: đan sâm 12g, sa sâm 12g, thiên môn 12g, mạch môn 12g, thục địa 12g, long nhãn 12g, đảng sâm 12g, toan táo nhân 8g, bá tử nhân 8g, viễn chí 8g, ngũ vị tử 6g. Sắc uống.
Trừ ứ, giảm đau, trị các chứng đau do ứ trệ:
Trị huyết ứ khí trệ kết lại sinh ra đau bụng: đan sâm 63g, đàn hương 6g, sa nhân 6g. Sắc uống.
Chữa viêm gan mạn tính, sưng gan, đau vùng gan: đan sâm 20g, nọc sởi 20g. Sắc uống thay nước uống trong ngày.
Trị áp-xe gan, vùng gan đau dữ dội: đan sâm 12g, đương quy 12g, bạch tật lê 12g, biển đậu 12g, bán chi liên 40g, lậu lô 16g, ngõa lăng tử 24g, thạch yến 8g, hồng hoa 8g, hương phụ 8g. Sắc uống.
Trị viêm gan mạn tính, đau hông: đan sâm 20g, điền cơ hoàng 20g. Sắc uống.
Hoạt lạc hiệu linh đan: đan sâm 20g, đương quy 12g, nhũ hương 6g, một dược 6g. Sắc uống. Trị các chứng đau tức vùng tim, đau bụng do huyết ứ khí trệ.
Thoát mủ, tiêu nhọt, trị áp-xe vú: đan sâm 20g, xích thược 16g, bạch chỉ 12g. Tất cả nghiền bột mịn, thêm mỡ lợn, sáp ong vàng luyện thành cao, bôi lên chỗ đau.
Hoạt huyết, điều kinh:
Trị kinh nguyệt không đều, sau khi đẻ huyết hôi không ra hết: đan sâm 24 - 60g, nghiền thành bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 8g, pha với rượu uống hoặc thêm 20g đường đỏ thay đổi uống. Hoặc: đan sâm 16g, hương phụ 8g, trạch lan 12g. Sắc uống. Hoặc: đan sâm 16g, đương quy 16g, tiểu hồi hương 8g. Sắc uống.
Trị tắc kinh: đan sâm 60g, xuyến thảo 20g, ô tặc cốt 125g. Sắc uống.
Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai dùng phải cẩn thận. Không dùng chung đan sâm với lê lô.
TS. Nguyễn Đức Quang