Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

Những bài thuốc chữa đau mắt đỏ

Theo kinh nghiệm dân gian, những cây cỏ mọc tự nhiên quanh nhà, ngoài vườn có thể được tận dụng làm thuốc chữa bệnh đau mắt đỏ kịp thời và có kết quả tốt.
Dùng ngoài
Dành dành: Dùng lá tươi một nắm, rửa thật sạch bằng nước đun sôi để nguội, rồi tráng bằng nước muối pha loãng. Giã nhỏ lá, gói vào miếng gạc đã khử trùng, đắp lên mắt khi đi ngủ. Mỗi ngày làm một lần.
Diếp cá: Dùng cây tươi, bỏ rễ, rửa sạch, giã nát rồi ép vào hai miếng gạc sạch, đắp lên mắt khi đi ngủ.
Hoàng đằng: Rễ để tươi, rửa sạch, sấy nhẹ cho khô. Khi dùng, lấy 4g rễ tán nhỏ mịn cùng với phèn chua 2g, đem hấp cách thủy, rồi gạn lấy nước trong dùng nhỏ mắt (Nam dược thần hiệu). Hoặc dùng bột palmatin clohydrat (chiết xuất từ rễ hoàng đằng) pha chế thành thuốc nước với tỷ lệ 0,3-0,5%, để nhỏ mắt ngày hai lần.
Nhãn hương: Lấy ngọn có hoa, phơi âm can cho khô, 5-10g, tán nhỏ, hãm với 1 lít nước sôi. Đợi khi nước ấm, rửa mắt ngày hai lần.
Những bài thuốc chữa đau mắt đỏ
Cúc bách nhật.
Dùng trong
- Cúc hoa vàng, thảo quyết minh, thanh tương tử, quả ích mẫu, sinh địa, lượng mỗi thứ 10g. Tất cả phơi khô, tán nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày. Hoặc cúc hoa vàng 4g, nụ hòe 4g, lá sen hoặc ngó sen 10g, hãm uống.
Bài khác: Cúc hoa vàng 8g; lá dâu 16g; nhân trần 16g; phòng phong, hoàng đằng, kinh giới, mạn kinh, mã đề, mỗi vị 12g; bạc hà 8g. Sắc uống ngày một thang.
- Mật mông hoa 9g; cúc hoa vàng, hoa kinh giới, long đởm thảo, phòng phong, bạch chỉ, mỗi vị 4g; cam thảo 2g. Tất cả thái nhỏ, sắc với 200ml nước còn 50ml, uống làm một lần trong ngày. Hoặc mật mông hoa, cúc hoa, hạt mào gà trắng, mỗi thứ 12g; hoàng đằng 8g. Sắc hoặc ngâm rượu uống.
Bài khác: Mật mông hoa, bạc hà, kinh giới, hạt muồng sao, dành dành, huyền sâm, vỏ núc nác, ngưu tất, mạch môn, mỗi vị 12g. Sắc uống trong ngày.
- Dành dành: Hạt dành dành và hạt thảo quyết minh sao lên, mỗi thứ 16g. Sắc uống ngày một thang.
- Hoàng liên, dành dành, cúc hoa vàng, mỗi thứ 8g; bạc hà, xuyên khung, mỗi thứ 4g. Tất cả sắc với 400ml nước, lấy 100ml. Dùng một nửa nước sắc để xông mắt, còn một nửa uống khi thuốc còn ấm.
- Mạn kinh tử, hạt muồng sao, hạt đuôi mang, hạt mã đề, hạt ích mẫu, các vị lượng bằng nhau 12g, phơi khô, tán bột, rây mịn, làm viên, uống với nước chè hoặc sắc uống (Nam dược thần hiệu).
- Cỏ tháp bút, hạt mào gà trắng, lá dâu, cúc hoa vàng, mỗi thứ 12g; cỏ thanh ngâm 4g. Sắc uống và xông.
- Thảo quyết minh, dã cúc hoa, mỗi thứ 9g; mạn kinh tử, mộc tặc, mỗi thứ 6g. Sắc nước uống.

- Cúc bách nhật 15g, câu đằng 15g, bạch cương tàm 6g, cúc hoa 2g. Sắc uống ngày một thang.


Món ăn, bài thuốc từ vừng đen

Theo y học cổ truyền, vừng đen có vị ngọt, tính bình, có tác dụng dưỡng huyết, nhuận táo, bổ ngũ tạng, hư nhược, ích khí lực, bền gân cốt, sáng mắt, dùng ngoài đắp trị sưng tấy, vết bỏng và làm cao dán nhọt… Ngoài ra, hạt vừng và dầu hạt vừng được dùng để chữa táo bón, tăng cường dinh dưỡng. Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh đơn giản từ vừng đen.
Giữ cho da đẹp và tóc lâu bạc: Vừng đen 500g đem phơi khô, sao chín, tán ra bột, cho vào lọ sạch dùng dần. Khi ăn, cho 1-2 thìa bột vừng vào bát, cho thêm đường tùy theo khẩu vị (nếu có đường phèn càng tốt), đổ nước sôi vào quấy đều thành chè. Ăn liên tục nhiều ngày có tác dụng rất tốt cho da, tóc.
Món ăn, bài thuốc từ vừng đen
Cháo vừng đen trị sản phụ thiếu sữa.
Chữa đầy chướng bụng: (người bệnh có cảm giác ậm ạch, sau mỗi lần ăn vào lại đầy bụng, chướng hơi bí bích không tiêu): Lấy vừng đen giã nhỏ nấu cháo và cho vào 1 cái vỏ quýt khô. Khi ăn nêm một ít muối vừa miệng. Ăn vài lần sẽ khỏi.
Chữa sản phụ thiếu sữa:
Bài 1: Lấy 30g vừng đen giã nhỏ; cùng với gạo tẻ (chừng 50-60g) cho vào nước nấu nhừ thành cháo ăn. Món cháo này vừa có tác dụng lợi sữa, vừa nhuận tràng, thích hợp với phụ nữ sau khi sinh bị táo bón và không đủ sữa cho con bú.
Bài 2: Vừng 30g giã nhỏ, tằm rang khô 10g nghiền vụn (có thể theo tỷ lệ này làm nhiều, bảo quản tốt để dùng dần). Cả 2 thứ đem trộn với đường đỏ (vị vừa ăn), đổ nước sôi vào, đậy nắp kín, sau 10 phút thì uống. Mỗi ngày uống 1 lần lúc đói. Chỉ uống 2 ngày là sữa bắt đầu ra, uống sau 4 ngày thì sữa ra đều và đủ cho con bú.
Hỗ trợ điều trị viêm mũi mạn tính: Lấy một ít dầu vừng đem đun sôi, giữ nhỏ lửa cho sôi nhẹ 15 phút. Khi nguội, đổ dầu vào lọ sạch có nút kín, dùng dần. Ngày nhỏ mũi 3 lần: mới đầu chỉ nhỏ 2-3 giọt, khi đã quen thì tăng lên 4-5 giọt. Sau khi nhỏ thuốc không cử động mạnh 2-3 phút cho dầu lan ra ngấm kỹ vào niêm mạc mũi. Dùng sau 2 tuần sẽ bệnh sẽ đỡ.
Chữa chân tay đau buốt hơi thũng do thấp nhiệt: Lấy 40g hạt vừng đen, rang thơm, tán bột, đổ vào 40g rượu, ngâm trong một đêm, chia đều uống nhiều lần, bệnh sẽ giảm dần và khỏi.
Chữa táo bón
Bài 1: Vừng đen 200g, hà thủ ô đỏ, kỳ tử, long nhãn, tang thầm (quả dâu), bá tử nhân (hạt trắc bá) mỗi vị 100g, mật ong vừa đủ. Tán bột làm viên, mỗi ngày uống 10-20 viên, có thể dùng ở dạng thuốc sắc liều thích hợp.

Bài 2: Vừng đen, đại táo, xuyên khung, đương quy, bá tử nhân, mỗi vị 8g. Thục địa, bạch thược mỗi vị 12g. Tất cả cho vào ấm sắc uống ngày một thang.


Bài thuốc xông chữa cảm cúm

Phương pháp dùng nồi xông để điều trị cảm cúm đã được dân gian sử dụng từ lâu đời. Nó cũng tỏ ra rất hiệu quả, cho nên phương pháp này vẫn được mọi người sử dụng và truyền cho nhau nhất là ở vùng nông thôn miền núi, nơi mà đời sống người dân còn thấp.
Cấu tạo của nồi lá xông
Với kinh nghiệm dân gian, quả thật là rất phong phú. Nhưng nhìn chung có thể thấy các loại lá để làm nồi xông gồm có các loại lá thơm có tinh dầu có tác dụng tân ôn giải biểu, trừ phong thông khiếu, kháng sinh khử trùng... Ở đây xin dẫn ra một số lá, một số cây mà bà con quen dùng: lá chanh, lá sả, tía tô, kinh giới, bạc hà, lá mít, lá nhãn, cây cứt lợn, lá gừng, lá nghệ, lá tre, hương nhu, ngải cứu... Ngoài ra mỗi địa phương bà con còn dùng những loại lá theo kinh nghiệm của riêng mình.
Bài thuốc xông chữa cảm cúm
Hương nhu.
Cách nấu và tiến hành xông
Các thứ lá trên rửa sạch cho vào xoong đổ vừa nước, lấy lá chuối bịt miệng, đậy nắp nấu sôi. Bệnh nhân được bố trí trong phòng kín tránh gió lùa. Đặt nồi xông trên giường, bệnh nhân trùm kín chăn ngồi xông từ 15-20 phút. Khi đã thoát được mồ hôi, bệnh nhân dùng khăn bông sạch lau khô người rồi mặc quần áo mới. Khi tiến hành xông cần có một người ở bên để phục vụ và chăm sóc người bệnh.
Khi nào thì dùng nồi lá xông?
Khi bị cảm cúm có các triệu chứng: Đau đầu, ngạt mũi, đau họng, rát họng, da khô không có mồ hôi, đau xương, đau mình, muốn nằm. Đông y cho đây là hiện tượng bế biểu do cảm phong hàn. Các lỗ chân lông bị bít lại, đường phế đạo đang bị ách tắc làm xuất hiện một loạt những triệu chứng kể trên.
Kết quả sau khi xông
Dùng các loại dược liệu cùng với nước nấu sôi, các chất trong lá đã biến thành hơi nước nên nó rất dễ dàng đi vào đường hô hấp đến tận phế nang. Hơi nước vào khoang miệng, vào niêm mạc mắt mũi và qua da để vào cơ thể. Tới đâu đều có sự trao đổi chất ở đó.
Sau khi xông, da của bệnh nhân trở nên mềm mại, nhuận và mát. Đường hô hấp được thông suốt, giảm đau, giảm tiết, hạ khí cho nên bớt đau đầu, chóng mặt, khó thở. Trong các lá xông có kháng sinh, có tinh dầu cho nên có tác dụng chống viêm, tuyên thông phế khí, giảm đau, hạ sốt... Các lỗ chân lông được thông thoáng, da tươi nhuận trở lại. Bệnh nhân cảm thấy dễ chịu, nhẹ người, khoan khoái hẳn lên.
Sau khi vừa xông xong có thể cho bệnh nhân ăn cháo nóng có lá tía tô, hành, tiêu bắc, chanh ớt...
Những điều cần lưu ý:
Những trường hợp cảm cúm chỉ cần xông 1-2 lần là được. Không nên xông nhiều lần. Xông nhiều lần sẽ bị hao tân dịch, thoát dương, ảnh hưởng xấu đến toàn bộ sức khỏe. Không xông đối với trường hợp cảm thử (ra nhiều mồ hôi, hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, mặt đỏ, chao đảo, mệt lả).

Phương pháp dùng nồi xông là phương pháp đơn giản, dễ làm, rẻ tiền. Kết quả cũng như mặt tích cực của nó là rất đáng kể. Mỗi gia đình nên tích cực trồng cây dược liệu trong vườn, chắc chắn có nhiều khi cần đến nó.

Đông y điều trị viêm loét dạ dày

Y học cổ truyền có nhiều bài thuốc để điều trị chứng bệnh đau dạ dày...
Nguyên ngân gây viêm loét dạ dày
Theo Y học cổ truyền bệnh loét dạ dày được mô tả trong chứng ‘‘vị quản thống’’. Y học cổ truyền cho rằng nguyên nhân của bệnh là do các yếu tố về tinh thần như: lo lắng, suy nghĩ, tức giận quá độ và kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chức năng của tạng tỳ, vị làm tỳ không kiện vận vị mất chức năng thu nạp dẫn đến khí trệ, huyết ứ, đau bụng, đầy bụng, chậm tiêu, buồn nôn và nôn. Tức giận nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến tạng can, làm can khí uất kết ảnh hưởng đến chức năng của tạng tỳ, vị. Nếu can khí uất lâu ngày sẽ hóa hỏa, hỏa sẽ thiêu đốt tân dịch làm tổn thương đến vị âm làm chính khí suy tổn. Ngoài ra, còn do ngoại cảm hàn tà xâm nhập vào vị hoặc do ăn uống không điều độ ảnh hưởng đến tỳ vị: như ăn quá no hoặc để quá đói, ăn quá nhiều đồ béo ngọt, cay nóng, chua, mặn, lạnh đều làm ảnh hưởng đến chức năng của tỳ vị, làm khí cơ bị trở trệ dẫn đến đau.
Phương pháp điều trị theo từng thể bệnh
Y học cổ truyền có nhiều bài thuốc để điều trị chứng bệnh này tùy theo các thể:
Can khí phạm vị
Triệu chứng: bụng trên đầy trướng, vùng thượng vị đau xuyên ra hai bên hông, ợ hơi, ợ chua, táo bón, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch trầm huyền.
Pháp điều trị: Sơ can lý khí, hòa vị chỉ thống.
Bài thuốc: Sài hồ sơ can tán.
Sài hồ 8g, bạch thược 12g, cam thảo 4g, chỉ xác 8g, hương phụ 8g, xuyên khung 8g. Sắc ngày uống 1 thang.
Đông y điều trị viêm loét dạ dày
Sài hồ
Thể hỏa uất
Triệu chứng: vùng thượng vị đau nhiều, đau rát, cự án, miệng khô đắng, hay ợ chua, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác.
Pháp điều trị: Sơ can, tiết nhiệt, dưỡng âm, hòa vị.
Bài thuốc: Nhất quán tiễn. Sa sâm 12g, đương qui 12g, câu kỷ tử 12g, mạch đông 12g, sinh địa 14, xuyên luyện tử 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
Thể huyết ứ
Triệu chứng: đau dữ dội ở một vị trí nhất định ở vùng thượng vị, cự án. Có thể có nôn ra máu, đi ngoài phân đen, môi đỏ, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác, hữu lực.
Pháp điều trị: thông lạc hoạt huyết hay lương huyết chỉ huyết.
Bài thuốc: Thất tiêu tán.
Ngũ linh chi 12g, bồ hoàng 12g. Tán bột mỗi ngày uống 10g chia 2 lần.
Tỳ vị hư hàn
Triệu chứng: đau vùng thượng vị liên miên, nôn nhiều, mệt mỏi, thích xoa bóp và chườm nóng, đầy bụng, nôn ra nước trong, sợ lạnh, chân tay lạnh, đại tiện phân nát, có lúc táo, rêu lưỡi trắng, chất lưỡi nhợt, mạch hư tế.
Pháp điều trị: Ôn trung tán hàn.
Bài thuốc: Hoàng kỳ kiến trung thang.
Hoàng kỳ 8g, gừng sống 5 lát, hương phụ 12g, quế chi 12g, bạch thược 10g, đại táo 16g, cao lương khương 8g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
Ngoài ra, trong dân gian có rất nhiều bài thuốc Nam có tác dụng tốt điều trị chứng bệnh này:
Bài 1: Bột lá khôi.
Lá khôi 10g, nhân trần 12g, chút chít 10g, lá khổ sâm 12g, bồ công anh 12g. Tán bột mỗi ngày uống 30 g với nước sôi để nguội.
Bài 2: Lá khôi 20g, bồ công anh 20g, khổ sâm 16g, hương phụ 8g, hậu phác 8g, nghệ 8g, cam thảo nam 16g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 3: Hoàng cầm 16g, mai mực 20g, hạt dành dành 12g, mạch nha 20g, hoàng liên 8g, cam thảo 6g, sơn thù 2g, đại táo 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 4: Tiêu đạo hòa trung.
Hoắc hương 12g, củ sả 8g, vỏ quýt 8g, mộc hương 12g, gừng tươi 12g, hạt cải 12g, sa nhân 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 5: Nghệ (phơi khô tán bột), mật ong. Trước bữa ăn khoảng 15-20 phút lấy 10g bột nghệ hòa với 10g mật ong và 100 ml nước sôi để nguội uống ngày 2-3 lần.

Bài 6: Mai mực, kê nội kim, gạo nếp rang lượng bằng nhau tán bột. Uống sau bữa ăn ngày 2 lần mỗi lần 10g.

Đông y phòng trị sốt xuất huyết

Sau khi úng lụt thường xuất hiện sốt xuất huyết. Nếu không đề phòng và xử lý kịp thời dễ lây lan thành dịch nguy hiểm.
Sốt xuất huyết là bệnh do virut gây ra, lây truyền qua muỗi mang virut, chủ yếu là muỗi Aedes aegypti. Đây là loài muỗi đốt ban ngày, hoạt động mạnh nhất vào thời gian 2 giờ sau khi mặt trời mọc, vài giờ trước khi mặt trời lặn. Virut gây sốt xuất huyết là virut Dengue. Virut truyền bệnh từ người bệnh sang người lành qua muỗi Aedes aegypti là chính.
Đông y phòng trị sốt xuất huyết
Cây hoàng cầm.
Trẻ em từ 1-15 tuổi đều có thể bị bệnh, nhiều nhất là lứa tuổi từ 3-8 tuổi. Đôi khi người lớn cũng mắc bệnh do chủ quan.
Triệu chứng sốt xuất huyết?
Khi virut xâm nhập vào cơ thể người thì sau 4-6 ngày có biểu hiện lâm sàng: sốt, đau cơ, đau nhất là cơ lưng, đau khớp.
Biểu hiện sốt xuất huyết Dengue: sốt cao đột ngột, liên tục 2-7 ngày, sau đó xuất huyết (chấm, mảng xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, có thể xuất huyết tại đường tiêu hóa, não, đường tiết niệu); có biểu hiện gan to, nổi hạch ở cổ.
Biểu hiện sốt Dengue: có triệu chứng giống sốt xuất huyết Dengue, kèm theo các triệu chứng sốc: hạ nhiệt độ, da tái, vật vã, huyết áp hạ, huyết áp kẹt, mạch nhỏ khó bắt, dễ tử vong nếu không phát hiện sốc sớm để xử lý kịp thời.
Sốt xuất huyết có nguy hiểm không?
Sốt xuất huyết xảy ra quanh năm đặc biệt vào mùa mưa, có thể bột phát thành dịch đe dọa sinh mạng bệnh nhân và sức khỏe cộng đồng.
Bệnh có thể trở nặng bất ngờ, gây tử vong cao.
Bệnh chưa có thuốc trị đặc hiệu và thuốc phòng ngừa.
Bệnh có thể gây xuất huyết nặng. Với trẻ nhỏ, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng như trụy tim mạch, gây nguy cơ tử vong.
Làm gì khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết?
Đông y phòng trị sốt xuất huyết
Dành dành.
Cần đi khám bệnh ngay. Nếu trường hợp nhẹ, có thể chăm sóc tại nhà như sau:
- Nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh; ăn nhẹ: cháo, súp, sữa...; uống nhiều nước hơn bình thường, có thể dùng nước oresol (nước biển khô, cách pha: 1 gói pha vào 1 lít nước, uống 100-150ml nước/kg cân nặng/ngày), nước cam vắt, nước chanh đường...
- Hạ sốt với thuốc paracetamol, lau nước ấm khi sốt cao.
- Không cho uống aspirin (vì gây thêm xuất huyết), không cắt lể hay cạo gió, không quấn kín hoặc mặc nhiều quần áo khi đang sốt, không kiêng ăn, không nhịn uống.
Theo dõi bệnh và đưa ngay đến bệnh viện khi thấy có các dấu hiệu trở nặng bất ngờ:
- Người bệnh mệt nhiều hơn, vẻ âu lo bứt rứt, li bì hoặc vật vã; tay chân lạnh, đau bụng nhiều hơn; nôn nhiều, da đổi màu bầm, môi tím tái.
Phòng bệnh sốt xuất huyết như thế nào?
- Mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn cả ban đêm lẫn ban ngày. Không ở nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp để tránh muỗi chích (đốt).
- Thoa thuốc chống muỗi lên những vùng da lộ ra ngoài để bảo vệ trẻ.
- Đậy kín lu, vại, hồ, bể chứa nước, không tạo nơi cho muỗi đẻ và hằng tuần cọ rửa với bàn chải để trứng muỗi rơi ra; thả cá 7 màu diệt lăng quăng (bọ gậy).

- Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, không treo quần áo làm chỗ cho muỗi trú đậu, loại bỏ các vật chứa nước đọng (gáo dừa, lon, đồ hộp, ly, chén, chai lọ, vỏ xe...) thay nước mỗi ngày, đổ dầu hôi hoặc pha nhiều muối vào chén nước chống kiến chân tủ thức ăn để triệt nơi sinh sản của muỗi. Có thể dùng thuốc diệt muỗi hoặc nhang trừ muỗi.