Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

10 bài thuốc dân gian trị viêm loét miệng

Viêm loét niêm mạc miệng thuộc phạm vi các chứng bệnh như “khẩu cam”, “khẩu sang”, “khẩu dương”... với nguyên nhân chủ yếu là do hư hỏa hay thực hỏa tác động vào các tạng phủ gây nên. Một trong những biện pháp trị liệu đơn giản của Đông y đối với căn bệnh này là sử dụng các kinh nghiệm dân gian, xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo:
10 bài thuốc dân gian trị viêm loét miệng
Viêm loét miệng.
Bài 1: rễ cây hoa tường vi 50 - 100g, sắc kỹ lấy nước ngậm nhiều lần trong ngày.
Bài 2: hoàng liên 10g, sắc kỹ với 100ml nước, ngậm vài lần trong ngày.
Bài 3: lá đạm trúc diệp tươi lượng vừa đủ, sắc kỹ lấy nước hòa thêm băng phiến 1g, dùng làm nước ngậm vài ba lần trong ngày.
Bài 4: tạo phàn 5g, kha tử 10g, tỳ bà diệp 15g, sắc kỹ lấy nước ngậm 4 - 6 lần trong ngày.
Bài 5: mật ong 50g, đại thanh diệp 15g, hai thứ sắc kỹ lấy nước ngậm nhiều lần trong ngày.
Bài 6: ngũ bội tử 10g, minh phàn 10g, băng phiến 3g, tất cả tán thành bột mịn, đựng trong lọ kín dùng dần, mỗi lần dùng tăm bông ướt lấy một ít bột thuốc chấm vào vết loét, mỗi ngày 2 lần.
Bài 7: hoàng liên 10g, đại hoàng 10g, thanh đại 30g, xạ hương 1g, tất cả tán thành bột thật mịn, đựng trong lọ kín dùng dần, mỗi lần lấy một ít thuốc chấm vào vết loét, mỗi ngày 2 lần.
Bài 8: lá non nữ trinh tử (cây xấu hổ) 10g, rửa sạch, giã nát, ép lấy nước, bôi vào vết loét nhiều lần trong ngày.
Hồng táo 25g, hành củ (còn cả rễ) 5 củ, sắc kỹ lấy nước hòa thêm 0,9g băng phiến, dùng làm thuốc bôi vết loét 2 lần trong ngày.
Bài 9: nghệ vàng 8g, băng phiến 3g, nhi trà 7g, mật gấu khô 0,5g, sấy khô tán bột, trộn đều, dùng làm thuốc bôi 2 lần trong ngày.
Bài 10: hoàng liên và can khương lượng bằng nhau, sấy khô tán bột, chấm vết loét 3 lần trong ngày.

ThS. Hoàng Khánh Toàn

Địa long, vị thuốc trấn kinh, thông mạch

Địa long còn có tên giun đất, khưu dẫn. Vị thuốc địa long từ rất sớm đã được ứng dụng trong y học cổ truyền. Địa long có chứa Allolobophor, các axit amin có tác dụng hạ huyết áp, chống co giật, hạ sốt, trấn tĩnh... Hiện nay còn có quy trình chế biến các loại moriamin (các axit amin để tiêm truyền) từ giun đất.
Địa long, vị thuốc trấn kinh, thông mạch
Giun đất cho vị thuốc (địa long).
Theo Đông y, địa long vị mặn, tính hàn; vào can tỳ phế vị thận. Có tác dụng thanh nhiệt, bình can, trấn kinh giật, thông mạch khu phong, trừ thấp lợi thủy. Dùng cho các trường hợp sốt cao kinh giật, động kinh, bồn chồn kích động, ho suyễn khó thở, bại liệt phong thấp, viêm đường tiết niệu, sốt rét cơn. Liều dùng: 5 - 10g, nấu hầm, sao rang, sắc pha hãm.
Địa long được dùng làm thuốc trong các trường hợp:
Hoạt lạc, giảm đau: Dùng cho chứng bệnh thấp nhiệt trở lạc, đau khớp, sưng nóng đỏ đau, đi tiểu vàng mà ít.
Thuốc viên hoạt lạc: xuyên ô đầu 8g, thảo ô đầu 8g, địa long khô 8g, thiên nam tinh 8g, nhũ hương 6g, một dược 6g. Tất cả nghiền thành bột, phun rượu sau đó làm hồ hoàn. Mỗi lần uống 4g, uống với nước sắc kinh giới hay nước sắc thang Tứ vật.
Thổ miết trùng 20g, toàn quy 40g, địa long khô 20g, đan sâm 40g, tế tân 8g, can khương 40g, bạch giới tử 40g, ngô công 20g, thục địa 16g, phòng kỷ 40g, ma hoàng 8g, quế chi 4g, hồng hoa 20g, sinh cam thảo 20g, quan quế 40g, ngưu tất 20g. Chữa viêm tắc tĩnh mạch.
Thanh nhiệt, cắt cơn kinh giật:
Thuốc giun đất: địa long khô 12g, liên kiều 12g, câu đằng 16g, kim ngân hoa 16g, bọ cạp 4g. Sắc uống. Hoặc lấy địa long khô 12g, chu sa 4g, làm thành hoàn. Mỗi ngày uống 4g.
Dùng ngoài: địa long tươi 250g, đường đỏ 63g. Giã nát, bọc miếng vải thưa, đắp lên rốn.
Lợi niệu thông lâm: địa lông khô, củ tỏi, lá khoai lang, liều lượng bằng nhau đều 20g. Giã nát, đắp lên rốn. Có thể uống kèm với các thuốc lợi niệu. Dùng khi thấp nhiệt làm cho tiểu tiện không lợi, hoặc bí đái do kết sỏi.
Thanh phế, cắt cơn suyễn:
Địa long khô 12g. Sắc uống. Có thể lấy giun đất nghiền thành bột, ngày uống 2 lần, mỗi lần 4g. Dùng cho chứng bệnh ho, hen suyễn, trẻ em ho gà... do hỏa nhiệt.
Địa long khô, cam thảo sống, liều lượng bằng nhau. Tất cả nghiền thành bột mịn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g. Trị hen phế quản.
Trị ung độc: địa long khô, rết, tổ ong vàng, bồ công anh rễ cây chàm mèo, bọ cạp, xác rắn lột mỗi vị 63g, bạch hoa xà thiệt thảo (cây lưỡi rắn) 250g. Tất cả nghiền chung thành bột mịn, luyện với mật làm hoàn 8g. Ngày uống 2 lần (sáng, chiều), mỗi lần 1 viên, uống với nước ấm.
Kiêng kỵ: Người tỳ vị hư nhược không có thực nhiệt không dùng.

TS. Nguyễn Đức Quang

Hạt muồng thanh can, ích thận

Thảo quyết minh còn gọi là hạt lác, quyết minh tử, mã đề quyết minh, là hạt quả chín phơi khô của cây quyết minh. Tên khoa học [Cassia tora L., thuộc họ Vang (Caesalpiniaceae)]. Theo Đông y, hạt muồng vị ngọt, đắng, mặn, tính hơi hàn; vào can, đởm. Có tác dụng thanh can minh mục, trừ phong tán nhiệt (mát gan, ích thận, sáng mắt, an thần). Dùng cho các trường hợp viêm kết mạc đau mắt tấy đỏ, chảy nước mắt (can đởm uất nhiệt mục xích mục thống).
Liều dùng cách dùng: 8 - 20g.
Một số cách dùng hạt muồng làm thuốc:
Mát gan, giáng hỏa:
Bài 1. Bột quyết minh tử: quyết minh tử 16g, thạch quyết minh 12g, cúc hoa 12g, mạn kinh tử 12g, hoàng cầm 12g, thạch cao 20g, thược dược 12g, xuyên khung 6g, mộc tặc 12g, khương hoạt 8g, cam thảo 4g. Sắc uống. Trị nhức đầu do phong nhiệt, mắt đỏ sưng đau.
Bài 2: quyết minh tử 12g, dã cúc hoa 12g, mạn kinh tử 8g, xuyên khung 8g, toàn yết 8g. Sắc uống. Trị thiên đầu thống do phong nhiệt.
Ích thận, sáng mắt: Trường hợp gan thận yếu sinh ra mắt mờ cộm.
Bài 1: quyết minh tử 12g, câu kỷ tử 12g, gan lợn 250g. Nấu nước uống. Trị quáng gà.
Bài 2: quyết minh tử 12g, sa uyển tật lê 12g, câu kỷ tử 12g, nữ trinh tử 12g, hòe thực 12g, cốc tinh thảo 12g, sinh địa 16g. Sắc nước uống. Trị mắt mờ cộm, dần dần không nhìn được.
Bài 3: quyết minh tử 12g, dã cúc hoa 12g, mạn kinh tử 8g, mộc tặc 8g. Sắc uống. Trị viêm kết mạc cấp tính, đau mắt đỏ, chảy nước mắt nhiều.
An thần, hạ huyết áp:
Bài 1: thảo quyết minh sao 20g, mạch môn 15g, liên tâm sao 6g. Sắc uống. Chữa khó ngủ, ngủ hay mê, tăng huyết áp.
Bài 2: thảo quyết minh 12g, hạ khô thảo 12g, cúc hoa 12g. Sắc uống. Trị tăng huyết áp.
Trị chứng mỡ máu: thảo quyết minh 50g. Sắc lấy 100ml, chia uống 3 lần trong ngày
Trị viêm do nấm âm đạo: thảo quyết minh 40g. Sắc lấy 80ml. Dùng nước ấm rửa và xông vào âm đạo. Làm liên tục 10 ngày
Dùng riêng vị thuốc này còn trị viêm gan, tăng áp huyết và đại tiện táo thành quen.
Kiêng kỵ: Người tiêu chảy kiêng dùng.
BS. Tiểu Lan

Chữa tắc tia sữa với cây vú bò

Cây vú bò mọc hoang ở các vùng rừng núi khắp nước ta. Theo Đông y, vú bò có vị ngọt, hơi đắng, tính bình. Nhân dân thường dùng vú bò như một vị thuốc bổ dùng cho những người hư lao, bạch đới, tắc tia sữa, phong thấp, đầy bụng, khó tiêu,…
Vú bò còn có tên khác là ngải phún, là cây nhỡ cao 2-8m, có nhựa mủ; cành, lá, cuống lá và hoa đều có lông hoe dày. Lá hình bầu dục hay xoan ngược, thùy đơn hay chia 3 thùy, thuôn tròn ở gốc, có mũi nhọn ở đỉnh, có lông nhám mặt trên, lông hoe dày ở mặt dưới, mép có răng. Cụm hoa mọc trên cành non. Quả phức dạng quả sung nạc, hình cầu, có lông hoe dày hay thưa, không cuống. Bộ phận dùng làm thuốc là rễ, nhựa mủ và toàn cây.
Chữa tắc tia sữa với cây vú bò
Nhựa cây vú bò phối hợp với bột nghệ vàng chữa bụng đầy trướng, đại tiện táo.
Một số đơn thuốc có sử dụng vú bò:
Lợi sữa: Vỏ rễ vú bò 20g, trạch tả 20g, mộc thông 20g, xuyên sơn giáp 10g. Sắc uống. Dùng 5 - 7 ngày.
Chữa tắc tia sữa: Dùng 10 - 20g rễ vú bò sắc với nước uống hoặc 100 - 200g rễ vú bò sao vàng cho vào một lít rượu, mỗi ngày uống 1 - 2 chén nhỏ.
Chữa ngã bị đau nhức, ứ huyết: Lấy lá hay quả vú bò giã nát, chưng với rượu, đắp hay chườm. Hoặc lấy toàn cây vú bò giã nát, thêm rượu và ít muối, sao nóng đắp lên nơi đau.
Hỗ trợ điều trị phong thấp: Rễ vú bò 200g sao vàng, ngâm với một lít rượu, mỗi ngày uống 15 - 20ml rượu thuốc. Dùng 10 - 15 ngày là một liệu trình.
Hỗ trợ điều trị thấp khớp mạn tính: Vỏ rễ vú bò (sao vàng) 20g, dây đau xương (sao vàng) 16g, rễ sung sao 12g, củ ráy tía sao 12g, rễ gối hạc (sao vàng) 16g, thiên niên kiện 12g, rễ bạch hoa xà 8g. Sắc uống, khi uống hòa thêm một ít rượu uống. Dùng 10 - 15 ngày là một liệu trình.
Bổ khí huyết, tỳ thận: Vỏ rễ vú bò 20g, đương quy 10g, bạch truật 10g, thục địa 10g. Sắc uống, ngày 1 thang. Dùng 10 ngày là một liệu trình.
Bổ tỳ ích khí, trị ăn không ngon miệng, tiêu hóa kém, đầy bụng: Vỏ rễ vú bò 20g, mộc hương 4g, thảo quả 6g, đậu khấu 6g. Sắc uống. Dùng 5 - 7 ngày.
Chữa bụng trướng đầy, đại tiện táo kết: Nhựa mủ trắng lấy từ cây vú bò, trộn với bột nghệ vàng, làm thành viên. Mỗi lần uống 10 - 15g, ngày uống 2 lần chiêu với nước trắng.
Trừ đờm, giảm ho (viêm phế quản, ho có đờm): Vỏ rễ vú bò 20g, mạch môn 12g, diếp cá 20g, lá táo 16g. Sắc uống. Uống 3 - 5 ngày.

Bác sĩ  Thanh Xuân

Bài thuốc trị viêm loét dạ dày - tá tràng

Bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng thuộc chứng vị quản thống của y học cổ truyền. Nguyên nhân gây bệnh do tình chí bị kích thích, can khí uất kết hay do ăn uống thất thường... Can khí uất kết (hay can khí phạm vị) gồm: khí uất, hỏa uất và huyết ứ. Bài viết này xin giới thiệu một số bài thuốc trị viêm loét dạ dày tá tràng thể hỏa uất.
Bài thuốc trị viêm loét dạ dày - tá tràng
Ngọa lăng tử (vỏ sò) và bồ hoàng (cỏ nến) tác dụng táo thấp hóa nhiệt, dưỡng huyết kiện tỳ, lý khí, chữa loét dạ dày.
Ngọa lăng tử (vỏ sò) và bồ hoàng (cỏ nến) tác dụng táo thấp hóa nhiệt, dưỡng huyết kiện tỳ, lý khí, chữa loét dạ dày.
Người bệnh có biểu hiện: vùng thượng vị đau nhiều, đau rát, cự án, miệng khô, ợ chua, đắng miệng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác. Phương pháp chữa: Sơ can tiết nhiệt (thanh can hòa vị). Dùng một trong các bài thuốc:
Bài 1: thổ phục linh 16g, lá độc lực 8g, bồ công anh 16g, vỏ bưởi bung 8g, nghệ vàng 12g, kim ngân 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2: hoàng cầm 16g, sơn chi 12g, hoàng liên 8g, ngô thù 2g, mai mực 20g, mạch nha 20g, cam thảo 6g, đại táo 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 3: thương truật sao 10g, ngũ linh chi 10g, hoài sơn 15g, hậu phác 10g, trần bì 10g, sinh bồ hoàng (cỏ nến) 10g, quy vĩ 12g, đan sâm 15g, ý dĩ 15g, ngọa lăng  tử (vỏ sò) 15g, mộc hương 8g, tử thảo 12g. Sắc uống. Thuốc có tác dụng táo thấp hóa nhiệt, dưỡng huyết kiện tỳ, lý khí. Chữa loét dạ dày.
Bài 4: sài hồ 12g, chỉ thực 6g, hoàng cầm 10g, sinh khương 10g, bán hạ 8g, đại táo 3 quả, bạch thược 10g, đại hoàng 6g. Sắc uống ngày 1 thang. Thuốc có tác dụng thanh nhiệt tán uất. Chữa loét dạ dày.
Bài 5: ô tặc 60g, hoàng liên 50g, ngô thù 30g, bối mẫu 30g, sinh cam thảo 30g, nguyên hồ 30g. Tán bột mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 6 - 12g; có thể làm viên hoàn mềm. Chữa loét dạ dày hành tá tràng.
Bài 6: bạch thược 30g, cam thảo 15g, địa du 30g, hoàng liên 8g. Các vị tán bột mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 6 - 8g; có thể làm viên hoàn mềm. Thuốc có tác dụng tả nhiệt hòa vị. Chữa loét hành tá tràng.
Bài 7: thạch cao 20g, thục địa 20g, mạch môn 12g, ngưu tất 6g, tri mẫu 6g. Sắc uống ngày 1 thang. Công dụng mát dạ, dịu khát: Dùng khi dạ dày nhiệt, miệng khát, hoặc hỏa ở dạ dày bốc nóng sinh ra đau đầu, nhức răng.
Bài 8: lô căn tươi 40g, trúc nhự 12g, mễ ngạnh 8g, gừng tươi 8g. Sắc uống ngày 1 thang. Công dụng mát dạ, cầm nôn. Chữa âm hư, dạ dày bốc hỏa, đau đầu nhức răng, khát, bứt rứt, mất máu.
Bài 9: hoàng liên 3g, tô diệp 3g. Sắc uống ngày 1 thang. Chữa dạ dày nhiệt, nôn ra nước đắng, nước chua, phụ nữ có thai bị nôn.

   BS. Tiểu Lan

Trà dược chữa tăng huyết áp

Hiện nay, tăng huyết áp ngày càng có xu hướng gia tăng, không chỉ gặp ở người trung và cao tuổi mà ngay cả ở người trẻ. Đây được xem là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Theo y học cổ truyền còn có rất nhiều thảo dược, nhiều loại cây quý có tác dụng hạ huyết áp. Sau đây là một số bài trà dược trị bệnh. Bạn đọc có thể tham khảo áp dụng khi cần.
Trà dược chữa tăng huyết áp
Dừa cạn là một vị thuốc chữa tăng huyết áp.
Nguyên liệu trong các bài thuốc đều được sao giòn, tán vụn, bảo quản trong bình kín tránh ẩm.
Bài 1: lá đắng, dừa cạn, lá đinh lăng, cam thảo đất, hoa hòe, sâm hành mỗi vị 150g. Tất cả cho vào ấm, đổ nước sôi hãm, sau 10 phút là dùng được, làm nước uống thay trà trong ngày. Ngày dùng 30 - 40g. Công dụng: giảm mỡ máu, chống xơ vữa động mạch, trị tăng huyết áp.
Bài 2: khổ qua 150g, cỏ mần trầu 150g, lá chi tử 100g. Tất cả cho vào ấm, hãm nước sôi, sau 10 phút là dùng được. Uống thay trà trong ngày, mỗi ngày 30 - 40g. Công dụng: tả can hỏa, giảm đau đầu, giảm huyết áp. Bài này phù hợp với người tăng huyết áp do can hỏa vượng, có triệu chứng bốc hỏa lên đầu, gây hoa mắt chóng mặt, chao đảo, đau váng đầu, giấc ngủ không yên.
Bài 3: mã đề thảo 150g, đinh lăng 150g, hoa hòe (sao kỹ) 100g, đỗ trọng 100g, cỏ xước 100g, nhân trần 100g, cam thảo 100g. Tất cả cho vào ấm, đổ nước sôi hãm sau 10 phút là dùng được. Uống thay trà trong ngày, mỗi ngày 30 - 40g. Công dụng: thông tiểu, lợi thận, bảo vệ thành mạch, ngăn ngừa tai biến, ổn định huyết áp, chống căng thẳng thần kinh. Phù hợp với người bệnh tăng huyết áp do đàm thấp khí trệ.
Bài 4: thảo quyết minh 150g, đinh lăng 150g, táo nhân 100g, sâm hành 100g, liên nhục 100g, mạch môn 100g, ích mẫu 100g, đan sâm 100g, trạch tả 80g. Các vị cho vào ấm, đổ nước sôi hãm sau 10 phút là dùng được. Uống thay trà trong ngày, mỗi ngày 3- 40g. Công dụng: bổ tâm an thần, hoạt huyết thông mạch, hòa can lợi niệu, giảm đau, ổn định nhịp tim, người bệnh cảm thấy thư thái dễ chịu. Bài này phù hợp cho người bị tăng huyết áp dao động, nhịp tim không đều, hay bị đau ngực, khó thở, bồn chồn, hay quên, khó ngủ.

Lương y Trịnh Văn Sỹ

Thốt nốt giải nhiệt, lợi tiểu

Theo y học cổ truyền, thốt nốt có vị ngọt, tính bình. Có tác dụng lợi tiểu, tiêu viêm, kiện tỳ, giải nhiệt, dịch nhựa thốt nốt lên men có tác dụng bổ dưỡng. Trong dân gian, cuống cụm hoa thốt nốt được nhân dân làm thuốc lợi tiểu, giải nhiệt trong xơ gan, lách to.
Thốt nốt giải nhiệt, lợi tiểu
Cây, quả thốt nốt.
Cây thốt nốt được trồng phổ biến ở miền Nam, nhiều nhất ở các tỉnh An Giang, Tây Ninh, Đồng Tháp, Kiên Giang. Đây là loại cây được nhân dân miền Nam rất ưa chuộng vì giá trị dinh dưỡng cao như vitamin C, B1, B2, B3, canxi, sắt, phosphor và potassium. Cây non được dùng như một loại rau, trái thì ăn sống hay nấu chín, nước có vị thơm ngon và dịu mát được uống tươi giải khát. Do đó thốt nốt được trồng chủ yếu làm nguyên liệu chế biến đường và rượu, một số bộ phận được dùng làm thuốc như: cuống cụm hoa, cây non, rễ và đường thốt nốt (được chế biến từ dịch chảy của cụm hoa).
Thốt nốt là cây thân cột, chia thành từng khoanh, cao tới 30m, trên ngọn có một tán lá xoè rộng. Lá có cuống dài, mặt lá màu xanh thẫm, bóng mỡ, bóng xoè ra như cái quạt, mũi lá nhọn. Cụm hoa là những bông mo, đực, cái khác gốc, hoa nở rộ về mùa xuân. Quả thốt nốt to, tròn như quả dừa, ruột bên trong có một thứ cùi trắng như cùi dừa nước, vị bùi, béo, giòn, có hương vị thơm ngon. Quả thốt nốt non ăn mát như thạch. Quả già có màu vàng, thơm như mùi mít chín, nếu giã ra sẽ được một thứ bột trắng như bột gạo nếp, đem làm bánh tôm, bánh ú, hoặc nấu chè rất ngon.
Thốt nốt giải nhiệt, lợi tiểu
Đường thốt nốt.
Một số đơn thuốc sử dụng thốt nốt
Bài 1: Nhuận tràng: Sáng sớm cắt cụm hoa lấy nước chảy ra từ cụm hoa uống, có tác dụng giái khát, nhuận tràng, phòng tránh táo bón.
Bài 2: Chữa đau họng do viêm họng, phòng bệnh viêm họng: Dùng đường thốt nốt mỗi ngày dùng một miếng nhỏ nhai ngậm và nuốt, sẽ làm dịu họng, sát khuẩn và giữ cho họng, cuống phổi không bị khô rát.
Bài 3: Tác dụng lợi tiểu:
- Rễ cây thốt nốt 50g, thái khúc, cho vào ấm đổ 3 bát con nước sắc nhỏ lửa còn 1 bát nước, uống ngày một lần. Dùng liền 1 tuần.
- Dùng cây thốt nốt non, thái khúc, cho vào ấm đổ 3 bát con nước sắc nhỏ lửa còn 1 bát nước, uống ngày một lần. Dùng liền 1 tuần.
- Dùng cuống cụm hoa (vòi hoa) 100g, thái thành từng miếng mỏng, sắc với 600ml nước trong 15 phút, chia làm nhiều lần uống trong ngày, dùng liền 1 tuần.
Bài 4: Trị giun đũa: Lấy cuống cụm hoa thốt nốt nướng nóng, vắt lất nước, thêm ít đường, uống vào buổi sáng, mỗi lần khoảng 100ml, uống trong vài ngày vào buổi sáng có thể ra giun.

Bác sĩ Trần Thị Hải

Bài thuốc hay chữa bệnh gan - mật

Hai món ăn thay thuốc chữa gan nhiễm mỡ:
Cháo thủ ô - táo đỏ: bột hà thủ ô 30g, gạo tẻ 75g, táo đỏ 8 quả (có thể đại táo 5 quả). Táo đỏ sau khi rửa sạch cùng gạo tẻ cho vào nồi, thêm bột hà thủ ô (khuấy loãng với ít nước lạnh), trộn đều, sau khi đun sôi lại múc ra chén. Tốt nhất dùng ăn sáng lúc bụng đói.
Canh trai - đậu phụ: con trai 2 con (khoảng 150g), rửa sạch, cho vào nồi xào sơ, thêm 1 chén nước, đun sôi bằng lửa to, đổ vào đậu phụ, nấu sôi lại, thêm bột nêm, muối. Dùng ăn riêng, cũng có thể làm món phụ.
Kim tiền thảo.
Kim tiền thảo.
Uống sữa đậu nành, ăn đậu phộng chữa gan nhiễm mỡ:
Một người bệnh 70 tuổi, kiên trì tập luyện buổi sáng, bên cạnh đó, mỗi bữa sáng uống sữa đậu nành thay uống sữa bò, ăn đậu phộng. Kiên trì như thế vài năm gan nhiễm mỡ biến mất hoàn toàn. Chú ý: một là sữa đậu nành cần đun thật sôi; hai là không uống quá nhiều, để tránh rối loạn tiêu hóa; ba là trước khi uống cần dùng trước một ít thức ăn khô, không bụng đói.
Người bệnh viêm túi mật thích hợp dùng canh chua ô mai:
Người bệnh viêm túi mật mạn tính, có thể thường xuyên dùng canh chua ô mai, chẳng hạn mỗi sáng dùng một chén, không quá đậm, cũng không quá nhiều. Kiên trì một thời gian, người bệnh vốn có các triệu chứng như: căng tức ngực sườn, đôi lúc đau âm ỉ khó thở trào ngược… sẽ giảm nhẹ thấy rõ, thèm ăn. Thế nhưng, cần lưu ý một tình huống: nếu đã xảy ra cơn đau thắt ngực, hoặc có sỏi nhỏ gây tắc nghẽn đường mật, khi túi mật có biểu hiện bệnh lý nhiều thì không thích hợp dùng canh chua ô mai.
Bệnh sỏi mật dùng món ăn tanh thích đáng:
Ăn đồ tanh vừa đủ sẽ không gây hại đối với người bệnh sỏi mật, viêm túi mật. Bởi vì đồ tanh có tác dụng tiết mật mạnh, các sỏi nhỏ trong ống mật sẽ theo dịch mật bài ra ngoài, giảm tích tụ sỏi trong ống mật; hơn nữa, dịch mật tiết ra thường xuyên, sẽ không quá đậm đặc, cũng giúp ích đối với việc ngăn ngừa sỏi lớn dần trong túi mật.
Bài thuốc nghiệm phương trị sỏi mật:
Song hoa ẩm: cúc hoa 50g, kim ngân hoa 50g, sắc uống, nêm đường trắng vừa đủ, dùng uống thay trà. Thích hợp dùng cho người bệnh sỏi mật kèm chứng viêm.
Nước gừng giấm: gừng tươi 100g, cắt sợi, ngâm trong 250ml giấm sử dụng dần. Mỗi lần dùng 10ml, ngày 2 lần.
Bí rợ chữa viêm gan:
Bí rợ bỏ cuống, dùng thủ công hay máy xay bí rợ dạng hồ, lọc qua lưới, chờ sau khi lắng tự nhiên, hôm sau gạn bỏ hết phần nước, đem phơi khô, tán thành bột sử dụng dần. Hằng ngày pha nước uống vài lần, dùng lâu dài. Có hiệu nghiệm nhất định đối với viêm gan mạn tính, xơ gan, viêm thận và bệnh đái tháo đường.
Bồ công anh chữa sỏi mật:
Bồ công anh tươi 40g, rửa sạch cắt nhuyễn, sắc nước, bỏ bã, cùng gạo tẻ 100g nấu chè, nêm đường phèn vừa đủ. Mỗi sáng và chiều dùng 1 lần, dùng liền 5 ngày.
​Phụ nữ ăn nhiều cam ít bị sỏi mật.
​Phụ nữ ăn nhiều cam ít bị sỏi mật.
Phụ nữ ăn nhiều cam ít bị sỏi mật:
Nhà khoa học Mỹ khám phá rằng, tỉ lệ nữ viêm túi mật cao hơn rất nhiều so với nam giới, bởi vì ostrogen sẽ làm cho cholesterol tích tụ càng nhiều trong dịch mật, dịch mật và cholesterol trung hòa nhiều, dễ hình thành sỏi mật. Nữ giới ăn nhiều trái cây, đặc biệt là cam, có tác dụng thấy rõ đối với việc hình thành sỏi mật. Vitamin C trong cam có thể ức chế cholesterol chuyển hóa thành acid cholic, làm cho dịch mật (phân giải chất béo) trung hòa với cholesterol giảm đi, cơ hội cho hai chất này tích tụ hình thành sỏi mật cũng giảm xuống tương ứng.
Bột uất kim trị sỏi mật:
Bột uất kim hằng ngày uống 1,5g với nước sắc đảng sâm 9g, dùng liền 1 tháng, cơn đau sỏi mật giảm hoặc biến mất.
Nghiệm phương trị sỏi mật:
Hạch đào nhân 120g, dầu mè nguyên chất 60g. Sau khi rán, trộn đường phèn 90g, ngày 3 lần.
Lục kim hóa thạch bài thạch lợi đởm thang:
Kim tiền thảo 30g, hải kim sa 15g, kê nội kim tươi (màng mề gà tươi) 3g, uất kim 9g, kim linh tử 9g, kim ngân hoa 15g, đại hoàng sống 6g, chỉ thực 12g, nhân trần 30g. Ngày 1 thang, sắc 2 lần, uống sáng và chiều. Bài thuốc sơ can lợi đởm, thanh nhiệt hóa thấp, bài sỏi, thông tiện.
Bài thuốc trị sỏi mật đau bụng:
Nhân trần 24g, mộc thông 12g, chi tử 9g, sinh địa 9g, điều linh 9g, xích thược 9g, ngũ linh chi 9g, long đởm thảo 9g, mộc hương 6g, sài hồ 6g, bột kê nội kim 3g (chia 2 lần nuốt uống). Ngày 1 thang, sắc uống.
Bài thuốc trị viêm túi mật:
Thanh đởm lợi thấp thang: sài hồ 15g, hoàng cầm 10g, bán hạ 10g, mộc hương 10g, uất kim 10g, xa tiền tử 10g, mộc thông 10g, chi tử 10g, đại hoàng sống (sắc sau) 10g, nhân trần 15g. Sắc uống. Chữa viêm túi mật và sỏi mật thể thấp nhiệt với triệu chứng: đau tức ngực sườn liên tục, thỉnh thoảng đau từng cơn; triệu chứng thiếu dương như miệng đắng, họng khô, váng đầu, chán ăn; phần nhiều có hàn nhiệt vãng lai; phần nhiều vàng da, vàng mắt, màu vàng như quít; tiểu vàng đục hoặc tiểu gắt, đại tiện táo kết; lưỡi đỏ, rêu vàng nhầy hoặc dầy; mạch huyền hoạt, hoạt sác. Về bệnh lý thuộc loại viêm cấp tính.
Thanh đởm hành khí thang: sài hồ 10g, bán hạ 10g, hoàng cầm 10g, chỉ xác 10g, hương phụ 10g, uất kim 10g, diên hồ sách 10g, đại hoàng sống (sắc sau) 10g, mộc hương 12g, xích thược 15g. Sắc uống. Chữa viêm túi mật thể khí trệ có triệu chứng: căng tức ngực sườn, hay đau thắt, hoặc đau từng cơn; có bệnh sử đau bụng sau khi nổi giận hoặc đau nặng hơn; bệnh nhân hay cáu gắt, nôn nóng; có chứng thiếu dương như: miệng đắng, họng khô, váng đầu, chán ăn; tiêu trong hoặc hơi vàng; lưỡi thon hơi đỏ, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc hơi vàng; mạch huyền khẩn hoặc huyền tế, thường không có triệu nóng lạnh hoặc hoàng đản (vàng da). Về bệnh lý thuộc loại viêm túi mật cấp tính đơn thuần.
Thanh đởm tả hỏa thang: sài hồ 15g, hoàng cầm 15g, bán hạ 10g, chi tử 10g, mộc hương 10g, uất kim 10g, đại hoàng sống 10g (sắc sau), măng tiêu (hãm uống) 10g, nhân trần 30g. Sắc uống. Chữa viêm túi mật thể thực hỏa có triệu chứng như: căng tức ngực sườn; có bệnh sử đau bụng sau khi nổi giận hoặc đau nặng hơn; bệnh nhân hay cáu gắt, nôn nóng; có chứng thiếu dương như miệng đắng, họng khô, váng đầu, chán ăn; tiêu trong hoặc hơi vàng; bụng căng; lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng hoặc có gai; mạch huyền hoạt sác, hồng sác. khẩn hoặc huyền tế, thường không có triệu nóng lạnh hoặc hoàng đản (vàng da).
Bài thuốc bài sỏi:
Kim tiền thảo 30g, nhân trần 15g, uất kim 15g, mộc hương 10g, đại hoàng sống 10g. Sắc uống, hoặc làm hoàn dùng uống lâu dài, 1 tháng là 1 liệu trình, sau khi ngưng thuốc 1 tuần, tiến hành liệu trình kế tiếp.

LY.DS. BÀNG CẨM

Hà thủ ô bổ can, thận

Hà thủ ô còn gọi là giao đằng, thủ ô, dạ hợp... Tên khoa học: Fallopia multiflora (Thunb.) Haraldson., họ rau răm (Polygonaceae). Hà thủ ô là rễ củ phơi hay sấy khô của cây hà thủ ô. Theo Đông y, hà thủ ô vị đắng ngọt chát, tính hơi ôn, vào các kinh can và thận. Tác dụng bổ can thận, dưỡng huyết bổ âm giải độc, nhuận tràng thông tiện.
Hà thủ ô dùng cho người can thận âm hư, huyết hư, đau đầu hoa mắt chóng mặt, đau lưng mỏi gối ù tai điếc tai, râu tóc bạc sớm, di tinh, huyết trắng, táo bón, hội chứng lỵ mạn tính, trĩ xuất huyết, sốt rét, lao hạch, bệnh mạch vành, tăng huyết áp, mỡ máu cao, xơ vữa động mạch. Liều dùng: 12 - 60g. Bổ huyết thì dùng hà thủ ô chế; nhuận tràng thông tiện thì dùng hà thủ ô sống.
Hà thủ ô bổ can, thận
Hà thủ ô đỏ.
Một số bài thuốc trị bệnh có hà thủ ô:
Trị chứng buồn bực, mất ngủ, mộng mị: dạ giao đằng 12g, đan sâm 12g, trân châu mẫu 60g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bổ huyết, an thần, dùng cho người huyết hư, lo lắng, mất ngủ, râu tóc bạc sớm: hà thủ ô chế 12g, bắc sa sâm 12g, quy bản 12g, long cốt 12g, bạch thược 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Thuốc ích thận, cố tinh, dùng khi gan thận đều yếu, lưng và đầu gối đau nhức buốt, phụ nữ khí hư, di tinh - Thất bảo mỹ nhiệm đơn: hà thủ ô chế 20g, bạch linh 12g, ngưu tất 12g, đương quy 12g, thỏ ty tử 12g, phá cố chỉ 12g, câu kỷ tử 12g, kỷ tử 12g. Tất cả tán thành bột mịn, luyện với mật làm hoàn. Ngày 2 lần, mỗi lần uống 12g, chiêu bằng nước muối loãng.
Dùng khi thiếu máu, tăng huyết áp, đầu váng, mắt hoa, chân tay tê cứng: hà thủ ô chế 12g, sinh địa 12g, huyền sâm 12g, bạch thược 12g, hạn liên thảo 12g, sa uyển tật lê 12g, hy thiêm thảo 12g, tang ký sinh 12g, ngưu tất 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Trường hợp sốt rét lâu ngày hại đến chân âm, sốt li bì triền miên dùng hai bài thuốc sau:
- Hà thủ ô sống 60g, sài hồ 12g, đậu đen 20g. Sắc với nước, đem phơi sương 1 đêm, sáng hôm sau hâm lại uống.
- Hà nhân ẩm: hà thủ ô chế 16g, đảng sâm 12g, đương quy 12g, trần bì 12g, gừng nướng12g. Sắc uống.
Thuốc nhuận tràng, thông tiện. Trị các chứng huyết hư, tân dịch khô nên đại tiện bí: hà thủ ô tươi 30 - 60g. Sắc uống.
Hà thủ ô uống hàng ngày có thể chữa chứng tinh trùng yếu, tinh loãng.
Phối hợp với tang ký sinh, nữ trinh tử để chữa tăng huyết áp do xơ vữa mạch máu.
Kiêng kỵ: Người thể đàm thấp, tỳ hư, đại tiện lỏng không được dùng.
Lưu ý: Ở Việt Nam, ngoài hà thủ ô đỏ, còn dùng rễ của cây hà thủ ô trắng (dây sữa bò, hà thủ ô Nam), thuộc họ thiên lý. Dùng thay hà thủ ô đỏ làm thuốc bổ máu, nhưng chưa có tài liệu nghiên cứu chi tiết. Theo kinh nghiệm dân gian, vị thuốc này có tác dụng chữa cảm sốt, cảm nắng, sốt rét, phụ nữ sau đẻ mà không có sữa.
Chú ý: Khi thu hái hà thủ ô trắng cần hết sức tránh nhầm với dây càng cua cũng thuộc họ thiên lý; cây mác chim thuộc họ trúc đào (Apocynaceae); các cây này đều là cây có độc.

BS. Tiểu Lan

Bài thuốc trị đau bả vai

Đau mỏi bả vai là triệu chứng thường gặp. Bệnh tuy không gây nguy hiểm nhưng lại khiến người bệnh mệt mỏi, khó chịu, không tập trung, tư duy kém... Bệnh thường xảy ra đối với người tuổi trung và cao tuổi. Nguyên nhân gây bệnh theo Đông y là do phong hàn thấp xâm nhiễm vào cơ thể, làm cho kinh lạc bị tổn thương, khí huyết trở trệ, khi cơ không thông sướng mà sinh bệnh. Hai là do can thận hư suy, chức năng điều đạt khí huyết cân cơ - kinh lạc mất ổn định, từ đó gây ách tắc.
Người bệnh có biểu hiện đau một bên bả vai, đau nhức ở bên trong, toàn bộ bả vai hạn chế vận động, đau dọc xuống cánh tay, lan xuống ngực. Tay chỉ cử động được khi để xuôi, giơ sang ngang hoặc lên cao rất đau. Cổ và gáy không đau, người bệnh không sốt, da xanh, người mệt mỏi, đau nhiều về đêm và sáng. Sau đây là một số bài thuốc chữa trị hiệu quả, bạn đọc có thể tham khảo áp dụng.
Bài thuốc trị đau bả vai
Cây và vị thuốc thổ phục linh là vị trong bài thuốc uống trị đau bả vai – cánh tay.
Thuốc uống:
Bài 1: phòng phong 10g, kinh giới 12g, dây đau xương 16g, tang ký sinh 16g, ngũ gia bì 16g, cẩu tích 12g, đơn hoa 10g, kê huyết đằng 12g, ngải diệp 12g, rễ cây gấc 12g, độc lực 16g, hà thủ ô chế 12g, tất bát 12g, trần bì 10g, cam thảo 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Dùng thuốc 10 ngày liền. Công dụng: dẹp phong trừ thấp, ôn ấm kinh lạc. Từ đó phục hồi chức năng vận động.
Bài 2: thổ phục linh 16g, kinh giới 12g, kê huyết đằng 12g, bưởi bung 12g, cà gai leo 12g, trinh nữ 16g, quế vỏ 8g, thiên niên kiện 10g, tế tân 8g, xuyên khung 10g, đương quy 12g, thục địa 12g, hà thủ ô chế 12g, tang chi 12g, đơn hoa 12g, đỗ trọng 10g, cam thảo 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Công dụng: khu phong tán hàn, giảm đau, thông kinh hoạt lạc.
Bài 3: ngải diệp 12g, thạch xương bồ 12g, thổ phục linh 20g, nam tục đoạn 18g, trinh nữ 16g, rễ cúc tần 16g, cẩu tích 12g, rễ cây gấc 16g, ngũ gia bì 16g, đơn hoa 16g, độc lực 16g, quế vỏ 8g, thiên niên kiện 10g, trần bì 10g, cam thảo 10g, bạch truật 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Công dụng: khu phong tán hàn, thông kinh hoạt lạc, bồi bổ can thận, làm giảm đau, phục hồi chức năng vận động.
Thuốc chườm:
Bên cạnh thuốc uống, nên dùng thêm thuốc chườm để hỗ trợ điều trị. Dùng một trong các bài sau:
Bài 1: vỏ cây gạo 100 - 150g, cạo bỏ vỏ thô, cho vào cối giã nhỏ, trộn thêm 2g bột quế, xào nóng, gói vào miếng vải, chườm vào nơi bị đau, khi thuốc nguội thì xào lại cho nóng để chườm tiếp.
Bài 2: lá ngải diệp 100 - 150g, sao với giấm, sau đó lấy khăn vải gói thuốc rồi chườm vào nơi bị đau. Công dụng: chống viêm, thông khí huyết, kinh mạch.
Bài 3: củ ráy dại bổ đôi theo chiều dọc, nướng vào bếp than cho nóng. Sau đó lấy từng miếng chườm, ép vào nơi bị đau. Công dụng: trừ phong trừ thấp, làm giảm đau rất nhanh.

Lương y Thanh Ngọc

Cây dạ cẩm chữa loét mồm, loét lưỡi

Cây dạ cẩm còn gọi là cây loét mồm, đất lượt, đứt lướt, chạ khẩu cắm.
Tên khoa học Oldenlandia eapitellata Kuntze.
Thuộc họ Cà phê Rubiaceae.
Ta dùng toàn cây hay chỉ dùng lá và ngọn non của nhiều loài dạ cẩm. Dạ cẩm thân tím nhiều lông và loài dạ cẩm thân xanh.
Mô tả cây
Cây dạ cẩm vốn có tên là loét mồm vì nhân dân vùng Lạng Sơn, Cao Bằng dùng nó chữa loét mồm, loét lưỡi, là một cây bụi - trườn, thường cuốn vào cây khác, dài tới 1 - 2m. Thân hình trụ, tại những đốt phình to ra. Lá đơn, nguyên, mọc đối, hình bầu dục, đầu nhọn, dài 5 - 15cm, rộng 3 - 6cm, cuống ngắn. Cụm hoa hình xim phân đôi tụ lại thành hình cầu ở đầu cành hay kẽ lá, gồm nhiều hoa hình ống nhỏ, màu trắng. Quả rất nhỏ, xếp thành hình cầu.
Cây dạ cẩm
Cây dạ cẩm
Trên thực tế hiện nay người ta dùng 4 loại cây dạ cẩm, có thể là các dạng của loài mô tả trên. Cây dạ cẩm thân tím và cây dạ cẩm thân xanh (có khi gọi là thân trắng); mỗi loại lại thấy có 2 loại: loại nhiều lông nhìn rõ và loại ít lông trông không rõ. Loại thân tím có đốt cách thưa nhau. Loại thân xanh hay thân trắng có đốt mọc sít nhau hơn.
Phân bố thu hái và chế biến
Cây dạ cẩm hiện nay mọc hoang tại nhìêu vùng rừng núi tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Hà Tây, chưa nơi nào đặt vấn đề trồng trọt.
Mùa thu hái hầu như quanh năm. Thường hái lá và ngọn non, có thể dùng toàn cây, trừ bỏ rễ (tác dụng kém hơn).
Hái về rửa sạch phơi hay sấy khô, để nơi khô ráo dùng dần hay nấu tàhnh cao.
Công dụng và liều dùng
Bệnh viện Lạng Sơn là bệnh viện đầu tiên đưa cây dạ cẩm vào điều trị bệnh đau dạ dày từ năm 1962, xuất phát từ kinh nghiệm nhân dân dùng cây này nấu xôi cho có màu tím đẹp và điều trị viêm lưỡi. Loét lưỡi và họng. Trẻ con dùng nước vắt của lá uống hoặc ngậm. Kết quả chống loét rất tốt.
Trên lâm sàng, dạ cẩm có tác dụng làm giảm đau, trung hòa axít trong dạ dày, bớt ợ chua, vết loét se lại, bệnh nhân có cảm giác khoan khoái nhẹ nhàng.
Có thể dùng dạ cẩm dưới hình thức thuốc sắc, thuốc cao, bột hay cốm.
Dùng thuốc sắc: ngày uống từ 10 - 25g lá và ngọn khô, thêm nước vào sắc, thêm đường cho đủ ngọt, chia 2 hay 3 lần uống trong ngày.
Uống trước khi ăn hay lúc đau.
Cốm dạ cẩm: bột dạ cẩm 7kg, cam thảo 1kg, đường kính 2kg, tá dược vừa đủ dính (hồ, nếp) thêm đường và sacarin vừa đủ ngọt. Ngày uống 2 lần trướckhi ăn hoặc khi đang đau mỗi lần dùng 10 - 15g, trẻ em dưới 18 tuổi 5 -10g.
Sau đó, cao dạ cẩm đã vượt quá phạm vi Lạng Sơn và được dùng rộng rãi tại nhiều tỉnh khác. Khoa Dược liệu trường Đại học Dược khoa đã chế thành cao mềm để lâu không bị mốc mặc dù không phải thêm chất bảo quản.
(Theo Những cây thuốc và vị thuốc  Việt Nam)

của GS. ĐỖ TẤT LỢI

Sơn chi tử giải độc, lợi tiểu

Sơn chi tử là quả của dành dành núi (Gardenia stenophylla Merr) thuộc họ cà phê (Rubiaceac), tên khác là thủy hoàng chi, thường mọc ở ven bờ suối hoặc chân đồi giáp với ruộng nước. Sơn chi tử thu hái khi chín, ngắt bỏ cuống, phơi hoặc sấy nhẹ đến khô. Khi dùng ngâm quả vào nước sôi hoặc đem đồ khoảng nửa giờ rồi bóc vỏ lấy nhân. Nhân có thể để sống có tác dụng thanh nhiệt, sao qua dùng chín để tả hỏa hoặc sao đen để cầm máu.
Sơn chi tử giải độc, lợi tiểu
Sơn chi tử.
Dược liệu có vị đắng, tính hàn, có tác dụng tả hỏa, giải độc, lợi tiểu, chỉ huyết, được dùng trong những trường hợp sau:
Chữa tinh hoàn sưng đau: sơn chi tử (sao đen) 30g, tiểu hồi (sao với muối) 30g, hạt quýt (sao với giấm) 30g, hạt vải 30g, ích trí nhân 20g, hạt cau rừng 15g, thanh bì (sao với dầu vừng) 18g. Tất cả tán nhỏ, rây bột mịn, mỗi lần uống với 6g với rượu vào lúc đói. Nếu không uống được rượu, lấy 10 sợi cỏ tím sắc với nước, thêm ít muối rang làm thang mà uống.
Chữa nôn mửa: sơn chi tử (sao) 10g, trần bì 10g, tinh tre 10g, gừng sống 5g sắc với 400ml nước còn 100ml, uống nóng làm 2 lần trong ngày.
Chữa đái ít, đái buốt, đái dắt: sơn chi tử, mộc thông, hạt mã đề, cù mạch, biển súc, hoạt thạch mỗi vị 12g; đại hoàng 8g; cam thảo nướng 6g. Sắc nước uống ngày 1 thang.
Chữa vết sẹo trên mặt: sơn chi tử và hạt bạch tật lê mỗi vị lượng bằng nhau tán nhỏ hòa với giấm. Lấy bông sạch thấm thuốc, bôi vào ban đêm, sáng hôm sau rửa mặt, làm liên tục vài ngày.
Chữa ho ra máu, thổ huyết: sơn chi tử (sao), hoa hòe (sao), sắn dây mỗi vị 20g. Sắc nước hòa thêm ít muối rồi uống.

   DS. Huyền Hoa