Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

Đông y trị chứng viêm thận - bể thận

Viêm thận - bể thận là bệnh viêm của tổ chức nhu mô thận do nhiễm khuẩn, là loại bệnh tiết niệu hay gặp có các triệu chứng lâm sàng chủ yếu là sốt, đau vùng thắt lưng và tiểu buốt, tiểu rắt. Bệnh hay gặp ở phụ nữ nhất là thời kỳ thai nghén. Trên lâm sàng chia hai loại: cấp và mạn tính. Đối với thể cấp tính, nếu điều trị tích cực phần lớn bệnh đều khỏi, một số ít kéo dài, tái phát nhiều lần mà chuyển thành mạn tính và có thể dẫn tới suy thận.
Trạch tả.
Trạch tả.
Theo y học cổ truyền bệnh viêm thận - bể thận thuộc phạm trù chứng “lâm” hoặc chứng “yêu thống”.
Theo y học cổ truyền thì viêm thận - bể thận cấp và bán cấp có triệu chứng giống với các chứng nhiệt lâm, huyết lâm và khí lâm thực chứng, còn viêm thận - bể thận mạn có triệu chứng như chứng lao lâm và khí lâm hư chứng. Vị trí bệnh chủ yếu ở thận và bàng quang, bệnh lý chủ yếu là thận hư và thấp nhiệt. Ở thể cấp tính, chính khí không đầy đủ và tà khí thịnh nên bệnh lý chủ yếu là bàng quang khí hóa không thông lợi nên thấp nhiệt uất kết gây nên. Trường hợp viêm thận - bể thận mạn thì chính khí hư mà chủ yếu là tỳ thận khí hư, thấp nhiệt tà không đuổi đi được nên trên lâm sàng biểu hiện triệu chứng hư thực phức tạp.
Theo y học cổ truyền, thấp nhiệt độc xâm phạm thận bàng quang có thể là từ bên ngoài vùng âm hộ vệ sinh kém sinh thấp nhiệt độc, có thể do ăn nhiều chất béo ngọt tích tụ sinh thấp sinh nhiệt, hoặc do bệnh nhiệt, tâm hỏa hạ chú tiểu tràng ảnh hưởng đến bàng quang, hoặc do can khí uất sinh nhiệt, hoặc bệnh nhiệt các vùng khác trong cơ thể sản sinh thấp nhiệt tà hạ chú bàng quang gây chứng nhiệt lâm, nhiệt bức huyết hành sinh chứng huyết lâm, bàng quang khí hóa không thông lợi sinh các chứng tiểu nhiều lần, tiểu gấp, tiểu buốt hoặc tiểu có mủ.
Thận khí hư là do thiên tiên bất túc, do phòng dục quá độ, do sinh đẻ quá nhiều, do lao lực... thường có triệu chứng của lao lâm, cơ thể suy nhược, bệnh kéo dài, đau thắt lưng, mỏi gối, thận âm hư, can dương vượng sinh đau đầu, hoa mắt mờ mắt, chóng mặt, tăng huyết áp, bệnh nặng hơn dẫn đến thận dương hư, thấp trọc, thủy độc tích tụ nhiều trong cơ thể dẫn đến suy thận. Tỳ khí hư là do bệnh lâu ngày, thấp nhiệt khốn tỳ, do lo nghĩ nhiều, do lao động quá sức, ăn nhiều chất béo ngọt, rượu chè vô độ gây tổn thương tỳ, tỳ khí hư nên tiểu nhiều lần, mệt mỏi chán ăn, bụng đầy, tiêu chảy, sụt cân, khó thở sinh chứng lao lâm, khí lâm.
Đông y điều trị viêm thận - bể thận: Tùy thể bệnh mà dùng các bài thuốc cụ thể.
Thể bàng quang thấp nhiệt: Gai rét phát sốt, tiểu đau, tiểu gấp tiểu nhiều lần, bụng dưới đầy đau, lưng đau, rêu lưỡi vàng nhày, mạch nhu sác hoặc hoạt sác.
Phép trị: Thanh nhiệt giải độc, lợi niệu thông lâm.
-Bài thuốc: Biển súc 15g, hoạt thạch 15g, cù mạch 12g, mộc thông 8g, chi tử 12g, kim ngân hoa 15g, liên kiều 12g, ô dược 10g, xa tiền tử 15g (bọc vào túi khi sắc), cam thảo 6g. Sắc uống ngày một thang.
Thể can đởm uất nhiệt: Sốt và rét xen kẽ, người khó chịu bứt rứt muốn nôn, chán ăn, lưng đau, bụng dưới đau, tiểu nhiều lần mà nóng, rêu lưỡi vàng đậm, mạch huyền sác.
- Phép trị: Thanh lợi can đởm, thông điều thủy đạo.
- Bài thuốc: Long đởm thảo 12g, sơn chi 12g, hoàng cầm 12g, sài hồ 12g, sinh địa 15g, trạch tả 12g, xa tiền tử (bọc vào túi khi sắc) 30g, mộc thông 8g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày một thang.
Thể thận âm bất túc, thấp nhiệt đinh lưu: Tiểu nhiều lần, tiểu đau, sốt nhẹ, váng đầu, ù tai, mồ hôi trộm, họng khô môi táo, lưỡi đỏ không rêu, mạch huyền tế sác.
- Phép trị: Tư âm thanh nhiệt.
- Bài thuốc: Đơn bì 12g, phục linh 16g, trạch tả 12g, sơn dược 12g, sinh địa 16g, tri mẫu 12g, hoàng bá 12g, thạch hộc 16g, thạch vỹ 16g. Sắc uống ngày một thang.
Thể tỳ thận đều hư, thấp tà chưa hết: Ngoài các triệu chứng như thể thận âm bất túc nêu trên, thêm chứng phù mặt và chân, chán ăn bụng đầy, tiêu phân lỏng, mệt mỏi, rêu lưỡi trắng mỏng, lưỡi bệu sắc nhợt, mạch trầm tế vô lực.
- Phép trị: Kiện tỳ bổ thận thấm thấp.
- Bài thuốc: Đảng sâm 12g, bạch truật 12g, bạch linh 16g, đỗ trọng 12g, mộc hương 12g, trần bì 6g, cẩu tích 15g, ý dĩ nhân 20g, trạch tả 12g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày một thang.

Chú ý: Trong điều trị bệnh viêm thận - bể thận, đối với viêm thận - bể thận cấp và thể cấp diễn của viêm thận - bể thận mạn đều thuộc chứng thực nhiệt do chức năng khí hóa của bàng quang rối loạn mà thấp nhiệt tà uẩn kết, cho nên phép trị là khu tà làm chính, dùng thuốc thanh nhiệt giải độc liều lượng phải lớn, mỗi ngày có thể dùng 2 thang sắc uống. Đối với viêm thận - bể thận mạn, bệnh kéo dài nhiều ngày, chính khí đã suy, bệnh thường hư thực phức tạp nên trong điều trị cần chú ý bổ hư và cần kết hợp tốt với các phương pháp điều trị theo Tây y.


2 bài thuốc dân gian chữa lang ben hiệu quả bất ngờ

Lang ben là bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên phổ biến nhất là ở độ tuổi từ 20-35. Bệnh rất dễ lây lan cho người khác nhưng lại thường bị coi nhẹ do tính chất của nó không phải dạng cấp tính và nguy hiểm đến tinh mạng.
Nhiều người chỉ thấy có chút mất thẩm mỹ và ít để ý để chữa trị khi bệnh còn nhẹ. Do đó, sẽ khiến bệnh khó điều trị dứt điểm về sau.
Dấu hiệu nhận biết lang ben
- Vùng phơi ra ánh sáng: Là 1 đốm hay 1 mảng da có màu trắng
- Vùng không phơi ra ánh sáng: Là đốm hay 1 mảng da có màu nâu, màu đất, màu cà phê sữa, màu hồng.
- Bề mặt vùng da nhiễm bệnh có vảy mịn, cạo ra như phấn.
- Không ngứa hoặc ngứa ít nhưng khi ra ánh nắng đổ mồ hôi sẽ ngứa nhiều hơn.
- Bệnh dễ nhầm lẫn với bệnh phong, bệnh bạch biến
Lang ben trên da
Lang ben trên da
2 bài thuốc dân gian chữa lang ben tận gốc
Bài 1:
Bên ngoài: Dùng rau răm tươi xát trực tiếp lên vùng da bị lang ben hoặc có thể giã nát rau răm rồi ngâm rượu để bôi lên vùng da bị bệnh.
Cách làm này sẽ giúp bạn loại bỏ được những tổn thương trên da. Làm đều đặn từ 2-3 lần/ ngày. Làm cho đến khi hết bệnh.
Bên trong: Lấy cây ké đầu ngựa đem băm nhỏ rồi cho vào nồi đổ ngập nước đun đến khi còn 1/3 số nước thì chắt ra. Tiếp tục quy trình như trên để lấy nước thuốc thứ 2.
Sau đó trộn 2 mẻ nước này vào với nhau chia làm 3-4 lần uống, uống hết trong ngày.
Bài 2:
Cắt quả chuối tiêu còn xanh trên cây để có nhiều nhựa rồi xát lên vùng da bị lang ben. Ngày làm 2-3 lần, dùng liên tục trong 7 ngày sẽ thấy có hiệu quả.
Dùng nhựa chuối xanh để chữa lang ben
Dùng nhựa chuối xanh để chữa lang ben
Lưu ý: Để điều trị bệnh hiệu quả bạn nên tránh dùng chung quần áo, vật dụng cá nhân, khăn mặt, khăn tắm,..với người khác.
Đồng thời vệ sinh cá nhân sạch sẽ, quần áo nên giặt sạch trước khi mặc, phơi quần áo nơi thoáng mát, có ánh nắng mặt trời để diệt khuẩn, tránh nhiễm nấm mốc, phòng tránh bệnh tái phát.
Cách phòng tránh bệnh lang ben
- Vệ sinh thân thể sạch sẽ, tắm rửa hàng ngày.
- Không dùng chung khăn mặt, đồ dùng quần áo chăn giường với nhiều người.
- Thay quần áo thường xuyên, mặc đồ thoáng mát, sạch sẽ.
- Giặt quần áo xong phơi ra chỗ khô thoáng có ánh nắng để diệt khuẩn.
- Sử dụng thuốc đúng liều lượng để diệt tận gốc mầm bệnh.


Chữa viêm gan bằng Đông y

Ở Việt Nam, viêm gan cấp, bán cấp chủ yếu là do virut, tuy có sự khác nhau về tác nhân gây bệnh, dịch tễ học, bệnh học và tiến triển, nhưng trên lâm sàng thường có các triệu chứng và hội chứng tương đối giống nhau. Về tác nhân gây bệnh có thể do các loại virut A, B, C, D và F gây nên. Các bệnh viêm gan này đều được gọi chung là viêm gan virut.
Hoa Atiso.
Hoa Atiso.
Về đường lây viêm gan virut A, F lây chủ yếu theo đường tiêu hóa; virut B, C, D lây chủ yếu theo đường máu, do tiêm chích, đôi khi còn có thể lây theo đường nước bọt hay đường sinh dục hoặc lây truyền từ mẹ sang con qua rau thai. Tuy có sự khác nhau về đường lây và phương thức lây truyền, nhưng tất cả các bệnh viêm gan virut đều có đặc điểm chung là một bệnh truyền nhiễm, tức là có khả năng lây từ người bệnh sang người lành hoặc từ một người lan sang cả một cộng đồng người.
Về triệu chứng lâm sàng tuy có sự khác nhau do các tác nhân khác nhau gây nên, nhưng nhìn chung bệnh viêm gan virut điển hình đều có 4 giai đoạn:
Thời kỳ nung bệnh: bệnh nhân không hề cảm thấy có triệu chứng gì khác thường.
Thời kỳ khởi phát (tiền vàng da) kéo dài từ 4-10 ngày, có các dấu hiệu chính như sốt nhẹ, mệt mỏi nhiều mặc dù không sốt cao, có dấu hiệu giả cúm và dấu hiệu rối loạn tiêu hóa. Lúc này xét nghiệm sẽ thấy men gan tăng cao hoặc rất cao, thường gấp trên 10 lần lúc bình thường, có khi tới trên 100 lần.
Thời kỳ toàn phát (vàng da) triệu chứng vàng da rõ ràng nhất, da vàng, mắt vàng, nước tiểu vàng sẫm, có thể kèm sốt cao hoặc sốt vừa. Ngoài ra bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi tăng hơn trước, rối loạn tiêu hóa, chán ăn đặc biệt sợ mỡ. Xét nghiệm trong giai đoạn này không phải để chẩn đoán mà chủ yếu để tiên lượng bệnh, do đó cần thăm dò 4 hội chứng của gan: hội chứng hủy hoại tế bào gan, hội chứng ứ mật, hội chứng viêm và hội chứng suy tế bào gan.
Thời kỳ lui bệnh được biểu hiện bằng đi tiểu nhiều, tới 2-3 lít mỗi ngày, nước tiểu màu nhạt dần và vàng da cũng đỡ dần, bệnh nhân ăn uống ngon miệng, xét nghiệm sinh hóa cho thấy chức năng gan phục hồi dần. Tuy nhiên, ở một số người, vẫn mệt mỏi kéo dài, ăn uống khó tiêu, cảm giác ấm ách vùng thượng vị hoặc đau tức, nằng nặng vùng hạ sườn phải.
Đối với viêm gan B, xuất hiện kháng thể HBs Ag. Nếu xét nghiệm thấy HBs Ag kéo dài quá 4 tháng, phải nghĩ đến viêm gan mạn tính sau viêm gan virut B.
Về ăn uống, trong thời kỳ bị bệnh không nên ăn mỡ, ăn nhiều đường, ăn nhiều hoa quả tươi. Sau bị bệnh, ăn trở lại bình thường dần dần, nhưng rượu bia thì phải kiêng tuyệt đối ít nhất 6 tháng sau khi khỏi bệnh. Về điều trị, cho đến nay Tây y vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu viêm gan virut. Song cả Tây y và Đông y đều cho rằng nghỉ ngơi là rất cần thiết đối với bệnh viêm gan virut: cần nằm nghỉ tuyệt đối trong thời gian vàng da và nghỉ dưỡng sức ít nhất 15 ngày sau khi hết vàng da, sau đó lao động vừa sức tăng dần để trở lại lao động bình thường.
Đối với bệnh viêm gan virut nói riêng, viêm gan vàng da nói chung, Đông y có nhiều bài thuốc chữa rất có hiệu quả. Đây không phải là những bài thuốc đặc trị theo từng loại bệnh mà chính là tăng cường cức năng gan, lập lại cân bằng, giúp chức năng gan trở lại trạng thái bình thường.
Đông y không phân thành bệnh viêm gan mà gọi chung là hoàng đản (chứng vàng da). Theo y văn, hoàng đản nguyên nhân chủ yếu do thấp nhiệt uất kết trong tỳ vị, ảnh hưởng đến can, sinh ra mắt vàng, mặt vàng rồi đến toàn thân đều vàng, nước tiểu vàng sẫm. Nếu độc khí của thấp nhiệt lưu lại không tiêu được sẽ làm cho càng ngày càng ăn kém, gan càng ngày càng to. Về phân loại, Đông y phân ra hai chứng hoàng đản: Dương hoàng và âm hoàng.
Cây mã đề.
Cây mã đề.
Dương hoàng biểu hiện mặt, mắt vàng tươi sáng như màu quả quýt, da vàng nhuận, bệnh nhân cảm giác lợm giọng, nôn ọe, vùng thượng vị đau tức, nước tiểu đỏ và sẻn, có sốt, thân thể mệt mỏi, tinh thần uể oải, ăn kém, rêu lưỡi vàng nhờn, hoặc trắng mỏng, chất lưỡi đỏ. Phép chữa là thanh nhiệt, lợi thấp. Bài thuốc: Nhân trần 30g, vọng cách 20g, chi tử 10g, vỏ đại (sao vàng) 10g, ý dĩ 30g, thần khúc 10g, actisô 20g, cuống rơm nếp 10g, nghệ vàng 20g, mã đề 12g, mạch nha 16g, cam thảo nam 8g. Tất cả cho vào ấm đất với 500ml nước, sắc còn 150ml, chắt ra, cho nước sắc tiếp, lấy thêm 100ml, trộn chung cả hai lần, chia đều uống trong ngày, uống trước các bữa ăn. Uống liền 7-10 ngày.
Quả dành dành.
Quả dành dành.
Âm hoàng có triệu chứng mặt, mắt và da vàng hãm tối, bụng đầy, rối loạn tiêu hóa, vùng thượng vị, trung vị, hạ vị đều đau tức, không sốt, thân thể mệt mỏi, rêu lưỡi trắng mỏng, hoặc hơi vàng trơn, chất lưỡi nhợt nhạt.
Phép chữa là ôn hóa hàn thấp. Bài thuốc thường dùng là: Nhân trần 30g, vọng cách 20g, gừng khô 8g, quế thông 4g, ý dĩ 30g, thần khúc 10g, actisô 20g, cuống rơm nếp 10g (sao), nghệ vàng 20g, củ sả 8g, mạch nha 16g, cam thảo nam 8g (sao). Sắc uống như bài trên.

Về phòng bệnh, hiện nay đã có vaccin của một số viêm gan virut nên tốt nhất là tiêm phòng. Phòng bệnh không đặc hiệu cần vệ sinh sạch sẽ, tạo thành thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và hết sức thận trọng khi truyền máu, truyền dịch, châm cứu, tiêm chích hoặc làm các thủ thuật khác như nhổ răng, phẫu thuật... Đề phòng từ viêm gan cấp chuyển sang mạn tính bằng cách nghỉ ngơi, phù hợp khi bị bệnh, uống các bài thuốc Đông y nêu trên, lao động vừa sức, ăn uống hợp lý và đặc biệt phải kiêng rượu, bia ít nhất là nửa năm sau khi bệnh đã khỏi.


Điều trị tăng huyết áp bằng điện châm

Tăng huyết áp (THA) là bệnh thường gặp. 90% là THA vô căn (không rõ nguyên nhân), 10% THA thứ phát (phát sinh sau các bệnh khác như: giai đoạn tiền mãn kinh, bệnh đái tháo đường, bệnh viêm cầu thận mạn, u tuyến thượng thận...). Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây các biến chứng. Biến chứng hay gặp và nguy hiểm nhất là tai biến mạch máu não để lại di chứng liệt, nếu nặng bệnh nhân có thể tử vong.
Theo Đông y, bệnh THA thuộc chứng huyễn vựng, bao gồm 5 thể bệnh: thể can đởm hỏa vượng, thể đàm thấp, thể can thận hư, thể tâm tỳ hư, thể tâm dương vượng và tâm bào vượng. Bài viết sau xin giới thiệu phương pháp điều trị bệnh THA bằng điện mãng châm.
Cách nhận biết
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, THA là tình trạng huyết áp tâm thu lớn hơn 140mmHg và huyết áp tâm trương lớn hơn 90mmHg. Đo nhiều lần, nhiều ngày trong cùng thời điểm.
Điều trị như thế nào?
Nguyên tắc chung là giảm muối, ăn nhạt vừa phải, giảm cân nặng, hạn chế rượu bia. Hạn chế sử dụng chất kích thích như thuốc lá, cà phê. Tập thể dục vừa phải tùy thể trạng cho phép, thư giãn, chống stress, chống căng thẳng thần kinh.
Để điều trị có nhiều phương pháp, trong đó, châm cứu điều trị THA có giá trị khi THA ở giai đoạn I (huyết áp dao động từ 140-179/90-99mmHg và giai đoạn II (huyết áp dao động từ 160-179/100-109mmHg). Với từng thể bệnh, bác sĩ sẽ quyết định điện châm như sau:
Thể can đởm hỏa vượng (thể hay gặp nhất):
- Triệu chứng: nhức đầu, người bứt rứt, dễ cáu gắt, mặt đỏ, mắt đỏ, hay có cơn nóng bừng mặt, miệng khô và đắng, ngủ ít, táo bón. Lưỡi đỏ, rêu vàng khô, dày. Mạch phù huyền sác.
- Phương pháp điều trị là “bình can tiềm dương hỏa”: châm tả các huyệt phong trì, thái dương, thượng tinh, bách hội, thái xung, châm bổ huyệt tam âm giao.
Thể đàm thấp (người béo, cholesterol máu cao):
- Triệu chứng: người béo, lồng ngực đầy tức, nôn và buồn nôn, không muốn ăn, người mệt mỏi, đầu choáng váng nặng nề, miệng nhạt. Lưỡi bệu, rêu trắng dính. Mạch huyền hoạt.
- Phương pháp điều trị: châm tả các huyệt: thái xung, túc lâm khấp, phong long, dương lăng tuyền, can du, đởm du. Châm bổ huyệt túc tam lý.
Thể can thận hư (người già, xơ cứng mạch):
- Triệu chứng: nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, ù tai, hoảng hốt, ngủ ít, hay mê, lưng gối yếu, mặt đỏ, miệng khô. Lưỡi đỏ, rêu vàng mỏng. Mạch huyết tế sắc.
- Phương pháp điều trị: “tư dưỡng can thận”. Nếu thiên về âm hư thì bổ can, thận âm, nếu thiên về dương hư thì ôn dưỡng can thận.
- Châm tả huyệt phong trì, thái dương, bách hội, thượng tinh. Châm bổ huyệt tam âm giao, thái khê, huyết hải, thận du, quan nguyên, khí hải.
Thể tâm tỳ hư:
- Triệu chứng: hay gặp ở người già kèm theo bệnh về dạ dày, đại trường, sắc mặt trắng, da khô, mệt mỏi, ngủ kém, ăn kém, đi ngoài phân lỏng, đầu choáng, mắt hoa. Chất lưỡi nhạt, rêu mỏng, nhạt. Mạch huyền tế.
- Phương pháp điều trị “kiện tỳ, bổ huyết, an thần”. Châm tả huyệt hợp cốc, thái dương. Châm bổ huyệt tam âm giao, túc tam lý, huyết hải, nội quan, tâm du.
Thể tâm dương vượng, tâm bào vượng:
- Triệu chứng: hồi hộp, nóng vùng ngực, khó ngủ, hay giật mình, nước tiểu đỏ. Lưỡi đỏ, nhất là đầu lưỡi rêu vàng dày. Mạch hồng sác.
- Phương pháp điều trị: bình tâm tả hỏa, an thần. Châm tả huyệt nội quan, thái dương, phong trì, châm bổ huyệt tam âm giao, thái khê.
Liệu trình điều trị: mỗi ngày điện châm 1 lần (20-30 phút), điều trị 15 đến 20 ngày/ liệu trình. Chú ý: tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc vô khuẩn khi châm.
Khuyến cáo
Từ 50 tuổi trở lên cần kiểm tra huyết áp thường xuyên. Nếu phát hiện tăng huyết áp ở giai đoạn I, giai đoạn II thì thực hiện như sau:
Khám và đánh giá các yếu tố nguy cơ, cũng như các tổn thương cơ quan đích và bệnh lý đi kèm.
Bắt đầu biện pháp không dùng thuốc: bỏ thuốc lá, giảm cân nặng, giảm rượu, muối, tập thể dục, hoạt động thể lực.
Điều trị cho bệnh nhân bằng kết hợp châm cứu. Bệnh nhân tự day ấn các huyệt trên hàng ngày.