Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

Nguyên lý trị liệu trong bài thuốc chữa viêm xoang của lương y Phạm Như Tá

Viêm xoang là chứng bệnh mãn tính phổ biến ở nước ta và rất dễ phát sinh, đặc biệt là trong điều kiện môi trường sinh hoạt hiện nay.


Bệnh gây mệt mỏi, làm giảm khả năng học tập và làm việc của người bệnh, thậm chí nếu để bệnh nặng, có thể dẫn đến một số biến chứng như: viêm phế quản mãn tính, lao phổi, viêm họng mạn hay viêm dây thần kinh thị giác.
Cùng với Tây y, Đông y cũng có nhiều phương pháp và bài thuốc để "đối phó" với chứng bệnh "khó trị" này. Trong số báo này, lương y Phạm Như Tá - vị lương y nổi tiếng Sài thành sẽ chia sẻ với độc giả một số bài thuốc trị viêm xoang hiệu quả do chính ông nghiên cứu và bào chế.
"Bổ âm tàng dương"
Lương y Phạm Như Tá quê gốc ở Phú Yên. Trước năm 1975, ông theo nghề dạy học ở Quảng Nam. Một thời gian sau, ông lập gia đình với một người phụ nữ xuất thân trong gia đình có truyền thống y học. Cũng kể từ đây, ông có những ảnh hưởng nhất định về nghề thuốc từ bên nhà vợ.
Cha vợ ông là Y sư Trần Khiết, nguyên giảng viên, chủ nhiệm Bộ môn Y học cổ truyền trường ĐH Y dược TPHCM. Năm 1988, lương y Tá chính thức theo học Trường Y học dân tộc thuộc Trung tâm đào tào Y dược ở TPHCM.
Năm 1991, ông tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi. Ra trường, theo ước nguyện của cha vợ và cũng là niềm đam mê của bản thân, ông theo cha vợ học nghề. Ông làm trợ lý giảng dạy và biên soạn tài liệu, ngày ngày cùng Y sư Trần Khiết lên giảng đường đại học.
Những năm tháng làm học trò của cha vợ, ông đã may mắn được thừa hưởng nhiều kiến thức y học quý giá. Sau 30 năm gắn bó với nghề y, hiện lương y Tá đang nắm giữ rất nhiều bài thuốc hay.
Với hơn 30 năm nghiên cứu những bài thuốc hay trong dân gian, lương y Phạm Như Tá (SN 1953, ngụ số 78, Phó Đức Chính, P.1, Q. Bình Thạnh, TPHCM) đã tìm ra nhiều phương thuốc đơn giản nhưng cực kỳ hiệu nghiệm trong điều trị bệnh.
Đặc biệt đối với bệnh viêm xoang luôn đòi hỏi thời gian điều trị lâu dài, ông cũng đã tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả. Nói về chứng bệnh này, lương y Phạm Như Tá cho biết, môi trường ô nhiễm chính là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng viêm xoang mũi, viêm mũi dị ứng.
"Viêm xoang mũi có rất nhiều thể khác nhau, bệnh xảy ra là do viêm các xoang cạnh mũi, đa số bởi nhiễm trùng. Phổ biến là 3 thể: viêm xoang cấp tính, mãn tính, viêm do dị ứng.
Hiện nay, ngoài phương pháp chữa trị bằng Tây y, Y học cổ truyền cũng đã có nhiều phương thuốc trị viêm mũi, viêm xoang. Tùy theo mỗi thể, tôi lại có những phác đồ điều trị khác nhau để điều trị bệnh hiệu quả nhất, giúp người bệnh vừa đỡ mất thời gian lại không phải tốn kém tiền bạc", lương y Tá cho hay.
Theo lương y Tá, thời gian điều trị bệnh viêm xoang lâu nhất là khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn mãn tính. Trong y học cổ truyền, viêm xoang mãn tính là một dạng "hư hỏa" (nóng trong người).
Do đó, thời gian điều trị có thể kéo dài từ 3-6 tháng, cũng có thể lâu hơn tùy theo cơ địa của mỗi người. Bởi vậy, khi đang điều trị, người bệnh không nên ngưng thuốc giữa chừng, khiến bệnh tái đi tái lại nhiều lần gây khó khăn cho việc điều trị.
Từ trước tới nay, Đông y đã có rất nhiều bài thuốc hay điều trị hiệu quả bệnh viêm xoang và nhìn chung luôn dựa trên nguyên tắc bổ âm để tàng dương.
"Việc điều trị viêm xoang mãn tính phải tập trung vào hai yếu tố là bổ thận âm và nạp khí về thận. Riêng với bệnh viêm xoang cấp tính hay dị ứng do phong nhiệt, cần gia giảm thêm các vị thuốc có tác dụng tiêu viêm, tiêu độc…
Nhưng chung quy lại điều trị gốc vẫn là thận vì khi âm dương được cân bằng, hỏa sẽ tự yên vị, sức đề kháng được nâng cao thì bệnh mới khỏi được", lương y Tá cho biết.
Đa số những người mắc bệnh viêm xoang thường không lường trước được hậu quả về sau do bệnh gây nên. Nếu bệnh nhân không dùng thuốc chữa viêm xoang điều trị có thể dẫn đến một số biến chứng như mắt bị mờ, thị lực giảm nhanh, viêm xương sọ, viêm màng não, viêm tắc tĩnh mạch như sốt cao, rét run, lồi mắt, giãn tĩnh mạch vùng trán… thậm chí dẫn đến áp xe não.
Một số bệnh nhân bị viêm phế quản mãn tính, nguyên nhân thường do mủ từ viêm xoang chảy xuống họng. Có trường hợp người bệnh vì muốn khỏi hẳn viêm xoang nên có ý định phẫu thuật.
Tuy nhiên theo lương y Tá, nếu viêm xoang do vách ngăn lệch và vẹo lớn hay niêm mạc xoang bị thoái hóa hoặc có lỗ rò dưới xoang, phù nề cuống mũi thì sau phẫu thuật vẫn phải tiếp tục kiên trì điều trị để tránh tái phát.
Kết hợp thảo dược và châm cứu
Sau nhiều năm nghiên cứu, lương y Phạm Như Tá đã sáng chế một phương pháp điều trị viêm xoang hiệu quả, kết hợp thảo dược và châm cứu. Thứ nhất, đối với trường hợp viêm mũi dị ứng kéo dài, người bệnh thường có các triệu chứng như xoang hàm trán ấn đau, chảy nước mũi có mủ, mùi hôi, khứu giác giảm, nhức đầu thường xuyên…
Bài thuốc điều trị chứng bệnh này gồm 4 vị: Thương nhĩ tử (12gr), Tân di hoa (12gr), Bạc hà (8gr) và Bạch chỉ (12gr). Lần một, đem sắc với 4 chén nước, còn lại 1 chén. Lần thứ hai, hai chén sắc còn nửa chén. Uống chia hai hoặc ba lần, dùng trong ngày sau bữa ăn. Đồng thời kết hợp châm cứu 7 huyệt đạo: Thiên ứng, Thái dương, Đầu duy, Ấn đường, Thừa khấp, Quyền liêu, Hợp cốc…
Trường hợp bệnh nhân mắc chứng bệnh viêm xoang cấp tính với các triệu chứng bệnh mới phát như ngạt mũi, chảy nước mũi vàng có mủ, xoang hàm xoang trán đau, viêm hố mũi kèm theo chứng toàn thân sợ lạnh, sốt, nhức đầu.
Lương y cho hay: "Đối với triệu chứng này thì bài thuốc tôi kê cho người bệnh có phép trị thanh phế, tiết nhiệt, giải độc là chính. Bài thuốc gồm 8 vị: Ngân hoa (16g), Ké (16g), Chi tử (8g), Mạch môn (12g), Hạ khô thảo (16g), Tân di (12g), Hoàng cầm (12g), Thạch cao (40g)".
Trường hợp bệnh nhân sợ lạnh, sốt, nhức đầu thì dung thêm hai vị Hoàng cầm, Mạch môn nhưng phải thêm vào Ngưu bàng tử, Bạc hà (12g). Vừa uống thuốc, bệnh nhân được điều trị kết hợp châm cứu các huyệt đạo: Hợp cốc, Khúc trì, Nội đình, Thiên ứng, Thái dương, Đầu duy, Ấn đường, Thừa khấp, Quyền liêu.
Đối với viêm mũi mãn tính, lương y Tá sử dụng bài thuốc gồm: Cam thảo, Cát cánh, Bạch chỉ (mỗi vị 6 gr), Bạc hà, Tân di hoa (mỗi vị 8 gr), Hoắc hương, Kinh giới, Phòng phong, Bản lam căn (mỗi vị 12 gr), Ké đầu ngựa (16 gr), Hạ khô thảo (10 gr).
Tất cả đem sắc với 3 chén nước, sắc còn lại 1,5 chén thuốc. Chia làm 3 lần dùng trong ngày, dùng lúc nước thuốc ấm. Lương y cho hay: "Tùy theo tình trạng bệnh của mỗi người mà tôi sẽ gia giảm các vị thuốc. Bên cạnh đó, còn có thể dùng phương pháp châm cứu các huyệt: Nghinh hương, Hợp cốc, Ấn đường, Liệt khuyết".
Những trường hợp bị viêm xoang do dị ứng, Đông y dùng phương thuốc và châm cứu cũng giống như viêm mũi dị ứng. Riêng với viêm xoang do nhiễm khuẩn cấp tính, lương y Tá có phương pháp trị "Thanh phế nhiệt, giải độc" bằng bài thuốc gồm các vị thuốc: Kim ngân hoa, Ké đầu ngựa, Rau dấp cá (mỗi loại 16 gr), Hoàng cầm, Hoắc hương và Bạc hà (mỗi loại 12 gr), Chi tử (8gr) và Bản lam căn(20gr). Đem sắc với 800 ml nước, sắc còn 300 ml thuốc. Chia làm 3 lần dùng trong ngày lúc bụng đói, lúc thuốc ấm.
Lương y Tá cho biết thêm, đối với viêm xoang nhiễm khuẩn mãn tính, Đông y có pháp trị "Dưỡng âm, nhuận táo, thanh nhiệt, giải độc".
Bài thuốc gồm có Sinh địa, Ké đầu ngựa, Kim ngân hoa (mỗi vị 16 gr), Huyền sâm, Đơn bì, Mạch môn, Hoắc hương (mỗi vị 12 gr), Hoàng cầm, Hoàng bá (10 gr mỗi loại) và 8 gr Tân di hoa. Tất cả đem sắc với 800 ml nước, sắc còn lại 300 ml thuốc. Chia làm 3 lần dùng trong ngày lúc bụng no.
Ngoài ra, có thể kết hợp châm cứu các huyệt: Thái dương, Ấn đường, Quyền liêu. Ngoài ra, luơng y Tá đặc biệt nhấn mạnh khi bệnh nhân dùng thuốc xoang cần phải tuân thủ một số nguyên tắc. Trong thời gian dùng thuốc cần kiêng kỵ các thức uống chứa chất kích thích, kiêng ăn tôm, cua, cá biển, thịt gia cầm (hạn chế nhất thịt gà). Tránh xa các môi trường bị ô nhiễm chứa nhiều khỏi bụi, không được để cơ thể bị nhiễm lạnh.
Khi xuất hiện các triệu chứng như hắt hơi, chảy nước mũi cần điều trị ngay để không biến chứng gây ra bệnh viêm xoang. Và cách phòng bệnh tốt nhất chính là chăm chỉ tập thể dục nhằm nâng cao sức đề kháng, rèn luyện sức khỏe thể thể chất.
Theo Khôi Nguyên - Gia đình và Xã hội

1 nhận xét: