Ngũ vận lục khí, gọi tắt là “vận khí”, là khoa dự báo học cổ đại, chuyên nghiên cứu các quy luật tổng quát của thời tiết, khí hậu hàng năm cùng tác động của chúng đối với sức khỏe và tật bệnh. Trong các khoa dự báo cổ đại, vận khí học được giới khoa học thừa nhận là khoa dự báo có tính khoa học, giá trị thực tiễn cao nhất và cho đến nay vẫn có giá trị.
Thí dụ như đối với việc phòng ngừa và chữa trị các bệnh truyền nhiễm; Phát hiện nhanh chóng các vi sinh vật gây bệnh và tìm ra thuốc đặc trị để tiêu diệt chúng là một trong những thế mạnh của y học hiện đại. Thế nhưng, để ứng phó với sự biến dị nhanh chóng của chúng thì y học đang gặp rất nhiều khó khăn.
Đối với các chứng bệnh nhiễm khuẩn, Đông y có một cách tiếp cận khác. Đông y cho rằng môi trường mới là nhân tố quyết định sự tồn tại của các loại vi khuẩn, virut gây bệnh. Do coi trọng tác động của môi trường sinh thái, trong đó khí hậu đóng vai trò quyết định, nên trong dưỡng sinh cũng như trong phòng trị bệnh tật, Đông y luôn tuân theo nguyên tắc cơ bản là “Nhân thời - Nhân địa - Nhân nhân”. Nghĩa là cần tính đến những đặc điểm về thời tiết khí hậu (nhân thời), hoàn cảnh địa lý (nhân địa) và đặc điểm của từng bệnh nhân (nhân nhân). “Nhân thời” được đặt lên hàng đầu, có vị trí quan trọng bậc nhất. Không thông hiểu vận khí sẽ không thể vận dụng được đúng chữ “thời”, do đó Lãn Ông mới nói, không thông vận khí sẽ chẳng thể làm nổi việc gì.
Ngũ vận lục khí năm Ất Mùi
Ngũ vận lục khí: “Ngũ vận” là sự vận hành của 5 loại khí: mộc, hỏa, thổ, kim, thủy; đó là những nhân tố chủ yếu, ảnh hưởng tới sự biến động của khí hậu trên mặt đất. “Lục khí” là sự biến hóa của 6 loại khí: phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa. Đó là những nhân tố chủ yếu, ảnh hưởng tới sự biến động của khí hậu trong không trung.
Khi các loại khí nói trên vận động và biến hóa một cách bình thường, gọi là “chính hóa” thì nói chung sẽ không gây nên bệnh, vì cơ thể con người đã quen thích nghi. Nhưng khi các loại khí nói trên biến động một cách dị thường, gọi là “tà hóa”, vượt quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể con người và biến thành tác nhân gây bệnh gọi là “tà khí”. Chức năng chủ yếu của Ngũ vận lục khí là tính toán, dự báo những biến động dị thường của thời tiết khí hậu, để có thể tiến hành dưỡng sinh, chuẩn bị trước các biện pháp phòng trị thích hợp.
Tuế vận và tuế khí: Ngũ vận và lục khí luôn biến đổi, luân chuyển hàng năm. Mỗi năm có một vận và một khí chủ sự, gọi là “tuế vận” và “tuế khí”. Năm Ất Mùi có “thiên can” là Ất và “địa chi” là Mùi. Theo nguyên tắc “Thiên can thống vận”: Ất là can âm, thuộc hành kim, nên năm Ất Mùi có tuế vận là “Kim vận bất cập”. Theo nguyên tắc “Địa chi thống khí”: Nửa đầu năm Ất Mùi khí tư thiên chủ sự là thái âm thấp thổ, nửa năm cuối có khí tại tuyền chủ sự là thái dương hàn thủy.
Vận khí tương lâm: Khí hậu hàng năm biến đổi một cách bình hòa hay đột ngột tùy thuộc vào quan hệ sinh khắc theo ngũ hành giữa vận và khí: vận sinh khí gọi là tiểu nghịch; vận khắc khí gọi là bất hòa; khí sinh vận gọi là thuận hóa; khí khắc vận gọi là thiên hình. Năm Ất Mùi có tuế vận là kim vận. Khí tư thiên là thái âm thấp thổ. Thổ sinh kim - khí sinh vận, do đó Ất Mùi là năm thuận hóa: khí hậu tương đối thuận hòa và tần suất phát sinh tật bệnh cũng tương đối thấp.
Tình hình bệnh tật: Xét theo ngũ vận, năm “kim vận bất cập” như sách Vận khí bí điển của Lãn Ông viết: “Kim vận bất cập, hỏa khí thừa thế vượng lên, hỏa nhiệt lan tràn”. Hỏa nhiệt thông ứng với tạng tâm nên tạng tâm dễ bị mắc bệnh; mặt khác, hỏa khắc kim phế thuộc hành kim, nên tạng phế (chức năng hô hấp) cũng dễ bị mắc bệnh.
Xét theo lục khí, nửa năm đầu thái âm thấp thổ tư thiên, khí hậu ẩm thấp. Thấp khí thông ứng với tạng tỳ nên thấp tà dễ gây tổn thương cho tạng tỳ (chức năng tiêu hóa); mặt khác, thổ khắc thủy, tạng thận thuộc hành thủy nên tạng thận cũng dễ thụ bệnh. Nửa năm cuối thái dương hàn thủy tại tuyền, khí hậu giá lạnh. Hàn thủy thông ứng với tạng thận nên tạng thận dễ bị tổn thương; mặt khác, thủy khắc hỏa, tâm thuộc hành hỏa nên tạng tâm cũng dễ thụ bệnh.
Năm Ất Mùi cần chú ý phòng ngừa hỏa tà, thấp tà và hàn tà; mặt khác, cần chú ý dự phòng bệnh tật phát sinh ở các tạng tâm, tỳ, phế và thận.
Biện pháp dự phòng
Phòng ngừa hỏa tà: Hỏa tà là một loại dương tà, dễ gây tổn thương cho âm dịch. Người thể chất “âm hư” hữu nhiệt thường dễ bị hỏa tà khí xâm phạm và phát sinh loại bệnh ôn nhiệt. Biểu hiện chủ yếu bởi các chứng trạng: phát sốt, gai rét hoặc không sợ rét, đau đầu, vã mồ hôi, môi lưỡi khô háo, miệng khát uống nhiều, tâm phiền, ngực sườn đầy tức, tiểu tiện đỏ, đại tiện bí, đầu choáng mắt hoa, ban chẩn, thổ huyết, nục huyết, tiện huyết, niệu huyết...
Để dự phòng, nói chung nên ăn uống thanh đạm, không uống rượu, không lạm dụng thức ăn cay nóng kích thích. Riêng đối với người âm hư đa hỏa, có thể dùng một số vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt tả hỏa, tư âm lương huyết như sinh địa hoàng, huyền sâm, mạch đông, liên tâm, trúc diệp, khổ sâm, hoàng liên, chi tử, đan sâm, thủy ngưu giác (sừng trâu), kim ngân hoa, xa tiền tử, hoàng bá, đại hoàng, đan bì, bạch mao căn...
Phòng ngừa hàn tà: Hàn tà thuộc loại “âm tà” dễ làm tổn thương “dương khí” nên những người có cơ địa “dương hư” cần đặc biệt chú ý phòng các bệnh như cảm lạnh, bụng đau nôn mửa do trúng hàn, tiêu chảy do hàn tà xâm phạm vào tràng vị, tinh thần trầm uất do dương khí bị hàn tà lấn át... Hàn tà còn có tính “ngưng kết”, dễ làm cho sự vận hành của khí huyết bị ngưng trệ, dẫn tới các chứng đau nhức như đau đầu, cơ bắp và xương khớp đau nhức kịch liệt (hàn tý), tứ chi co rút...
Để dự phòng, cần tăng cường vận động thân thể; đồng thời nên sử dụng thêm các loại thuốc, thức ăn có tác dụng trợ dương tán hàn như can khương (gừng khô), nhục quế, đinh hương, cao lương khương (củ riềng), lá lốt, hồ tiêu, thịt bò, thịt dê, thịt chó...
Người tố chất tâm thận dương hư, dễ cảm mạo phong hàn với những chứng trạng như phát sốt, sợ lạnh, không mồ hôi, chân tay lạnh, phiền táo, tiêu chảy, tức ngực, thở gấp, tâm loạn nhịp đập dồn từng hồi (tâm quý), môi lưỡi tím tái... Để dự phòng, có thể dùng sinh khương, thông bạch và đại táo, sắc nước uống thay trà trong ngày.
Phòng ngừa thấp tà: Thấp là loại tà khí có tính chất trọng trọc (nặng đục), dễ dẫn tới các chứng bệnh như đầu nặng đau như bị bó chặt, mình mẩy nặng nề đau nhức (thấp tý), bụng đầy trướng, ăn không tiêu, kiết lỵ, đại tiện không thành khuôn, tiểu tiện đục, phù thũng, khí hư bạch đới...
Để dự phòng, cần sử dụng thêm những vị thuốc có tác dụng kiện tỳ táo thấp. Ví dụ như, có thể dùng: bán hạ chế (tẩm gừng sao) 3g, trần bì (vỏ quýt để lâu ngày) 10g, thổ phục linh 10g, cam thảo 5g; sắc nước uống thay trà trong ngày.
Ất Mùi là một năm “thuận hóa”. Thời xưa là một năm khí hậu biến đổi tương đối bình hòa, ít phát sinh các bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, trong điều kiện môi trường sinh thái bị ô nhiễm nặng, tầng ôzôn bị thủng, trái đất đang bị nóng lên như hiện nay, trong dưỡng sinh và phòng trị bệnh tật cần tăng cường phòng ngừa hỏa tà, thấp tà và hàn tà; trong đó cần chú ý nhất là hỏa tà.
Lương y Thái Hư
Trả lờiXóahãng máy bay eva air
bán vé máy bay đi mỹ giá rẻ
hãng máy bay hàn quốc
phòng vé máy bay đi mỹ
giá vé máy bay từ tphcm đi canada
Nhung Chuyen Di Cuoc Doi
Ngẫu Hứng Du Lịch
Tri Thuc Du Lich