Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

Thuốc Nam chữa bệnh đái tháo đường (kỳ 2)

Câu kỷ tử (quả cây khởi tử)
Câu kỷ tử (Fructus Lycii) là quả phơi khô từ cây có tên khoa học Lycium barbarum L. Một số địa phương cũng lấy quả phơi khô từ cây L. chinense Mill. Thuộc họ Cà (Solanaceae).
Bài thuốc ứng dụng:
Bài 1: câu kỷ tử 12g, thục địa 12g, thiên môn đông 12g, đảng sâm 6g, ngũ vị tử 6g, sắc uống. Ngày 1 thang.
Công dụng: ích khí dưỡng âm, bổ thận giảm đường.
Bài 2: hoàng kỳ (sống) 15g, câu kỷ tử 15g, sơn dược 30g, sinh địa 30g, sắn dây 6g, thiên hoa phấn 20g, ngũ vị tử 10g, sắc uống. Ngày 1 thang.
Công dụng: ích khí dưỡng âm, sinh tân giải khát.
Bài 3: bách hợp 15g, xích thược 15g, thiên hoa phấn 20g, câu kỷ tử 20g, đương quy 10g, bồ công anh 10g, quán chúng 10g, cam thảo 10g, sắc uống. Hai ngày dùng 1 thang, 20 ngày là 1 liệu trình.
Công dụng: thanh nhiệt giải độc, tư âm nhuận phế.
Mạch đông (mạch môn đông)
Mạch đông (Radix Ophiopogonis) là rễ phơi khô từ cây có tên khoa học Ophiopogon japonicus (L.f.) Ker-Gawl. Thuộc họ Thiên môn (Asparagaceae).
Bài thuốc ứng dụng:
Bài 1: sinh địa 240g, sơn thù 120g, hoài sơn 120g, bạch phục linh 90g, mẫu đơn bì 90g, trạch tả 90g, mạch đông 90g, ngũ vị tử 60g, tất cả tán bột mịn, làm viên, mỗi lần uống 9g, ngày 2 - 3 lần.
Công dụng: tư thận dưỡng âm, liễm thận giảm đường.
Bài 2: thiên hoa phấn 30g, sinh địa 30g, sơn dược (sống) 30g, đảng sâm 10g, mạch đông 10g, tri mẫu 20g, đơn bì 20g, trạch tả 20g, đơn sâm 30g, phục linh 10g, sắc uống. Ngày 1 thang.
Công dụng: dưỡng âm nhuận táo, ích khí hoạt huyết.
Bài 3: mạch đông; sơn dược; ngọc trúc; sa uyển tử; địa cốt bì; hoa phấn; lô căn mỗi thứ 30g, hoàng kỳ sống 30 - 60g, tây dương sâm 10g, sơn thù 15g, sắc uống. Ngày 1 thang.
Công dụng: Ích khí dưỡng âm, tư thận sinh tân.
Tang thầm - tang bạch bì (trái dâu - vỏ trắng rễ dâu)
Tang thầm (Fructus Mori); Tang bạch bì (Cortex Mori) là quả chín và vỏ rễ phơi khô từ cây dâu, có tên khoa học Morus acidosa Griff. Thuộc họ Dâu tằm (Moraceae).
Bài thuốc ứng dụng:
Bài 1: bạch truật sống, tang thầm, sắn dây, trạch tả mỗi thứ 30g, xuyên khung 10g, hồng hoa 10g, đương quy 15g, sắc uống. Ngày 1 thang.
Công dụng: kiện tỳ khu thấp, hoạt huyết hóa ứ.
Bài 2: câu kỷ 15g, tang thầm15g, sinh địa 30g, sơn thù 15g, thiên hoa phấn 15g, hoài sơn 30g, đơn bì 10g, phục linh 10g, ngọc trúc 10g, hoàng liên 6g. Thạch cao, sa sâm, mạch đông, đơn sâm, táo nhân, dạ giao đằng mỗi thứ 30g, sắc uống. Ngày 1 thang.
Công dụng: tư bổ thận âm, sinh tân giải khát.
Bài 3: tang bạch bì 60g. Ngọc trúc, đơn bì, hoài sơn, nữ trinh tử, trạch tả, phục linh mỗi thứ 30g. Sắc uống. Ngày 1 thang.
Công dụng: tư thận âm, thanh phế nhiệt.
Giảo cổ lam
Giảo cổ lam (Herba Gynostemmae Pentaphylli) là toàn cây phơi khô từ dây có tên khoa học Gynostemma pentaphyllum (Thunb.) Mak. Thuộc họ Bầu bí (Cucurbitaceae).
Giảo cổ lam
Giảo cổ lam
Bài thuốc ứng dụng:
Giảo cổ lam, thiên hoa phấn, sắn dây, sơn tra (sao khét), huyền sâm mỗi thứ 15g, đơn sâm 20g, hoàng kỳ 30g, rễ cỏ tranh 30g, thương truật 10g, sắc uống. Ngày 1 thang. 1 tháng là 1 liệu trình.
Công dụng: ích khí sinh tân, hoạt huyết giảm đường.
Thỏ ty tử (hạt dây tơ hồng vàng)
Thỏ ty tử Semen Cuscutae) là hạt giống phơi khô từ cây có tên khoa học Cuscuta hygrophilae H.W.Pears. Thuộc họ Tơ hồng (Cuscutaceae).
Bài thuốc ứng dụng:
Bài 1: phụ tử 10g, quế chi 15g, sa nhân 10g, bán hạ 15g, thỏ ty tử 20g, đại hoàng sống 10g, trúc nhự 10g, trần bì 15g, hà thủ ô 30g, đơn sâm 30g, sắc uống. Ngày 1 thang.
Công dụng: ôn dương bổ thận, hòa vị giáng trọc.
Theo báo cáo, bài thuốc này kết hợp với bài “Đại hoàng phụ ông thang” gồm đại hoàng sống 30g, phụ tử 20g, bạch đầu ông 15g, mang tiêu 30g, long cốt sống 100g, mẫu lệ sống 100g, nấu nước uống để tẩy xổ, hiệu quả càng tốt.
Bài 2: hoàng kỳ 15g, thương truật 15g, hoài sơn 30g, huyền sâm 30g, nữ trinh tử 30g, hạn liên thảo 15g, thỏ ty tử 30g, đơn sâm 15g, trạch lan 30g, hồng hoa 6g, uất kim 10g, sắc uống. Ngày 1 thang.
Công dụng: ích khí dưỡng âm, hoạt huyết hóa ứ.
Thương nhĩ tử (trái ké đầu ngựa)
Thương nhĩ tử (Fructus Xanthii) là quả phơi hay sấy khô từ cây có tên khoa học Xanthium sibiricum Patr. Thuộc họ Cúc (Asteraceae).
Trái ké đầu ngựa
Trái ké đầu ngựa
Bài thuốc ứng dụng:
Thương nhĩ tử (ké đầu ngựa) 10g, gạo tẻ 50g. Thương nhĩ tử sắc trước, lấy nước thuốc vừa đủ, thêm gạo ninh thành cháo, dùng sáng và chiều. Ngày 1 lần.
Công dụng: tán phong trừ thấp.
Khổ qua (mướp đắng)
Khổ qua (Fructus Momordicae Charantise) là quả của cây có tên khoa học Momordica charantia L. Thuộc họ Bầu bí (Cucurbitaceae).
Bài thuốc ứng dụng:
Bài 1: khổ qua phơi khô lượng tùy dùng. Tán bột làm thuốc, mỗi lần uống 15g, ngày 3 lần, uống trước bữa ăn 1 giờ. 2 tháng là 1 liệu trình.
Công dụng: thanh nhiệt giải độc, giảm đường huyết.
Bài 2: khổ qua, hoàng kỳ, hoài sơn, đơn sâm mỗi thứ 30g. Thiên hoa phấn 15g, tri mẫu 15g. Hồng hoa, xuyên khung, dâm dương hoắc, bột tam thất mỗi thứ 10g, nhân sâm 6g, toàn yết 6g, sắc uống, ngày 1 thang. 1 tháng là 1 liệu trình.
Công dụng: ích khí dưỡng âm, hoạt huyết giảm đường.
Bài thuốc này điều trị 46 ca, hiệu quả thấy rõ 18 ca, có hiệu quả 24 ca, không hiệu quả 4 ca, tổng hiệu quả đạt tỉ lệ 91,3%.
Bài 3: khổ qua, hoài sơn, sinh địa, đảng sâm, hoàng kỳ, thiên hoa phấn mỗi thứ 15g. Phục linh, huyền sâm, sắn dây, mạch đông mỗi thứ 10g, sắc uống, ngày 1 thang.
Công dụng: ích khí dưỡng âm, sinh tân giải khát.
Bài này dùng điều trị 114 ca, lành bệnh 12 ca, chuyển biến tốt 97 ca, không hiệu quả 5 ca, tổng hiệu quả đạt tỉ lệ 95,6%
Sơn dược (khoai mài)
Sơn dược, hoài sơn (Rhizoma Dioscoreae) là rễ củ phơi khô của cây có tên khoa học Dioscorea oppositifolia Lour. Thuộc họ Củ nâu (Dioscoreaceae).
Bài thuốc ứng dụng:
Bài 1: sơn dược 30g, hoàng kỳ sống 15g, tri mẫu 15g, kê nội kim 6g, sắn dây 5g, thiên hoa phấn 10g, sơn thù 15g, sắc uống, chia 2 lần sáng và chiều. Ngày 1 thang.
Công dụng: ích khí dưỡng âm, sinh tân giải khát.
Bài 2: sơn dược 10g, sắn dây 30g, thiên hoa phấn 30g, đơn bì 10g, trạch tả 10g, phục linh 15g, thục địa 10g, sắc uống. Ngày 1 thang.
Công dụng: tư bổ thận âm.
Ứng dụng: bệnh đái tháo đường. Bài thuốc này dùng chữa trị 11 ca, 9 ca đường huyết giảm và giảm gần đến mức bình thường, cũng như đường niệu chuyển sang âm tính, 2 ca tác dụng giảm đường huyết khó khẳng định.
Râu ngô (râu bắp) 
Râu ngô, râu bắp (Stigmata Maydis) là vòi và núm phơi khô của hoa cây ngô (bắp) có tên khoa học Zea mays L.
Bài thuốc ứng dụng:
Bài 1: râu ngô 250g, thục địa 125g. Nấu cô thành dịch màu nâu, mỗi lần dùng 10ml, ngày 2 lần.
Công dụng: tư âm thanh nhiệt, khu thấp giảm đường.
Bài 2: râu ngô 300g, sơn dược sống 120g, thiên hoa phấn 190g, thạch cao sống 120g. thêm 2 lít nước, nấu còn 1 lít, uống cả ngày. Dùng liền 7 ngày.
Công dụng: thanh nhiệt nhuận táo, sinh tân giải khát.
Ngẫu tiết (mấu rễ củ sen)
Ngẫu tiết tức mấu sen (Nodus Nelumbinis Rhizomatis) là rễ củ từ cây có tên khoa học Nelumbo nucifera Gaerth.
Bài thuốc ứng dụng:
Bài 1:  hoàng liên 3g, thiên hoa phấn 15g, sinh địa 24g, nước cốt sen 90g, sữa bò 120g, sắc uống. Ngày 1 thang.
Công dụng: thanh nhiệt tư âm, sinh tân giải khát.
Ứng dụng: bệnh đái tháo đường.
Bài 2: tây dương sâm 3g, mạch đông 15g, thiên hoa phấn tươi 100g, sắn dây tươi 60g, củ sen tươi 60g, lê tươi 1 quả, quất tươi 1 quả, sinh địa 30g, hoài sơn 30g, ô mai 15g, kê nội kim (màng mề gà) 10g, tri mẫu 10g. sắc uống. Ngày 1 thang.
Công dụng: ích khí dưỡng âm, sinh tân giải khát.
Ứng dụng: bệnh đái tháo đường.

LY.DS. DŨNG LỰC

1 nhận xét: