Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

Quả sơn tra trị đầy bụng khó tiêu

Sơn tra còn gọi hồng quả, sơn lý hồng, yên chi..., là quả chín già của cây bắc sơn tra (Crataegus pinnatifida Bunge.) hay nam sơn tra (Crataegus cybeata Sieb. et Zucc.), thuộc họ Hoa hồng. Ở Việt Nam, có 2 cây là chua chát và táo mèo, cùng họ hoa hồng, được bán với tên “sơn tra”. Sơn tra chứa fructose, protein, lipid, vitamin C, B2, caroten; Ca, P, Fe, các acid tarlaric, citric,... có tác dụng hạ huyết áp, giảm nồng độ mỡ máu; lợi niệu, kháng khuẩn trợ tiêu hóa, chống u bướu, trợ tim. Sơn tra vị chua ngọt, tính hơi ôn; vào kinh tỳ, vị và can. Có tác dụng hóa thực tiêu tích, thu liễm chỉ tả, hành khí tán hàn. Dùng cho các trường hợp đầy bụng không tiêu, đau bụng tiêu chảy, mỡ máu, tăng huyết áp...
Quả sơn tra trị đầy bụng khó tiêu
Quả Sơn tra
Cách dùng sơn tra làm thuốc:
Bài 1: Vân khí tán: sơn tra, thanh bì, mộc hương liều lượng bằng nhau, nghiền bột. Mỗi lần uống 4g, ngày 2 lần, chiêu với nước sôi. Dùng khi thức ăn thực tích trệ, không tiêu, bụng trướng đầy.
Bài 2: sơn tra sống 20g, mầm mạch sao 20g. Sắc uống. Trị tiêu hóa không tốt, nôn oẹ.
Bài 3: sơn tra 60g, đường trắng 20g, đường đỏ 20g, chè vụn 6g. Lấy sơn tra sắc lấy nước, thêm đường và chè hãm trong nửa giờ uống. Trị lỵ thời kỳ đầu.
Bài 4: Cháo sơn tra thần khúc: sơn tra 30g, thần khúc 15g, gạo tẻ 100g, đường trắng 8g. Sắc sơn tra, thần khúc lấy nước bỏ bã; gạo nấu cháo; khi được cháo cho nước thuốc vào đun sôi, thêm đường khuấy tan đều. Dùng cho các trường hợp ăn kém chậm tiêu.
Ngoài ra, sơn tra còn được dùng chữa đau khớp, chảy máu chân răng, sản phụ sau đẻ đau bụng.
Rượu sơn tra long nhãn đại táo: sơn tra 250g, long nhãn 250g, đại táo 30g, đường hoa mai 30g, rượu 1 lít. Đem ngâm 10 - 20 ngày, uống trước khi đi ngủ 30 - 60ml. Dùng cho các trường hợp viêm khớp, đau nhức khớp.
Chè sơn tra hạt dẻ: sơn tra 125g, hạt dẻ 30g, cho nước nấu chín nhừ, cho thêm ít đường khuấy tan. Cho ăn thay bữa điểm tâm sáng. Dùng cho các bệnh nhân chảy máu chân răng do thiếu sinh tố C...
Nước sắc sơn tra đường phèn: đem sơn tra sắc hãm lấy nước, cho thêm đường khuấy đều cho uống. Dùng cho sản phụ sau đẻ tử cung co hồi chậm, đau bụng.
Kiêng kỵ: Ăn nhiều sơn tra làm hao khí hại răng. Người tỳ vị hư nhược không tích trệ; người đa toan dịch vị, người viêm loét dạ dày không nên dùng.
BS. Tiểu Lan

1 nhận xét: