Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

Đông y điều trị chứng mất tiếng

Thất âm (mất tiếng) là triệu chứng thường gặp đi kèm với các trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp trên. Bệnh nhân thấy tiếng nói thều thào khó nghe có khi mất tiếng không nói được nữa. Khàn tiếng thường xuất hiện trong thời gian ngắn rồi sẽ tự khỏi. Nhưng đôi khi cũng kéo dài dẫn đến mất tiếng nếu không chú ý điều trị lúc khàn tiếng.
Nguyên nhân theo y học hiện đại là do nói nhiều, nói liên tục trong một thời gian làm căng quá mức các cơ nhỏ của thanh quản.
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, cảm lạnh, viêm họng... dẫn đến viêm thanh quản cấp tính làm tổn thương dây thanh âm.
Theo lý luận Đông y thì phổi là cửa của thanh âm; thận là gốc của thanh âm. Do đó bệnh thất âm (mất tiếng) có quan hệ mật thiết với phổi và thận.
Khi điều trị bệnh mất tiếng cần phân biệt rõ chứng hư, chứng thực. Chứng thực phần nhiều do ngoại tà làm trở ngại công năng của phổi; còn chứng hư phần nhiều do khí của tân dịch không đủ.
Chứng thực:
- Ngoại cảm phong hàn: Tiếng nói khàn không rõ, nóng sốt ít, sợ lạnh, ho có đờm, mũi tịt, nặng tiếng, rêu lưỡi trắng mỏng. Nếu có cả khát nước, đau họng, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch phù sác thì đó là chứng hỏa bị hàn bao bọc.
Phép chữa: Sơ tán phong hàn:
Bài 1: “Kim phí thảo tán”: Kim phí thảo 12g, tiền hồ 8g, kinh giới 10g, tế tân 8g, bán hạ 10g, cam thảo 4g, gừng sống 3 lát. Nước vừa đủ sắc còn 1/2 uống ấm.
Đông y điều trị chứng mất tiếng
Gừng.
Bài 2: Kinh giới 12g, tang diệp 12g, tang bạch bì 12g, địa cốt bì 12g, tía tô 8g, bán hạ chế 8g. Sắc uống như bài trên.
Châm cứu: Tả: Thiên đột, phong môn, xích trạch, phong trì, hợp cốc.
- Đàm và nhiệt ngăn trở: Tiếng nói nặng không phát ra được, đờm nhiều màu vàng đặc, miệng đắng, họng khô, rêu lưỡi vàng nhợt. Mạch hoạt sác.
Phép chữa: Thanh phế hóa đàm. Dùng: “Nhị mẫu tán” gia vị: Tri mẫu 12g, bối mẫu 12g, cát cánh 10g, ngưu bàng 10g. Nước vừa đủ sắc uống ấm.
Bài 2: Tang bạch bì 12g, lá tre 12g, thanh bì 8g, cát cánh 8g, thổ bối mẫu 10g, trúc nhự 12g, nam tinh chế 6g, gừng 4g. Sắc uống như trên.
Bài 3: “Nhị trần thang” gia giảm: Trần bì 8g, bán hạ chế 8g, thạch xương bồ 12g, cát cánh 8g, phục linh 8g, cam thảo 6g, tri mẫu 12g, bối mẫu 8g. Tất cả phơi khô, tán bột dùng dần. Ngày uống 2 lần mỗi lần 5g.
Châm cứu: Tả: Trung phủ, xích trạch, hợp cốc, túc tam lý, phong long, tam âm giao.
Chứng hư:
- Phế âm hư: Người gầy, họng ráo, ho khan, khản tiếng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít. Mạch tế sác.
Phép chữa: tư âm dưỡng phế.
Bài 1: Sa sâm 12g, thiên môn 12g, mạch môn 12g, tang bạch bì 8g, bố chính sâm 12g, ngưu bàng tử 8g, sinh địa 8g, đan bì 6g, địa cốt bì 8g, trúc lịch 10g. Ngày uống 1 thang.
Bài 2: “Thanh táo cứu phế thang”: Tang diệp 12g, thạch cao 12g, cam thảo 6g, mạch môn 12g, tỳ bà diệp 12g, hạnh nhân 12g, đảng sâm 16g, a giao 8g, gừng 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
Châm cứu: Bổ: Trung phủ, đản trung, thiên đột, hợp cốc.
- Thận âm hư: Họng khô, khàn tiếng, hư phiền không ngủ, đau lưng, mỏi gối, ù tai, hoa mắt, chóng mặt, lòng bàn tay, bàn chân nóng, chất lưỡi đỏ sẫm. Mạch hư, tế sác.
Phép chữa: Bổ thận âm, nạp phế khí, tuyên phế.
Bài 1: Mạch môn, thiên môn, thạch hộc đều 12g, a giao, tô tử, bạc hà, ngưu bàng tử đều 8g, thục địa, câu kỷ tử đều 12g. Sắc uống nóng, ngày 1 thang.
Bài 2: “Thất vị đô khí hoàn”: Thục địa, sơn thù, phục linh đều 12g, hoài sơn 16g, trạch tả, đơn bì, ngũ vị tử đều 8g. Sắc uống như bài trên.
Ngoài ra có khi vì la hét to hoặc nói quá nhiều hại đến phế khí mà sinh mất tiếng thì dùng bài “cát cánh thang”: Cát cánh 6g, cam thảo 6g, quất hồng 4g, ý dĩ 20g, bạch cập 4g, đình lịch sao mật 4g, bối mẫu 8g, kim ngân hoa 20g. Sắc uống như trên.
Châm cứu: Bổ: Thận du, thái khê, nhiên cốc, hợp cốc, thiên đột.
Món ăn, cháo thuốc chữa bệnh:
Đông y điều trị chứng mất tiếng
Bạch cập.
Bài 1: Nhân sâm 12g, xuyên bối mẫu 12g, đông trùng hạ thảo 12g, lê 2 trái, thịt lợn nạc 100g.
Quả lê rửa sạch gọt bỏ vỏ, bỏ tim, thái lát các vị khác rửa sạch, tất cả bỏ vào nồi đất, đổ nước vừa phải, đun trong 4 giờ đồng hồ rồi cho muối gia vị là được.
Ăn canh này có tác dụng tư bổ phế thận, trị mất tiếng, phòng ngừa viêm khí quản, phế quản. Người bị âm hư hỏa vượng, khàn tiếng, cổ họng sưng đau, ho có đờm lẫn máu, tâm phiền, khí táo, mất ngủ đều dùng tốt.
Bài 2: Đảng sâm 250g, sa sâm 120g, long nhãn 120g, mật ong vừa đủ.
Cho vào nồi đất 3 vị thuốc, nước vừa đủ đun 20 phút, rót lấy nước thuốc lần 1. Lại cho nước vào như lần đầu, sắc lấy nước thứ 2. Hợp 2 nước lại, đun nhỏ lửa, cô đặc, thêm mật ong, rồi đun sôi, để nguội cho vào bình đậy kín đùng dần... Ngày uống 2 lần sáng, tối, mỗi lần 50ml.
Tác dụng: Thanh phế nhiệt, bổ nguyên khí, tăng thanh âm, bổ cân lực, trị cơ thể hư nhược, phiền khát, ho khan, khản tiếng.
Bài 3: Bắp cải khô (hoặc rau cải khô) 30-50g, gạo lức 50g. Hai vị đãi sạch cho vào nồi với nửa lít nước, đun to lửa cho sôi rồi chuyển đun nhỏ lửa ninh nhừ thành cháo, cho gia vị mà dùng.
Tác dụng: Dưỡng âm, kiện vị, hóa đờm, hạ khí, trị viêm họng mất tiếng.

Bài 4: Dưa chuột tươi 400g, gừng tươi 15g, hành 10g, tỏi 15g, hoa hiên 15g, đường trắng 40g, trứng gà 2 quả, dầu cải 250ml. Rửa gừng sạch, thái lát mỏng, hành rửa sạch băm vụn, tỏi bóc vỏ thái mỏng, hoa hiên ngâm nở nhặt bỏ cuống, dưa chuột rửa sạch cắt 2 đầu tỉa thành hoa rồi lấy 5g muối ướp một lúc để ráo nước; trứng đập vào bát đánh tan rồi cho xì dầu, bột ngọt, đường, rượu, khuấy đều. Bắc nồi đổ dầu cải đun nóng 7 phần, lấy đũa gắp các miếng dưa chuột nhúng vào bát trứng thả vào chiên vàng mặt, vớt ra đặt vào bát. Bắc nồi khác cho 1 ít dầu cải phi thơm gừng, tỏi, đổ nước dịch hoa hiên, cho tiếp dưa chuột, bột, làm sánh nước, bắc ra là được. Ăn kèm trong bữa ăn. Tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, bổ huyết, trị chứng lợi họng đau mất tiếng.


1 nhận xét: