Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

Phương thuốc khử mùi cơ thể từ Hoàng cung Trung Hoa

Trong nhiều tác phẩm kinh điển cho rằng, chứng hôi nách thuộc bệnh của Can kinh, tạng Can có tà, khí tà lưu ở hai nách mà thành. Ngay trong cung cấm Trung Quốc xưa đã có loại thuốc trị hôi nách cho các mỹ nữ.
Dưới đây xin giới thiệu cụ thể một trong những bí phương của hoàng cung Trung Hoa
Phương thuốc khử mùi cơ thể Mai hoa phấn của Đào Hoằng Cảnh (420 – 589) trích trong “Đoạn cốc bí phương”. Thành phần gồm có: mai hoa băng phiến, thanh mộc hương, thiên trạch hương, hoắc hương, khô phàn, hoạt thạch đều 30g.
Cách chế: nghiền nhỏ mịn các dược liệu trên cất trong lọ.
Cách dùng: thoa đều bột thuốc lên vùng nách, kẽ chân… những nơi dễ sinh mùi nhất. Thoa mỗi ngày 2 lần, sau khi tắm sạch. Sử dụng liên tục 15 ngày làm một liệu trình. Sau từ 2 - 3 liệu trình là khỏi hẳn, chưa thấy tái phát.
Phân tích các vị thuốc ta thấy:
Mai hoa băng phiến có thành phần chủ yếu là Borneol. Băng phiến có vị cay đắng tính hơi hàn, có tác dụng khai khiếu tịch uế. Băng phiến có tác dụng ức chế đối với các loại tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, song cầu phế viêm, trực khuẩn đại tràng và một số nấm gây bệnh ngoài da.
Mai hoa băng phiến
Mai hoa băng phiến
Thanh mộc hương (mật hương) có thành phần chủ yếu là tinh dầu, chất nhựa saussurin và inulin, có mùi hương thơm như mật, cũng vì thế mà có tên này. Xưa kia các đạo gia thường dùng vị này làm thuốc tắm gội khiến người đến già râu tóc vẫn đen mượt. Theo “Bản thảo cương mục”, vị thuốc này cay thơm, có tác dụng hành khí nên chữa được nách hôi ẩm thấp. Còn trên thực nghiệm tinh dầu mộc hương với tỉ lệ 1:3.000, có tác dụng ức chế liên cầu khuẩn, tụ cầu vàng.
Thiên trạch hương có thành phần chủ yếu là nhựa và tinh dầu. Theo sách “Bản thảo hội ngôn”, thiên trạch hương có vị cay thơm, tính ấm, có tác dụng thông khí hóa trệ, tiêu độc bài nùng. Nghiên cứu năm 1998 của Đại học Athena phát hiện ra rằng tinh dầu thiên trạch hương có các thuộc tính kháng khuẩn và nấm.
Thiên trạch hương
Thiên trạch hương
Hoắc hương có thành phần chủ yếu là tinh dầu. Theo sách “Biệt lục” có vị cay tính ôn, có tác dụng phương hương hóa thấp nên khử được ác khí. Dược lý hiện đại nghiên cứu thấy hoắc hương có khả năng kháng khuẩn phổ rộng.
Khô phàn có thành phần chủ yếu là potassium aluminum kiềm tính. Theo sách “Bản kinh” khô phàn có vị chua hàn, có tác dụng giải độc sát trùng, táo thấp giảm ngứa. Trong nghiên cứu invitro cho thấy khô phàn có khả năng ức chế nhiều loại vi khuẩn gram âm và gram dương.
Hoạt thạch có thành phần chủ yếu là magie silicat, theo sách “Bản kinh” có vị ngọt tính hàn, dùng ngoài có tác dụng thanh nhiệt táo thấp, chữa các chứng chàm lở, rôm, sảy. Theo nghiên cứu dược lý hiện đại: bột hoạt thạch hút được liều lượng lớn chất độc và các chất hóa học kích thích, bảo vệ được niêm mạc và da.
Các vị hợp thành của phương thuốc trên gồm các loại hương dược phối hợp với các vị khai khiếu táo thấp tẩy uế khí, vừa làm giảm tiết mồ hôi, kháng khuẩn kháng nấm một cách tự nhiên vừa bảo vệ được da và các tuyến tiết nên công dụng khử mùi hôi càng hiệu quả.

BS. NGUYỄN TRƯƠNG MINH THẾ (ĐHY Dược TP.HCM)

1 nhận xét: